Xu thế bảo hộ - Thách thức trong xây dựng hệ thống thương mại tự do toàn cầu
Toàn cầu hóa là một xu thế, lôi kéo ngày càng nhiều các quốc gia, các nền kinh tế tham gia và tưởng như đây là xu thế không thể đảo ngược, vì nó mang lại lợi ích, sự thịnh vượng. Trước đây, cũng có các cuộc vận động, phong trào phản đối toàn cầu hóa, tuy nhiên, xét về quy mô, mức độ ảnh hưởng, không thể so sánh với lực lượng ủng hộ. Tuy nhiên, từ khi Tổng thống D. Trump lên nắm quyền, với việc thực thi khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên”, những lo ngại về sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ, có thể dẫn tới các cuộc chiến tranh thương mại gây thiệt hại cho nhiều nền kinh tế và đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đã trở thành chủ đề nổi bật, thường xuyên được nhắc đến trong các chương trình nghị sự toàn cầu.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cận kề
Ảnh hưởng lớn đến hệ thống thương mại toàn cầu là quan hệ kinh tế - thương mại Mỹ - Trung, cường quốc kinh tế số một và số hai thế giới. Mối quan hệ này đang ở giai đoạn phức tạp, cận kề một cuộc chiến thương mại.
Tổng thống Donald Trump ngày 08-3 đã ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu. Đây là một bước tiếp theo trong việc hiện thực hóa cam kết của ông với cử tri trong quá trình tranh cử. Theo quyết định của Tổng thống Trump, các quy định mới về thuế sẽ bắt đầu có hiệu lực trong vòng 15 ngày. Mỹ là nước nhập khẩu thép lớn nhất thế giới với lượng nhập khẩu gấp 4 lần so xuất khẩu, trong khi lượng nhôm nhập khẩu cao gấp 5 lần sản lượng nhôm sản xuất tại Mỹ năm 2016. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng chính sách tăng thuế thép và nhôm là cần thiết để bảo vệ ngành chế tạo và tầng lớp lao động Mỹ, vốn chịu nhiều thiệt hại do các hành động thương mại "gây hấn" của nhiều đối tác nước ngoài.
Quyết định tăng thuế nhập khẩu với thép và nhôm của chính quyền Mỹ đã lập tức vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia và nhiều người nhận định rằng, kế hoạch trên sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với nhiều đối tác kinh tế.
Tuy nhiên, nhìn vào danh sách các nước được miễn trừ theo cái gọi là có “mối quan hệ an ninh” với Mỹ thì thấy Canada, Mexico, Australia, Argentina, tuy còn phải đàm phán thêm nhưng về cơ bản đã ở trong danh sách miễn trừ. Anh, EU là những đối tác truyền thống và có “mối quan hệ an ninh” chặt chẽ với Mỹ, cũng được tạm hoãn áp dụng theo điều khoản miễn trừ. Còn lại những ai? Đó là Trung Quốc, Nga,… đấy mới là đích ngắm trong chính sách áp thuế mới với nhôm và thép của ông chủ Nhà trắng.
Tiếp đó, ngày 22-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định áp gói thuế quan trị giá tới 60 tỉ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với lý do chống lại việc "ăn cắp" quyền sở hữu trí tuệ Mỹ, đồng thời hạn chế các hoạt động đầu tư của quốc gia này vào Mỹ. Tổng thống Trump nhiều lần chỉ trích Trung Quốc làm tổn hại nền kinh tế Mỹ. Từ tháng 8-2017, Mỹ đã mở cuộc điều tra thương mại liên quan các cáo buộc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Kết quả cuộc điều tra của Mỹ cho thấy Trung Quốc có một loạt hoạt động thương mại không công bằng như sử dụng những hạn chế về quyền sở hữu nước ngoài buộc các công ty chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, Mỹ cũng tìm thấy bằng chứng cho thấy Trung Quốc áp đặt điều khoản không công bằng đối với các công ty Mỹ, và tiến hành hỗ trợ tấn công không gian mạng. Quyết định mới của Mỹ không lập tức đưa ra mức thuế mới nào, song Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ có 2 tuần để công bố danh sách các sản phẩm Trung Quốc có thể nằm trong diện bị áp thuế mới, trong đó có mức thuế cao tới 25%.
Bộ Thương mại Trung Quốc ra tuyên bố kêu gọi Mỹ kiềm chế và thận trọng, tránh đẩy quan hệ thương mại song phương vào tình thế nguy hiểm. Tuyên bố nêu rõ các biện pháp hạn chế thương mại mà Mỹ vừa thông qua nhằm vào Trung Quốc là "một tiền lệ rất xấu", đồng thời bày tỏ kiên quyết phản đối các biện pháp bảo hộ thương mại và chủ nghĩa đơn phương của Mỹ. Bộ trên khẳng định Trung Quốc không muốn một cuộc chiến thương mại, nhưng cũng chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ những lợi ích hợp pháp của mình. Tuyên bố trên nhấn mạnh hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, là giải pháp tốt nhất cho 2 nước. Trung Quốc kêu gọi Mỹ giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tránh gây thiệt hại cho sự hợp tác song phương.
Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết đang xem xét áp mức thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ với tổng trị giá khoảng 3 tỷ USD để "bù đắp" khoản thiệt hại do Washington tăng thuế nhập khẩu sản phẩm thép và nhôm của Bắc Kinh. Biện pháp mới này của Trung Quốc sẽ nhằm vào 128 nhóm hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm thịt lợn, hoa quả và các loại rượu, coi đây như biện pháp trả đũa các trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với Bắc Kinh. Theo đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo lộ trình tăng thuế sẽ qua 2 giai đoạn, giai đoạn đầu tiên áp mức thuế 15% đối với hoa quả tươi, các loại hạt, rượu và ống thép đúc nếu hai bên không đạt được một thỏa thuận về thương mại trong khung thời gian đã định. Ở giai đoạn 2, mức thuế 25% sẽ được áp đặt với nhóm hàng hóa gồm thịt lợn, nhôm miếng, sau khi đánh giá thêm về thiệt hại của các biện pháp Mỹ áp đặt đối với Trung Quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo Bắc Kinh sẽ tiến hành mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Tuyên bố nêu rõ: "Trung Quốc kiên quyết không đứng nhìn các lợi ích hợp pháp của mình bị phương hại".
Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giấy ảnh nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản với lý do các sản phẩm này gây thiệt hại cho ngành công nghiệp sản xuất giấy ảnh trong nước. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá sẽ từ 23,5% đến 28,8%, tương đương mức thuế năm 2012 và năm 2016. Biện pháp chống bán phá giá này sẽ có thời hạn 5 năm, bắt đầu từ ngày 23-3-2018.
Những động thái nói trên làm dấy lên quan ngại về nguy cơ một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ lôi kéo các nền kinh tế khác vào cuộc và châm ngòi cho cuộc chiến thương mại quy mô toàn cầu.
Xu thế bảo hộ đang ngày càng rõ nét
Quả thực, các nền kinh tế lớn trên thế giới đang đứng trước bài toán khó là làm sao dung hòa được lợi ích quốc gia và những cam kết hợp tác thúc đẩy tự do thương mại vì lợi ích chung. Việc Mỹ đưa ra những rào cản thuế đối với nhập khẩu, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp chuyển địa điểm sản xuất về trong nước, trong khi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng tìm mọi cách tăng kim ngạch xuất khẩu song lại dựng lên những rào cản đối với hàng nhập khẩu, giữ thị phần trong nước cho các doanh nghiệp nội địa, là những minh chứng rõ nét về xu hướng theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ. Và chính những căng thẳng kinh tế và địa chính trị nêu trên là mối đe dọa lớn đối với tăng trưởng toàn cầu.
Thời gian gần đây, trong bối cảnh kinh tế thế giới bắt đầu tăng trưởng chậm lại kể từ năm 2013, làn sóng bảo hộ thương mại trỗi dậy khá mạnh và lan nhanh. Ngày càng nhiều nước quay trở lại chính sách thúc đẩy sản xuất hàng hóa công nghiệp để thế chân hàng nhập khẩu, thắt chặt quy định về tỷ lệ nội địa hóa và trợ giá hàng xuất khẩu, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Trong khi đó, thành quả của toàn cầu hóa không được phân chia đồng đều giữa các khu vực, các nền kinh tế cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới xu hướng phản đối tự do hóa thương mại gia tăng mạnh ở nhiều khu vực trên thế giới, nhất là tại các nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ và châu Âu. Trong thời gian qua, số lượng biện pháp bảo hộ thương mại mà các nền kinh tế lớn thực hiện ngày càng tăng lên. Đặc biệt, tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump, với chính sách “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, đã áp dụng nhiều biện pháp, từ rút khỏi các thỏa thuận thương mại mà ông coi là “gây thiệt hại” cho nền kinh tế đất nước, tới kêu gọi các doanh nghiệp lớn quay trở lại kinh doanh ở Mỹ để mang lại việc làm cho người dân Mỹ.
Bảo hộ thương mại - Lợi bất cập hại
Việc áp đặt một biện pháp đơn phương mang tính rào cản đối với thương mại tự do được đánh giá không phải là giải pháp tối ưu, bởi nó đi ngược lại xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, cản trở hệ thống thương mại toàn cầu, đồng thời có thể dẫn tới các cuộc chiến thương mại, ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của các nước, khu vực và thế giới.
Những động thái thắt chặt các biện pháp bảo hộ của chính quyền Trump hiện nay có mang lại lợi ích cho Mỹ hay không thì vẫn còn phải chờ đợi vì không ít chuyên gia cho rằng chính người tiêu dùng Mỹ mới là đối tượng phải chịu hậu quả nhiều hơn. Những số liệu thống kê hiện nay cho thấy Mỹ đang gặp bất lợi bởi lẽ phần lớn hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng tiêu dùng, tức là có thể dự đoán thuế tăng sẽ khiến chi phí mà người Mỹ phải chịu tăng lên, bởi lẽ, không dễ dàng để các nhà bán lẻ Mỹ có thể tìm ra nguồn cung thay thế ngay lập tức. Mọi mặt hàng tiêu dùng mà Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ hơn 5 tỷ USD mỗi năm, Trung Quốc đều chiếm hơn 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ đối với mặt hàng đó. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là máy tính, điện thoại, hàng dệt kim, quần áo và đồ chơi trẻ em…
Còn hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ chủ yếu là các sản phẩm và linh kiện trung gian. Nhiều nhất là đậu nành, máy bay, ôtô và đồ nhựa… Nếu đánh thuế vào những mặt hàng này để trả đũa, tác động sẽ lan truyền qua một vài nhà sản xuất trước khi người dân Trung Quốc có thể cảm nhận được. Chưa kể hiện Mỹ mua từ các đối tác thương mại nhiều hơn là bán ra và một cuộc chiến thương mại nếu xảy ra đồng nghĩa với việc các nước khác sẽ đánh thuế và hạn chế hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ Mỹ. Khi đó, sản phẩm Mỹ đắt hơn và giảm sức cạnh tranh tại nước ngoài.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Bertelsmann, có trụ sở tại Đức, các biện pháp bảo hộ mậu dịch do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất có thể gây thiệt hại nặng nề cho chính nền kinh tế Mỹ. Theo kịch bản xấu nhất, chính sách “Nước Mỹ trước tiên” có thể làm giảm 2,3% (tương đương 415 tỷ USD) tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Mỹ trong dài hạn.
Bên cạnh đó, động thái thắt chặt các biện pháp bảo hộ của ông D. Trump không chỉ dẫn tới kết cục trả đũa thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, mà nó đang châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu, nếu không cũng dẫn tới các cuộc khẩu chiến triền miên với hậu quả là không bên nào thắng. Giới phân tích cho rằng một cuộc chiến thương mại toàn cầu, nếu xảy ra, sẽ tạo một cú sốc tiêu cực đối với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của thế giới, có lẽ tương đương 1-3% trong vài năm tới. Mặc dù giới đầu tư có thể nhìn nhận mức thiệt hại này vẫn nằm trong tầm kiểm soát, song cũng không loại trừ tình hình này có thể trở nên xấu đi.
Một cuộc chiến thương mại sẽ gây phương hại cho cả nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Nhiều chuyên gia nhận định trong một thế giới tỷ giá hối đoái linh hoạt như hiện nay, thì kế hoạch áp thuế nhập khẩu mà chính quyền Mỹ vừa công bố có chiều hướng giúp cải thiện cán cân thương mại, song cũng đẩy tỷ giá thực của đồng USD tăng lên. Điều đó có thể dẫn tới sự giảm sút về sản lượng kinh tế và việc làm tại Mỹ. Nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu 20%-25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, chưa tính tới hành động trả đũa thì cũng đã khiến tỷ giá đồng USD tăng thêm 5% và GDP của Mỹ giảm đi 0,6% trong 5 năm tới.
Những dự báo nêu trên cho thấy các biện pháp thương mại của ông Trump có thể ví như “gậy ông đập lưng ông” và gây tác động bất lợi đối với chính nền kinh tế Mỹ. Thậm chí những tác động này có thể lớn hơn nữa, nếu nó gây ảnh hưởng tạm thời lên chuỗi cung ứng toàn cầu, làm chậm đà tăng trưởng kinh tế, khiến lòng tin sa sút do những bất ổn liên quan đến chính sách thương mại. Trong bối cảnh chính sách thương mại của Tổng thống Trump đang trở thành nguy cơ lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giới phân tích cho rằng mức độ leo thang của sự thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ cũng như tác động của nó sẽ phụ thuộc vào phản ứng của một số đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ, trong đó đáng kể nhất là Trung Quốc.
Quyết tâm ngăn chặn chiến tranh thương mại
Trong bối cảnh gia tăng xu thế bảo hộ, nguy cơ chiến tranh thương mại cận kề, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại thủ đô Buenos Aires của Argentina tháng 3-2018, đích thân Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde khẳng định không có ai là người chiến thắng nếu chủ nghĩa bảo hộ “lên ngôi”, trong khi các đối tác thương mại chính của Mỹ đều cảnh báo về những hệ lụy đối với tăng trưởng kinh tế thế giới khi một cuộc chiến thương mại nổ ra. Nhiều ý kiến cho rằng biện pháp của Mỹ có thể sẽ tạo một tiền lệ nguy hiểm gây cản trở tới quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
IMF từng cảnh báo việc quay lưng lại với thương mại tự do đồng nghĩa với việc sẽ mất đi một động lực chính của tăng trưởng kinh tế thế giới và có thể đe dọa xóa bỏ những nỗ lực tăng trưởng thời gian qua. Trong khi đó, chủ nghĩa bảo hộ đơn phương là một nguy cơ đối với sự phát triển thịnh vượng. Theo chuyên gia kinh tế Guillermo Valles Gamés, cựu Giám đốc Cơ quan Thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD), các nước có trách nhiệm cần phải tìm biện pháp cân bằng để tránh chủ nghĩa bảo hộ đơn phương lên ngôi và có nguy cơ gây bùng nổ một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Ông khẳng định, chủ nghĩa bảo hộ không phải là biện pháp giải quyết những khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu trong thời đại hiện nay.
Tuyên bố chung của hội nghị G20 khẳng định cam kết tiếp tục đối thoại để đạt được sự đồng thuận về vai trò của thương mại tự do, đồng thời nhấn mạnh thương mại và đầu tư quốc tế là những động lực quan trọng đối với tăng trưởng toàn cầu, năng suất, tạo việc làm và sự phát triển chung. Ngoài ra, các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các thỏa thuận song phương, nội khối, đa phương phải là những cam kết mở, minh bạch và phù hợp với những quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), qua đó ngăn chặn các nguy cơ chiến tranh thương mại.
Hội nghị G20 nhấn mạnh đã tới lúc phải hành động để hạn chế những rào cản đối với tăng trưởng, giảm thiểu sự bất bình đẳng toàn cầu và đẩy lùi những nguy cơ đối với kinh tế thế giới; khẳng định thương mại tự do, chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế vẫn được coi là xu hướng chủ đạo giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu./.
Festival Huế lần thứ X: “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế 1 điểm đến 5 di sản”  (26/04/2018)
Festival Huế lần thứ X: “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế 1 điểm đến 5 di sản”  (26/04/2018)
Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore  (25/04/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu thăm chính thức Singapore  (25/04/2018)
Việt Nam tham dự Hội nghị lãnh đạo phụ trách an ninh tại Nga  (25/04/2018)
Cả nước cùng hướng về Quốc Tổ Hùng Vương  (25/04/2018)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên