Cần khoảng 3.000 tỷ đồng để Đồng bằng sông Cửu Long xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở
TCCS - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã làm việc với lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long để bàn giải pháp hạn chế thấp nhất hệ lụy do sạt lở gây nên.
Trước những diễn biến ngày càng nghiêm trọng của tình trạng sạt lở ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sáng ngày 27-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có chuyến thị sát tuyến đê biển sạt lở tại địa phận xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông - một trong những “điểm nóng” về sạt lở của tỉnh Tiền Giang.
Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần có các giải pháp xử lý đồng bộ, cả giải pháp công trình và phi công trình, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; phải phối hợp việc trồng rừng, làm đê mềm cũng như làm đê cứng ở một số đoạn.
Mất 300ha đất, rừng ngập mặn do xói lở mỗi năm
Chiều cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để bàn những giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất hệ lụy do sạt lở gây nên; đồng thời đôn đốc tiến độ thi công dự án trọng điểm cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để tăng cường kết nối khu vực này với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do bùn cát từ thượng nguồn về ngày càng giảm, trong khi đó, việc khai thác cát sỏi lòng sông ngày càng gia tăng, cùng với ảnh hưởng lớn dần của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã làm cho tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tại Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phức tạp. Toàn khu vực này có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834km. Nguy hiểm hơn, đã có 52 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài 268km; 512 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài khoảng 566km. Trung bình hằng năm, xói lở đã làm mất khoảng 300 ha đất, rừng ngập mặn ven biển.
Trong vòng 10 năm gần đây, Trung ương đã bố trí tổng kinh phí 16.067 tỷ đồng để xây dựng công trình phòng chống sạt lở. Chỉ riêng trong năm 2018, ngoài việc bố trí ngân sách theo kế hoạch để các địa phương xây dựng công trình phòng, chống sạt lở, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để xử lý 29 dự án cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc 13 tỉnh, thành phố trong vùng.
Do tính chất cấp bách của công tác chống sạt lở cũng như quy mô sạt lở đang gia tăng, đòi hỏi kinh phí ngày càng lớn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành ưu tiên bố trí tăng kinh phí đầu tư xây dựng công trình phòng, chống sạt lở và xử lý sạt lở cấp bách. Bộ cũng kiến nghị gia tăng chế tài xử phạt tình trạng khai thác trái phép cát sỏi lòng sông, ven biển.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng dự báo, sẽ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 ở mức sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm. Trước tình hình đó, Bộ kiến nghị cần tăng cường phương thức lúa - tôm; đẩy sớm khung thời vụ đông xuân ngay từ tháng 10; bố trí những giống tốt, có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn phù hợp để vừa bảo đảm yếu tố kinh tế và giảm nguy cơ thiếu nước cuối vụ.
Tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi, như đắp đập tạm ngăn mặn, giữ ngọt, lắp đặt các trạm bơm dã chiến, tăng cường nạo vét, khơi thông dòng chảy của hệ thống kênh, rạch,...; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Chú trọng áp dụng khoa học và công nghệ vào việc phòng, chống sạt lở
Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quá sốt ruột” về tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng đề nghị cần triển khai ngay những giải pháp xử lý dứt điểm hậu quả từ hiện tượng này.
Tán thành với báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng chỉ rõ, biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp và ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước mà trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ và đồng hành với sự phát triển của khu vực quan trọng này. Do đó, 10 năm qua, Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt, bố trí các nguồn lực ưu tiên cho sự phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, tình hình sạt lở biển, sông đang xảy ra trên diện rộng, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, gây lo lắng trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong vùng.
Về các giải pháp cụ thể, Thủ tướng đề nghị, các địa phương trong vùng đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân, nhất là xóa bỏ, khắc phục những thói quen sinh hoạt, đời sống và canh tác dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu.
Theo Thủ tướng, cần tiến hành đánh giá tổng thể căn cơ trên cơ sở quy hoạch lại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để xử lý tình trạng sạt lở chặt chẽ, hiệu quả hơn; tránh tình trạng “làm trước, hỏng sau”, không phát triển bền vững. Đi liền với đó là giảm thiểu khai thác cát ở các dòng sông; chủ động phân bổ quy hoạch dân cư và làm tốt công tác dự báo. Đặc biệt, cần chú trọng ứng dụng nhiều biện pháp khoa học và công nghệ mới để giảm sóng, gây bồi trong xử lý sạt lở bờ biển.
Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu một số đề tài sát thực với phòng, chống sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long với những giải pháp cụ thể, hiệu quả.
Về kinh phí, Thủ tướng cho rằng, Chính phủ cần kiến nghị Quốc hội bố trí đủ vốn khoảng 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở trong 2 năm 2019 - 2020. Về nguồn lực cụ thể, Chính phủ sẽ xuất ngân sách dự phòng trung ương năm 2019. Bên cạnh đó là bố trí 1.000 tỷ đồng bằng vốn đầu tư trung hạn và một số nguồn ODA khác để đủ 3.000 tỷ đồng vì mục tiêu bảo đảm tính mạng, tài sản, an toàn của người dân Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan sớm đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ; trong đó, nội dung cốt lõi là đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với kết quả khảo sát hiện trường, có vị trí cụ thể, chi tiết; đề xuất chậm nhất trong tháng 10-2019 theo hướng chia làm hai giai đoạn, chủ yếu là năm 2019 và một phần trong năm 2020.
“Đây là quyết sách trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với Đồng bằng sông Cửu Long để xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở tại đây”, Thủ tướng khẳng định. Thủ tướng yêu cầu các địa phương sử dụng nguồn vốn này có hiệu quả nhất, tránh thất thoát, tham nhũng, lãng phí kiểu “ném đá ao bèo” để “cùng chung tay” hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long khắc phục hậu quả thiên tai.
Bảo đảm tiến độ và chất lượng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Cho ý kiến về Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Thủ tướng hoan nghênh các đơn vị thi công và tỉnh Tiền Giang đã thực hiện được 27% khối lượng thi công; giải quyết cơ bản mặt bằng.
Nhấn mạnh các nguồn vốn cho dự án đã được bảo đảm, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan nỗ lực thi công thường xuyên, liên tục bảo đảm tiến độ thông xe toàn tuyến vào 31-12-2019 và hoàn thành toàn tuyến vào 30-4-2020 với điều kiện bảo đảm chất lượng, chống sụt lún trong quá trình thi công dự án. Thủ tướng cũng yêu cầu sớm khởi công Cầu Mỹ Thuận 2 vào tháng 3-2020 với hình thức đầu tư phù hợp, hiệu quả do Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn và quyết định.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bố trí 3.118 tỷ đồng cho hai Dự án cao tốc: Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ. Thủ tướng cũng đồng ý bố trí 932 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2020 cho Dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Tổ chức hội nghị chuyên đề về vụ đông xuân
Tán thành với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các giải pháp của vụ đông xuân năm nay, Thủ tướng đề nghị các địa phương trong vùng chủ động có biện pháp tính toán diện tích lúa để chuyển sang trồng các loại cây khác phù hợp; chuẩn bị kế hoạch cụ thể về khoa học và công nghệ ứng phó với tình hình hiện nay, nhất là về giống. Cùng với đó là yêu cầu bảo đảm nước uống, nước sinh hoạt cho người dân. Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm tổ chức hội nghị chuyên đề về sản xuất vụ đông xuân và giải quyết tình trạng nước uống cho Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hạn mặn năm nay.
Thông báo về tình hình kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của đất nước hiện đang có nhiều chỉ số tốt, có thể đạt mức tăng trưởng từ 6,8% đến 7% trong bối cảnh đất nước vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng đề cao truyền thống kiên cường của dân tộc Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và đối phó với thiên tai, bão lũ.
Thủ tướng tin tưởng và mong muốn Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều hơn nữa vào thành tích chung của cả nước./.
BTV/TTXVN
Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách  (27/09/2019)
Hướng tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X  (25/09/2019)
Thúc đẩy ngành cơ khí Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn  (25/09/2019)
“Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”  (13/09/2019)
Góp phần phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi  (11/09/2019)
Nền kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng tốt  (04/09/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam