1. Khánh thành cầu Rạch Miễu

Sáng 19-1, Bộ Giao thông Vận tải cùng hai tỉnh Bến Tre, Tiền Giang tổ chức lễ khánh thành cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền, nối liền Tiền Giang, Bến Tre. Cầu Rạch Miễu có tổng chiều dài 8.331m, trong đó cầu dây văng dài 504m, phần cầu dẫn dài 2.374m, phần đường và nút giao thông dài 5.372m; có tổng vốn đầu tư 1.400 tỉ đồng. Công trình cầu Rạch Miễu được chính thức khởi công vào ngày 30-4-2002. Điều rất mới và đáng trân trọng nhất là cây cầu dây văng do chính các kỹ sư Việt Nam thiết kế và thi công theo công nghệ mới. Công trình Cầu Rạch Miễu này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

2. Việt Nam chủ trì khóa họp Hội nghị giải trừ quân bị

Ngày 20-1-2009, tại Văn phòng Liên hợp quốc ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) đã khai mạc phiên họp toàn thể thứ 1118 của Khóa họp đầu tiên Hội nghị giải trừ quân bị (CD) năm 2009, dưới sự chủ trì của Ðại sứ Việt Nam Lê Hoài Trung, Chủ tịch luân phiên của Hội nghị giải trừ quân bị, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị. Ðại diện 65 nước thành viên Hội nghị, Tổng Thư ký Hội nghị giải trừ quân bị đã dự khóa họp. Tại phiên khai mạc, Ðại sứ Lê Hoài Trung nhấn mạnh: Việt Nam đảm nhận nhiệm vụ chủ trì khóa họp với cam kết là một nước thành viên và trên cơ sở chính sách ngoại giao độc lập, hòa bình, hợp tác và phát triển, phấn đấu vì hòa bình, ngăn chặn chiến tranh và thúc đẩy giải trừ quân bị và an ninh quốc tế phù hợp Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Ðại sứ nêu bật những đóng góp cụ thể của Việt Nam trong những nỗ lực hòa bình, hữu nghị và hợp tác ở Ðông Nam Á và tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà Việt Nam đang là Ủy viên không thường trực; cũng như việc Việt Nam tham gia tất cả các hiệp ước đã được Hội nghị giải trừ quân bị và các tổ chức tiền thân thông qua, trong đó Việt Nam đã ký Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) năm 2006 và Nghị định thư bổ sung cho các hiệp định bảo vệ an toàn hạt nhân năm 2007.

3. Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Lào

Ngày 20-1-2009, Ðại sứ nước CHDCND Lào tại Việt Nam Xủn-thon Xay-nha-chắc tổ chức gặp mặt thân mật nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Lào (20-1-1949 - 20-1-2009). Tới dự có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng và lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành hai nước Việt Nam - Lào. Ðại sứ Xủn-thon Xay-nha-chắc và Ðại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đánh giá cao những thành tựu to lớn mà Quân đội nhân dân Lào đạt được trong 60 năm xây dựng và phát triển, sau khi đất nước Lào được giải phóng, tiếp tục đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựngvà bảo vệ đất nước. Ðại sứ Xủn-thon Xay-nha-chắc cảm ơn sâu sắc sự quan tâm, giúp đỡ của Ðảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam tới Quân đội nhân dân Lào nói riêng và nhân dân các bộ tộc Lào nói chung, trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

4. Gặp mặt hữu nghị mừng Xuân Kỷ Sửu

Ngày 20-1-2009, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tổ chức cuộc gặp mặt hữu nghị mừng Xuân với đại diện Ðoàn Ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam. Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng nêu rõ, năm 2008 tổng mức viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam đạt 260 triệu USD, cao hơn năm trước. Hàng nghìn chương trình, dự án viện trợ nhân đạo và phát triển đang được triển khai tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Ðại diện Tổ chức Oxfam Anh đánh giá cao kết quả công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển ở Việt Nam; cam kết tiếp tục hợp tác, giúp đỡ Việt Nam.

5. Chủ tịch Quốc hội Cam-pu-chia kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam

Ngày 20-1-2009, Chủ tịch Quốc hội Hiêng Xam-rinh và Phu nhân, cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Vương quốc Cam-pu-chia rời Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Hai bên bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai nước; khẳng định luôn coi trọng và quyết tâm thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia vì lợi ích của nhân dân hai nước, hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới. Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ giao lưu, hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa hai Quốc hội, góp phần vào sự phát triển chung của quan hệ hai nước.

6. Việt Nam bác bỏ luận điệu của Human Rights Watch

Ngày 22-1, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bác bỏ các thông tin bịa đặt trong báo cáo mới đây của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) liên quan đến đồng bào Khmer ở Việt Nam. đồng bào Khmer ở Nam Bộ là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng 54 dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, không cho phép bất cứ một hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp và được tôn trọng trên thực tế. Các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Khmer, được đối xử bình đẳng và được Nhà nước hết sức quan tâm, tạo mọi điều kiện cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Hoàn toàn không có việc đàn áp hay hạn chế quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do ngôn luận đối với những người dân tộc Khmer tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

7. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi thăm và chúc Tết đồng bào cả nước

Sáng 22-1 (27 tháng Chạp Mậu Tý) sau lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã chúc mừng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lão thành cách mạng, nhân kỷ niệm lần thứ 79 Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2009) và Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009. Tổng Bí thứ nhấn mạnh, năm Kỷ Sửu 2009 sẽ là năm còn nhiều khó khăn, thử thách đối với đất nước, là năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng. Trong điều kiện đó, chúng ta phải chủ động, nhạy bén, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ngăn chặn suy giảm kinh tế, phòng ngừa lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội; củng cố, phát triển những yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường; tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành đã đi thăm và chúc Tết đồng bào các tỉnh, thành trong cả nước./.