TCCSĐT - Do cơ quan trình chưa chuẩn bị kịp nên đã phải rút năm nội dung ra khỏi Phiên họp thứ 32, vì vậy, phiên họp tháng Tư tới phải xem xét rất nhiều nội dung và tiến hành trong thời gian khá dài.

Chiều 13-3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau phiên họp này, Chính phủ, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh năm dự án luật, một dự thảo nghị quyết để kịp gửi xin ý kiến Đại biểu Quốc hội đúng quy định hoặc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4-2019 tới; đồng thời hoàn thiện dự thảo bốn nghị quyết để ký ban hành.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vừa qua do cơ quan trình chưa chuẩn bị kịp nên đã phải rút năm nội dung ra khỏi Phiên họp thứ 32. Vì vậy, phiên họp tháng Tư tới phải xem xét rất nhiều nội dung và tiến hành trong thời gian khá dài (dự kiến từ ngày 10 đến 19-4).

Trong khi đó, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ diễn ra trong 1,5 ngày, chỉ cách thời điểm khai mạc phiên họp tháng Tư chưa đến một tuần. Do đó, việc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý một số dự án luật là rất gấp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động, khẩn trương chuẩn bị nội dung thuộc trách nhiệm, không để tình trạng chậm gửi tài liệu hoặc đề nghị chuyển sang phiên họp tháng Năm tới.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (gọi chung là nợ đọng thuế).

Thực hiện quy định của Luật quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã tổ chức bộ phận quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế từ Trung ương đến địa phương, cơ quan quản lý thuế đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế. Theo đó, số thu hồi nợ đọng tăng dần qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân từ năm 2011 - 2017 thu đạt 81% số nợ có khả năng thu hồi, tốc độ tăng bình quân 16,3%/năm.

Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh, từ 12,2% năm 2014, đến năm 2017 giảm xuống ở mức 7,6% và tính đến cuối năm 2018 giảm xuống còn 7%. Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31-12-2017 là 78.466 tỷ đồng, giảm 2,8% (2.261 tỷ đồng) so với thời điểm ngày 31-12-2016...

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng việc xóa nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp là công việc thường xuyên và cần xem xét thận trọng, nghiêm túc, công bằng, công khai và đúng pháp luật; tránh tình trạng lạm dụng, lợi dụng kẽ hở của luật pháp để trốn thuế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, sau khi Quốc hội xem xét, thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) dự kiến tại Kỳ họp thứ 7; đề nghị Chính phủ căn cứ tình hình thực tế và quy định của Luật Quản lý thuế (sửa đổi), tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này để rà soát, hoàn thiện lại dự thảo nghị quyết, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Trước khi bế mạc Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết quy định chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật Công an nhân dân năm 2018.

Trước đó, sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thư viện. Một số ý kiến đề nghị, đích đến của việc xây dựng thư viện phải là người đọc, đồng thời, thư viện truyền thống và thư viện điện tử phải phối hợp để thu hút người sử dụng dịch vụ.

Tờ trình dự án Luật Thư viện nêu rõ, Luật Thư viện được ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện; phát triển văn hóa đọc; khuyến khích cộng đồng, xã hội tham gia và thiết lập cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong hoạt động thư viện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, xây dựng xã hội học tập và phát triển con người Việt Nam toàn diện.

Báo cáo Thẩm tra dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày nêu rõ, sau 18 năm thi hành, Pháp lệnh Thư viện đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật liên quan.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã tạo ra bước tiến vượt bậc của ngành khoa học thư viện, làm thay đổi cả về cách tiếp cận thông tin của người dân và tổ chức, quy trình, phương thức hoạt động của thư viện.

Ở nước ta, hệ thống thư viện, nhất là thư viện công cộng hoạt động kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu đọc và khai thác thông tin của người dân; thư viện trường học chưa được quan tâm đúng mức; văn hóa đọc đã và đang bị lấn át bởi những hình thức tiếp cận thông tin mới.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu nhất trí với sự ban hành Luật Thư viện sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện; phát triển văn hóa đọc; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra thực tế hiện nay có 30% thư viện huyện không được cấp sách. Tủ sách xã cơ bản rất ít người đọc.

Một số ý kiến đánh giá, nhiều tỉnh, huyện xây dựng thư viện rất đẹp, nhưng trung tâm và đích đến của thư viện là người đọc thì chưa được quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao sự cố gắng của cơ quan soạn thảo và cho rằng, đây là dự án Luật rất cần thiết trong bối cảnh tình hình hiện nay và sau này.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hệ thống thư viện và hoạt động thư viện đã có thời kỳ phát triển rất mạnh, gắn với phong trào đọc sách của xã hội. Tuy nhiên, gần đây thư viện dường như bị lãng quên, nhiều thư viện xuống cấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn ví dụ thực tế, khi ra hiệu sách cũ thấy rất nhiều sách của các thư viện được bày bán. Khi các thư viện bị giải thể, sách bị bán ra ngoài theo cân. Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân sau khi mua được sách này đã bán lại với giá rất đắt, thậm chí có cuốn sách được bán với giá hàng triệu đồng. Như vậy, một lượng tài sản Nhà nước rất lớn đã bị thất thoát, gây lãng phí nghiêm trọng, đồng thời gây thất thoát nguồn tri thức quý.

Việc tập hợp lại những cuốn sách quý ấy không đơn giản. Vì vậy, xây dựng và ban hành Luật Thư viện là cần thiết để tránh buông lỏng quản lý thư viện và hoạt động thư viện.

Liên quan tới việc gây lãng phí trong cách đầu tư và quản lý thư viện hiện nay, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy nêu thực tế: Ở một số nơi, sách thư viện được đưa vào trụ sở Ủy ban nhân dân xã, cửa thường xuyên bị khóa. Nhiều loại sách thư viện vẫn còn bị giữ nguyên trong bọc giấy suốt thời gian dài kể từ khi được cấp.

Đồng tình với dự thảo Luật quy định đa dạng hóa các loại hình thư viện, bổ sung thư viện ngoài công lập bao gồm thư viện của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng..., các đại biểu cho rằng việc xây dựng thư viện số hay kho tài nguyên số đang là xu hướng phát triển của thư viện hiện đại, đặc biệt khi thói quen và phương thức tiếp nhận thông tin của xã hội có rất nhiều thay đổi.

Do đó, để phù hợp với xu thế chung, dự án luật cần quy định rõ về bản quyền trong thư viện số/số hóa tài liệu, về phát triển thư viện số và việc đầu tư phát triển thư viện số, bởi đây là những vấn đề vướng mắc trong việc phát triển thư viện số hiện nay.

Các đại biểu cũng cho rằng, thư viện trường học hiện nay chiếm số lượng rất lớn, mang tính đặc thù, nhưng đa phần chỉ là một bộ phận của trường học, hình thành khi thành lập cơ sở giáo dục. Thư viện đại học và thư viện các cấp học khác có sự khác nhau về quy mô tổ chức và tính chất hoạt động.

Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu để có quy định rõ hơn về mô hình, điều kiện hoạt động, trách nhiệm của Nhà nước và cơ quan chủ quản nhằm thúc đẩy thư viện trường học phát triển.

Đối với thư viện cộng đồng, đây là một loại hình thư viện mới, cả nước có hơn 17.000 phòng đọc, tủ sách cơ sở, nếu dự án Luật quy định phòng đọc sách là thư viện cộng đồng thì các vấn đề về sở hữu, điều kiện thành lập, quyền và nghĩa vụ phải quy định cụ thể và khả thi hơn.../.