50 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
TCCS - Ngày 12-9-2019, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết “50 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”. Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại điện các bộ, ban, ngành; cán bộ, viên chức, người lao động Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch khẳng định, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là di tích quốc gia đặc biệt, nơi Bác đã sống, làm việc, dưỡng bệnh và trút hơi thở cuối cùng (1954 - 1969). Sau khi Bác qua đời, Đảng và Nhà nước ta quyết định bảo quản và gìn giữ lâu dài, nguyên vẹn nơi ở và làm việc của Bác tại Phủ Chủ tịch để mở cửa đón khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, học tập về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Người. Khuôn viên rộng hơn 14ha, với hơn 1.600 tài liệu, hiện vật gốc đang trưng bày, bằng nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, giấy, vải, kim loại…, cùng môi trường cảnh quan đã tạo nên tổng thể Khu di tích. Trải qua nhiều biến động lịch sử và thời gian chiến tranh ác liệt, nơi đây là một trong số rất ít di tích lịch sử cách mạng của Việt Nam còn giữ được gần như nguyên vẹn các yếu tố cấu thành nguyên gốc và ít chịu sự tác động của ngoại cảnh.
Suốt 50 năm qua, các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động Khu di tích các thời kỳ đã sáng tạo, linh hoạt kết hợp bảo quản thông thường với bảo quản khoa học, từng bước áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào công tác bảo quản các di tích, tài liệu, hiện vật và môi trường cảnh quan di tích. Hằng năm, Khu di tích thực hiện các chế độ bảo quản định kỳ, kết hợp với tu bổ, chống xuống cấp di tích, lắp đặt thiết bị bảo quản, áp dụng công nghệ khí khô, lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, sử dụng máy soi kiểm tra an ninh, tu bổ và nâng cấp vườn quả, hút bùn ao cá bằng công nghệ tiên tiến… Với những nỗ lực không mệt mỏi và giải pháp kỹ thuật đồng bộ, Khu di tích đã giữ gìn tốt các di tích, tài liệu, hiện vật, môi trường cảnh quan di tích.
Khu di tích còn bảo tồn và phát huy những giá trị tinh thần vô giá, không ngừng tham gia các hoạt động nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân cả nước và khách quốc tế, thông qua những hình thức thuyết minh, hướng dẫn, giới thiệu trực tiếp cho hàng chục triệu lượt người đến thăm. Khu di tích còn tổ chức và phối hợp thực hiện nhiều triển lãm, hội thảo, tọa đàm khoa học trong nước và quốc tế; thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và đóng góp hàng trăm báo cáo tham luận; tổ chức nhiều buổi nói chuyện, giao lưu; viết bài tuyên truyền; xây dựng trang tin điện tử và xuất bản 2 số đặc san, 4 đến 5 đầu sách mỗi năm cùng những ấn phẩm khác về Bác Hồ. Nhiều buổi sinh hoạt truyền thống, giao lưu giữa các thế hệ cách mạng; lễ báo công kết nạp đảng viên, phát động, sơ kết, tổng kết cuộc vận động học tập và làm theo Bác; các cuộc thi kể chuyện về tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thi hướng dẫn viên du lịch giỏi… được tổ chức tại Khu di tích đạt hiệu quả cao, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Khu di tích đã trở thành nơi hội tụ tình cảm, tấm lòng với Bác Hồ của nhân dân cả nước và khách quốc tế đến Việt Nam. Từ năm 1970 đến nay, Khu di tích đã đón tiếp hơn 80 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Năm 2019, Khu di tích đón 2,5 triệu lượt khách; 8 tháng đầu năm 2019, Khu di tích đón 2 triệu lượt khách. Với sự năng động và cầu thị, Khu di tích có nhiều chương trình giao lưu, hợp tác quốc tế để trao đổi kinh nghiệm hoạt động với nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là những nơi Bác Hồ từng sống và làm việc trong suốt hành trình 30 năm tìm đường cứu nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao tâm huyết và những nỗ lực của các cán bộ, nhân viên và người lao động qua các thế hệ của Khu di tích trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nửa thế kỷ qua, Khu di tích đã trở thành nơi hội tụ, lan tỏa những giá trị nhân văn cao cả, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một địa chỉ vô cùng thiêng liêng, là nơi mọi người dân trong nước và bạn bè quốc tế đến để tưởng nhớ Bác, hiểu về công lao to lớn, cảm nhận sâu sắc cốt cách, tâm hồn, cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Bác và đặc biệt là nơi học tập, làm theo tấm gương vĩ đại của Người. Đến đây để mỗi người lắng đọng, suy ngẫm về bản thân để tu dưỡng, rèn luyện cho mình “trong sáng hơn”, tốt đẹp hơn, sống và làm việc xứng đáng với Bác. Chính vì các giá trị văn hóa mang tầm quốc tế như vậy nên việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là trách nhiệm thiêng liêng không chỉ của Khu di tích, của ngành văn hóa mà là của toàn dân Việt Nam. Không chỉ thế, noi gương Bác, mỗi cán bộ, đảng viên và toàn dân ta cần không ngừng đoàn kết, cố gắng thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước, hoàn thành tâm nguyện của Bác kính yêu, đưa nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới./.
Phong trào hành động cách mạng của thanh niên Việt Nam qua 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (08/09/2019)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh  (01/09/2019)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh  (31/08/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên