Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 29-10 đến 04-11-2018)
TCCSĐT - Từ ngày 30-10 đến 01-11-2018, Hội nghị toàn cầu lần thứ nhất về ô nhiễm không khí và sức khỏe đã diễn ra tại trụ sở Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Geneva, Thụy Sĩ. Hội nghị là cơ hội để các nhà lãnh đạo trên thế giới, các quan chức y tế, năng lượng và môi trường, những người đứng đầu các tổ chức liên chính phủ và các nhà khoa học cam kết hành động chống lại mối đe dọa nghiêm trọng của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người.
Cộng đồng quốc tế nỗ lực đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí
Ảnh minh họa. Ảnh: baochinhphu.vn
Hội nghị đã thảo luận về 3 mục tiêu chính là cải thiện chất lượng không khí, đấu tranh chống biến đổi khí hậu và cứu những sinh mạng bị đe dọa bởi vấn nạn ô nhiễm. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc WHO, ông A. Ghebreyesus khẳng định, mơ ước của chúng ta là một thế giới không có ô nhiễm không khí. Để đạt được mơ ước, chúng ta cần phải đề ra một mục tiêu tham vọng giảm 2/3 số lượng các ca tử vong do ô nhiễm không khí từ nay đến năm 2030 - năm được ghi dấu để đạt các Mục tiêu phát triển bền vững.
Tổng Giám đốc WHO cũng nhấn mạnh sự chung tay cam kết và hành động mạnh mẽ từ tất cả các chính phủ, lãnh đạo các cộng đồng, nói cách khác là thúc đẩy sự thay đổi quyết liệt ở cấp toàn cầu, là giải pháp hiệu quả trong cuộc chiến cam go ngăn chặn tình trạng ô nhiễm không khí.
Để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí, WHO kêu gọi tất cả các quốc gia phải nỗ lực thực hiện các nguyên tắc toàn cầu về bảo đảm chất lượng không khí do WHO khuyến cáo nhằm cải thiện sức khỏe và sự an toàn cho trẻ em. Ngoài ra, WHO cũng đề xuất các phương hướng để đạt mục tiêu cải thiện chất lượng không khí, đấu tranh chống biến đổi khí hậu và cứu những sinh mạng bị đe dọa bởi vấn nạn ô nhiễm, trong số này phải kể đến việc trang bị năng lượng sạch tại các cơ sở y tế và khai thác tốt các kỹ năng của nhân viên y tế. Cụ thể, WHO cam kết thực hiện điện khí hóa các cơ sở y tế với năng lượng bền vững từ nay đến năm 2030.
Hội nghị toàn cầu lần thứ nhất về ô nhiễm không khí và sức khỏe diễn ra trong bối cảnh những báo cáo gần đây cho thấy, tình trạng ô nhiễm không khí trên thế giới đang ở mức đáng báo động, với khoảng 95% dân số thế giới đang phải hít thở bầu không khí ô nhiễm. Nghiêm trọng hơn, kết quả nghiên cứu vừa được WHO công bố ngày 29-10 cho thấy sự liên quan giữa sức khỏe trẻ em và tình trạng ô nhiễm không khí. Theo kết quả nghiên cứu này, ước tính riêng năm 2016 có tới 600.000 trẻ em chết do viêm phế quản cấp tính chủ yếu do ô nhiễm không khí. Rõ ràng, ô nhiễm không khí ngày càng trở thành một vấn đề cấp bách cần những giải pháp khả thi. Và hội nghị lần này đã thể hiện rõ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc đối phó với vấn đề này.
Khủng hoảng chính trị tại Sri Lanka
Tổng thống Sri Lanka M. Sirisena. Ảnh: presstv.com
Đảng Mặt trận Dân chủ Mới (NDF) của Tổng thống Sri Lanka M. Sirisena ngày 01-11 một lần nữa nhen nhóm cuộc khủng hoảng lập pháp liên quan đến người đứng đầu chính phủ bằng cách trở lại với quyết định đình chỉ hoạt động của Quốc hội. Diễn biến căng thẳng mới này đã khiến cuộc khủng hoảng chính trị tại Sri Lanka ngày càng trở nên trầm trọng.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Sri Lanka được châm ngòi vào ngày 26-10, khi Tổng thống nước này bất ngờ cách chức Thủ tướng R. Wickremesinghe và chỉ định cựu Tổng thống M. Rajapaksa làm Thủ tướng mới. Quyết định được đưa ra sau những bất đồng giữa hai nhà lãnh đạo này về chính sách kinh tế và cách thức vận hành bộ máy chính phủ. Sau đó, Tổng thống M. Sirisena cũng đã tạm đình chỉ hoạt động của Quốc hội đến ngày 16-11 tới nhằm ngăn các nghị sĩ bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông M. Rajapaksa và để thủ tướng mới có thời gian thành lập Chính phủ mới. Những động thái trên đã khơi mào cho cuộc chiến giữa quyền hạn của Tổng thống và quyền hạn của Quốc hội, khiến căng thẳng chính trị bùng phát thành bạo lực.
Hiện sức ép đang ngày một gia tăng đối với Tổng thống M. Sirisena khi khoảng 125/225 nghị sĩ đã ký thỉnh nguyện thư yêu cầu Tổng thống M. Sirisena tái triệu tập họp Quốc hội để các nghị sĩ giải quyết cuộc khủng hoảng hiến pháp hiện nay. Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka K. Jayasuriya cũng cảnh báo khủng hoảng chính trị ở quốc gia này có thể sẽ xấu đi nghiêm trọng nếu các nghị sĩ không được phép đứng ra giải quyết cuộc tranh giành quyền lực giữa Tổng thống và Thủ tướng vừa bị cách chức.
Ngoài sức ép nội bộ, Tổng thống M. Sirisena cũng chịu sức ép từ cộng đồng quốc tế. Liên minh châu Âu (EU) cho biết đang theo dõi sát sao diễn biến tình hình ở Sri Lanka, đồng thời kêu gọi các đảng phải hành động theo đúng quy định của Hiến pháp của nước này. Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi Tổng thống M. Sirisena “lập tức tái triệu tập họp quốc hội” để các nghị sĩ giải quyết cuộc khủng hoảng hiến pháp hiện nay. Trong khi đó, Ấn Độ, nước láng giềng cũng là cường quốc trong khu vực, cũng gây sức ép yêu cầu Tổng thống M. Sirisena phải cho phép cơ quan lập pháp hoạt động bình thường.
Cuộc khủng hoảng chính trị bủa vây Sri Lanka trong bối cảnh nước này đang đối mặt với rất nhiều khó khăn về kinh tế. Đầu năm 2016, Sri Lanka đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về nợ và về cán cân thanh toán, trước khi được IMF giải cứu bằng khoản cho vay. Trong năm 2018 và 2019, nền kinh tế này sẽ phải thanh toán “núi nợ” cao của mình và Chính phủ Sri Lanka cũng đang trong quá trình ban hành luật cho phép vay nhiều hơn mức giới hạn ngân sách hằng năm để ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng nợ.
Do vậy, các chuyên gia cho rằng, nếu không có các biện pháp kịp thời, một chính trường chia năm sẻ bảy cùng nền kinh tế rệu rã sẽ tiếp tục đeo đuổi Sri Lanka trong thời gian tới dẫn đến nguy cơ khó lường.
CPTPP có hiệu lực sẽ tạo động lực tích cực cho hợp tác thương mại đa phương
Thủ tướng Australia S. Morrison. Ảnh: TTXVN
Việc Australia trở thành quốc gia thứ 6 phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với sự tham gia của 11 nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là một diễn biến mang tính quyết định, chính thức bắt đầu một thỏa thuận thương mại, từng được coi là tham vọng nhất thế giới, trước khi Mỹ rút khỏi vào tháng 01-2017. Với 6 nước thành viên phê chuẩn, CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực vào cuối tháng 12 năm nay.
Ngày 31-10-2018, Australia chính thức thông báo phê chuẩn hiệp định CPTPP, trở thành quốc gia thứ 6 phê chuẩn hiệp định. Trong tuyên bố, Thủ tướng Australia S. Morrison nhấn mạnh, CPTPP “là một trong những thỏa thuận toàn diện và tham vọng nhất” trong lịch sử gần đây của nước này. Thỏa thuận sẽ giúp các doanh nghiệp Australia tăng trưởng và mỗi năm đóng góp tới 15,6 tỷ đôla Australia (tương đương 11,1 tỷ USD) cho nền kinh tế quốc gia vào năm 2030.
Sau khi Australia thông báo là nước thứ sáu phê chuẩn Hiệp định CPTPP, qua đó CPTPP sẽ bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm 2018, Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng Xuất khẩu New Zealand David cho biết, CPTPP là một “điểm sáng” hiếm hoi của thương mại thế giới trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang gia tăng. Theo ông D. Parker, các nước thành viên CPTPP sẽ tiến hành đợt cắt giảm thuế đầu tiên vào ngày 30-12-2018 và đợt thứ hai vào ngày 01-01-2019. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản T. Motegi cho rằng, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang gia tăng trên toàn cầu thì tầm quan trọng của các quy định thương mại tự do và công bằng đang ngày càng lớn hơn. Ngoài ra, ông T. Motegi còn cho biết, Nhật Bản sẽ tiếp tục là “lá cờ đầu về thương mại tự do” của thế giới. Theo ông T. Motegi, các quan chức Nhật Bản và các nước khác đã đánh giá CPTPP là “câu trả lời” cho “bài toán” chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang leo thang trên thế giới.
Trong khi đó, Thứ trưởng Thương mại Peru E. Vasquez nhận định, Peru sẽ là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ CPTPP và nước này sẽ phê chuẩn CPTPP trước năm 2019. Cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh L. Fox đã hoan nghênh việc Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực từ ngày 30-12 tới. Mặc dù chưa phải là một thành viên CPTPP, nhưng Anh vẫn bày tỏ ý muốn tham gia thỏa thuận này sau khi rời khỏi EU.
Về phần mình, Giáo sư Tom Chodor của Đại học Monash (Australia) cho rằng, CPTPP đã trở thành “bức tường thành” chống lại sự leo thang của chủ nghĩa bảo hộ thương mại trên thế giới và duy trì tinh thần thương mại tự do.
Những lợi ích mà CPTPP mang lại đã tạo sự thu hút mạnh mẽ với các nền kinh tế khác trong khu vực. Với những ý nghĩa đó, việc CPTPP có hiệu lực vào cuối năm 2018 sẽ tạo động lực tích cực cho hợp tác thương mại đa phương, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang gây ra không ít tác động tới kinh tế toàn cầu.
Động lực mới cho sự hợp tác cùng có lợi giữa Italy và Ấn Độ
Thủ tướng Ấn Độ N. Modi và Thủ tướng Italy G. Conte. Ảnh: moneycontrol.com
Nhằm thúc đẩy hợp tác song phương, Thủ tướng Italy G. Conte đã có chuyến thăm chính thức tới Ấn Độ ngày 30-10 theo lời mời của Thủ tướng nước chủ nhà N. Modi.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Ấn Độ N. Modi và Thủ tướng Italy G. Conte đã có cuộc hội đàm về các vấn đề hợp tác song phương, cách thức thúc đẩy hợp tác trong một loạt lĩnh vực như thương mại và đầu tư, quốc phòng, công nghệ hàng không vũ trụ, robotics, trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như thu hút khách du lịch Ấn Độ đến Italy và vấn đề chống khủng bố quốc tế. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí đẩy nhanh các hoạt động thương mại và đầu tư song phương cũng như thiết lập một cơ chế hợp tác và phát triển công nghiệp giữa hai nước. Hai bên cũng đã quyết định tăng cường quan hệ trong những lĩnh vực then chốt như giao thông vận tải và thiết kế xe hơi, năng lượng và khoa học đời sống, đồng thời bày tỏ quyết tâm thúc đẩy hợp tác về khoa học - công nghệ lên những tầm cao mới.
Hai bên đã ra Tuyên bố chung lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và kêu gọi áp dụng những biện pháp mạnh tay chống lại những kẻ gây ra các hành động khủng bố. Theo bản tuyên bố, Thủ tướng N. Modi và Thủ tướng G. Conte nhất trí tăng cường hợp tác chống khủng bố thông qua các diễn đàn đa phương và kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thực thi hiệu quả Chiến lược chống khủng bố toàn cầu của Liên hợp quốc.
Trước đó, quan hệ ngoại giao song phương giữa Ấn Độ và Italy từng bị xuống cấp nghiêm trọng sau vụ hai lính thủy đánh bộ Italy là M. Latorre và S. Girone bị phía Ấn Độ bắt giữ khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ tàu chở dầu Enrica Lexie của Italy ở ngoài khơi bờ biển bang Kerala hồi tháng 02-2012. Phía Ấn Độ cho rằng, hai binh sĩ lính thủy đánh bộ Italy do nhầm hai ngư dân Ấn Độ ở bang Kerala là cướp biển nên đã nổ súng làm hai người này thiệt mạng. Trong khi đó, phía Italy lại khẳng định vụ việc xảy ra ở vùng biển quốc tế và chỉ nên áp dụng Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Hiện hai lính thủy đánh bộ trên đang ở Italy để chờ phán quyết của Tòa trọng tài tại La Haye, Hà Lan. Căng thẳng ngoại giao Ấn Độ - Italy cũng ảnh hưởng lớn đến quan hệ giữa Ấn Độ với EU, trong bối cảnh tiến trình đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Ấn Độ và EU vẫn chưa đạt được tiến triển.
Do vậy, giới phân tích cho rằng, chuyến thăm của Thủ tướng G. Conte tới Ấn Độ lần này cho thấy Italy mong muốn cải thiện quan hệ với Ấn Độ tiếp sau giai đoạn đầy căng thẳng, đồng thời là cơ hội để đưa quan hệ hai nước trở lại đúng quỹ đạo hợp tác, tương xứng với tiềm năng hợp tác. Theo đánh giá của giới chức Rome, Italy và Ấn Độ có tiềm năng hợp tác rất lớn trên nhiều lĩnh vực, từ công nghệ thông tin và viễn thông, công nghệ vũ trụ, y tế, chế biến thực phẩm và nông sản, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải cho đến lĩnh vực năng lượng và kinh tế xanh. Và các lĩnh vực này sẽ trở thành những trụ cột chính cho hợp tác kinh tế giữa hai nước trong tương lai. Trong khi đó về hợp tác kinh tế, Italy là đối tác thương mại lớn thứ năm của Ấn Độ trong EU với kim ngạch thương mại song phương tăng từ 8,8 tỷ USD trong tài khóa 2015 - 2016 lên 10,5 tỷ USD trong tài khóa 2017 - 2018. Trong lĩnh vực quốc phòng, Ấn Độ và Italy cũng có mối quan hệ đối tác khá chặt chẽ. Italy có những công nghệ quốc phòng thuộc vào loại tốt nhất thế giới và hai bên hy vọng sẽ gác lại quá khứ, hướng tới hợp tác nhiều hơn trong lĩnh vực này.
Với những tiềm năng hợp tác lớn, chuyến thăm của Thủ tướng G. Conte tới Ấn Độ được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho hợp tác cùng có lợi giữa hai nước.
Người dân Brazil lựa chọn sự thay đổi
Tổng thống đắc cử J. Bolsonaro. Ảnh: riotimesonline.com
Ứng cử viên thuộc đảng Xã hội Tự do (PSL) Jair Bolsanaro chính thức đắc cử Tổng thống Brazil sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng hai diễn ra ngày 28-10. Đây là lần đầu tiên một đảng cực hữu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tại Brazil kể từ khi chế độ dân chủ được khôi phục tại quốc gia Nam Mỹ này hồi giữa những năm 80 của thế kỷ trước.
Ngày 29-10, Ủy ban bầu cử Brazil đã công bố kết quả chính thức vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống, theo đó, ứng cử viên của đảng Xã hội Tự do cực hữu J. Bolsonaro đã giành chiến thắng với 55,54% số phiếu ủng hộ, trong khi ứng cử viên của đảng Lao động (PT) F. Haddad chỉ được 44,46% số phiếu. Với kết quả này, ông J. Bolsanaro chính thức kế nhiệm Tổng thống M. Temer trong nhiệm kỳ 4 năm kể từ ngày 01-01-2019 tới.
Ngay sau khi kết quả được công bố, ông J. Bolsonaro cam kết sẽ bảo vệ Hiến pháp, nền dân chủ và tự do. Ông J. Bolsanaro cũng khẳng định chính phủ mới sẽ thực hiện những cải cách kinh tế để chấm dứt “chu kỳ luẩn quẩn của tăng trưởng nợ công” và bảo vệ quyền công dân. Về đối ngoại, ông J. Bolsanaro cho biết sẽ khôi phục sự tôn trọng quốc tế đối với quốc gia Nam Mỹ này. Tổng thống đắc cử J. Bolsonaro cho rằng, những diễn biến của cuộc bầu cử không hẳn là chiến thắng của một đảng phải mà là minh chứng cho khát vọng tự do của một đất nước.
Tổng thống đắc cử J. Bolsonaro, 63 tuổi, xuất thân là một sỹ quan quân đội và là nghị sỹ từ 30 năm qua trước khi chính thức đại diện cho đảng PSL ra tranh cử tổng thống Brazil. Ông J. Bolsonaro bắt đầu nổi lên trên chính trường Brazil từ đầu năm 2017 khi thể hiện một quan điểm khác biệt so các đảng truyền thống, từ việc bảo vệ những giá trị gia đình truyền thống, phản đối hôn nhân đồng giới, cam kết cứng rắn trong vấn đề tham nhũng và tình trạng tội phạm có tổ chức ngày một gia tăng, cho tới cải thiện bức tranh kinh tế ảm đạm trong những năm qua tại quốc gia Nam Mỹ này.
Theo nhận định của giới phân tích, cho dù có những tuyên bố bị dư luận cho là mang tính cực đoan trong một số vấn đề, nhưng trên thực tế quan điểm chính trị của Tổng thống J. Bolsonaro mang đậm chất chủ nghĩa dân tộc, ưu tiên những vấn đề mang tính lợi ích của Brazil.
Trong bối cảnh đất nước Brazil đang phải trải qua một giai đoạn đầy biến động với những vụ bê bối tham nhũng dính líu tới nhiều chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn, những mâu thuẫn căng thẳng giữa các đảng phái, nền kinh tế rơi vào thời kỳ suy thoái dài nhất trong lịch sử và tình hình bạo lực vẫn gia tăng, vấn đề quan trọng hàng đầu của Brazil trong những năm tới là việc ổn định tình hình chính trị, tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế, an ninh xã hội để từng bước khôi phục vị thế của Brazil tại khu vực và trên thế giới.
Cụ thể, về chính trị, ngoài việc ổn định tình hình chính trị, tại Quốc hội, đảng PSL của ông J. Bolsario cũng sẽ phải có chiến lược liên kết và nhượng bộ trong từng giai đoạn với một số chính đảng khác trong tổng số gần 30 đảng phái để có thể nhận được sự ủng hộ đối với các dự luật được đưa ra thảo luận tại cơ quan lập pháp. Về kinh tế, chính quyền mới của Brazil cần đưa ra nhiều thay đổi trong việc triển khai chương trình kinh tế vì lợi ích của dân tộc, đưa nền kinh tế Brazil thoát khỏi giai đoạn suy thoái hiện nay.
Như vậy, việc ông J. Bolsanaro đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử lần này cho thấy, người dân Brazil đã lựa chọn sự thay đổi với mong muốn những điều tốt đẹp hơn cho đất nước./.
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên