Hoạt động trong ngày của các Phó Thủ tướng Chính phủ
TCCSĐT - Ngày 12-3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng Bộ trưởng Bộ Hợp tác Quốc tế Myanmar U Kyaw Tin đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ chín Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam - Myanmar; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp ông Nikolay Kosov, Chủ tịch Ban lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư quốc tế (IIB) đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.
* Tham dự Kỳ họp lần 9 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam - Myanmar có các quan chức cao cấp và đại diện của các bộ, ngành hai nước.
Tại Kỳ họp, hai bên đã kiểm điểm tình hình hợp tác trên các lĩnh vực kể từ Kỳ họp lần thứ tám hồi tháng 5-2015; đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước đã có nhiều hợp tác hiệu quả, thực chất, đưa quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - Myanmar ngày càng đi vào chiều sâu.
Hai bên đánh giá quan hệ chính trị ngày càng tin cậy và gắn bó thông qua việc thường xuyên trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, gần đây nhất là chuyến thăm cấp Nhà nước tới Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 8-2017) và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi (tháng 4-2018).
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội và các cấp cũng như giữa các địa phương hai nước; triển khai tích cực các cơ chế hợp tác, chủ động xây dựng Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện giai đoạn 2019 - 2023, thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận đạt được tại các chuyến thăm cấp cao; tăng cường hoạt động ngoại giao nhân dân đưa quan hệ hai nước ngày càng sâu sắc và gắn bó, hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975 - 2020).
Việt Nam - Myanmar nhất trí sớm thiết lập cơ chế Đối thoại Chính sách Quốc phòng trong năm 2019; tăng cường hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia; đàm phán tiến tới sớm ký kết thỏa thuận về hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề về hình sự; hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, đặc biệt là khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước.
Hai bên cũng tái khẳng định không cho phép các tổ chức, cá nhân lợi dụng lãnh thổ nước này để chống phá nước kia.
Hai bên hài lòng trước những phát triển đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ chín của Myanmar.
Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 873,9 triệu USD, tăng 5,5% so với năm 2017. Với đà này, hai bên bày tỏ tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên một tỷ USD vào thời gian sớm nhất. Việt Nam cũng là nhà đầu tư lớn 7 của Myanmar với 18 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 2,1 tỷ USD.
Hai bên cho rằng hợp tác trong các lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp, văn hóa thể thao, du lịch, tài chính, ngân hàng, thông tin - truyền thông, giáo dục - đào tạo… đã có nhiều thành tựu khả quan song vẫn còn nhiều tiềm năng và thế mạnh cần khai thác trong thời gian tới.
Hai bên nhất trí duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; không quân sự hóa; không làm phức tạp thêm tình hình; thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả.
Việt Nam - Myanmar cũng trao đổi sâu rộng và nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ ASEAN và Liên hợp quốc, các hợp tác tiểu vùng: Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS), Hợp tác bốn nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC)…
Phát biểu tại Kỳ họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã đề nghị Myanmar xem xét rút ngắn thời gian xét duyệt giấy phép, hồ sơ đầu tư đối với các doanh nghiệp Việt Nam; thu hẹp danh mục các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam cần xin giấy phép, trước mắt đưa thanh long ra khỏi danh mục này; có hướng dẫn cụ thể về các luật của Myanmar cho doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và hỗ trợ giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đầu tư vào Myanmar.
Phía Myanmar ghi nhận và cam kết xem xét giải quyết nhiều quan tâm cụ thể của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVOIL), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Hoàng Anh Gia Lai (HAGL)…
Bộ trưởng Bộ Hợp tác Quốc tế Myanmar U Kyaw Tin cũng khẳng định ủng hộ Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, củng cố đoàn kết, nâng cao tiếng nói và vai trò của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình; tái khẳng định Myanmar ủng hộ Việt Nam ứng cử là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Kết thúc Kỳ họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Hợp tác Quốc tế Myanmar U Kyaw Tin đã ký Biên bản Thỏa thuận và nhất trí sẽ tổ chức Kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương tại Myanmar trong năm 2021.
** Chiều 12-3, tại Trụ sở Chính phủ, phát biểu tại buổi tiếp ông Nikolay Kosov, Chủ tịch Ban lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư quốc tế (IIB), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ Việt Nam đánh giá cao thành công của IIB thời gian qua trong việc tái cơ cấu và cải cách mô hình hoạt động, nâng cao quy mô về vốn và các chỉ tiêu về tài chính ngân hàng, tiếp cận các thông lệ quốc tế hiện đại. Chính phủ Việt Nam cam kết làm tròn trách nhiệm và là thành viên tích cực, tiếp tục quá trình cải cách và phát triển bền vững IIB trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng đánh giá cao kết quả hoạt động của IIB tại Việt Nam thông qua việc thiết lập các khoản vay cho các ngân hàng, định chế tài chính. Đây là cách thuận lợi để giảm bớt các thủ tục đánh giá của IIB cũng như góp phần tăng cường năng lực của các định chế tài chính, nhất là các ngân hàng thương mại.
