Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: Gia tăng uy tín trước thềm cuộc bầu cử Chủ tịch đảng LDP cầm quyền
TCCSĐT - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã quyết định tham gia tranh cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) vào tháng 9 tới với quyết tâm tiếp tục chèo lái đất nước trên cương vị người đứng đầu LDP và chính phủ. Cuộc bầu cử Chủ tịch đảng LDP tới đây được xem là có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định người sẽ nắm giữ cương vị Thủ tướng kế nhiệm của Nhật Bản.
Nhiều thuận lợi
Quyết định ra tranh cử chức Chủ tịch đảng LDP của ông S. Abe được đưa ra trong bối cảnh ông đang có tỷ lệ ủng hộ cao nhất trong số các ứng cử viên của cuộc bầu cử chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền dự kiến tổ chức vào ngày 20-9-2018 tới.
Kết quả cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 24 đến 26-8-2018 của báo Nikkei và Đài truyền hình Tokyo về các nội dung liên quan tới cuộc bầu cử chủ tịch đảng LDP cho thấy, tỷ lệ ủng hộ đương kim Thủ tướng S. Abe là 39%, bỏ xa đối thủ của ông là Hạ nghị sỹ, nguyên Tổng thư ký LDP S. Ishiba là 31% và Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Truyền thông S. Noda là 4%. Trong khi đó, cuộc điều tra khác của hãng tin Kyodo News thực hiện ngày 25 và 26-8-2018 cũng cho kết quả tương tự, với 36,3% người được hỏi bày tỏ sự ủng hộ đối với Thủ tướng S. Abe, 31,3% ủng hộ ông S. Ishiba và 4,9% ủng hộ bà S. Noda.
Kết quả các cuộc điều tra cũng cho thấy các chính sách được người dân Nhật Bản kỳ vọng nhất đối với Chủ tịch LDP nhiệm kỳ tới lần lượt là: “tăng cường an sinh xã hội” với tỷ lệ ủng hộ là 46%, “phục hồi kinh tế” với tỷ lệ ủng hộ là 40%, “an ninh-ngoại giao” với tỷ lệ ủng hộ là 33%. Ngoài ra, tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng S. Abe đã tăng 3% so với tháng 7-2018, lên mức 48% và tỷ lệ phản đối là 42%. Tỷ lệ ủng hộ đối với đảng LDP cầm quyền cũng tăng 7% so tháng 7-2018, lên mức 45%.
Trên đà thuận lợi trên, ngày 26-8-2018, Thủ tướng S. Abe đã thông báo quyết định tham gia tranh cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) dự kiến vào ngày 20-9 tới. Quyết định trên đã được Thủ tướng S. Abe công bố trước báo giới ở thành phố Tarumizu, tỉnh Kagoshima, miền Tây Nam Nhật Bản. Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, cuộc đua giành chức chủ tịch LDP sẽ là cuộc đua song mã giữa ông S. Abe và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản S. Ishiba.
Trong cuộc bầu cử đảng LDP tới đây, các ứng cử viên sẽ phải giành được đa số phiếu trong tổng số 405 phiếu bầu của nghị sĩ và số phiếu tương tự của các thành viên phổ thông của LDP. Trong trường hợp không ứng cử viên nào giành được đa số phiếu trong vòng bầu đầu tiên, một cuộc bỏ phiếu sẽ diễn tại Quốc hội Nhật Bản, trong đó lá phiếu của các nghị sĩ sẽ có sức nặng hơn.
Theo kế hoạch, chiến dịch vận động tranh cử chính thức sẽ bắt đầu diễn ra vào ngày 07-9 tới trước khi cuộc bầu cử lựa chọn chủ tịch đảng LDP diễn ra ngày 20-9-2018.
Tiếp tục vững tin với các mục tiêu ổn định đất nước
Theo các nhà phân tích, uy tín của Thủ tướng S. Abe hiện vẫn được đánh giá khá cao là nhờ các chính sách điều hành đất nước của ông trong những năm qua. Trước tiên phải kể đến chính sách cải tổ mang tên “Abenomics”, được Thủ tướng S. Abe tiến hành trong 6 năm qua, đã và đang cho phép Nhật Bản duy trì ổn định về mặt kinh tế.
Chính sách Abenomics với “ba mũi tên” gồm: Mũi tên thứ nhất là “ngân sách”, được ông S. Abe chủ trương sử dụng cùng lúc ngân sách nhà nước để bơm thêm tiền vào guồng máy kinh tế quốc gia, đồng thời huy động Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) mở van tín dụng với hai mục đích: phá giá đồng Yen để kích thích xuất khẩu và đẩy giá hàng hóa, nhằm chặn đứng vòng luẩn quẩn của hiện tượng giảm phát. Mũi tên thứ hai là “tiền tệ” nhằm cải tổ chính sách với mục tiêu đẩy lạm phát lên mức 2%. Mũi tên thứ ba là “cải cách” nhằm cải tổ cơ cấu để giúp Nhật Bản tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời giải quyết núi nợ đã tương đương với gần 250% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Đến nay, bất chấp một số tranh cãi và vấp phải không ít khó khăn, nhưng chính sách kinh tế Abenomics do Thủ tướng S. Abe khởi xướng từ năm 2012, khi ông trở lại nắm quyền lãnh đạo chính phủ, đã đưa nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới có những chuyển biến tốt và thực chất. Tháng 6-2018, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đưa ra đánh giá, nền kinh tế Nhật Bản đang “tăng trưởng vừa phải”, phản ánh sự khởi sắc trong xuất khẩu và chi tiêu vốn. GPD của nền kinh tế Nhật Bản trong quý I-2018 đã giảm nhẹ sau khi đạt được tăng trưởng 8 quý liên tiếp trước đó - chuỗi tăng trưởng dài nhất trong hơn 30 năm qua. Nhiều chuyên gia dự đoán hoạt động kinh tế của Nhật Bản sẽ hồi phục trở lại. BoJ cũng nỗ lực tăng tỷ lệ lạm phát lên tới 2% - mức mà ngân hàng này cho là phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng vững chắc.
Hiện nay, với việc duy trì chính sách “siêu nới lỏng” tiền tệ, gia tăng chi tiêu công và cải cách thể chế nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp và chú trọng tự do thương mại…, nhìn chung chính sách “Abenomics” vẫn được người dân Nhật Bản kỳ vọng hơn về “sự tái sinh” của nền kinh tế Nhật Bản. Hướng tới cuộc bầu cử Chủ tịch đảng LDP vào tháng 9-2018 tới đây, Thủ tướng S. Abe được kỳ vọng sẽ tiếp tục những thành tựu đạt được của chính sách kinh tế “Abenomics”, bao gồm chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.
Bên cạnh đó, từ sự thành công về kinh tế, Thủ tướng S. Abe đã có được thành công vang dội trong lĩnh vực chính trị, tạo cơ sở vững chắc để ông theo đuổi chủ trương sửa đổi Hiến pháp năm 1947 (do Mỹ soạn thảo) và nâng cao vị thế của Nhật Bản trong cấu trúc an ninh toàn cầu mới. Trong bài phát biểu chào mừng Năm mới vào ngày 01-01-2014, Thủ tướng S. Abe từng tuyên bố Hiến pháp hòa bình soạn thảo sau Chiến tranh Thế giới thứ hai vốn hạn chế lực lượng quân sự nước này trong việc tự phòng vệ có thể sẽ được sửa đổi vào năm 2020. Ông S. Abe cho rằng sau 68 năm kể từ khi có hiệu lực, đã đến lúc Nhật Bản cần xem xét sửa đổi bản hiến pháp một cách sâu rộng để phù hợp với sự thay đổi của thời cuộc và nhằm khôi phục hoàn toàn vị thế cũng như đóng góp nhiều hơn của Nhật Bản cho hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Hướng tới cuộc bầu cử Chủ tịch đảng LDP vào tháng 9-2018 tới đây, Thủ tướng S. Abe chủ trương kêu gọi sửa đổi bản Hiến pháp hòa bình của nước này, cụ thể là Điều 9 nhằm chính thức công nhận vai trò của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) là một lực lượng quân đội. Tuy nhiên, tham vọng sửa đổi hiến pháp của ông AS. be hiện vẫn vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều. Trong cuộc thăm dò của Kyodo News (ngày 25 và 26-8-2018), có 49% ý kiến phản đối ý định của ông S. Abe về đệ trình một dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại phiên họp Quốc hội Nhật Bản vào mùa Thu năm nay, trong khi chỉ có khoảng hơn 17% số người được hỏi ủng hộ đề xuất này.
Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích cho rằng, tham vọng sửa đổi hiến pháp của Thủ tướng S. Abe sẽ vẫn là một thách thức không nhỏ đối với ông trong thời gian tới, nhất là khi đối thủ của ông là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản S. Ishiba lại không chủ trương theo đuổi việc sửa đổi hiến pháp. Theo ông S. Ishiba, việc sửa đồi Điều 9 trong Hiến pháp Nhật Bản không phải là vấn đề ưu tiên, bởi đây là vấn đề công luận còn thiếu nhận thức. Theo quan điểm của ông S. Ishiba, vấn đề cấp bách cần thay đổi hiện nay là các quy định về việc trao cho Chính phủ tự quyền đưa ra sắc lệnh để giải quyết các vấn đề khẩn cấp, bao gồm các thảm họa thiên nhiên.
Mặc dù vậy, Thủ tướng S. Abe đã bày tỏ quyết tâm giữ vai trò lãnh đạo trong công cuộc xây dựng đất nước mới và ông tự tin mình đủ mạnh mẽ để theo đuổi nhiệm vụ này./.
Nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam trong giai đoạn hiện nay  (29/08/2018)
Khai thác dầu từ tầng đá móng là cú hích kinh tế quan trọng thời đổi mới  (29/08/2018)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 20 đến ngày 26-8-2018)  (28/08/2018)
Việt Nam ủng hộ chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ  (28/08/2018)
Tuyên bố chung Việt Nam - Ai Cập: Củng cố lòng tin chiến lược  (28/08/2018)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên