Kinh tế Cuba: Tiếp bước con đường phát triển
TCCSĐT - Sau gần sáu thập niên kể từ ngày Cách mạng Cuba thành công (từ năm 1959 đến nay), đặc biệt là khi Chủ tịch Cuba Raul Castro triển khai tiến trình cải cách kinh tế, Cuba đã đạt được nhiều thành tựu trong nỗ lực cải thiện chất lượng đời sống người dân. Ngày 19-4-2018, Quốc hội Cuba đã lựa chọn ông Miguel Diaz-Canel làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Hội đồng Bộ trưởng Cuba nhiệm kỳ 2018 - 2023, thay nhà lãnh đạo Raul Castro.
Sự kiện này không chỉ là dấu mốc quan trọng khẳng định Cuba đã bước sang một thời kỳ mới, mà còn là sự kỳ vọng về những đột phá mới đối với nền kinh tế Cuba.
Nhìn lại tiến trình cập nhật mô hình kinh tế Cuba
Năm 2008, Cuba bắt đầu triển khai tiến trình cải cách “cập nhật hóa xã hội chủ nghĩa của Cuba”. Tiến trình cải cách này trở nên linh hoạt vào năm 2010 và được chính thức hóa qua Đại hội toàn quốc lần VI của Đảng Cộng sản Cuba ngày 18-4-2011, dưới tên gọi các chủ trương của chính sách kinh tế - xã hội của Đảng và Cách mạng. Ngay sau khi ban hành các chủ trương năm 2011, nguyên Chủ tịch Raul Castro tuyên bố, việc triển khai những chủ trương này “không phải là một con đường dễ dàng, cần có những thay đổi cơ bản để cập nhật mô hình sẽ kéo dài hơn một nhiệm kỳ 5 năm”. Ông đồng thời cũng cảnh báo, trở ngại chính nằm ở “sức nặng của một tư duy lỗi thời, tạo ra một thái độ thụ động và thiếu tin tưởng vào tương lai”.
Đại hội VII của Đảng Cộng sản Cuba đã thông qua phiên bản cập nhật cho các chủ trương của chính sách kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2016 - 2021, với tổng cộng 268 chủ trương (giảm so với 313 chủ trương của năm 2011, trong đó chỉ có 31 chủ trương giữ nguyên nội dung ban đầu, 193 được chỉnh sửa và có 44 chủ trương mới) (1). Đảng Cộng sản Cuba tuyên bố chính thức, đây không phải là chương trình khuyến khích kinh tế thị trường hay từ bỏ trật tự xã hội chủ nghĩa. Đảng Cộng sản Cuba cũng bảo vệ sự ưu tiên kế hoạch hóa tập trung và doanh nghiệp nhà nước xã hội chủ nghĩa so với thị trường, mặc dù cho phép những “hình thái quản lý phi quốc doanh”, hay được hiểu rộng rãi là tư nhân được phép hoạt động trong giới hạn. Với định hướng này, Đảng Cộng sản Cuba mong muốn hướng tới một nền nông nghiệp mạnh và hiệu quả, thay thế nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, chấm dứt các hiện tượng phạm pháp kinh tế tràn lan, chặn đứng tham nhũng, tinh giản biên chế cồng kềnh của nhà nước và thúc đẩy việc làm tự doanh. Một thay đổi đáng chú ý khác trong mô hình cải cách theo chủ trương của Chủ tịch Raul Castro là việc mở cửa nền kinh tế, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, với việc chính phủ thông qua Luật Đầu tư nước ngoài năm 2014 và dự án thành lập Đặc khu phát triển Mariel.
Những cải cách của Chủ tịch Raul Castro đã mang lại những thay đổi đáng kể trong đời sống kinh tế - xã hội Cuba. Đến nay, Chính phủ Cuba đã cấp phép cho 580.000 doanh nghiệp tư nhân, tăng gấp 5 lần kể từ năm 2010. Tổng cộng, khu vực tư nhân hiện đang sử dụng 29% lực lượng lao động(2). Năm 2017, kinh tế Cuba đạt tăng trưởng 1,6%(3), bất chấp nhiều thách thức và khó khăn lớn về tài chính, cộng với những thiệt hại do cơn bão Irma gây ra và tình trạng hạn hán kéo dài. Du lịch, vận tải và viễn thông, nông nghiệp và xây dựng là những ngành đóng góp lớn vào sự gia tăng của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Dù chính quyền Mỹ D. Trump siết chặt các quy định về đi lại, trong năm 2017, ngành du lịch của Cuba vẫn đón hơn 4,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2016). Chính phủ Cuba kỳ vọng số du khách nước ngoài đến thăm Cuba sẽ đạt mốc 5 triệu lượt du khách trong năm nay (4).
Chủ tịch Raul Castro là “chất xúc tác” chính cho sự đổi thay ở Cuba. Ông đã dần dần điều chỉnh nền kinh tế mà không làm ảnh hưởng tới nền tảng của hệ thống hiện tại. Ông khuyến khích xây dựng mô hình các trang trại nhỏ. Phân bổ diện tích đất trồng đến từng gia đình để tự do sử dụng, nhưng không có quyền bán hoặc chuyển quyền thừa kế. Việc áp dụng các biện pháp này góp phần giải quyết một loạt vấn đề: tăng nguồn cung cho thị trường rau, trái cây cũng như cà phê và thuốc lá; giảm giá thực phẩm; giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu và tiết kiệm tiền tệ chuyển đổi tự do. Bên cạnh đó, chính quyền Cuba khi đó cũng đã gỡ bỏ các hạn chế đối với việc tăng tiền lương; ban hành nghị định đơn giản hóa việc đăng ký quyền sở hữu nhà ở cho những người thuê trong vòng 20 năm và đã có những thay đổi cả trong nhiều lĩnh vực khác.
Mặc dù nhiều người tỏ ra hoài nghi các biện pháp thay đổi mà Chủ tịch Raul Castro tiến hành và có những động thái làm chậm tiến trình thay đổi này, song Chủ tịch Raul Castro vẫn quyết tâm thực hiện, ít nhất là cho đến khi nhiệm kỳ của ông kết thúc. Song, ở khía cạnh khác, đáp lại những lời kêu gọi Cuba cần cải cách nhanh và rộng hơn, Chủ tịch Raul Castro cũng đã cảnh báo trước Quốc hội (tháng 7-2017) rằng, chiều sâu và nhịp độ của tiến trình cập nhật mô hình phát triển “phải gắn với khả năng làm tốt công việc và điều chỉnh đúng lúc trước bất kỳ sự chệch hướng nào”.
Thực tế cho thấy, Cuba đã không sao chép các mô hình của nước khác một cách rập khuôn, máy móc mà tận dụng những ưu điểm của các mô hình đó khi tính đến các đặc điểm trong nước. Chính sách này đã được Chủ tịch Raul Castro tuân thủ. Các nhiệm vụ ưu tiên được đặt ra là nâng cao mức sống của người dân, xóa bỏ tiền tệ song song, công dân được tự do ra nước ngoài. Chủ tịch Raul Castro khi chuẩn bị cho những thay đổi, đã xem xét kỹ lưỡng mọi vấn đề thông qua việc tham khảo kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa châu Á trong việc vận dụng cơ chế thị trường một cách khéo léo. Về mặt cá nhân, Chủ tịch Raul Castro ấn tượng với mô hình của Việt Nam trong việc phát triển một nền kinh tế tư nhân hỗn hợp. Điều này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những “con hổ” kinh tế trẻ trong khu vực.
Tiếp bước con đường cải cách, bắt nhịp thời đại
Bên cạnh những kết quả tích cực mà tiến trình cải cách “cập nhật hóa xã hội chủ nghĩa của Cuba” đã đạt được, cũng nhận thấy rằng, kinh tế Cuba chưa thật sự khởi sắc, nhiều chương trình cải cách quan trọng bị trì hoãn. Những khó khăn của nền kinh tế Cuba vẫn tiếp diễn do không bảo đảm được sản lượng xuất khẩu, dẫn tới thiếu hụt thanh khoản. Việc cung cấp nhiên liệu tại Cuba cũng trong tình trạng tương tự mặc dù trước đó đã có kế hoạch đầu tư trong lĩnh vực này. Cuba vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thực phẩm và năng lượng. Do sản lượng nông nghiệp đã trì trệ trong hàng thập niên qua, Cuba phải nhập khẩu từ 60% - 70% lượng thực phẩm tiêu thụ(5). Sản lượng đường của Cuba trong niên vụ năm 2018 được dự đoán sẽ nằm trong khoảng từ 1,1 triệu đến 1,3 triệu tấn đường dạng thô, giảm 30% so với niên vụ trước (6). Đây cũng là một trong những mức sản lượng thấp nhất trong hơn 100 năm qua của Cuba. Hiện tượng già hóa dân số cũng đang là một trong những thách thức kinh tế - xã hội lớn mà Cuba đang phải đối mặt. Xu hướng tăng tỷ lệ người về hưu và giảm sút dân số trong độ tuổi lao động có thể khiến đảo quốc Caribe thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Ngoài ra, Cuba cũng không thể kéo dài thêm hệ thống hai đồng tiền đa tỷ giá, bởi tình trạng này đang bóp méo nền kinh tế và mọi số liệu thống kê của Cuba.
Trong khi đó, áp lực từ bên ngoài cũng ngày một gia tăng. Các quan chức chính phủ Cuba đã nhiều lần nhấn mạnh, Cuba cần luồng vốn đầu tư mỗi năm ở mức 2,5 tỷ USD để bảo đảm tốc độ và chất lượng phát triển (7), nhưng những rào cản từ chính sách, đi cùng với đó là cuộc bao vây cấm vận của Mỹ, đã khiến con số đạt được chỉ xấp xỉ 1/3 mục tiêu đề ra. Sự thiếu nhất quán trong chính sách ngoại giao của các đời tổng thống Mỹ, mà điển hình là việc Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống D. Trump có những quyết định đảo ngược chính sách cải thiện quan hệ với Cuba của cựu Tổng thống B. Obama, trong khi đó, tại Venezuela, đồng minh chiến lược của Cuba, cũng đang có những diễn biến phức tạp…, đây là những yếu tố ít nhiều tác động tới tình hình Cuba, đòi hỏi Quốc hội cùng ban lãnh đạo mới của Cuba cần có các đường hướng chính sách phù hợp với tình hình nhiều biến động hiện nay.
Ngày 19-4-2018, tân Chủ tịch Hội đồng nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Díaz-Canel Bermudez đã có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Cuba khóa IX với lời khẳng định sẽ làm tròn trọng trách mà nhân dân Cuba tin tưởng giao phó, tiếp tục cùng người dân đảo quốc xinh đẹp này trung thành với di sản của cố Tổng Tư lệnh Fidel Castro và nối tiếp tấm gương của lãnh đạo hiện nay của Cách mạng Cuba, Đại tướng Raul Castro. Tân Chủ tịch Cuba với cam kết hiện đại hóa mô hình xã hội và kinh tế của quốc đảo này, bao gồm những mục tiêu như chấm dứt hệ thống tiền tệ song song và nâng cao chất lượng sử dụng internet, song khẳng định sẽ kiên định giữ vững hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Ngày 25-04-2018, tân Chủ tịch Cuba Miguel Diaz Canel đã tham dự cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng đầu tiên trên cương vị lãnh đạo cơ quan này. Cuộc họp nhằm thảo luận tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Các quan chức cấp cao Cuba khẳng định, tiến trình cập nhật mô hình kinh tế do nguyên Chủ tịch Raul Castro khởi xướng cần phải được làm sâu sắc hơn. Mô hình Cuba còn nhiều khó khăn, hạn chế, phải được nâng cấp và hoàn thiện. Và để có thể đạt được mục tiêu này, cần có sự phối hợp nhịp nhàng và đoàn kết trong cả tập thể.
Hiện, người dân Cuba vẫn đang sử dụng song song hai loại tiền tệ bao gồm đồng peso nội tệ (CUP) dành để trả lương cho người lao động trong hệ thống nhà nước, và đồng peso chuyển đổi (CUC) dùng trong du lịch và mua bán các hàng hóa nhập khẩu. Trước mắt, Chính phủ Cuba dự kiến sẽ đẩy nhanh dự án thống nhất tiền tệ ngay trong năm 2018. Trước đó, tháng 12-2017, Phó Chủ tịch Cuba Marino Murillo, đồng thời là chủ nhiệm chương trình triển khai các chủ trương “cập nhật mô hình kinh tế - xã hội” cho biết, chính phủ Cuba đang làm việc “không ngừng nghỉ” và đã tham khảo ý kiến từ hơn 200 chuyên gia tài chính cho dự án thống nhất tiền tệ này. Bên cạnh đó, Cuba sẽ “tái cấu trúc” xã hội và môi trường lao động, bao gồm cả việc đánh giá lại lực lượng lao động.
Một trong những ưu tiên của quá trình “cập nhật mô hình kinh tế - xã hội” mà Cuba đang triển khai là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để có thêm nguồn lực phát triển đất nước. Đến nay, đảo quốc Caribe đã có nhiều bước tiến quan trọng trong nhiệm vụ chiến lược này với dự án tiêu biểu là mỏ kẽm - chì Castellanos. Dù mới bắt đầu được triển khai trở lại từ tháng 10-2017, nhưng dự án Castellanos được đánh giá là một trong số những nỗ lực của Cuba thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhằm hồi sinh ngành khai mỏ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dự án trên có tổng vốn đầu tư 278 triệu USD do Công ty Emincar đảm nhiệm. Đây là một đơn vị liên doanh giữa Tổng công ty Geominera của Cuba và Tập đoàn khai mỏ Trafigura của Thụy Sỹ. Mỏ Castellanos sẽ sử dụng gần 500 công nhân (8). Mức lương trung bình khoảng 50 USD/tháng, cao hơn mức lương trung bình của Cuba là 30 USD/tháng (9). Ngoài ra, Tập đoàn dầu khí Total SA (Pháp) và Tập đoàn điện khí Siemens AG (Đức ) cũng hy vọng sẽ sớm ký được thỏa thuận xây dựng một nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt ở Cuba.
Cuba cũng đang đẩy mạnh mở rộng hợp tác với các đối tác truyền thống trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật trong số đó là hợp tác năng lượng với Nga, các đối tác Nga đang giúp Cuba hiện đại hóa các nhà máy nhiệt điện Maximo Gomez và Habana del Este. Nga cũng hỗ trợ Cuba nâng cấp các nhà máy thép Antillana, cung cấp các loại xe hơi và xe tải, phục vụ cho việc phát triển ngành giao thông vận tải đường bộ. Gần đây, Nga và Cuba đang cùng thảo luận về những vấn đề liên quan đến việc hiện đại hóa ngành công nghiệp dệt may của đảo quốc Caribe với sự tham gia của các công ty Nga. Một tuyến đường sắt cao tốc nối Havana với các khu nghỉ mát bãi biển Varadero trị giá 4 tỷ USD cũng đang được lên kế hoạch giữa Nga và Cuba (10). Khi tình hình kinh tế, chính trị Venezuela xấu đi, Nga đã thay thế Venezuela, tăng nguồn cung dầu và các sản phẩm từ dầu tới Cuba. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga sang Cuba trong năm 2017 tăng 81% so với năm 2016 (11). Chính phủ Cuba cũng đã cấp giấy phép hoạt động tại Đặc khu phát triển Mariel cho Công ty ViMariel S.A của Việt Nam… Việc tăng cường đầu tư cho một số ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch, vận tải, Đặc khu phát triển cảng biển Mariel (ở phía Tây La Habana), đi đôi với các lĩnh vực cơ bản như phát triển y tế, giáo dục, thúc đẩy sản xuất lương thực..., cũng là những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Cuba thời gian tới.
Dù Cuba vẫn bị cô lập khỏi các thể chế tài chính quốc tế truyền thống như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), nhưng các cơ quan khác như Ngân hàng phát triển Mỹ Latinh và Ngân hàng hội nhập kinh tế Trung Mỹ vẫn cung cấp viện trợ kỹ thuật và tài chính để hỗ trợ cải cách kinh tế Cuba. Gần đây, Havana đã chú ý hơn đến việc giải quyết vấn đề nợ công, chú trọng đào tạo nhân lực giỏi để điều hành nền kinh tế. Điển hình, chương trình phát triển năng lực tài chính và ngân hàng cho các giám đốc điều hành, các nhà quản lý cấp cao của Cuba, được tổ chức bởi Viện Tài chính - Ngân hàng London, Ngân hàng Trung ương Cuba, Đại sứ quán Anh tại Havana (do chính phủ Anh tài trợ) đã được tiến hành vào năm 2016. Đáng chú ý, trong tháng 5-2018, tại Cuba diễn ra cuộc họp Ủy ban kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC). Cuba sẽ tận dụng sự kiện hợp tác liên chính phủ này, tranh thủ nguồn lực, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế đất nước.
Người dân Cuba luôn khẳng định sự tin tưởng đối với sự lãnh đạo của Cách mạng và ban lãnh đạo mới. Những chính sách và thành quả kinh tế - xã hội nổi bật của các nhà lãnh đạo tiền bối sẽ là nền tảng vững chắc và thuận lợi để ban lãnh đạo mới của Cuba kế thừa, tiếp tục tiến trình hiện đại hóa và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa đất nước tiến lên phía trước./.
------------------------
(1) 7th PCC Congress Central Report, presented by First Secretary Raúl Castro Ruz, http://en.cubadebate.cu/news/, 18-4-2016
(2) Can Cuba’s Miguel Diaz Canel complete Raul Castro’s economic revolution?, http://www.newsweek.com, 3-5-2018
(3), (7) Ten Challenges for a New Cuban President, https://www.havanatimes.org, 16-4-2018
(4) U.S. visits to Cuba plunge following Trump measures, https://www.reuters.com, 25-4-2018
(5), (10) (11) Country risk of Cuba: Economy, https://import-export.societegenerale.fr/en, tháng 5-2018
(6) Cuban raw sugar production headed toward 30 percent decline, https://www.reuters.com, 16-4-2018
(8), (9) Cuba seeks to revive mining sector with new lead and zinc mine, https://www.reuters.com, 22-7-2017
Thủ tướng ký quyết định kỷ luật khiển trách Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai  (30/05/2018)
Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài  (30/05/2018)
Truyền thông Nhật đưa tin trang trọng về chuyến thăm của Chủ tịch nước  (30/05/2018)
Bộ Chính trị tiến hành kiểm tra Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình  (30/05/2018)
Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Sudan  (30/05/2018)
Quốc hội thảo luận hai dự án luật về giáo dục  (30/05/2018)
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam