Lãnh đạo Chính phủ tiếp các Đoàn đại biểu người có công
TCCSĐT - Chiều 22-5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp Đoàn đại biểu người có công tỉnh Nghệ An, Tiền Giang nhân dịp đoàn ra thăm Hà Nội và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
* Chiều 22-5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tiếp Đoàn đại biểu người có công tỉnh Nghệ An nhân dịp đoàn ra thăm Hà Nội và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, tỉnh Nghệ An luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, kinh tế và văn hóa; là vùng “phên dậu” của đất nước. Đặc biệt, hơn 80 năm qua, Việt Nam từ một dân tộc nô lệ, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được độc lập, chiến thắng giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Để có được những thành quả đó, đồng bào, nhân dân mọi miền đất nước đã phải hy sinh xương máu và tổn thất to lớn, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các thế hệ người dân tỉnh Nghệ An.
Phó Thủ tướng cho biết, Đảng và Nhà nước luôn ghi nhớ công ơn và có chính sách ưu đãi cho các đối tượng người có công. Các chính sách đó chủ yếu gồm: hỗ trợ về nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, ưu tiên trong giáo dục đào tạo, dạy nghề và việc làm...
“Chúng ta có làm bao nhiêu cũng không đủ để đền đáp công ơn của các lớp cha anh. Cả hệ thống chính trị phải tăng cường nhận thức, có trách nhiệm và làm hết khả năng để quan tâm đến đời sống của người có công, gia đình chính sách”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, gần đây, sau đợt tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị giao các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi, xử lý những vướng mắc trong quy định, quan tâm bố trí ngân sách hỗ trợ công tác người có công....
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Nghệ An trong việc quan tâm, chăm lo thực hiện chế độ chính sách người có công, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam; đồng thời mong muốn người có công tỉnh Nghệ An tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ý chí của người chiến sỹ cộng sản, nêu gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo, trước hết là vận động con cháu thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có trên 590.000 người tham gia quân đội, trong đó có hơn 45.000 liệt sỹ, gần 5.200 cán bộ lão thành cách mạng, hơn 2.700 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Địa phương hiện đang quản lý và chi trả trợ cấp thường xuyên, một lần cho trên 73.000 người có công (chiếm 2,24% dân số toàn tỉnh), với tổng kinh phí trên 116 tỷ đồng/tháng.
Những năm qua, các chế độ chính sách dành cho người có công được tỉnh Nghệ An triển khai rất kịp thời, đúng quy định. Đến nay, các nghĩa trang, nhà tưởng niệm, đền thờ liệt sỹ hầu hết được nâng cấp và sửa chữa, chỉnh trang hoàn chỉnh.
Đặc biệt, trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, tỉnh Nghệ An đã thực hiện cơ bản việc phân loại, thẩm định đối với 820 hồ sơ cựu thanh niên xung phong tồn đọng đề nghị xác nhận người có công; thực hiện việc cấp kinh phí hỗ trợ nhà cho hơn 20.000 hộ, trong đó xây mới nhà cho gần 10.000 hộ....
** Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tiếp Đoàn đại biểu người có công với cách mạng tỉnh Tiền Giang.
Báo cáo với Phó Thủ tướng, đại diện Đoàn đại biểu người có công tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện tỉnh có hơn 130.000 đối tượng người có công, trong đó có trên 20.000 người đang được hưởng trợ cấp hàng tháng. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tiền Giang luôn chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. Ngoài ngân sách Trung ương, hàng năm, tỉnh dành 20 tỉ đồng từ ngân sách địa phương để thăm hỏi, tặng quà gia đình người có công dịp lễ, Tết; mua bảo hiểm y tế cho 100% người có công; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; đỡ đầu con thương binh liệt sỹ vượt khó học tập; xây dựng, sửa chữa Nhà tình nghĩa…
Tuy nhiên, hiện Tiền Giang còn 264 hộ chính sách thuộc diện hộ nghèo. Tỉnh đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao đời sống cho các gia đình này để các hộ chính sách nhanh chóng thoát nghèo, có mức sống ngang bằng với người dân ở địa phương.
Tại cuộc gặp, các thành viên trong đoàn đã bày tỏ sự biết ơn đối với Đảng, Nhà nước, dù còn nhiều khó khăn, đã dành nhiều nguồn lực để chăm lo toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; đồng thời khẳng định những người có công luôn là những tấm gương giáo dục đạo đức cho con cháu noi theo.
Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ vui mừng và vinh dự khi được đón tiếp Đoàn đại biểu người có công tỉnh Tiền Giang nhân dịp Đoàn về thăm Thủ đô Hà Nội. Phó Thủ tướng khẳng định, đất nước phát triển được như ngày hôm nay là nhờ một phần rất lớn công lao của các anh hùng, liệt sỹ. Đảng, Nhà nước luôn nhớ ơn và dành mọi điều kiện tốt nhất để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công, gia đình chính sách...
Trao đổi với thành viên trong đoàn, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, đất nước đã đạt được những thành tựu phát triển, được quốc tế đánh giá cao. Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng liên tục cao thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, lại phải chịu đựng những hậu quả chiến tranh nặng nề nên Việt Nam vẫn còn rất nghèo. Do vậy không có cách nào khác là đất nước phát triển nhanh hơn nữa để có nguồn lực chăm lo cho người dân, trong đó có người có công, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển giáo dục, khoa học công nghệ… Nhưng phát triển nhanh đồng thời phải bền vững, phải giữ gìn được truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Phó Thủ tướng cho rằng cần tận dụng, phát huy những lợi thế từ sự ổn định chính trị, an toàn xã hội, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách thông thoáng, năng lực cạnh tranh hấp dẫn…
Đặc biệt, phải đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, phát triển con người; đầu tư cho khoa học, công nghệ thì mới tận dụng được cơ hội từ Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó đưa đất nước vượt lên, để xứng đáng với mong ước của Bác Hồ, của hàng triệu các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Phó Thủ tướng mong muốn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội. Phó Thủ tướng đề nghị, tỉnh Tiền Giang cần tiếp tục chăm lo, dành nguồn lực để bảo đảm và nâng cao hơn nữa đời sống cho gia đình chính sách, người có công./.
Liên minh châu Âu trước cuộc bầu cử nghị viện  (22/05/2019)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 13 đến ngày 19-5-2019)  (22/05/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển