TCCSĐT - Trong những ngày đầu tiên làm việc sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền dân tộc, một số tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm mới nhằm đưa ra những định hướng, giải pháp cơ bản để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đặt ra trong năm 2019.

Lào Cai tập trung vào công việc ngay sau Tết

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm mới ngày 11-02, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh khẳng định, năm 2018, địa phương đạt được nhiều kết quả rất khả quan về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các địa phương. Đặc biệt trong dịp nghỉ Tết vừa qua, công tác chăm lo cho người nghèo, hộ gia đình chính, người có công đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc nên đã đạt được những kết quả tốt, được nhân dân ghi nhận.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Vịnh cho rằng, bước sang năm 2019, các cấp, các ngành cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa nhất là trong công tác cải cách thủ tục hành chính, vì đây chính là điểm mấu chốt để thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương có thể tạo được những đột phá mới. Cùng với đó phải củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, phát huy vai trò cấp ủy địa phương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong giảm nghèo bền vững; phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường. Đồng thời, có giải pháp kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài ra, các lực lượng vũ trang, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới cần tiếp tục bảo đảm an ninh, trật tự an toàn vùng biên và xây dựng biên giới hòa bình, ổn định.

Ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai cho biết, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 trên địa bàn tỉnh Lào Cai được tổ chức trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm. Các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được tổ chức sôi nổi trong những ngày đầu xuân tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Công tác kiểm soát giá cả, bảo đảm cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn thị trường được thực hiện tốt; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Đặc biệt, công tác thăm hỏi các gia đình chính sách, người có công, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng xã hội được thực hiện tốt, bảo đảm mọi nhà đều được vui Xuân đón Tết. Trong dịp này, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 224 đơn vị, tổ chức, cá nhân trao tặng 95.127 suất quà (gồm tiền mặt, hiện vật) cho các đối tượng chính sách, đơn vị trực tết…, trị giá 36,2 tỷ đồng (trong đó 26,3 tỷ đồng tiền mặt). Dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm nay số lượng khách du lịch đến Lào Cai ước đạt 107.000 lượt khách, tăng gần 19% so với dịp Tết Mậu Tuất 2018 (trong đó, khách quốc tế đạt gần 30.000 lượt), cao điểm là các ngày mùng 3, 4, 5, 6 Tết, lượng khách đạt khoảng 70.000 lượt. Lượng khách đến Lào Cai tại các địa bàn trọng điểm du lịch tăng hơn mọi năm như: Huyện Sa Pa đón được khoảng 93.000 lượt khách, trong đó Khu du lịch cáp treo Fansipan đã đón 56.000 lượt.

Tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai trong dịp nghỉ Tết từ ngày 02 đến 09-02-2019 (từ ngày 28 tháng Chạp đến ngày mùng 05 Tết) được duy trì bình thường, hàng hóa qua cửa khẩu số lượng ít, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 3 triệu USD (mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu là rau, củ, quả; quả thanh long, dưa hấu, mít, sầu riêng...). Số lượt người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đạt 48.202 lượt, chủ yếu là thăm thân, du lịch.

Bạc Liêu tiếp tục thực hiện 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 12-02, Tỉnh ủy Bạc Liêu tổ chức triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2019. Đây được xác định là năm “nước rút”, là tiền đề để Bạc Liêu về đích vào năm 2020, với quyết tâm trở thành tỉnh khá trong khu vực và trung bình khá của cả nước.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Dương - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu nhấn mạnh, năm 2019 nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, là năm “nước rút” trong thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đã đề ra cho cả nhiệm kỳ. Để Bạc Liêu phát triển và đi lên, cả hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải quyết tâm trong từng công việc cụ thể để đạt kết quả cao nhất.

Ông Nguyễn Quang Dương lưu ý, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị tập trung phát huy kinh nghiệm đã rút ra trong năm 2018. Đó là: Đổi mới trong phương thức lãnh đạo, phương pháp công tác, bám sát Nghị quyết Đại hội, sự chỉ đạo của cấp trên và tình hình thực tế của địa phương, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, lựa chọn thứ tự ưu tiên để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bám sát cơ sở, đoàn kết, giữ vững nguyên tắc, nói đi đôi với làm, nghị quyết đến đâu tổ chức thực hiện ngay đến đó, khơi dậy khát vọng, nêu gương, kỷ cương và trách nhiệm. Đồng thời, cần tập trung khắc phục cho được hạn chế, tồn tại yếu kém đã được chỉ ra.

Năm 2019, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục bám sát, thực hiện 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định. Cùng với đó, tỉnh tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp để phát triển doanh nghiệp; tạo chuyển biến thực chất trong cơ cấu kinh tế để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tỉnh tiếp tục phát huy tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội; khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD...

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quang Dương đề nghị, các ngành, các cấp dừng mọi hoạt động vui Tết, du xuân để tập trung ngay, bám sát vào công việc, nhiệm vụ của đơn vị mình với tinh thần quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra.

Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu đánh giá cao công tác tổ chức Tết Kỷ Hợi. Các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã chủ động triển khai thực hiện tốt các hoạt động trước, trong và sau Tết theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư…, bảo đảm cho người dân đón xuân đầm ấm, vui tươi, tiết kiệm và an toàn.

Tiền Giang phấn đấu tạo việc làm ổn định cho hơn 20.000 lao động trong năm 2019

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang, trong năm 2019, Tiền Giang tăng cường đổi mới phương thức tư vấn, giới thiệu việc làm và thông tin thị trường lao động, kết nối giữa người lao động với doanh nghiệp tuyển dụng, phấn đấu tạo việc làm ổn định cho hơn 20.000 lao động, đưa 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 3%.

Tỉnh chú trọng thông qua các phương tiện truyền thông và qua các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt việc tuyên truyền, giới thiệu về chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang (Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Tiền Giang) một cách rộng rãi, để người lao động biết và liên hệ tìm việc. Nhờ đó, tăng số lượng người lao động có nhu cầu liên hệ, tìm việc làm qua Trung tâm, thiết thực giúp người lao động có điều kiện tiếp cận thông tin của những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động thông qua Trung tâm, tạo cơ hội tìm được việc làm tốt nhất và thích hợp nhất.

Mặc khác, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang yêu cầu Trung tâm Dịch vụ việc làm nghiên cứu đổi mới hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm theo hướng chủ động, có nhiều hình thức đa dạng, phù hợp từng đối tượng người lao động và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Cụ thể, trong năm 2019, tỉnh tiếp tục duy trì tần suất tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm do Trung tâm tổ chức định kỳ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch việc làm; tạo thuận lợi và giảm thiểu thời gian đi lại của người lao động cũng như các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin qua hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động bằng điện thoại, email, internet…

Bên cạnh đó, cử cán bộ giao dịch việc làm trực tiếp đến các doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng để giới thiệu, tư vấn việc làm cho người lao động sát hợp với thực tế; làm cầu nối liên kết các cơ sở đào tạo ngành, nghề trong tỉnh với các doanh nghiệp tuyển dụng nhằm mục tiêu tổ chức giao dịch việc làm ngay tại cơ sở đào tạo, ký kết các hợp đồng đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, phát triển các mô hình “Đào tạo gắn giải quyết việc làm trong nước” và “Đào tạo nghề gắn với công tác hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài”…

Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm nghiên cứu đổi mới công tác khảo sát, thu thập, tổng hợp và phân tích, xử lý, dự báo ngắn hạn và dài hạn gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cung cấp thông tin thị trường lao động, nâng chất lượng thông tin thị trường cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, các đơn vị sử dụng lao động và người lao động. Qua đó, tạo thuận lợi để người lao động tìm được việc làm phù hợp khả năng, năng lực, sở trường với thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống và an sinh xã hội.

Trong năm 2018, qua các kênh tư vấn, giới thiệu việc làm, Tiền Giang đã tạo việc làm cho 20.905 lao động, vượt 4,53% chỉ tiêu được giao. Trong đó, tạo việc làm mới cho 15.549 lao động và đưa 200 lao động đi làm việc ở nước ngoài, 5.156 lao động được tạo việc làm từ các dự án cho vay hỗ trợ việc làm./.