Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV: Tập trung cho xây dựng pháp luật
Chiều 17-5, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì buổi họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Chiều 17-5, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì buổi họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào sáng 20-5. Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 20 ngày (không kể ngày nghỉ) và họp phiên bế mạc vào ngày 14-6.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Kỳ họp thứ 7 là kỳ họp giữa năm 2019 - năm thứ tư của nhiệm kỳ, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tại Kỳ họp này, theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp giữa năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (12 ngày, chiếm gần 60% tổng thời gian của kỳ họp).
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (8 ngày, trong đó có 2,5 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội).
Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua bảy dự án luật, hai nghị quyết và cho ý kiến đối với chín dự án luật khác.
Các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng, điểm đáng chú ý là tại kỳ họp này sẽ có đổi mới trong việc báo cáo kết quả giám sát trước Quốc hội. Tham gia các Đoàn giám sát có phóng viên của Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức ghi hình, biên tập xây dựng phóng sự phục vụ Đoàn giám sát sử dụng hình thức báo cáo bằng hình ảnh trước Quốc hội, góp phần chuyển tải sinh động về kết quả giám sát chuyên đề.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.
Việc xem xét báo cáo này sẽ được kết hợp thảo luận với các nội dung về: việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; xem xét, quyết định việc bổ sung danh mục dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020.
Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6 và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, tiến hành theo quy định chất vấn theo nhóm vấn đề, được lựa chọn dựa trên ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Tại buổi họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội đã trả lời các câu hỏi mà phóng viên báo chí quan tâm.
Liên quan đến tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông gây tai nạn nghiêm trọng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc xử lý vi phạm được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính...
Tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số đại biểu cho rằng, việc xử phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe và đề nghị Quốc hội phải ra Nghị quyết về vấn đề này. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ thảo luận về vấn đề này và đưa ra biện pháp để xử lý ngay được tình trạng lái xe sử dụng rượu bia khi lái xe.
Theo Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nêu rõ, trong Bộ luật Lao động năm 2012, toàn bộ nội dung cơ bản của Công ước đã được nội luật hóa. Quốc hội sẽ sửa đổi một số nội dung còn lại để đảm bảo việc thực thi Công ước 98 được thuận lợi hơn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc khi phê chuẩn Công ước này, Việt Nam phải sửa đổi Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn nhưng trong dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 7 chỉ có dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), đồng chí Bùi Sỹ Lợi cho biết, trong bản thuyết minh về phê chuẩn Công ước 98 chỉ đề xuất sửa đổi Bộ luật Lao động hiện hành và hai Nghị định. “Chưa bàn đến Luật Công đoàn không có nghĩa là không liên quan”, đồng chí Bùi Sỹ Lợi khẳng định.
Theo đồng chí Bùi Sỹ Lợi, hiện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có công văn yêu cầu và trong Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, sửa đổi Luật Công đoàn, chắc chắn dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ được trình ra Quốc hội cho ý kiến./.
Thủ tướng đề nghị Brazil tạo thuận lợi cho hàng nông sản Việt Nam  (17/05/2019)
Tăng cường thu hồi tài sản tham nhũng thông qua hoạt động xét xử  (17/05/2019)
Nam Đàn: Lựa chiều tín dụng thổi bùng sức sống nông thôn mới  (17/05/2019)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 06 đến 12-5-2019)  (17/05/2019)
Bầu cử ở Australia: Kết quả khó dự báo  (17/05/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên