Lễ nhậm chức của Tổng thống Nga Mét-vê-đép được các nước phương Tây quan tâm đặc biệt, bởi mối quan hệ với các nước này sẽ bị chi phối do chính sách của tân chủ nhân Điện Krem-lin. Đối với Mỹ, một trong những mục tiêu tiến hành với Nga trong năm nay, là sẽ "làm tất cả" để Hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giữa Mỹ và Nga được ký kết.

Theo lời đại sứ Mỹ tại Nga, ông Uy-li-am Bơn (William J. Burns), Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn hai START II, giữa Mỹ và Nga năm 1993 sẽ hết hạn vào năm 2009. Vì thế, việc ký kết một Hiệp ước mới "không chỉ quan trọng đối với việc bảo đảm ổn định chiến lược giữa Mỹ và Nga" mà còn nhằm khẳng định với toàn thế giới rằng hai nước có đầy đủ trách nhiệm trước việc kiểm soát các kho vũ khí hạt nhân và việc cấm phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Theo START II, Nga và Mỹ được phép triển khai không quá 1.600 tên lửa chiến lược và duy trì không quá 6.000 đầu đạn hạt nhân, trong các kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước.

Cùng ngày, Nga và Mỹ đã ký một hiệp định quan trọng về điện hạt nhân dân sự, điều sẽ giúp Oa-sinh-tơn tiếp cận công nghệ hạt nhân của Mát-xcơ-va và có thể ký với Nga các thoả thuận về việc lưu giữ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

Hiệp định này được ký giữa Đại sứ Mỹ tại Nga Uy-li-am Bơn và quan chức hàng đầu về hạt nhân của Nga Xéc-gây Ki-ri-chen-cô (Sergei Kiriyenko). Hiệp định mới này sẽ chính thức cho phép các công ty của Mỹ và Nga ký kết các thoả thuận hạt nhân./.