TCCSĐT - Cuộc bầu cử địa phương lần thứ 7 và bầu cử quốc hội bổ sung tại Hàn Quốc ngày 13-6-2018 đã kết thúc với thắng lợi áp đảo thuộc về Đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành (DP) của Tổng thống Moon Jae-in. Kết quả này là sự gia tăng uy tín mạnh mẽ đối với Tổng thống Moon Jae-in và được cho là sẽ giúp củng cố các nỗ lực của nhà lãnh đạo Hàn Quốc hướng tới cải cách tự do và các cam kết với Triều Tiên.

Người dân Hàn Quốc tiếp tục đặt niềm tin vào Đảng cầm quyền Dân chủ

 
 Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: TTXVN

Cuộc bầu cử 4 năm/lần này tại Hàn Quốc được xem là một phép thử đánh giá sự ủng hộ của cử tri đối với Tổng thống Moon Jae-in, người vừa nhậm chức hồi tháng 5-2017. Thực tế cho thấy, ông Moon Jae-in trở thành Tổng thống Hàn Quốc đúng thời điểm nhạy cảm cả về đối nội và đối ngoại, khi người tiền nhiệm Park Geun-hye phải rời nhiệm sở vì bê bối chính trị. Và hàng loạt khó khăn mà nhà lãnh đạo Hàn Quốc Moon Jae-in khi đó phải đối mặt là sự chia rẽ nội bộ, suy giảm kinh tế, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên chưa hạ nhiệt, quan hệ trục trặc với Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên nhờ những nỗ lực không mệt mỏi trong suốt hơn một năm cầm quyền, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đạt được những kết quả ấn tượng trong cả lĩnh vực đối nội lẫn đối ngoại.

Về đối nội, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã phần nào hạn chế được tình trạng chia rẽ chính trị nội bộ khi ông thiết lập được quan hệ hợp tác với các đảng đối lập để cùng giải quyết những thách thức chung. Trong khi đó, chính sách kinh tế “đặt trọng tâm vào con người” đã thu được những kết quả khả quan. Các số liệu kinh tế sáng sủa của Hàn Quốc cho thấy, nước này đã thoát khỏi tình trạng suy thoái kéo dài và bước vào giai đoạn khởi sắc. Năm 2017, kinh tế Hàn Quốc đã phục hồi và tăng trưởng 3%, mức tăng cao nhất trong 3 năm, kim ngạch thương mại vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này dự kiến sẽ tăng trưởng 2,8% và tạo ra khoảng 198.000 việc làm mới trong năm 2018.

Về đối ngoại, sau khi nhậm chức, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cử một loạt đặc phái viên tới Trung Quốc, Nhật Bản nhằm thảo luận vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ với các đối tác quan trọng này. Kết quả của chính sách chủ động của nhà lãnh đạo Hàn Quốc Moon Jae-in là hàng loạt khúc mắc đã được tháo gỡ thông qua đối thoại. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ sẵn sàng phối hợp với Hàn Quốc để đưa quan hệ song phương trở lại bình thường trên cơ sở củng cố lòng tin chính trị lẫn nhau và giải quyết một cách hợp lý các bất đồng. Trong khi đó, Nhật Bản bày tỏ mong muốn “xây dựng một mối quan hệ hướng tới tương lai với chính quyền mới của Tổng thống Moon Jae-in”.

Đặc biệt, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã “ghi điểm” trong việc hòa giải hai miền Triều Tiên, với việc Bình Nhưỡng nhất trí hướng tới các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sau nhiều năm áp dụng chiến thuật cảnh báo hay đe dọa. Chính sách kiên trì, mềm dẻo và khéo léo của Tổng thống Moon Jae-in đã thực sự tạo bước đột phá cho vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, nhất là sau hàng loạt vụ phóng tên lửa và vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Bình Nhưỡng hồi tháng 9 năm ngoái. Không những “ghi điểm” trong việc hòa giải hai miền Triều Tiên, trong thành công của Hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều diễn ra tại Singapore vào ngày 12-6 cũng phải kể tới vai trò quan trọng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với những nỗ lực bền bỉ để đưa quan hệ Mỹ - Triều thoát khỏi những nghi kỵ.

Và những quyết sách thuận lòng dân này đã khiến người dân Xứ sở Kim chi tiếp tục đặt niềm tin vào Đảng cầm quyền Dân chủ.

Hội nghị cấp cao CLMV 9: Vì sự hội nhập và kết nối sâu sắc hơn

 
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 9 (CLMV 9). Ảnh: TTXVN

Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 9 (CLMV 9) với chủ đề “Vì sự hội nhập và kết nối sâu sắc hơn” đã diễn ra ngày 16-6 tại thủ đô Bangkok (Thailand). Hội nghị đã rà soát tình hình hợp tác kể từ Hội nghị CLMV 8, thảo luận phương hướng, biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác nhằm phát huy tiềm năng kinh tế của các nước thành viên, đóng góp cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN và bảo đảm phát triển bền vững, bao trùm tại khu vực. Các nhà lãnh đạo cũng bày tỏ tin tưởng hợp tác và phối hợp chặt chẽ sẽ giúp các nước CLMV vượt qua khó khăn và nắm bắt cơ hội phát triển mới.

Hội nghị đánh giá cao nỗ lực của các nước trong thúc đẩy kết nối giao thông, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, quảng bá và xúc tiến du lịch, phát triển nguồn nhân lực.

Về định hướng hợp tác giai đoạn tiếp theo, các nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy kết nối nhiều mặt giữa bốn nền kinh tế nhằm thực hiện các mục tiêu của CLMV. Về giao thông, Hội nghị nhất trí đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường còn thiếu và nâng cấp các tuyến đường thuộc Hành lang kinh tế Bắc - Nam (NSEC), Hành lang kinh tế Đông - Tây, (EWEC) và Hành lang kinh tế phía Nam (SEC); đẩy nhanh xây dựng tuyến cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội; nghiên cứu khả thi mở tuyến đường kết nối Myanmar - Lào - Việt Nam.

Về tạo thuận lợi thương mại, đầu tư và hợp tác công nghiệp: thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận hiện có giữa các nước CLMV; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; thúc đẩy thương mại biên giới và phát triển thương mại điện tử; cắt giảm rào cản thương mại thông qua hài hòa hóa tiêu chuẩn và hợp chuẩn; phát triển các đặc khu kinh tế, khu công nghiệp; xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; hợp tác chia sẻ thông tin và kinh nghiệm tốt về phát triển công nghiệp.

Về phát triển du lịch, triển khai đầy đủ kế hoạch hành động 2016 - 2018 về hợp tác du lịch; hợp tác trao đổi thông tin và kinh nghiệm; tạo điều kiện cho các công ty, hiệp hội du lịch tham gia vào các sự kiện du lịch ở khu vực; thúc đẩy hợp tác công - tư về du lịch, tăng cường liên kết hàng không.

Về hợp tác nông nghiệp, nâng cao năng suất và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp; và gắn kết nông sản với thị trường qua các chuỗi giá trị, cân nhắc triển khai mô hình “sản xuất theo hợp đồng”; thúc đẩy hợp tác nghề cá, lâm nghiệp, chia sẻ các thực tiễn tốt và triển khai thực hành nông nghiệp bền vững.

Về hợp tác năng lượng, nâng cao hiệu suất sử dụng và bảo tồn năng lượng; hợp tác nghiên cứu phát triển các công nghệ năng lượng mới, sạch và tái tạo; quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, bao gồm nguồn nước, trong sản xuất năng lượng. Trong hợp tác công nghệ thông tin và viễn thông (ICT), tăng cường trao đổi tri thức và kinh nghiệm về chính sách và xây dựng quy định về ICT, phát triển ngành công nghiệp ICT.

Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị CLMV 9 và nhất trí Lào sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị CLMV lần thứ 10.

Xung quanh việc FED tăng lãi suất lần thứ hai trong năm 2018

 
 Trụ sở của FED. Ảnh: TTXVN

Việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố tăng lãi suất lần thứ 2 trong năm 2018, cho thấy sự tin tưởng của ngân hàng trung ương này vào nền kinh tế đang tăng trưởng và thị trường việc làm tiếp tục mạnh lên của Mỹ. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất này cũng gây ra không ít tác động đối với nền kinh tế thế giới.

Ngày 13-6, FED công bố mức tăng lãi suất lần thứ 2 trong năm, với mức lãi suất cho vay ở khoảng từ 1,75% đến 2%. Việc tăng lãi suất lần này cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ, mức tăng trưởng việc làm và lạm phát gần đạt tới mức mục tiêu của FED.

Theo báo cáo kinh tế công bố hàng quý, FED dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đạt lần lượt 2,7% trong năm 2018 và 2,4% trong năm 2019. Tỷ lệ lạm phát dự kiến chốt năm 2018 ở mức 1,9% và vượt mức mục tiêu 2% trong năm 2019. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức thấp lịch sử lần đầu tiên kể từ năm 1969 giảm xuống 3,5% năm 2018. Sau đó, con số tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể sẽ giảm tiếp xuống còn 3% vào cuối năm 2019 - mức thấp nhất kể từ tháng 9-1953 tới nay.

Trong một thông báo sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày, Ủy ban ấn định lãi suất của FED cho biết, thị trường lao động của Mỹ tiếp tục vững mạnh và hoạt động kinh tế tăng với tốc độ vững chắc và đây chính là các lý do để tăng lãi suất. Với việc tăng lãi suất này, thị trường kỳ vọng sẽ có tổng cộng 4 đợt tăng lãi suất trong năm nay, so với dự đoán 3 đợt trước đó.

Việc FED tăng lãi suất lần thứ hai trong năm 2018 không nằm ngoài dự báo và không gây bất ngờ. Song, giới phân tích nhận định, động thái nâng lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ sẽ khép lại cơ hội vay tiền của người dân Mỹ, cũng như gây áp lực cho một số nền kinh tế trên thế giới.

Theo các chuyên gia, động thái trên sẽ khiến khách hàng phải chịu những mức lãi suất cao hơn đối với tất cả các hình thức vay tiền mua ô tô, nhà ở, kéo theo doanh số bán những mặt hàng này sẽ giảm. Hệ quả là các công ty giảm bớt hoạt động đầu tư và tuyển dụng lao động, khiến sức ép tăng lương giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng và dẫn đến chi tiêu tiêu dùng sụt giảm. Những ảnh hưởng này có nguy cơ kìm hãm hoạt động của nền kinh tế đầu tàu thế giới, trong bối cảnh năm 2018 được coi là một năm bản lề đối với nền kinh tế Mỹ.

Bên cạnh đó, mỗi khi FED tăng lãi suất cũng đều tác động và bất lợi cho chính sách tiền tệ của các quốc gia khác trong trung và dài hạn do dòng vốn sẽ bị rút dần ra, đặc biệt tại các thị trường mới nổi, trong khi chi phí đi vay đối với các nước đang và chậm phát triển sẽ cao hơn.

Trước việc FED tăng lãi suất, các chuyên gia cho rằng cũng cho rằng ngân hàng trung ương các nước cần sẵn sàng có những điều chỉnh chính sách của riêng mình nhằm thích ứng với những diễn biến mới.

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên: Kết quả tích cực mở ra triển vọng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên

 
 Tổng thống Mỹ D. Trump với chữ ký của ông (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) trong bản Tuyên bố chung kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều ở Sentosa, Singapore ngày 12-6. Ảnh: TTXVN

Cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiên nhằm tìm giải pháp chấm dứt vấn đề hạt nhân Triều Tiên diễn ra vào ngày 12-6-2018 tại Singapore đã kết thúc với việc hai nhà lãnh đạo ký kết một văn kiện chung và ra tuyên bố chung. Việc ký kết văn kiện chung và ra tuyên bố chung được coi là cơ hội hóa giải bất đồng giữa Mỹ và Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng, đồng thời mở ra triển vọng về một nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong cuộc hội đàm riêng kéo dài 40 phút, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã trao đổi những quan điểm sâu rộng về vấn đề thiết lập mối quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên, xây dựng một cơ chế gìn giữ hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên cũng như hiện thực hóa tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên và các vấn đề mà hai bên quan tâm.

Sau cuộc hội đàm riêng, Tổng thống Mỹ D. Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tiến hành cuộc thảo luận mở rộng với các quan chức cấp cao hai bên về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên để đổi lấy sự bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng. Phát biểu tại cuộc hội đàm mở rộng, Tổng thống D. Trump đã bày tỏ lạc quan về khả năng thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Ông cho biết sẽ cùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un giải quyết những khác biệt liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Về phần mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Tổng thống D. Trump.

Tuyên bố sau các sự kiện tại Singapore, Tổng thống D. Trump cho biết, ông đã tạo dựng được mối quan hệ “gắn kết rất đặc biệt” với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông đánh giá nhà lãnh đạo Triều Tiên là một nhà đàm phán “thông minh và tài năng”. Tổng thống D. Trump đồng thời nhấn mạnh tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên sẽ bắt đầu “rất nhanh chóng”. Về phần mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định thế giới sẽ được chứng kiến “một sự thay đổi lớn lao” và hai nhà lãnh đạo “đã quyết định gác lại quá khứ”.

Kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, Tổng thống D. Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ký kết một văn kiện chung. Trong văn kiện chung này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên”. Trong khi đó, Mỹ cũng cam kết về các “bảo đảm an ninh” với Triều Tiên. Thỏa thuận này cũng hướng tới việc thiết lập “các mối quan hệ mới Mỹ - Triều Tiên”.

Theo giới quan sát, Tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore đã mang một ý nghĩa quan trọng và tích cực trong quan hệ Mỹ - Triều cũng như thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và an ninh của Bán đảo Triều Tiên và của thế giới.

Bảo đảm an ninh mạng

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Những năm qua, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ đã đem đến nhiều nhân tố tích cực, nhưng cũng xuất hiện nhiều nguy cơ với an ninh không gian mạng của các quốc gia. Tấn công mạng đã trở thành dạng tội phạm gây mất an ninh quốc gia, thiệt hại kinh tế và mất an toàn bảo mật cá nhân, trở thành nỗi lo toàn cầu. Trước những thách thức nghiêm trọng do tấn công mạng, nhiều nước trên thế giới đã chủ động đầu tư, tăng cường các biện pháp để để bảo đảm an ninh mạng.

Liên minh châu Âu (EU) là khu vực đầu tiên trên thế giới có chiến lược bảo đảm an ninh mạng. Chiến lược an ninh mạng châu Âu 2013 xác định 4 nguyên tắc cho không gian mạng, bao gồm: bảo đảm các quyền cơ bản của công dân, quyền tự do biểu đạt, quyền bảo đảm dữ liệu và đời tư cá nhân; bảo đảm khả năng tiếp cận internet; bảo đảm quản lý đa chủ thể dân chủ và có hiệu quả; trách nhiệm chung trong tăng cường an ninh mạng. Chiến lược này được sửa đổi, bổ sung bởi dự thảo Luật lệ về an ninh mạng châu Âu do Hội đồng châu Âu thông qua ngày 13-9-2017.

Các nước châu Âu như Anh hiện cũng đã xây dựng Trung tâm An ninh mạng và năng lực toàn cầu để bảo đảm an ninh mạng và hỗ trợ các nước triển khai các kế hoạch toàn diện nhằm đối phó với những mối đe dọa qua internet. Trong khi đó, Đức cũng khẳng định nước này đang nhìn nhận một cách nghiêm túc về các mối đe dọa can thiệp chính sách quốc nội của đất nước, bao gồm cả thông qua không gian mạng. Cơ quan tình báo nước ngoài Đức (BND) có kế hoạch đầu tư khoảng 130 triệu USD trong vòng 5 năm tới để thành lập “một đội trinh sát kỹ thuật” với khoảng 100 nhân viên. Còn đối với Pháp, nước này đã triển khai kế hoạch đối phó với các cuộc chiến tranh mạng trị giá 2 tỷ USD, và đây là ưu tiên chiến lược của ngân sách quân sự Pháp trong 5 năm tới.

Tại Mỹ, Luật An ninh mạng là một trong những luật có tốc độ điều chỉnh nhiều nhất và cập nhật thường xuyên với tốc độ thay đổi chóng mặt của công nghệ. Mới đây nhất, ngày 15-5, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã công bố chiến lược an ninh mạng mới nhằm giúp chính phủ liên bang đối phó với các mối đe dọa về an ninh mạng và an ninh hạ tầng quan trọng. Chiến lược này gồm 5 phần, trong đó có việc xác định các nguy cơ, giảm lỗ hổng bảo mật, giảm các mối đe dọa, giảm hậu quả và tăng cường an ninh và độ tin cậy của hệ sinh thái mạng thông qua việc hỗ trợ các chính sách và hoạt động, giúp cải thiện quản lý nguy cơ mạng toàn cầu. Đây được xem là chiến lược toàn diện cần thiết trong bối cảnh bức tranh toàn cảnh an ninh mạng đang chuyển dịch và các kẻ thù mạng hiện nay có thể đe dọa đến Mỹ.

Tại châu Á, nhiều nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Singapore… cũng đã tiến hành các biện pháp bảo đảm an toàn cho các công nghệ hàng đầu của mình trước các hoạt động tình báo công nghiệp.

Có thể thấy, trong bối cảnh những mối đe dọa về an ninh mạng đã hiện hữu, mọi quốc gia cần tập trung xây dựng chính sách mạng phù hợp với sự phát triển của nền công nghệ thông tin quốc gia, đồng thời cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về bảo đảm an toàn an ninh mạng giữa các quốc gia trên thế giới, bởi an ninh mạng là vấn đề toàn cầu./.