Hoạt động nổi bật của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ngày 08-5
TCCSĐT - Ngày 08-5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tiếp ông Him Chhem, Bộ trưởng cao cấp kiêm Bộ trưởng Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Campuchia; tiếp đoàn đại biểu người có công với cách mạng tỉnh Kon Tum nhân dịp đoàn ra thăm Thủ đô Hà Nội, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Campuchia hợp tác toàn diện, bền vững
Sáng 08-5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tiếp ông Him Chhem, Bộ trưởng cao cấp kiêm Bộ trưởng Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Campuchia đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao những thành tựu tốt đẹp mà nhân dân Campuchia anh em đã đạt được trong những năm qua, dưới sự trị vì anh minh của Quốc vương Norodom Sihamoni và sự lãnh đạo đúng đắn của Thượng viện, Quốc hội và Chính phủ Hoàng gia Campuchia do Đảng CPP đóng vai trò then chốt; mong muốn nhân dân Campuchia sẽ tiếp tục giành được những thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng đất nước hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng.
Phó Thủ tướng bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ Việt Nam-Campuchia tiếp tục phát triển vững chắc theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.
Điều này được thực hiện cụ thể qua các hoạt động trao đổi đoàn các cấp mà gần đây nhất là chuyến thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (tháng 02-2019), chuyến thăm nghỉ dưỡng tại Việt Nam của Quốc vương Norodom Sihamoni và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Hun Sen (tháng 12-2018).
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình gửi lời cảm ơn tới Thủ tướng Hun Sen đã sang dự Lễ tang nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh; nhấn mạnh quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia đặc biệt ở mọi cấp, mọi ngành, trong quan hệ đối ngoại nhân dân và nhất là ở các địa phương khu vực biên giới.
Mối quan hệ này tiếp nối truyền thống đoàn kết của các nước Đông Dương trước đây và hiện nay, đây là điều hết sức quý giá và không thể chia tách. Tình cảm hữu nghị của hai nước đã góp phần xây dựng nền hòa bình của khu vực.
Đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ Lễ nghi và Tôn giáo, đặc biệt là hoạt động bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác dân tộc cho học viên là các cán bộ làm công tác dân tộc của Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Campuchia, Phó Thủ tướng cho rằng, Campuchia và Việt Nam là hai nước láng giềng gần gũi, có nhiều nét văn hóa tương đồng, là nơi tập trung của cộng đồng các dân tộc khác nhau và Phật giáo cũng giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của mỗi quốc gia.
Phó Thủ tướng mong Bộ trưởng Him Chhem với vai trò quan trọng của mình sẽ có những đóng góp tích cực để tăng cường hơn nữa tình đoàn kết, gắn bó và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới; có ý kiến về việc tiếp tục có những biện pháp phù hợp để bảo đảm các quyền lợi hợp pháp và lợi ích chính đáng của người gốc Việt tại Campuchia.
Bộ trưởng Him Chhem đã thông tin về một số hoạt động của đoàn đại biểu Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Campuchia tại Việt Nam. Tại buổi hội đàm với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc diễn ra trước đó, hai bên đã trao đổi các biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc; trao đổi, chia sẻ về Phật giáo, hướng tới giáo dục con người sống tốt đẹp hơn.
Bộ trưởng Him Chhem mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Campuchia trong bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác dân tộc của Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Campuchia, tiếp tục thúc đẩy quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài.
Chăm lo tốt cho gia đình chính sách là nghĩa vụ và tình cảm thiêng liêng
Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tiếp đoàn đại biểu người có công với cách mạng tỉnh Kon Tum nhân dịp đoàn ra thăm Thủ đô Hà Nội, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bày tỏ xúc động được đón tiếp đoàn, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, Kon Tum là một vùng đất anh hùng, vùng căn cứ địa của cách mạng, nơi chiến trường diễn ra ác liệt. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng một lòng, một dạ theo Đảng, có nhiều đóng góp, hy sinh lớn lao cho đất nước.
Phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công, thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc.
Chính phủ, lãnh đạo các địa phương, mặt trận, đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thường xuyên tổ chức các phong trào đền ơn đáp nghĩa. Các phong trào này đã lan tỏa rộng khắp, góp phần xoa dịu vết thương chiến tranh, đền đáp công ơn hy sinh xương máu của các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, hiện vẫn còn một bộ phận thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, cần sự quan tâm hơn nữa của cộng đồng, nhất là những hộ gia đình chính sách ở vùng sâu, vùng xa, nhiều trường hợp hoàn cảnh khó khăn, neo đơn.
Phó Thủ tướng mong muốn các cấp, các ngành và mỗi người dân tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa phong trào đền ơn, đáp nghĩa, đặc biệt là các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, không ngừng phấn đấu khắc phục hoàn cảnh, vươn lên làm giàu cho bản thân và cho xã hội, nêu cao gương sáng cho thế hệ trẻ, vận động gia đình, giáo dục con cháu thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các thành viên của đoàn tích cực tham gia ý kiến xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Kon Tum trong việc chăm lo cho người có công, gia đình chính sách. Cho rằng đất nước ta ngày càng phát triển và có được thành quả như ngày hôm nay cũng chính là nhờ sự cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh và gia đình có công với cách mạng, Phó Thủ tướng nêu rõ, chăm lo tốt hơn nữa đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng chính là nghĩa vụ, tình cảm thiêng liêng mà Đảng và chính quyền, nhân dân trong toàn tỉnh phải tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về các chế độ ưu đãi đối với người có công; thực hiện tốt Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chăm sóc người có công với cách mạng; đẩy mạnh xã hội hóa việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng và giúp đỡ người có công khác, đặc biệt là phát triển mạnh việc xây dựng quỹ đền ơn, đáp nghĩa ở các cấp, phấn đấu ngày càng nhiều xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh làm tốt công tác quy tập hài cốt liệt sỹ, kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể, cá nhân tham gia vào phong trào đền ơn, đáp nghĩa, tạo điều kiện để gia đình người có công có cuộc sống ổn định, với mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương.
Đến nay, tỉnh Kon Tum đã xác lập hồ sơ, tiếp nhận và giải quyết chế độ cho trên 51.000 người có công, trong đó người tham gia hoạt động kháng chiến là 37.700 người. Hiện có hơn 5.600 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Có 3/122 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang, 125 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 1.100 thương binh... Tính đến cuối năm 2018, có 91,3% hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú./.
Dấu hỏi lớn cho tương lai thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung  (08/05/2019)
Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Góp phần định hình nhân cách tốt đẹp cho thế hệ trẻ  (08/05/2019)
Triển vọng hợp tác Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc trước những diễn biến mới ở khu vực Đông Bắc Á  (08/05/2019)
Việt Nam với CPTPP: Cơ hội và thách thức  (08/05/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển