Sáng nay (11-6), Lễ phát động thi đua kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2008) đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Đến dự có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm; cùng nhiều vị lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp ở Trung ương và Hà Nội.

Trong Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng năm 2007, năm thứ 2 thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 8/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trình bày, đã nhấn mạnh đặc điểm nổi bật trong phong trào thi đua năm 2007 là hoạt động của các cụm, khối thi đua đã đi vào nề nếp. Các phong trào thi đua đã từng bước được phát động ngày càng sâu rộng, toàn diện trên tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống; việc tổ chức các phong trào thi đua được lồng ghép và gắn với việc thực hiện các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng, chống tham nhũng... Các nội dung tiêu chí thi đua đã được các cụm, khối thi đua, các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị cấp dưới cụ thể hóa thành các tiêu chí thi đua cụ thể, sát với thực tiễn hoạt động.

Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh và các đoàn thể quần chúng đã đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào nhân đạo, từ thiện như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”. Trong năm 2007, Quỹ “Vì người nghèo” đã vận động được trên 320 tỉ đồng, xây dựng mới và sửa chữa trên 50.000 căn nhà; phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” đã đóng góp trên 158 tỉ đồng, xây dựng mới 8.415 nhà tình nghĩa... Các phong trào thi đua đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo đạt hiệu quả.

Công tác khen thưởng đã có nhiều đổi mới, khởi sắc, chất lượng và hiệu quả khen thưởng được nâng lên rõ rệt, kịp thời động viên những tập thể, cá nhân trong và ngoài nước có nhiều thành tích, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quan hệ giữa phong trào thi đua và công tác khen thưởng ngày càng gắn kết hơn, thông qua các phong trào thi đua xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, nhiều nhân tố mới xứng đáng được khen thưởng. Việc khen thưởng kịp thời cũng góp phần cổ vũ, động viên các phong trào thi đua phát triển mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, trong Báo cáo cũng nêu rõ những mặt hạn chế trong thi đua, khen thưởng. Phong trào thi đua chưa đồng đều, hiệu quả phong trào thi đua còn thấp. Công tác tổng kết rút kinh nghiệm, nhân điển hình tiên tiến chưa được quan tâm đúng mức. Có những điển hình tốt chưa được quan tâm, bồi dưỡng và giữ vững; công tác thông tin tuyên truyền tuy đã có cải thiện song vẫn đưa tin tiêu cực nhiều hơn, việc tuyên truyền các nhân tố mới và điển hình tiên tiến còn ít, phần nào gây phân tâm trong nhân dân...

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát động đợt thi đua đẩy mạnh thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Thủ tướng nêu rõ những trọng tâm của phong trào thi đua trong thời gian tới:

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội, người người thi đua, ngành ngành thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2006-2010) theo Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Trước mắt tập trung thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2008, mà trọng tâm là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế bền vững…

Tiếp tục phát động và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua toàn dân làm kinh tế giỏi, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mở rộng thiết thực phong trào cả nước xây dựng nếp sống văn hoá và trở thành một xã hội học tập; tôn vinh, biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt; bồi dưỡng và nhân rộng các tấm gương điển hình tiên tiến.

Tiếp tục nghiên cứu và quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; thực hiện tốt Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Các cấp, các ngành tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị của Bộ Chính trị, nghiêm túc thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng và các quy định của Chính phủ. Gắn kết phong trào thi đua với môi trường cạnh tranh, hợp tác bình đẳng và lành mạnh theo pháp luật để nâng cao hiệu quả kinh tế, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu và lợi ích của mỗi người, của tập thể và của đất nước.

Nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng và người đứng đầu các tổ chức; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với công tác thi đua, khen thưởng, làm cho công tác thi đua, khen thưởng thực sự là phong trào của quần chúng, là sức mạnh của nhân dân và phải khắc phục tính hình thức trong thi đua, khen thưởng, đặc biệt là phải ngăn ngừa và loại trừ bệnh thiếu trung thực; phải làm cho công tác thi đua, khen thưởng thực sự là động lực tinh thần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng con người mới.
 
Nhân dịp này, 65 đơn vị đạt giải nhất, nhì, batrong phong trào thi đua toàn quốc năm 2007 đã được tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tặng Cờ thi đua cho 17 đơn vị cụm khối đạt giải nhất./.