Cảm ơn Phó Thủ tướng đã dành thời gian đón tiếp, Chủ tịch Ban lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư quốc tế Nikolay Kosov cho biết, năm 2018, IIB đã kết thúc chu kỳ chiến lược phát triển 5 năm đầu tiên, trong đó tập trung tái thiết, tăng cường các chỉ số tín dụng, bán trái phiếu. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 2, IIB tập trung mở rộng và phát triển thông qua các chương trình tăng vốn và sẽ kết thúc vào năm 2022. Tới đây, IIB chú trọng vào cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ chức tài chính vi mô.
Ông Nikolay Kosov cho rằng, Việt Nam là nước năng động, là thành viên có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các thành viên của IIB và là nước lớn thứ hai trong IIB tính theo số dân, tuy nhiên, số vốn đã góp của Việt Nam hiện mới chỉ chiếm 4% cổ phần. Với điều lệ của ngân hàng và việc đổi mới cách thức quản lý hiện nay, Việt Nam cần có sự tham gia mạnh mẽ hơn trong IIB. Việt Nam hiện cũng là nước duy nhất chưa bố trí được thống đốc ngân hàng trong ban thống đốc và bố trí người vào ban điều hành.
Chủ tịch Ban lãnh đạo IIB đề xuất Việt Nam cần cử chuyên gia phụ trách các khoản vay đến làm việc ở Văn phòng tại Moscow, bày tỏ muốn mở văn phòng đại diện nhỏ ở Việt Nam để làm cầu nối với các doanh nghiệp, mở rộng quy mô lĩnh vực hoạt động không chỉ trong ngành tài chính mà hỗ trợ cả các dự án lớn Chính phủ quan tâm như cấp vốn cho ngân hàng, hợp tác trực tiếp với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như PVN, nghiên cứu phát hành trái phiếu tại Việt Nam…
Bày tỏ mong muốn ngân hàng IIB phát triển bền vững hơn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, muốn vậy, quy mô vốn là rất quan trọng, Chính phủ Việt Nam cam kết góp đầy đủ, đúng hạn số vốn đã cam kết trong thời gian tới. Đối với kế hoạch phát hành trái phiếu của IIB tại thị trường Việt Nam, Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phối hợp xem xét trên cơ sở phù hợp với pháp luật Việt Nam. Để làm gia tăng hoạt động của ngân hàng tại Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết ủng hộ và khuyến khích IIB nghiên cứu mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Về cung cấp nhân sự, theo Phó Thủ tướng, Việt Nam sẽ thực hiện theo đúng quy định, trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ sẽ xem xét, giải quyết sớm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 7,5% GDP thì nhu cầu vốn cho nền kinh tế của Việt Nam là rất lớn. Hiện, phần lớn vốn vẫn phụ thuộc vào lĩnh vực tín dụng và ngân hàng. Việt Nam cũng đang tái cơ cấu mạnh mẽ lĩnh vực ngân hàng, hệ thống ngân hàng đã được củng cố vững chắc hơn, có khả năng chống chịu tốt hơn những va đập, biến động bên ngoài, nợ xấu giảm nhanh. Việt Nam phối hợp tốt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là môi trường thuận lợi để gia tăng hoạt động của các định chế tài chính IIB ở Việt Nam.
Hoan nghênh chương trình cho vay của IIB với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức tài chính vĩ mô và gia tăng tiềm lực tài chính cho các ngân hàng và định chế tài chính tại Việt Nam, cho rằng, nhu cầu về vốn của các tập đoàn với các dự án kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng cũng rất lớn, Phó Thủ tướng khuyến khích IIB tiếp tục tiếp cận với các tập đoàn, tổng công ty lớn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh mong muốn tăng cường quan hệ giữa các đối tác của Việt Nam với IIB, tăng cường sự hiện diện hoạt động của IIB tại Việt Nam, quyết tâm và định hướng này của Chính phủ Việt Nam là không thay đổi./.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao điện đàm về công dân Đoàn Thị Hương  (12/03/2019)
Tiếp tục phiên họp thứ 32 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV  (12/03/2019)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 04 đến ngày 10-3-2019)  (12/03/2019)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 04 đến 10-3-2019)  (12/03/2019)
Kinh tế thế giới và Việt Nam: Triển vọng năm 2019  (12/03/2019)
Cải cách hành chính là động lực cho tăng trưởng của tỉnh Thái Nguyên  (12/03/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên