Nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người
Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 10, ngày 23-8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2017.
Hơn 3.000 người bị mua bán, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em
Theo báo cáo của Bộ Công an, thời gian qua, tội phạm mua bán người đã xảy ra và có dấu hiệu xảy ra ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mua bán người xảy ra dưới 2 dạng: Mua bán trong nước (lừa nạn nhân từ nông thôn ra thành thị bán vào nhà hàng, quán karaoke, cafe trá hình để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động…) và mua bán người ra nước ngoài (chiếm trên 85% số vụ). Hoạt động mua bán người ra nước ngoài tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia, Lào, trong đó Trung Quốc chiếm trên 75%.
Theo thống kê, từ năm 2012 đến năm 2017, số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn mua bán là 3.090 người; 2.571 người đã trở về, trong đó tự trở về là 1.237 người và còn 519 người chưa trở về. Hơn 90% số nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, trẻ em và đa số thuộc các dân tộc ít người, thường tập trung ở vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bị bóc lột tình dục (chiếm gần 80%), cưỡng bức lao động. Đối tượng phạm tội chủ yếu là đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người (chiếm 22%); người nước ngoài thông qua công ty môi giới vào Việt Nam dưới dạng tham quan, du lịch, hoạt động kinh doanh rồi móc nối, câu kết với các đối tượng người Việt Nam, hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia.
Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 1.021 vụ án, 2.035 bị can, chiếm 97,3% số tin báo, tố giác đã tiếp nhận, xử lý. Công tác xét xử các vụ án liên quan đến tội phạm mua bán người đảm bảo kịp thời, nghiêm minh.
Tiếp cận nạn nhân qua mạng xã hội
Trình bày dự thảo Báo cáo của Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Pha lưu ý về những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người. Đó là việc tiếp cận và làm quen với nạn nhân thay vì trực tiếp thì hiện nay ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận nạn nhân.
Một số nơi, các đối tượng phạm tội đã tìm đến các phiên chợ vùng cao, cổng trường học, nhất là trường dân tộc nội trú khu vực biên giới để tiếp cận, làm quen với phụ nữ, học sinh, xin số điện thoại, kết bạn qua zalo, facebook, tán tỉnh, giả vờ yêu đương, rủ rê đi chơi, đi làm thuê thu nhập cao, sau đó lừa các em gái đưa về thành phố bán vào nhà hàng, quán karaoke… để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động, cho vay nặng lãi hoặc móc nối với đối tượng người nước ngoài đưa nạn nhân qua biên giới, vào sâu trong nội địa để bán.
Theo Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Pha, một số nơi xuất hiện hiện tượng các đối tượng phạm tội giả danh lực lượng chức năng để lừa gạt, cưỡng ép nạn nhân (đối tượng dùng tên, hình ảnh đại diện giả trên facebook, mặc lễ phục bộ đội biên phòng làm quen, kết bạn và lừa bán nạn nhân...). Có đối tượng khi phát hiện phụ nữ Việt Nam đi lao động, đi chợ buôn bán... hoặc phụ nữ, trẻ em làm nương ở khu vực giáp biên, tiến hành kiểm tra giấy tờ, vờ cho đi nhờ xe rồi cưỡng ép, bắt cóc đưa sang bên biên giới, vào sâu trong nội địa để bán.
Tăng cường tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người
Tại phiên họp, các đại biểu chỉ rõ: Tội phạm mua bán người chủ yếu tồn tại dưới dạng ẩn, nên ngay từ khâu phát hiện, tố giác tội phạm đã rất khó khăn. Kể cả khi đã tố giác, báo tin tội phạm thì việc xác minh, điều tra cũng không dễ dàng. Đa phần các vụ việc, vụ án mua bán người ra nước ngoài xảy ra đã lâu mới được phát hiện, khi đó đối tượng và nhất là nạn nhân ở nước ngoài nên không thể xác minh, xác định; chứng cứ ít, chủ yếu căn cứ vào lời khai, tố giác của người bị hại hoặc người nhà nạn nhân.
Một số ý kiến cho rằng, việc xử lý tội phạm mua bán người còn nhiều bất cập, nhận thức của nạn nhân hạn chế nên bị đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi mua bán người. Đồng thời, công tác tuyên truyền, hỗ trợ của địa phương chưa hiệu quả. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Năm cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tội phạm mua bán người đối với người dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Ở địa phương thường có tủ sách pháp luật để phổ biến kiến thức cho người dân, nhưng nhiều nơi người dân chưa quan tâm đến vấn đề này, nhất là người dân tộc thiểu số. Đại biểu đề nghị, cần đổi mới phương thức tuyên truyền, phổ biến về pháp luật phòng, chống mua bán người để người dân dễ tiếp cận hơn.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền bởi một số địa phương chưa quan tâm đúng mức vấn đề này. Bên cạnh đó, cần tập trung giảm nghèo bền vững, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, hỗ trợ vốn đào tạo nghề, tạo sinh kế, việc làm ổn định cho người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; chấn chỉnh lại việc đưa lao động đi nước ngoài…
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có chính sách khuyến khích, tạo công ăn việc làm thu hút lao động tại địa phương để hạn chế tình trạng người dân, trong đó có phụ nữ đi lao động trái phép sang các nước láng giềng. Các bộ, ngành liên quan rà soát văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người để đề xuất sửa đổi, bổ sung, trong đó chú trọng sửa đổi, bổ sung những quy định về hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về./.
Hoạt động trong ngày của Thủ tướng Chính phủ  (23/08/2018)
Yêu cầu Đài Loan chấm dứt ngay tập trận bắn đạn thật tại đảo Ba Bình  (23/08/2018)
Triển vọng mới trong hợp tác đầu tư, thương mại với các nước châu Phi  (23/08/2018)
Bế mạc Hội thảo Quản lý Lục quân Thái Bình Dương lần thứ 42  (23/08/2018)
Bế mạc Hội thảo Quản lý Lục quân Thái Bình Dương lần thứ 42  (23/08/2018)
Chủ tịch nước lên đường thăm cấp Nhà nước đến Ethiopia và Ai Cập  (23/08/2018)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên