TCCSĐT - Ngày 21-4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dự lễ khánh thành bến phà Cần Giờ - Cần Giuộc kết nối TP. Hồ Chí Minh với tỉnh Long An; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự lễ khánh thành bến phà kết nối TP. Hồ Chí Minh-Long An

Ngày 21-4, tại Long An, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dự lễ khánh thành bến phà Cần Giờ - Cần Giuộc kết nối TP. Hồ Chí Minh với tỉnh Long An.

 
 Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng các đại biểu và người dân trên chuyến phà từ phía huyện Cần Giuộc sang huyện Cần Giờ.
Bến phà Cần Giờ - Cần Giuộc được thực hiện từ nguồn vốn tự có của nhà đầu tư tư nhân với kinh phí khoảng 54 tỷ đồng, gồm 2 đầu bến phà, 2 phà 30 tấn, 60 tấn và hệ thống nhà chờ, hạ tầng kỹ thuật 2 đầu bến.

Hạng mục đường kết nối vào bến phà Tân Tập (xã Tân Tập, Cần Giộc, Long An) có chiều dài 177,92m, kinh phí xây dựng 2 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Long An, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng 3,8 tỷ đồng do nhà đầu tư thực hiện.

Đường vào bến phà Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) có chiều dài 863m do UBND huyện Cần Giờ làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là 15 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP. Hồ Chí Minh.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, việc xây dựng bến phà Cần Giờ - Cần Giuộc đáp ứng nhu cầu của người dân Long An và các tỉnh miền Tây lưu thông theo hướng quốc lộ 50 đi huyện Cần Giờ và ngược lại.

Đặc biệt, bến phà đi vào hoạt động sẽ rút ngắn quãng đường khoảng từ 11km đến 49km so với hướng đi theo các tuyến đường hiện hữu trong khu vực.

Bến phà mới cũng sẽ góp phần nâng cao năng lực vận tải hành khách và hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch giữa huyện Cần Giờ với các huyện Cần Giuộc, Cần Đước của tỉnh Long An.

Ngoài ra, sau khi đi vào hoạt động, người dân hai bên sông Soài Rạp sẽ không còn phải đi qua các bến khách ngang sông, đảm bảo an toàn cho người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực ven biển TP. Hồ Chí Minh và Long An.

Sau lễ khánh thành, nhà đầu tư sẽ tổ chức khai thác thử nghiệm trước khi đưa vào bến phà hoạt động chính thức.

Cũng trong sáng 21-4, tại huyện Cần Giuộc, Long An, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã dự lễ công bố quyết định công nhận 10 cây me trong khuôn viên chùa Rạch Núi, xã Đông Thạnh là cây di sản Việt Nam.

Theo Trụ trì chùa, Hòa thượng Thích Huệ Bạch, ngôi cổ tự này ra đời vào năm 1867, từng là nơi nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ; được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1999.

Đây cũng là di tích khảo cổ học, chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về nền văn minh cổ thời đại ''hậu kỳ đá mới - sơ kỳ đồng'' ở lưu vực sông Đồng Nai - Vàm Cỏ cách nay khoảng 3.000 năm.
Hiện bao quanh chùa là rất nhiều cây cổ thụ, trong đó có những cây me trên 100 năm tuổi, chiều cao từ 18 đến 20m. Năm 2017, UBND huyện Cần Giuộc phối hợp Hội Sinh vật cảnh tỉnh lập hồ sơ đề nghị và được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận cây di sản Việt Nam cho cụm 10 cây me trong khuôn viên chùa.

Trước đó, tại trụ sở Công an huyện Cần Giuộc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã dự lễ trao tặng 10 căn nhà tình thương (mỗi căn trị giá 40 triệu đồng) cho các hộ gia đình khó khăn và 100 suất học bổng (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho các em học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn huyện.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định

Chiều 21-4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và Luật Đầu tư công.

 
 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cơ cấu kinh tế của Nam Định chuyển biến theo hướng tích cực, giải ngân vốn đầu tư công tốt, đạt kết quả đặc biệt xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới (chỉ còn 9 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới).

Tuy nhiên, tỷ trọng khu vực nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 20,6% trong cơ cấu kinh tế là vẫn còn cao so với bình quân chung cả nước (15%); chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chỉ xếp thứ 41/63, các tỉnh, thành phố.

“Nhìn chung Nam Định đạt được các kết quả toàn diện về kinh tế - xã hội - văn hoá - giáo dục nhưng để tỉnh bứt phá lên thì còn nhiều khó khăn”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá và đề nghị tỉnh Nam Định rà soát các chiến lược phát triển trong đó có chiến lược phát triển hướng biển của địa phương để điều chỉnh phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tình hình thế giới.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ủng hộ việc Nam Định triển khai khu đô thị công nghiệp Dệt may Rạng Đông trong bối cảnh Hiệp định CPTTP đã được ký kết; tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; phát triển thành phố Nam Định.

Phó Thủ tướng cho rằng Nam Định cần xây dựng các đề án phát triển kinh tế- xã hội cụ thể, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về tự nhiên, xã hội.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý lãnh đạo tỉnh Nam Định tiếp tục quan tâm tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới để không ngừng nâng cao đời sống người dân; chú trọng phát triển doanh nghiệp, kêu gọi đầu tư vào địa phương; triển khai quyết liệt nhiệm vụ tinh gọn bộ máy Nhà nước, đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Nam Định chọn huyện Hải Hậu là huyện điểm về nông thôn mới kiểu mẫu. Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ lựa chọn Nam Định là nơi tổ chức hội nghị toàn quốc về nông thôn mới vào năm 2019 nhằm xây dựng khung khổ cho giai đoạn tiếp theo.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho ý kiến tháo gỡ các vướng mắc của tỉnh Nam Định liên quan tới việc phát triển khu công nghiệp Mỹ Trung, dự án Nhiệt điện BOT 1 Hải Hậu, các dự án đường giao thông quan trọng ven biển và tuyến đường trục của tỉnh Nam Định.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn “với bề dày truyền thống văn hoá, giáo dục, Nam Định sẽ dệt nên nhiều giấc mơ tươi đẹp trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và phát triển kinh tế- xã hội, chăm lo cho đời sống người dân”./.