TCCSĐT - Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Nhân dân Bangladesh Mohammad Abdul Hamid, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Nhân dân Bangladesh (từ ngày 04 đến 06-3-2018). Đây là chuyến thăm Bangladesh đầu tiên của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quan hệ chính trị tốt đẹp, kinh tế phát triển

Việt Nam và Bangladesh chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 11-02-1973. Từ đó đến nay, hai bên duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp. Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp với Bangladesh. Bangladesh cũng luôn coi trọng và ngưỡng mộ thành tựu đấu tranh, giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Hai nước luôn sát cánh và ủng hộ lẫn nhau trong công cuộc xây dựng, bảo vệ độc lập chủ quyền và phát triển kinh tế ở mỗi nước.

Quan hệ chính trị giữa hai nước được tăng cường chặt chẽ, tin cậy hơn thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Shirin Sharmin Chaudhury (tháng 7-2017) và phía Việt Nam có chuyến thăm Bangladesh của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội tham dự Đại hội đồng IPU 136 tại Dhaka (tháng 4-2017)…

Hai nước thường xuyên có sự trao đổi, hợp tác khá chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc. Hai bên tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Bangladesh ủng hộ Việt Nam làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, ủng hộ ứng cử viên của Việt Nam vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước cũng có rất nhiều chuyển biến. Hai nước đã ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư ngày 18-5-2005. Trao đổi thương mại đã tăng nhanh giai đoạn 2010 - 2014, từ 288 triệu USD lên gần 800 triệu USD (tăng hơn 2,5 lần). Năm 2015 và năm 2016, trao đổi thương mại song phương chững lại ở mức khoảng 620 triệu USD và gần 609 triệu USD. Tuy nhiên, đến năm 2017, thương mại giữa hai nước đã đạt hơn 900 triệu USD. Đây là một con số ấn tượng, song vẫn chưa đạt được mục tiêu do các nhà lãnh đạo hai nước đề ra. Hiện nay, cán cân thương mại đang nghiêng về phía Việt Nam. Hai bên đang phấn đấu đạt mục tiêu 1 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương trong những năm tới.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Bangladesh là clanke và xi măng (chiếm khoảng 26% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bangladesh), gạo, xơ và sợi dệt các loại, hàng dệt - may, nguyên phụ liệu dệt - may, máy móc, thiết bị, phụ tùng. Việt Nam nhập khẩu từ Bangladesh chủ yếu là nguyên phụ liệu dệt may, da và giày, tân dược, vừng, hàng hải sản và sợi các loại… Hai nước đã ký gia hạn Bản ghi nhớ có thời hạn 5 năm (2017 - 2022) về việc Bangladesh sẽ nhập một triệu tấn gạo mỗi năm từ Việt Nam vào tháng 5 vừa qua.

Về đầu tư, tính đến hết tháng 12-2017, Bangladesh hiện có 4 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 615.000 USD, đứng thứ 99/125 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam có 1 dự án đầu tư sang Bangladesh với tổng vốn 27,9 nghìn USD, đứng thứ 68/72 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã đầu tư. Hiện nay, Bangladesh cam kết ưu tiên ở mức cao nhất và mong doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực của nước bạn như phát triển điện, công nghệ thông tin, sản xuất giày dép, xây dựng cơ sở hạ tầng, trồng cây cảnh, sản xuất giống cây và trồng rau quả. Trong khi đó, về phía Việt Nam, xác định Bangladesh là thị trường tiềm năng với dân số trên 160 triệu người - sức tiêu thụ lớn và có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam - nên Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hợp tác với Bangladesh trong các lĩnh vực nông - ngư nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, tài chính, ngân hàng, văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế… Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, hai bên rất tích cực trao đổi đoàn các cấp sang thăm, học tập, trao đổi kinh nghiệm về chính sách phát triển kinh tế, tái định cư và di dân, nuôi trồng thủy sản. Bangladesh đang tìm hiểu về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nuôi trai cấy ngọc cả nước mặn và nước ngọt.

Ngoài ra, các hoạt động hợp tác văn hóa, giáo dục - đào tạo giữa hai nước cũng được tích cực thúc đẩy. Tính đến nay, Học viện Hành chính Quốc gia của Việt Nam phối hợp với Bộ Hành chính công và Trung tâm Đào tạo Hành chính công Bangladesh đã tổ chức thành công 16 khóa đào tạo về hành chính công cho gần 500 cán bộ cấp quản lý, lãnh đạo cấp thứ trưởng, vụ trưởng và phó vụ trưởng của Chính phủ Bangladesh tại Việt Nam (khóa gần nhất vào tháng 5-2017).

Kỳ vọng đạt kim ngạch thương mại 1 tỷ USD

Với những nền tảng tốt đẹp đó, nhân dân hai nước kỳ vọng, chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân tới Bangladesh sẽ góp phần mở ra một trang mới trong quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Bangladesh. Trong chuyến thăm này, lãnh đạo hai nước sẽ cùng trao đổi về các vấn đề chung trong khu vực và quốc tế, thúc đẩy hợp tác trong các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc, Phong trào Không liên kết (Non - Aliged Movement), Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM). Ngoài ra, hai bên cũng hướng tới thúc đẩy hợp tác nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và an ninh lương thực.

Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam, bà Samina Naz, cho biết: “Chuyến thăm này tập trung chủ yếu vào thương mại và đầu tư. Mục tiêu của chúng tôi là đạt được kim ngạch thương mại 1 tỷ USD”. Bà Samina Naz cũng cho biết thêm, hơn 100 đại diện doanh nghiệp của các công ty Việt Nam sẽ tương tác với đại diện các công ty của Bangladesh để tìm hiểu các cơ hội thương mại và đầu tư tại Bangladesh. Hai bên đang hướng tới hợp tác trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, nuôi trồng ngọc trai, thủy sản và vật nuôi, hợp tác công nghiệp, trao đổi văn hóa và lĩnh vực dược phẩm. Ngoài ra, Bangladesh cũng mong muốn chia sẻ kinh nghiệm và các thành tựu đạt được trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, ứng phó với thiên tai cũng như các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Để sớm đạt mục tiêu 1 tỷ USD kim ngạch thương mại theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, hai bên cần tăng cường công tác giao thương, xúc tiến thương mại và đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, hội thảo... được tổ chức tại mỗi nước. Việt Nam và Bangladesh cần mở rộng hơn nữa các lĩnh vực hợp tác mà hai bên có thế mạnh và bên kia có nhu cầu. Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh Trần Văn Khoa cũng khẳng định, việc trao đổi các đoàn thương mại sẽ mở ra những cơ hội hợp tác kinh doanh mới cho các doanh nghiệp hai nước.

Với những quyết tâm của lãnh đạo hai nước nhằm đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới, chắc chắn mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Bangladesh sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa trong thời gian tới./.