Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội năm 2018

Theo: TTXVN
12:25, ngày 22-10-2018
Sáng 22-10, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.

Mở đầu báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, kế thừa thành tựu hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của ta lớn mạnh hơn nhiều... Năm 2018, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực.

Trong đó, kết quả nổi bật là tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%); bình quân 3 năm 2016-2018 tăng 6,57% (chỉ tiêu kế hoạch 5 năm là 6,5-7%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm dưới 4%, là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát dưới 4%. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ được kiểm soát tốt; dự trữ ngoại hối Nhà nước đạt kỷ lục trên 60 tỷ USD. Thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế; Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 352 tỷ USD, cả năm ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11,7%; trong đó xuất khẩu 238 tỷ USD, tăng 11,2% (mục tiêu 7-8%); tiếp tục xuất siêu, 9 tháng đạt gần 5,4 tỷ USD.

Cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng giảm xuất khẩu thô, tăng tỉ trọng hàng chế biến, nông sản và tăng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Xuất khẩu của khu vực trong nước 9 tháng tăng 17,5%, cao hơn khu vực FDI (14,6%).

Thu NSNN ước cả năm vượt 3% dự toán, cơ cấu thu bền vững hơn, tỉ trọng thu từ xuất nhập khẩu, dầu thô giảm. Thu nội địa tăng, chiếm gần 82% tổng thu cân đối NSNN.

Chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Tỉ trọng chi đầu tư phát triển đạt 26,8%, cao hơn giai đoạn trước (23,6%) và kế hoạch 2016-2020 (25-26%). Bội chi NSNN ước khoảng 3,67% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra (3,7%), dự kiến đến năm 2020 còn 3,4% (mục tiêu đề ra là dưới 4%). Nợ công khoảng 61,4% GDP, giảm mạnh so với mức 63,7% năm 2016.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước cả năm đạt 34% GDP, 3 năm 2016-2018 ước đạt 33,5% (mục tiêu 5 năm 32-34%). Tỉ trọng vốn đầu tư Nhà nước giảm; tỷ trọng đầu tư ngoài Nhà nước tăng, trong đó đầu tư tư nhân ước đạt 42,4%, bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 40,8%, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (38,3%).

Vốn FDI thực hiện ước cả năm đạt 18 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Đã tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, đề ra các giải pháp mới, thu hút chọn lọc hơn, ưu tiên các lĩnh vực chế biến chế tạo, sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư tăng; chỉ số ICOR giai đoạn 2016-2018 ở mức 6,32, thấp hơn giai đoạn 2011-2015 (6,91).

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu. Rà soát, giảm chi phí kinh doanh, nhất là chi phí vốn, phí BOT, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính gắn với triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm 10 quốc gia cam kết mạnh mẽ nhất về cải cách chính sách thuế. Cả năm có khoảng 130.000 doanh nghiệp đăng ký mới. Số lượng hợp tác xã thành lập mới tăng nhanh; doanh thu và thu nhập của người lao động được cải thiện, góp phần giảm nghèo, giữ ổn định xã hội.

Quy mô nền kinh tế tăng mạnh, năm 2018 ước đạt trên 5,5 triệu tỷ đồng (khoảng 240,5 tỷ USD), gấp trên 1,3 lần năm 2015. GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so với năm 2015.

“Với xu hướng tốt như hiện nay, tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2020 có thể sẽ đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5-7%, cao hơn bình quân giai đoạn 2011-2015 (5,91%). Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam có triển vọng tốt, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội.

Còn nhiều thách thức

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn nhìn nhận tình hình kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn.

Sức ép lạm phát còn lớn do tác động của nhiều yếu tố, nhất là biến động tỉ giá, lãi suất, xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và yêu cầu thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, dịch vụ giáo dục, y tế... Tính tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; khả năng chống chịu trước những biến động bên ngoài còn hạn chế.

Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn ở nhiều bộ ngành, địa phương chậm. Sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực còn khó khăn. Sự gắn kết với khu vực FDI và năng lực, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế.

Một số công trình, dự án chậm tiến độ, chất lượng kém. Còn những bất cập trong cơ chế, chính sách; điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiều tổ chức quốc tế nâng hạng của nước ta trên nhiều lĩnh vực, nhất là môi trường kinh doanh, nhưng Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 của Việt Nam giảm 3 bậc so với năm 2017 (77/140 so với 74/135 quốc gia, vùng lãnh thổ).

Cơ cấu lại ngành, lĩnh vực ở một số nơi còn lúng túng, chưa đồng bộ, chưa gắn với thị trường. Du lịch tuy có bước phát triển nhanh nhưng còn bất cập. Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; tỉ lệ nội địa hóa của nhiều ngành, lĩnh vực còn thấp. Phát triển thương mại trong nước còn những hạn chế. Công tác lập, quản lý quy hoạch còn bất cập, nhất là trong việc thực hiện các quy hoạch sử dụng đất, xây dựng, đô thị. Buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp./.