Theo báo cáo của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), điện sẽ thiếu nghiêm trọng, nhất là khu vực miền Bắc. Trong bối cảnh đó, các dự án đầu tư xây dựng nguồn điện không sử dụng vốn ngân sách nhà nước đang được đẩy mạnh.

Qua những tháng đầu năm 2008, tình hình vận hành các nguồn điện thực tế có nhiều diễn biến bất lợi so với dự kiến. Công suất khả dụng của toàn hệ thống chỉ ở mức trên 11.000 MW, trong khi nhu cầu được cho là trên 12.000MW. Việc mua điện của Trung Quốc phụ thuộc vào năng lực của hệ thống truyền tải. Nói tóm lại, từ nay đến cuối tháng 5 và thậm chí cả tháng 6 nếu nước không về các hồ thuỷ điện nhiều, thuỷ điện giảm công suất thì cả nước sẽ thiếu điện và không có giải pháp khắc phục nào hơn việc cắt điện.

Toàn miền Bắc đã phải sống chung với cắt điện từ giữa tháng 3-2008 tới nay và mức cắt giảm  ngày một tăng cao. Tại Hà Nội, lượng điện bị cắt giảm cũng khá lớn. Theo tin từ Công ty Điện lực Hà Nội, trong thời gian này, mỗi ngày Hà Nội được phân bổ sản lượng là 14,3 triệu Kwh, nhưng nắng nóng và nhu cầu tăng cao, hiện Hà Nội mỗi ngày sử dụng từ 16 triệu tới 18 triệu Kwh. Điện không đủ nên phải tiết giảm. Cũng theo dự báo từ Công ty Điện lực Hà Nội thì việc cắt điện luân phiên trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục kéo dài từ nay đến hết tháng 6-2008.

Năm 2008, đưa vào vận hành 39 dự án thủy điện độc lập

Bộ Công Thương cho biết, năm nay có khả năng đưa vào vận hành 39 dự án thủy điện nhỏ độc lập (IPP) với tổng công suất 396 MW. Trong đó, đến tháng 4-2008 đã có 6 dự án là Định Bình (Bình Định), Đăkpihao (Gia Lai), Sông Mực (Thanh Hóa), Krông Kmar (Đăk Lăk), Ngòi Đường (Lào Cai) và Đăk Ru (Đăk Nông) phát điện với tổng công suất 43,1 MW.

Cũng theo Bộ Công Thương, sau khi có Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 7-2-2005 của Chính phủ và Quyết định số 30/2006/QĐ-BCN ngày 31-8-2006 của Bộ Công nghiệp (cũ), thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư các dự án nhóm B thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, số dự án IPP tăng lên nhiều. Nếu không kể các dự án nhiệt điện lớn của PetroVietnam, Than Việt Nam, Lilama và các dự án BOT nước ngoài thì số các nhà đầu tư đã đăng ký xây dựng các dự án thủy điện IPP với bộ Công Thương đến thời điểm đầu tháng 4-2008 đạt công suất gần 4.100 MW với 217 dự án. Các nhà đầu tư các dự án IPP chủ yếu là tư nhân, các công ty cổ phần và các Tổng Công ty lớn như Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Miền Trung... Riêng đến tháng 12-2007, đã có 23 dự án thủy điện IPP phát điện với tổng công suất 416 MW. Theo tiến độ, đến năm 2009 sẽ đưa vào vận hành tiếp 16 dự án thủy điện IPP với tổng công suất 282 MW.

Hiện nay, nhu cầu đầu tư cho phát triển ngành điện là rất lớn, dự kiến trong giai đoạn 2006-2010, nhu cầu vốn của ngành điện khoảng 3,83 tỉ USD mỗi năm; trong đó, ngành điện chỉ đáp ứng được khoảng 50%. Việc huy động thêm các nguồn lực khác đầu tư trực tiếp vào ngành điện thông qua các dự án điện IPP là một hình thức xã hội hóa đầu tư điện. Trên cơ sở Chính phủ chủ trương khuyến khích các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư các nhà máy điện, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có các văn bản hướng dẫn trình tự thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tham gia.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, việc phát triển nguồn điện (kể cả các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ) phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch và môi trường. Quy hoạch các dòng sông chính sẽ do Bộ Công Thương phê duyệt, quy hoạch các nhánh sông sẽ do Ủy ban nhân dân các tỉnh phê duyệt trên cơ sở có thỏa thuận của Bộ Công Thương. Trong quá trình chuẩn bị dự án, chủ đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được phê duyệt theo quy định./.