Bất đồng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: Chưa thể tháo gỡ
TCCSĐT - Vòng đàm phán mới về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm tìm lối thoát cho căng thẳng thương mại và tăng thuế nhập khẩu đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ đột phá nào. Trong khi đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang sau khi hai nước áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD của mỗi bên. Những diễn biến này cho thấy Mỹ - Trung chưa thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề thương mại.
Không đạt được đột phá
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc vòng đàm phán mới về thương mại trong hai ngày 22 và 23-8 tại thủ đô Washington (Mỹ) mà không đạt được bất kỳ đột phá nào. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Nhà Trắng L. Walters thông báo vòng đàm phán mới về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc do Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ D. Malpass và Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn dẫn đầu đã kết thúc. Hai bên đã trao đổi quan điểm về cách thức đạt được sự thẳng thắn, cân bằng và có đi, có lại trong mối quan hệ kinh tế. Bên cạnh đó, hai bên cũng thảo luận việc giải quyết các vấn đề mang tính cấu trúc ở Trung Quốc, trong đó có các chính sách chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ.
Bà L. Walters cho biết, các quan chức Mỹ tham gia đàm phán sẽ báo cáo cụ thể với những người đứng đầu các bộ, ngành liên quan về cuộc đàm phán. Bà cũng nhấn mạnh, việc áp thuế mới nhất đối với lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD lẫn nhau không gây ảnh hưởng đến vòng đàm phán.
Ngày 24-8, Bộ Thương mại Trung Quốc ra tuyên bố cho biết, các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ vừa qua tại Washington đã diễn ra một cách “thẳng thắn và trên tinh thần xây dựng”, hai bên sẽ tiếp tục tiếp xúc để thảo luận “các kế hoạch tương lai”.
Trong khi đó, căng thẳng thương mại song phương tiếp tục leo thang sau khi Mỹ quyết định áp thêm mức thuế nhập khẩu 25% đối với khối lượng hàng hóa nhập từ Trung Quốc có tổng trị giá 16 tỷ USD, với cáo buộc Bắc Kinh “đánh cắp” công nghệ, chính thức hoàn tất kế hoạch áp thuế đối với khối hàng hóa tổng trị giá 50 tỷ USD nhập từ Trung Quốc. Trước đó, mức thuế mới đã được áp với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng trị giá 34 tỷ USD từ hôm 06-7.
Phản ứng trước động thái trên, Trung Quốc cũng áp dụng biện pháp đáp trả tương xứng đối với khối lượng hàng hóa của Mỹ trị giá 16 tỷ USD, đồng thời đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan tới vụ việc này.
Kết quả được dự báo
Việc Mỹ và Trung Quốc không đạt được kết quả tích cực trong vòng đàm phán này đã được dự báo. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, Tổng thống Mỹ D. Trump cho biết, không kỳ vọng nhiều vào các cuộc thảo luận cấp chuyên viên này, đồng thời nhận định giải quyết tranh chấp thương mại với Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc đã điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ để bù đắp lại số tiền thuế phải trả cho Mỹ, đồng thời yêu cầu Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có biện pháp đối phó. Với diễn biến trên, Giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, S. Kennedy, đã chỉ ra rằng vòng đàm phán này chỉ mang tính thăm dò khi “kỳ vọng của cả hai bên có lẽ đều ở mức thấp”. Trong khi đó, ông D. Scissors, học giả về Trung Quốc từ Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ, nhận định trong bối cảnh thành phần tham gia đàm phán lần này đều là các quan chức ở cấp đại diện tương đối thấp, “đến 80% - 90%, hai bên chỉ lãng phí thời gian vô ích với cuộc đàm phán”.
Trên thực tế, động thái mới của Mỹ và Trung Quốc từ ngày 23-8 áp đặt mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 16 tỷ USD của mỗi bên đã “phủ bóng đen” lên cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước. Đây là lần đầu tiên hai bên nối lại đàm phán kể từ khi nổ ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hồi đầu tháng 7 vừa qua, với việc Washington áp thuế nhập khẩu với lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc. Quyết định tiếp tục kế hoạch áp thuế này được xem là cách để Washington gây sức ép tối đa đối với Bắc Kinh trên bàn đàm phán, phản ánh chính sách “cây gậy và củ cà rốt” mà Mỹ đang tiếp cận đối với Trung Quốc. Điều này cũng đã được dự cảm từ trước khi Tổng thống D. Trump từng yêu cầu Trung Quốc nhượng bộ nhiều hơn trên bàn đàm phán, trong khi Cố vấn kinh tế cấp cao của Nhà Trắng L. Kudlow cũng cảnh báo Trung Quốc “không nên xem nhẹ quyết tâm của Tổng thống D. Trump” trong vấn đề thương mại.
Xét tổng thể, Mỹ có lý do không cần thỏa hiệp khi nước này đang được đánh giá ở vị thế cao hơn trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống D. Trump tính toán rằng, với mức thặng dư thương mại lớn, Trung Quốc cần thị trường 20.000 tỷ USD của Mỹ hơn là các công ty Mỹ cần thị trường Trung Quốc, do đó sớm muộn Bắc Kinh sẽ phải nhượng bộ. Theo Giáo sư Quan hệ quốc tế Bàng Trung Anh của Đại học Hải dương Trung Quốc, nếu Bắc Kinh không thể đưa ra những nhượng bộ mang tính thực chất về cải cách cơ cấu kinh tế, Tổng thống D. Trump khó có thể giảm nhẹ sức ép đối với Trung Quốc và bế tắc hiện nay khó có thể được khai thông trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vào tháng 11 tới.
Cần thu hẹp bất đồng
Sau đợt áp thuế và trả đũa đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc hôm 06-7 tới nay, cả hai nước đều nhận thấy những tác động. Trong hơn 1 tháng, tăng trưởng của Trung Quốc có dấu hiệu giảm sút. Đồng nội tệ và thị trường chứng khoán Trung Quốc đều sụt giảm đáng kể. Chỉ số chứng khoán của 50 công ty lớn nhất trên thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến đã giảm 15% và đồng Nhân dân tệ giảm gần 7% so với đồng USD. Trong khi đó, các công ty công nghệ cao của Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, ZTE, China Mobile cũng đang gặp nhiều khó khăn. Giới chuyên gia cũng lo ngại “cuộc chiến thương mại” này sẽ tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng hơn đến kinh tế Trung Quốc.
Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ cũng bị đánh giá bắt đầu chịu tác động trước các biện pháp trả đũa của Trung Quốc, gồm cả tẩy chay hàng hóa Mỹ. Từ những tập đoàn lớn của Mỹ như hãng xe hơi Ford vốn “xâm nhập” vào thị trường đông dân nhất thế giới, tới những người nông dân Mỹ không thể bán hàng sang Trung Quốc. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo Mỹ tăng hàng rào thuế quan 10% thì lợi nhuận của 500 tập đoàn lớn nhất của Mỹ giảm 15%. Các biện pháp đáp trả lẫn nhau trong căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc còn tác động lớn đến thị trường lao động Mỹ làm suy yếu mức tăng trưởng. Ngay cả người tiêu dùng Mỹ cũng đã phải chia sẻ gánh nặng này.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa tìm được lối thoát đang tác động nặng nề không chỉ đối với nền kinh tế hai nước mà còn với cả các nước khác cũng như kinh tế thế giới. Đồng nội tệ nhiều nước châu Á đã mất giá so với đồng USD, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc, Canada hay Mexico, những nước phụ thuộc vào quan hệ đối tác thương mại với Trung Quốc và Mỹ, đều được dự báo sẽ giảm. Các chuyên gia kinh tế cũng ước tính mỗi 100 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu bị đánh thuế có thể khiến thương mại toàn cầu sụt giảm khoảng 0,5%.
Trước những tác động trên, việc Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận tại vòng đàm phán thương mại lần này sẽ đặt ra những thách thức lớn. Do vậy, theo các chuyên gia, Mỹ và Trung Quốc cần thu hẹp bất đồng để hướng tới giải pháp trong tương lai./.
Các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam tiếp Tổng Lãnh sự danh dự Việt Nam tại khu vực Busan-Kyeongnam, Hàn Quốc  (24/08/2018)
Hội nghị khoa học chuyên ngành gây mê hồi sức  (24/08/2018)
Chủ tịch nước đề nghị Ethiopia ủng hộ doanh nghiệp Việt đầu tư  (24/08/2018)
Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời đại hiện nay  (24/08/2018)
Chủ động kiểm soát hoạt động di dân tự do ở miền núi Điện Biên  (24/08/2018)
Quan hệ Việt Nam - Ai Cập sẽ bước sang giai đoạn phát triển mới  (24/08/2018)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên