Sôi động các lễ hội đầu Xuân 2018

BTV/TTXVN
23:41, ngày 21-02-2018
TCCSĐT - Ngày 21-02-2018, (tức mùng 6 Tết Mậu Tuất), tại nhiều địa phương trên cả nước đã diễn ra nhiều sự kiện văn hóa độc đáo thu hút đông đảo nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương. 
Lễ hội kỷ niệm 591 năm Chiến thắng Xương Giang 

Tại Khu Di tích lịch sử Chiến thắng Xương Giang, Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) tổ chức Lễ hội kỷ niệm 591 năm Chiến thắng Xương Giang (1427-2018). 

Đọc diễn văn khai hội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang Nguyễn Tiến Dũng khẳng định: Lễ hội Chiến thắng Xương Giang lịch sử được tổ chức hằng năm, ngay tại khu vực thành Xương Giang là hoạt động ý nghĩa thể hiện sự tôn kính, ghi nhớ công ơn đối với các bậc hiền tài nghĩa sỹ, những người dân Xương Giang, Bắc Giang xưa đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất lịch sử hào hùng. Đây cũng là dịp khơi dậy sức mạnh đoàn kết, phát huy nội lực của của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Bắc Giang, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Lễ hội được tổ chức góp phần giới thiệu tới đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh về vùng đất Bắc Giang văn hiến - cách mạng - anh hùng, về con người Bắc Giang thân thiện, mến khách. 

Sau phần rước kiệu từ đình làng Kế, làng Thành, làng Vẽ… về khu vực thành Xương Giang, chương trình nghệ thuật tại lễ hội đã tái hiện quá trình đấu tranh, chống giặc Minh xâm lược của nghĩa quân Lê Lợi. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và trò chơi dân gian được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội như: Hát quan họ, diễn xướng Hát văn hầu đồng, trình diễn không gian văn hóa chợ quê, trưng bày sinh vật cảnh... 

Năm 1427, trải qua hơn 6 tháng tiến công liên tục với hơn 30 trận đánh lớn nhỏ, nghĩa quân Lam Sơn và nhân dân địa phương đã hạ được thành Xương Giang trước khi viện binh của địch kéo sang nước ta 10 ngày. Thắng lợi của trận công phá thành Xương Giang và các thành khác đã làm suy sụp hoàn toàn hệ thống thành lũy của địch trên đường đón viện binh và góp phần củng cố hậu phương của ta. Sau chiến thắng Xương Giang, quân Vương Thông ở Đông Quan bị vây hãm lâu ngày đã vô cùng khiếp sợ, tuyệt vọng, không còn kế thoát thân buộc phải giảng hòa. Cuối tháng 12-1947, quân địch phải trao trả tất cả các thành còn lại cho quân ta và rút quân về nước, mở ra trang sử mới trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. 

Lịch sử đã ghi nhận, trận quyết chiến Chi Lăng - Xương Giang đã quyết định thắng lợi trên mặt trận quân sự, chấm dứt 20 năm đô hộ của nhà Minh. Trận đánh này còn được đánh giá là điển hình của nghệ thuật quân sự “Lấy ít địch nhiều, lấy yếu, thắng mạnh”; là biểu tượng của sức mạnh tinh thần và ý chí quyết thắng của dân tộc

Khai hội chùa Hương Tích (Hà Tĩnh)

Tại chùa Hương Tích, xã Thiên Lộc huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã khai hội với sự tham dự của Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cùng đông đảo nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương. 

Chùa Hương Tích nằm trên lưng chừng đỉnh núi thuộc xã Thiên Lộc có độ cao 650m so với mặt nước biển. Chùa được xây dựng vào đời Trần, được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, xếp vào 21 thắng cảnh nổi tiếng nhất của nước Nam xưa. Các cứ liệu lịch sử còn cho thấy, chùa Hương Hà Tĩnh có từ thế kỷ XIII, là chùa gốc có trước chùa Hương Hà Nội hàng trăm năm. 

Hương Tích tự là nơi thờ công chúa Diệu Thiện, con của Vua Trang Vương nước Sở, đi tu hóa Phật. Hương Tích tự là cả một quần thể di tích văn hóa, tôn giáo cổ truyền, gồm: chùa, am, tháp, đền, miếu, thờ phật, thờ thần, thờ tín ngưỡng nông nghiệp, thờ mẫu và đặc biệt là gắn liền với biết bao huyền thoại, truyền thuyết linh thiêng và huyền diệu. Thời gian này, mỗi ngày Ban Quản lý chùa Hương Tích đã tiếp đón hàng trăm lượt người đến tham quan, thưởng ngoạn, dâng hương. Du khách thập phương đến chùa Hương Tích được đi thuyền, đi cáp treo và vãn cảnh chùa thật huyền ảo, kỳ diệu. Được biết, trong năm 2018, dự án cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng của Ngân hàng Phát triển Châu Á sẽ khởi động nguồn vốn 7 triệu USD đầu tư vào chùa Hương Tích. 

Sau lễ khai trương khai hội chùa Hương là diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và trò chơi dân gian khác.

Lễ hội khai mùa Mường Thàng - Hòa Bình 

Tại sân vận động xã Dũng Phong, lần đầu tiên Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong (Hòa Bình) tổ chức Lễ hội khai mùa Mường Thàng Xuân Mậu Tuất năm 2018. Đây là năm đầu tiên lễ hội được tổ chức ở quy mô cấp huyện, trên cơ sở nâng cấp Lễ hội Xuống đồng của đồng bào dân tộc Mường ở xã Dũng Phong. 

Lễ hội có các nghi thức: Lễ cúng Tam vị Tản viên Sơn Thánh tại Miếu Cả Mường Thàng (xóm Đỏng Ngoài); lễ cúng tại mộ Công chúa thời Lê (xóm Xương Đầu); lễ rước kiệu Thành Hoàng từ Miếu Cả Mường Thàng về sân vận động xã Dũng Phong... Tại lễ hội, khi hồi chiêng và nhạc tế vừa dứt, ông mo chậm rãi bước lên đọc lời cúng xin phép cho mở hội bằng tiếng Mường, đọc áng Sử thi Đẻ đất Đẻ nước nổi tiếng của đồng bào dân tộc Mường. 

Khai mạc Lễ hội, Ban Tổ chức lễ hội nêu khái quát thành tựu phát triển kinh tế - xã hội địa phương; qua đó, mong muốn cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân, du khách thập phương luôn hướng về cội nguồn, tiếp tục đầu tư, tôn tạo nhằm phát huy hơn nữa giá trị di tích lịch sử - văn hóa, góp phần xây dựng xã Dũng Phong trở thành xã giàu mạnh, văn minh, đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. 

Các tiết mục trong chương trình nghệ thuật tại lễ hội đã góp phần tái hiện lại lịch sử lễ hội, huyền thoại vườn hoa, núi Cối và giới thiệu một số nét văn hóa, sản vật tiêu biểu của huyện Cao Phong. Trong khuôn khổ lễ hội còn có các hoạt động như thi hát Ví, Đúm, trình tấu chiêng Mường; tổ chức giải thể thao, trò chơi dân gian; trình diễn trang phục dân tộc. 

Tại lễ hội, các du khách được tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, thưởng thức đặc sản ẩm thực...

Hội thi vẽ trang trí trâu Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 

Tại cánh đồng thôn Đọi Tín, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã diễn ra Hội thi vẽ trang trí trâu Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2018. Tham gia hội thi có 20 họa sỹ đến từ Hà Nội và tỉnh Hà Nam. Đặc biệt, Hội thi năm nay còn có sự tham gia của một số họa sỹ trẻ, quốc tịch Mỹ, Tây Ban Nha. 

Ngay từ sáng sớm, những chú trâu được Ban Tổ chức Lễ hội chọn lựa từ các thôn, xóm trong vùng đã được tập kết tại bãi gần sân khấu chính để làm giá vẽ cho các họa sỹ. Sau hồi trống khai hội, các họa sỹ về khu sân bãi nhận trâu và bắt đầu thể hiện ý tưởng sáng tạo nghệ thuật trên mình trâu. Những chú trâu đoạt giải sẽ tham gia Lễ cày Tịch điền vào sáng 22-02 (tức mùng 7 tháng Giêng năm Mậu Tuất). 

Hội thi vẽ trang trí trâu cùng với Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn đã tạo nên nét văn hóa độc đáo của vùng đất Đọi Sơn, Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; qua đó góp phần khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của đất nước nói chung, tỉnh Hà Nam nói riêng./.