Vào rạng sáng ngày hôm nay (16-5), phiên điều trần đầu tiên về chất độc da cam trên phương diện của nạn nhân Việt Nam đã kết thúc tại phòng 2172 của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ.

Với chủ đề “Trách nhiệm bị lãng quên của chúng ta: chúng ta có thể làm gì để giúp các nạn nhân chất độc da cam?", nghị sỹ E-ni Fa-li-ma-vai-ga (Eni Faleomavaega), Chủ tịch Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương, khẳng định vấn đề này đã bị lãng quên quá lâu, đặc biệt 30 năm sau khi cuộc chiến đã kết thúc.

“Da cam là vấn đề nhân đạo”- nghị sỹ Fa-li-ma-vai-ga nhấn mạnh và kêu gọi tìm cách để “hai chính phủ và các công ty cùng chung nguồn lực để giúp đỡ các nạn nhân da cam thay vì chỉ để hàng triệu các nạn nhân da cam nghèo khó của Việt Nam tự gánh chịu lấy hậu quả thảm khốc này.”

Phát biểu tại đây, các nghị sỹ lãnh đạo Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương và môi trường toàn cầu đã nhắc lại hành động sử dụng chất độc màu da cam của quân đội Mỹ trong chiến tranh và những ảnh hưởng nghiêm trọng của loại độc tố này đối với con người và môi trường. Các nghị sỹ Mỹ khẳng định chất độc màu da cam đã gây ảnh hưởng cho cả binh sỹ Mỹ và người dân Việt Nam, do vậy những nạn nhân của loại hóa chất này cần được bồi thường và trợ giúp...

Sau các cuộc chiến tranh, nhiều nước như Nhật Bản, Đức, I-rắc đã nhận được những khoản trợ giúp nhiều tỉ USD để giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh, trong đó có nhiều người là nạn nhân của các loại vũ khí hóa học và các loại hóa chất độc hại khác, do vậy những nạn nhân của chất độc màu da cam cũng cần được đối xử công bằng. Chính phủ và các công ty sản xuất hóa chất Mỹ đã thoái thác trách nhiệm này đối với các nạn nhân.

Trong bài phát biểu của mình, bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng nêu rõ với gần 40 năm công tác tại bệnh viện Từ Dũ, nơi mỗi năm có khoảng 45.000 trẻ em được sinh ra và khoảng 2% trong số đó là những đứa trẻ bị khuyết tật, dị dạng, qua nghiên cứu nhiều năm bà có thể khẳng định đó là một phần hậu quả của chất độc màu da cam.

Bác sỹ Phượng cho biết, trong cuộc chiến tại Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng hơn 20 triệu ga-lông (1 ga-lông bằng 3,78 lít) hóa chất trong đó có chứa 366 kg chất độc dioxin trên lãnh thổ Việt Nam. Các loại hóa chất độc hại đó được rải trên đất liền, trong rừng rậm, trên những cánh đồng và thậm chí tại cả những làng mạc của người Việt Nam... và đó là nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ em dị tật bẩm sinh, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư cao hơn bình thường.

Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng bày tỏ hy vọng, với việc lần đầu tiên Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương và môi trường toàn cầu tổ chức phiên điều trần này, Quốc hội và công chúng Mỹ sẽ hiểu hơn về những gì mà các nạn nhân chất độc màu da cam đã, đang và sẽ còn phải đối mặt. Bác sỹ Phượng hy vọng sự ủng hộ từ phía Quốc hội Mỹ sẽ làm thay đổi và tạo ra những hoạt động hiệu quả hơn nhằm giúp đỡ các nạn nhân chất độc màu da cam ở cả Mỹ và Việt Nam.

Cũng theo bác sỹ Ngọc Phượng, mỗi năm Chính phủ Việt Nam chi trên 50 triệu USD để trợ giúp các nạn nhân chất độc màu da cam và cũng đã chi nhiều triệu USD cho các chương trình khắc phục môi trường, trong đó có việc trồng rừng ngập mặn... Các hoạt động trợ giúp cho nạn nhân chất độc màu da cam tại Việt Nam đang ngày càng được chú ý, trong đó có cả sự hỗ trợ từ phía Chính phủ cũng như từ các tổ chức xã hội, quần chúng nhân dân.

Phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, ông Scốt Mác-si-en (Scot Marciel) cho biết, Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi những biện pháp có tính xây dựng trong việc phối hợp với Chính phủ Việt Nam và các đối tác khác quan tâm tới vấn đề chất độc màu da cam để cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan.

Nhữngngười điều trần khác như bà Ca-ta-rin Da-pi-no (Catharin E. Dalpino) của Đại học Gioóc-giơ-tao (Georgetown), Rich Uêy-man (Rich Weiman) từ hội cựu chiến binh Mỹ, Vao-ghen Tu-re-ki-an (Vughan C.Turekian) của nhóm đối thoại Việt Mỹ về chất độc da cam dioxin đều có các bài điều trần kêu gọi chính phủ Mỹ nên quan tâm hơn nữa đến vấn đề này.

Ông Oat-tơ I-xa-ac-xơn (Walter Isaacson), Chủ tịch viện ASPEN không tham dự nhưng cũng gửi bài trình bày mang tên “Hợp tác để hàn gắn vết thương chiến tranh” trong đó khẳng định “không thể lượng hóa hết được những thiệt hại đối với sức khỏe con người và môi trường tại Việt Nam” và kêu gọi tiến hành hỗ trợ nhân đạo cho những người bị tàn tật.

Đại diện của Hiệp hội Quốc tế các Luật sư Dân chủ, của Hiệp hội Mỹ về sự tiến bộ của khoa học, của Hội cựu chiến binh Việt Nam của Mỹ (VVA)... cũng đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ và các công ty sản xuất hóa chất Mỹ từng cung cấp chất độc màu da cam cho quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam phải có trách nhiệm đối với các nạn nhân chất độc màu da cam.

Kết luận phiên điều trần, nghị sĩ E-ni cho rằng đây là khởi đầu để các bước tiếp theo có thể được tiến hành nhằm hỗ trợ hơn nữa cho các nạn nhân da cam Việt Nam. Rất tiếc rằng dù có nhiều người tới để nghe tại phiên điều trần nhưng Tiểu ban châu Á, Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ chỉ có 2 nghị sĩ là ông Chủ tịch và Phó chủ tịch tham dự phiên điều trần lần này./.