Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 15 đến 21-4-2019)
TCCSĐT - Chỉ trong ngày 21-4, người dân Sri Lanka và cả thế giới bàng hoàng khi chứng kiến hàng loạt vụ đánh bom liên tiếp, làm rung chuyển thủ đô Colombo và các vùng lân cận của Sri Lanka. Hơn 190 người thiệt mạng và gần 500 người bị thương trong 8 vụ nổ liên tiếp là những con số thiệt hại ước tính ban đầu. Song con số này được cho là sẽ có thể còn tăng lên.
Sri Lanka đối mặt với thách thức an ninh nghiêm trọng
Lực lượng an ninh Sri Lanka phong tỏa hiện trường vụ nổ tại nhà thờ ở khu vực Kochchikade, Colombo, ngày 21-4. Ảnh: AFP/TTXVN
Sáu vụ đánh bom đầu tiên xảy ra gần như đồng thời vào khoảng 8h45 sáng 21-4, thời điểm rất đông các tín đồ Thiên chúa giáo đang tham dự buổi lễ tại nhà thờ nhân ngày thánh lễ Phục sinh truyền thống. Các vụ nổ đầu tiên được ghi nhận tại 2 nhà thờ, bao gồm Nhà thờ St. Anthony ở thủ đô Colombo, và Nhà thờ St. Sebastian ở Katuwapitiya, phía Bắc thủ đô. Ngay sau đó, 3 khách sạn sang trọng khác tại thủ đô cũng nằm trong mục tiêu bị đánh bom là Shangri-La Colombo, Kingsbury Hotel và Cinnamon Grand Colombo cùng một nhà thờ nữa ở thị trấn Batticalao, miền Đông nước này.
Trong khi người dân vẫn chưa hết bàng hoàng, còn lực lượng chức năng vẫn đang ứng phó với 6 vụ nổ trên, thì chỉ vài giờ sau, Sri Lanka tiếp tục gánh chịu thêm 2 vụ nổ mới. Vụ nổ thứ 7 xảy ra tại một khách sạn tại vùng ngoại ô Dehiwala, phía Nam thủ đô Colombo, trong khi vụ nổ thứ 8 xảy ra tại một ngôi nhà ở khu vực ngoại ô phía Bắc thủ đô Colombo.
Ngay sau các vụ nổ liên tiếp, Thủ tướng Sri Lanka R. Wickremesinghe lên án những kẻ thực hiện hàng loạt vụ tấn công là “hèn nhát” và thông báo chính phủ đang làm việc để “kiềm chế tình hình”. Ông R. Wickremesinghe triệu tập cuộc họp Hội đồng an ninh khẩn cấp và kêu gọi người dân nước này đoàn kết, không đưa ra các thông tin chưa được kiểm chứng. Các biện pháp an ninh tăng cường ngay sau đó cũng được đưa ra tại sân bay quốc tế Colombo, đồng thời tất cả các trường học trên cả nước sẽ đóng cửa vào ngày 22 và 23-4.
Theo các báo cáo ban đầu, các vụ nổ tại Sri Lanka có thể được thực hiện bởi những kẻ đánh bom liều chết, theo một âm mưu có tổ chức nhằm gây hỗn loạn đất nước. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có tổ chức hay cá nhân nào thừa nhận tiến hành vụ việc trên. Lực lượng chức năng đang khẩn trương tiến hành điều tra vụ việc.
Các nước đã lên án vụ tấn công và bày tỏ chia buồn với Sri Lanka. Giáo hoàng Francis bày tỏ sự đau buồn trước loạt vụ tấn công đẫm máu ở Sri Lanka, khẳng định ông sát cánh cùng nạn nhân của “hành động bạo lực tàn ác này”. Tổng Giám mục Colombo, Hồng y Giáo chủ M. Ranjith kêu gọi Chính phủ Sri Lanka tiến hành điều tra và trừng phạt mạnh tay những đối tượng chịu trách nhiệm về vụ việc.
Tổng thống Mỹ D. Trump ngày 21-4 gửi lời chia buồn sâu sắc tới người dân Sri Lanka. Từ châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker bày tỏ “đau buồn và ghê rợn” khi nghe tin về loạt vụ tấn công ở Sri Lanka. Trong một dòng trạng thái trên mạng Twitter, ông Juncker cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng giúp đỡ Sri Lanka. Thủ tướng Đức A. Merkel cũng đã lên án vụ tấn công ở Sri Lanka, khẳng định “sự thù hằn tôn giáo trong cuộc tấn công ngày hôm nay không được phép chiến thắng”. Còn Tổng thống Đức Frank - Walter Steinmeier bày tỏ bàng hoàng khi nghe tin về các vụ tấn công khủng bố này. Cùng ngày, Tổng thống Pháp E. Macron cũng lên án mạnh mẽ vụ tấn công này, nhấn mạnh sẽ đoàn kết cùng người dân Sri Lanka. Thủ tướng Anh T. May ra tuyên bố nhấn mạnh: “Hành động bạo lực nhằm vào các nhà thờ và khách sạn tại Sri Lanka thực sự kinh hoàng”. Trong điện chia buồn gửi người đồng cấp Sri Lanka, Tổng thống Nga V. Putin nhấn mạnh, Nga là “một đối tác đáng tin cậy của Sri Lanka trong cuộc chiến chống khủng bố” và người dân Nga “chia sẻ những mất mát với gia đình của những người thiệt mạng và cầu chúc những người bị thương nhanh chóng bình phục”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan gọi đây là “một cuộc tấn công nhằm vào toàn nhân loại”. Thủ tướng New Zealand J. Ardern trong một tuyên bố đã nhắc lại vụ xả súng ngày 15-3 vừa qua tại hai đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch của New Zealand làm 50 người thiệt mạng, và nêu rõ: “New Zealand lên án tất cả các hành động khủng bố dưới mọi hình thức, ủng hộ tự do tôn giáo và quyền được cầu nguyện an toàn”. Trong khi đó, 3 nước vùng Vịnh là Bahrain, Qatar và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng ra tuyên bố thông qua các bộ ngoại giao của mình lên án loạt vụ tấn công trong lễ Phục sinh ở Sri Lanka. UAE kêu gọi “cộng đồng quốc tế trừng phạt khủng bố nhằm bảo đảm hòa bình và an ninh quốc tế”. Tổng Thư ký Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) J. Stock lên án vụ tấn công đẫm máu ở Sri Lanka, đồng thời khẳng định tổ chức này sẵn sàng giúp đỡ nhà chức trách Sri Lanka trong cuộc điều tra vụ tấn công này.
Thêm một bước lùi trong quan hệ Mỹ - Cuba
Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN
Mỹ vừa tuyên bố chấm dứt đình chỉ Điều khoản 3 của Luật Helms - Burton với Cuba, đồng thời đưa ra các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Cuba, trong đó có việc siết chặt đi lại giữa hai nước. Đây được coi là nấc thang căng thẳng mới của chính quyền Tổng thống Mỹ D. Trump đối với Cuba.
Luật Helms - Burton, được Tổng thống Mỹ Bill Clinton ký ban hành năm 1996, trở thành một trong những nền tảng pháp lý cho cuộc bao vây cấm vận kinh tế, tài chính, thương mại của Mỹ chống Cuba. Điều khoản 3 của Luật này cho phép các công dân Cuba có tài sản đã được chính quyền cách mạng quốc hữu hóa từ sau năm 1959, sau khi nhập quốc tịch Mỹ được quyền khởi kiện tại các tòa án Mỹ đòi các doanh nghiệp, của Cuba hay nước ngoài, phải bồi thường nếu sử dụng các tài sản bị tịch biên đó qua những thỏa thuận với Chính phủ Cuba. Do tính chất pháp lý phức tạp, kể từ khi Luật Helms - Burton ra đời, tất cả các tổng thống Mỹ mỗi khi ký gia hạn điều luật này đều miễn áp dụng Đề khoản 3 theo thời hạn 6 tháng. Tuy nhiên, việc Tổng thống D. Trump chỉ ký miễn áp dụng điều khoản này trong thời hạn 45 ngày, hồi tháng 1 vừa qua, đồng thời để ngỏ khả năng xem xét thúc đẩy Điều khoản 3 của Luật Helms - Burton có hiệu lực làm dấy lên các nghi ngại về việc Washington lần đầu tiên áp dụng biện pháp cứng rắn và phức tạp này.
Tiếp đó, tháng 3-2019, Ngoại trưởng M. Pompeo thông báo Washington sẽ tiếp tục hoãn áp dụng Điều khoản 3 của Luật Helms - Burton thêm 30 ngày, nhưng đã cho phép các công dân Mỹ gốc Cuba được khởi kiện các doanh nghiệp Cuba nằm trong một danh sách trừng phạt do Bộ Ngoại giao Mỹ đơn phương đưa ra từ tháng 11-2017. Danh sách này bao gồm các doanh nghiệp và chi nhánh liên quan tới an ninh và quốc phòng của Cuba, bao gồm từ Bộ Các lực lượng vũ trang cách mạng, Lực lượng cảnh sát cách mạng quốc gia, cho tới Đặc khu phát triển Mariel hay hải cảng La Habana. Danh sách này thường xuyên được Washington cập nhật, chủ yếu nhắm vào các khách sạn và cơ sở du lịch của Cuba. Đồng thời cho phép công dân Mỹ kiện các công ty nước ngoài kinh doanh tại Cuba.
Ngày 17-4, Ngoại trưởng M. Pompeo thông báo Washington chấm dứt đình chỉ Điều khoản 3 của Luật Helms - Burton. Động thái này được cho là nhằm gia tăng sức ép đối với chính quyền Cuba liên quan việc hỗ trợ quốc gia láng giềng Venezuela. Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính sau khi điều khoản này được kích hoạt, sẽ có hàng trăm nghìn đơn kiện với giá trị hàng chục tỷ USD được đệ trình. Tuy các tòa án tại Mỹ không thể quyết định các vấn đề của Cuba nhưng việc cho phép các vụ kiện này diễn ra sẽ khiến các nhà đầu tư cuối cùng phải từ bỏ hy vọng làm ăn tại Cuba.
Sau khi Ngoại trưởng M. Pompeo thông báo Washington chấm dứt đình chỉ Điều khoản 3 của Luật Helms - Burton, Chính phủ Cuba khẳng định Luật Helms - Burton do Mỹ sử dụng nhằm thắt chặt lệnh cấm vận kinh tế đối với Cuba hoàn toàn không có hiệu lực tại đảo quốc Caribe này. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Hội đồng Nhà nước Cuba Miguel Diaz - Canel cùng Bộ trưởng Ngoại giao Cuba B. Rodriguez cũng đã phản đối các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào nước này, trong đó việc siết chặt việc đi lại giữa hai nước.
Thực tế cho thấy, không phải đến thời điểm này mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba mới có chiều hướng xấu đi. Kể từ khi Tổng thống D. Trump lên nắm quyền hồi đầu năm 2017 đến nay, Washington đã nhanh chóng bãi bỏ một số chính sách hợp tác với Cuba, báo hiệu những sóng gió của mối quan hệ này trong tương lai. Theo các chuyên gia phân tích, quyết định chấm dứt đình chỉ Điều khoản 3 của Luật Helms - Burton với Cuba của Mỹ có thể coi là bước lùi mới trong quan hệ hai nước.
Tổng thống Hàn Quốc nỗ lực đưa Mỹ - Triều quay trở lại tiến trình đối thoại
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ D. Trump. Ảnh: TTXVN
Nhằm tìm kiếm các cách thức cụ thể phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình trên bán đảo này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tới thăm Mỹ trong trung tuần tháng 4-2019. Với việc cả Mỹ và Hàn Quốc đều nhấn mạnh việc duy trì đối thoại với Triều Tiên, chuyến thăm được cho là tạo động lực để Mỹ - Triều tiếp tục đối thoại.
Mục tiêu của Tổng thống Moon Jae-in trong chuyến thăm lần này là tìm kiếm một bước đi “nhượng bộ mạnh dạn” của Tổng thống D. Trump đối với Triều Tiên, để có cơ sở thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo đuổi một “thỏa thuận táo bạo” tương tự với Tổng thống D. Trump. Tuy nhiên, đây không phải là một sứ mệnh đơn giản đối với Tổng thống Moon Jae-in. Bởi lẽ, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua không đạt được thỏa thuận nào như kỳ vọng. Trong khi đó, khả năng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần ba cho tới nay vẫn được để ngỏ.
Bên cạnh những động thái gây sức ép với Triều Tiên, Mỹ cũng có hàng loạt bước đi theo hướng giữ cho quan hệ hai bên trong tầm kiểm soát, như Tổng thống D. Trump ra lệnh rút lại những biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên ngay sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố, hay Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục hủy các cuộc tập trận quy mô lớn trong năm nay. Còn Triều Tiên được cho là đang thông qua Hàn Quốc để hối thúc Mỹ tiếp tục đàm phán và thay đổi lập trường.
Nguy cơ tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên đổ vỡ khiến vai trò trung gian hòa giải của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thêm nặng nề, nhất là khi ông được coi là người “bắc cây cầu” giữa Mỹ và Triều Tiên kể từ năm 2018 với sứ mệnh ngoại giao con thoi mà kết quả là lần đầu tiên sau một thời gian dài, Mỹ và Triều Tiên có thể đàm phán trên tinh thần thiện chí, với hai cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử ở Singapore và ở Hà Nội trong vòng chưa đầy 1 năm. “Dấu ấn” của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong bước đột phá giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên là không thể phủ nhận. Đây cũng là áp lực đối với Tổng thống Moon Jae-in, trong “sứ mệnh thuyết khách” của ông lần này.
Với sức ép lớn như vậy, song tại cuộc hội đàm tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Hàn Quốc thuyết phục Tổng thống Mỹ về những “dấu hiệu tiến bộ” và Triều Tiên sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có nhượng bộ với Triều Tiên nhằm thúc đẩy đối thoại. Nhận thức rõ việc Mỹ và Triều Tiên đạt được một thỏa thuận lớn mang tính toàn diện về vấn đề phi hạt nhân của Triều Tiên vào thời điểm này là phi thực tế, Tổng thống Hàn Quốc đã đề xuất một thỏa thuận khiêm tốn hơn. Theo giới chức Hàn Quốc trước đó tiết lộ, thỏa thuận này có thể bao gồm quay trở lại ý tưởng dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon, hay những bước tiến nhỏ hơn như mở cửa văn phòng liên lạc Mỹ - Triều, hoặc nhất trí một tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.
Những nỗ lực của Tổng thống Moon Jea-in dường như đã nhận được phản hồi khá tích cực. Tổng thống D. Trump cho biết, ông sẽ xem xét các đề xuất cụ thể của Hàn Quốc và rằng “một số thỏa thuận nhỏ có thể được tính đến” cho dù mục tiêu của ông từ trước đến nay là theo đuổi một thỏa thuận lớn đi thẳng vào trọng tâm chương trình hạt nhân của Triều Tiên, chứ không đơn thuần là dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon.
Cũng tại cuộc gặp lần này, Tổng thống Hàn Quốc thúc giục Mỹ có sự nhượng bộ, cụ thể là “tạm hoãn một số lệnh trừng phạt chọn lọc” đối với Bình Nhưỡng, để đổi lấy việc Triều Tiên đóng cửa tất cả cơ sở tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Mặc dù, Tổng thống D. Trump vẫn duy trì quan điểm cứng rắn đối với cách tiếp cận theo giai đoạn mà Bình Nhưỡng mong muốn, nghĩa là nhượng bộ từng bước để đổi lấy nới lỏng cấm vận từng phần, nhưng Tổng thống D. Trump tuyên bố rằng, tại thời điểm này sẽ không có thêm bất cứ đòn trừng phạt mới nào đối với Triều Tiên.
Có thể thấy, những bước đi “kiên nhẫn gỡ nút thắt” của Tổng thống Hàn Quốc trong chuyến công du lần này, dù chưa thể tạo ra kết quả cụ thể, song đã giúp duy trì động lực đối thoại Mỹ - Triều, tránh để tiến trình phi hạt nhân hóa sụp đổ. Nó cũng cho thấy, với vai trò người “bắc cầu” cho các cuộc đàm phán Mỹ - Triều, nhà lãnh đạo Hàn Quốc đang quyết tâm hơn bao giờ hết để thuyết phục cả Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên quay trở lại tiến trình đối thoại./.
Một số bài học kinh nghiệm tiến hành công tác địch vận trong Chiến dịch Điện Biên Phủ  (22/04/2019)
Sri Lanka rúng động với 8 vụ nổ liên tiếp trong ngày  (21/04/2019)
Trưng bày giới thiệu hơn 900 cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh  (21/04/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên