Hoạt động trong ngày của các đồng chí lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ
TCCSĐT - Ngày 15-3, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự Hội nghị ký kết giao ước thi đua năm 2019 Cụm thi đua các tỉnh miền Đông Nam Bộ; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó.
* Sáng 15-3, tại Đồng Nai, Cụm thi đua các tỉnh miền Đông Nam Bộ tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện giao ước thi đua năm 2018 và ký kết giao ước thi đua năm 2019. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá, năm 2018, các tỉnh trong Cụm thi đua các tỉnh miền Đông Nam Bộ đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong tất cả các lĩnh vực đời sống, xã hội, kinh tế, an ninh quốc phòng. 7 tỉnh trong Cụm đóng góp 15% vào thu ngân sách của cả nước. Đến nay, các tỉnh thuộc Cụm thi đua có 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trung bình cả nước là 43%). Trong đó, Đồng Nai có 100% xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng tàu là trên 90%. Tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương trong Cụm thi đua thấp nhất cả nước, riêng tỉnh Bình Dương không còn hộ nghèo, các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu số hộ nghèo chỉ chiếm 1%.
Phó Chủ tịch nước cho rằng, năm 2018, Cụm thi đua các tỉnh miền Đông Nam Bộ dành sự quan tâm rất lớn cho công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời phát hiện, nêu gương những điển hình tiên tiến, qua đó tạo được dư luận tốt trong xã hội. Tuy nhiên, phong trào thi đua tại các địa phương trong Cụm chưa đồng đều, một số điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất chưa được phát hiện, nêu gương. Việc khen thưởng cho người lao động trực tiếp chưa được coi trọng đúng mức.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong Cụm thi đua quan tâm, thực hiện tốt Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị, tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới. Các tỉnh cần tập trung vào các phong trào thi đua như: Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập phát triển, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó tập trung giải quyết dứt điểm những tồn đọng trong khen thưởng đối với người tham gia kháng chiến, có công với cách mạng.
Theo báo cáo của Cụm thi đua các tỉnh miền Đông Nam bộ, năm 2018, các tỉnh trong Cụm thi đua đã thực hiện tốt các phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo”. Tỉnh Bình Phước hỗ trợ kinh phí mua và cấp hơn 52.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; tỉnh Đồng Nai xây dựng và bàn giao gần 240 nhà tình thương cho hộ nghèo; tỉnh Tây Ninh triển khai nhiều chương trình như: Hỗ trợ tín dụng ưu đãi, nhà ở, tiền điện cho hộ nghèo, cận nghèo. Trong phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, Đồng Nai đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm quy định về thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai các hoạt động hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, gắn kết với thị trường quốc tế.
Năm 2019, các tỉnh miền Đông Nam bộ đẩy mạnh thực hiện chương trình đột phát, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khuyến khích khởi nghiệp. Đồng thời tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phát động đợt thi đua chào mừng các ngày lễ lớn. Bên cạnh đó, các tỉnh trong Cụm đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến; nâng cao vai trò hoạt động của đơn vị làm công tác thi đua, khen thưởng, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các phong trào thi đua yêu nước tại các cơ quan, đơn vị.
** Chiều 15-3, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong phát triển kinh tế với kết quả GRDP năm 2018 cao hơn bình quân chung cả nước. Thu ngân sách, xuất khẩu của địa phương đạt cao đã đóng góp lớn vào thành tựu chung của cả nước. Văn hóa - xã hội phát triển rất đồng đều, trường lớp, giao thông được đầu tư tốt; tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu trong khu vực về xây dựng nông thôn mới…Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước cho rằng, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh có ưu thế lớn về cảnh quan nhưng du lịch vẫn phát triển chưa tương xứng, nguồn thu từ du lịch không lớn trong khi lượng khách cao.
Phó Chủ tịch nước lưu ý, trong thời gian tới, tỉnh cần đón đầu trong phát triển khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động. Trong phát triển du lịch cần thu hút những nhà đầu tư lớn với những dự án lớn có tính lan tỏa và có nhiều dịch vụ vui chơi giải trí. Tỉnh cần xây dựng được thêm nhiều xã nông thôn mới kiểu mẫu; phát động thi đua để cải cách hành chính, xây dựng người công chức mẫu mực để tạo môi trường, tăng năng lực cạnh tranh của tỉnh; tăng cường quán triệt sâu rộng hơn trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, thời gian qua, tỉnh tập trung thực hiện mô hình phát triển kinh tế bền vững và kiên trì thu hút đầu tư có chọn lọc. Cách đây 5 năm, khi tỉnh thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, dòng thu hút đầu tư hụt sâu, nhưng 2 năm gần đây, các nhà đầu tư đến tỉnh đã tăng nhanh trở lại. Tỉnh đang tập trung phát triển 4 trụ cột kinh tế gồm công nghiệp, kinh tế cảng với thế mạnh là cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, du lịch chất lượng cao và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trước tốc độ tăng trưởng mạnh về hàng hóa thông qua cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, tỉnh đề nghị Trung ương đặc biệt quan tâm bố trí vốn để xây dựng cầu Phước An, đường 991B để tăng khả năng giải phóng hàng hóa từ cụm cảng này.
Năm 2019, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khoảng 7,5%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,11%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng gần 14%; doanh thu dịch vụ cảng tăng 4,8%; kim ngạch xuất khẩu trừ dầu khí đạt 4,95 tỷ USD, tăng hơn 12%; tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt gần 50.100 tỷ đồng, tăng 7%... Tỉnh đã đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện trong thời gian tới. Đó là tích cực phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, xã hội hóa đầu tư, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; quyết liệt bảo vệ, kiểm soát và giải quyết hiệu quả ô nhiễm môi trường; tăng cường quản lý đất đai, xây dựng và triển khai kế hoạch khai thác, sử dụng, đấu giá, phát huy hiệu quả cao nhất đối với quỹ đất công; đề ra các giải pháp để khai thác các nguồn thu, chống thất thu, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu dự toán giao cả nhiệm kỳ; triển khai có hiệu quả 12 vấn đề về nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên các mặt về đời sống vật chất, tinh thần, giáo dục, y tế…
Năm 2018, kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có bước phát triển mạnh mẽ: sản xuất công nghiệp trừ dầu khí đạt 8,72%, vượt kế hoạch đề ra với hầu hết các sản phẩm chủ yếu đều có mức tăng trưởng từ 0,82% đến hơn 46% (trong năm, các khu công nghiệp thu hút 51 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 2,2 tỉ USD); doanh thu dịch vụ cảng đạt 3.700 tỷ đồng, tăng 9,8% với tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 69,8 triệu tấn, tăng hơn 13%; tổng lượng khách lưu trú trên địa bàn tỉnh đạt 3,1 triệu lượt, tăng hơn 13% (trong đó, khách quốc tế 424 ngàn lượt, tăng hơn 14%), doanh thu hoạt động du lịch đạt hơn 14.200 tỷ đồng…
Nhân dịp làm việc tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trực tiếp trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba của Chủ tịch nước cho 5 đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đã có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, gồm: đồng chí Trần Minh Sanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh; đồng chí Lê Thanh Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Thành, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ và đồng chí Hoàng Nghĩa Doãn, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
** Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Cao Bằng, sáng 15-3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa, trồng cây lưu niệm tại Đền thờ Bác Hồ; thăm suối Lênin và Khu di tích lịch sử Kim Đồng nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó, huyện Hà Quảng.
Phó Thủ tướng bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng và nhân dân ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, Người đã dành cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.
Nơi đây, 78 năm trước, vào buổi sáng 28-01-1941, từ Trung Quốc, Bác Hồ đã bí mật về nước. Ðiểm dừng chân đầu tiên của Người là cột mốc 108, sau tròn 30 năm bôn ba nơi xứ lạ quê người tìm đường cứu nước. Hang Cốc Bó, một hang đá lạnh lẽo gần cột mốc 108 đã được chọn làm nơi tá túc, là “đại bản doanh” của cách mạng. Phó Thủ tướng viết sổ lưu niệm “Non xa xa, nước xa xa/Tình Bác mênh mông đến mọi nhà/Đến với Cao Bằng, về bên Bác/Chung tay xây dựng nước non nhà”. Về Pác Bó đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày Bác đi xa, 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, Phó Thủ tướng khẳng định “chúng cháu nguyện làm theo Di chúc của Bác, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong ước của Người”.
Phó Thủ tướng đã thăm Khu di tích lịch sử Kim Đồng, dâng hương tưởng nhớ người đội trưởng Đội Nhi đồng cứu quốc đầu tiên của Việt Nam (tiền thân của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ngày nay). Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền, sinh năm 1929 tại bản Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, một người con dân tộc Nùng thông minh, nhanh nhẹn. Tháng 8-1942, Kim Đồng vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại hang Nộc Én. Người thiếu niên anh hùng mới tròn 14 tuổi đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ để bảo toàn bí mật, giúp các đồng chí cán bộ Việt Minh kịp thời tản lên núi.
Cũng trong sáng 15-3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đoàn công tác đã đi thăm mô hình trang trại trồng dâu tây, hoa hồng tại xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng. Đây là mô hình trang trại nông nghiệp điển hình của tỉnh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất với 7.000 gốc hoa hồng thuộc gần 200 giống hoa cổ và ngoại nhập, 1,6 ha trồng dâu tây, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng và nhiều lao động thời vụ./.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Lễ kỷ niệm 30 năm ngày truyền thống của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn  (15/03/2019)
Thủ tướng chủ trì cuộc họp về Đề án thành lập thị xã Sa Pa  (15/03/2019)
Phát huy vai trò người có uy tín trong phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị ở Gia Lai  (15/03/2019)
Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ trong ngày 14-3  (14/03/2019)
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng làm việc tại Trà Vinh  (14/03/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển