Olympic PyeongChang 2018: Cơ hội để cải thiện quan hệ, thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên
Thông điệp hướng tới hòa bình
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo nhiều nước tại lễ khai mạc Olympic PyeongChang 2018.
Tối 09-02, Đại hội thể thao thế giới (Olympic) mùa Đông 2018 chính thức khai mạc tại thành phố PyeongChang của Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên trong 30 năm qua, Thế vận hội quay lại với “Xứ sở Kim Chi”, kể từ sau Olympic mùa Hè Seoul 1988, đồng thời là lần thứ 2 Olympic mùa Đông trở lại với châu Á, đúng 20 năm sau kỳ Olympic được tổ chức ở thành phố Nagano của Nhật Bản. Hòa bình được lấy làm chủ đề chính trong lễ khai mạc Olympic mùa Đông lần thứ 23. Theo đạo diễn nổi tiếng Song Seung-whan - Giám đốc sáng tạo của Olympic 2018, thông điệp hòa bình được chuyển tải qua câu chuyện về chuyến phiêu lưu của 5 em nhỏ đến từ tỉnh Gangwon. Cũng để thể hiện thông điệp hòa bình, ngày 05-02, tượng đài Bức tường Đình chiến đã được khánh thành tại Làng Olympic PyeongChang. Họa tiết trên bức tường này do họa sĩ người Hàn Quốc Yi Je-seok thiết kế, lấy cảm hứng từ thông điệp hòa bình của Giáo hoàng Francis rằng việc xây dựng những cây cầu, chứ không phải là những bức tường, sẽ thúc đẩy mối quan hệ giữa người dân trên thế giới.
Olympic PyeongChang 2018 là Thế vận hội mùa Đông quy mô lớn nhất trong lịch sử, về cả số lượng vận động viên thi đấu, lẫn lực lượng hậu cần với gần 3.000 vận động viên từ 92 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Ngoài ra, còn có 55.684 nhân viên, tình nguyện viên phục vụ cho Thế vận hội năm nay.
Olympic PyeongChang 2018 cũng là kỳ Thế vận hội mùa Đông đầu tiên trong lịch sử có tới 102 Huy chương Vàng được trao, trong 15 nội dung của 7 môn thi đấu.
Để tổ chức Olympic mùa Đông PyeongChang 2018, Hàn Quốc đã chi tới 18 tỷ USD - nhiều gấp 5 lần so với chi phí tổ chức Olympic mùa Đông Sochi 2014, trong đó sân vận động Olympic PyeongChang, với sức chứa 35.000 người, được xây mới để phục vụ lễ khai mạc và bế mạc sự kiện trọng đại này.
Ngày 12-01 vừa qua, Hàn Quốc đã khánh thành nhà ga mới tại sân bay Incheon ở thủ đô Seoul để có thể đón tiếp các vận động viên và du khách đến dự Olympic PyeongChang 2018. Trước đó, cuối tháng 12-2017, một tuyến đường cao tốc mới nối sân bay Incheon với Seoul sau 1 giờ 20 phút chạy tàu, thay vì phải mất 3 giờ như trước đây. Bên cạnh đó, công trình xây dựng các tuyến đường ô tô chạy thẳng từ thủ đô đến các địa điểm thi đấu ở PyeongChang cũng đã đi vào sử dụng.
Ngoài những hoạt động thể thao, Olympic mùa Đông 2018 còn lôi cuốn sự chú ý của dư luận thế giới bởi sự tham gia lần đầu tiên của Triều Tiên ở giải đấu tầm cỡ thế giới tổ chức tại Hàn Quốc.
Nỗ lực hòa giải từ phía Triều Tiên
Trong thông điệp Năm mới 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã khiến cả thế giới bất ngờ khi chủ động bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ liên Triều, xóa bỏ sự hiểu nhầm và mất lòng tin. Ông "chân thành chúc Olympic mùa Đông được tổ chức thành công", đồng thời nhấn mạnh "là một dân tộc cùng chung huyết thống, việc chúc mừng sự kiện vui của đồng bào và giúp đỡ lẫn nhau là lẽ chính đáng". Là người ủng hộ đối thoại liên Triều, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lập tức hoan nghênh lời đề xuất của ông Kim Jong Un, đồng thời bày tỏ sẵn sàng cùng Bình Nhưỡng thảo luận biện pháp cải thiện quan hệ hai miền, với thái độ có trách nhiệm “bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và dưới mọi hình thức”.
Các nỗ lực “xích lại gần nhau” của hai miền Triều Tiên được xúc tiến rất nhanh và liên tục, ở nhiều cấp độ. So với thái độ không tiếp xúc, không đối thoại năm 2017, những động thái này cho thấy chính sách của Bình Nhưỡng đối với Seoul đã có những thay đổi đáng kể.
Phái đoàn Triều Tiên gồm hàng trăm người đã tới Hàn Quốc dự Olympic 2018, trong đó có tổng cộng 22 vận động viên - số lượng nhiều nhất trong tất cả các lần miền Bắc tham dự Thế vận hội mùa Đông. Hai miền Nam - Bắc lần đầu tiên thành lập một đội tuyển liên Triều thi đấu tại Olympic (đội tuyển khúc côn cầu trên băng nữ); sử dụng tên gọi quốc gia là "Korea" khi cùng diễu hành trong lễ khai mạc dưới lá cờ chung in hình Bán đảo Triều Tiên thống nhất và sử dụng dân ca Arirang thay vì quốc ca hai nước. Triều Tiên còn cử hàng trăm người thuộc các đội cổ động, nghệ sỹ biểu diễn nghệ thuật và võ taekwondo tới Olympic PyeongChang. Đoàn nghệ thuật gồm 140 người của Triều Tiên đã thực hiện buổi trình diễn đầu tiên tại thành phố Gangneung ở phía Đông của Hàn Quốc vào tối 08-02 và có một buổi biểu diễn nữa tại thủ đô Seoul vào ngày 11-02.
Những chuyển động tích cực này cho thấy Olympic PyeongChang trở thành một sự kiện mang hy vọng hòa giải, hòa bình giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên trong bối cảnh quan hệ, liên lạc giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã bị cắt đứt từ hơn hai năm qua.
Cơ hội để cải thiện quan hệ, thúc đẩy hòa bình
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với cuộc đối thoại mới được nối lại với Triều Tiên, nhấn mạnh rằng cơ hội có thể sẽ không đến ngay từ đầu nếu không có Olympic mùa Đông PyeongChang 2018. Trong bài phát biểu tại buổi tiếp khách đặc biệt dành cho lãnh đạo của nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới tới tham dự sự kiện thể thao toàn cầu tối 09-02, Tổng thống Moon Jae-in nêu rõ: “Ngay lúc này, tôi nhận thấy việc có một sự kiện thể thao trên thế giới, nơi cả đối đầu và mâu thuẫn vẫn tồn tại, có ý nghĩa và may mắn đến chừng nào”. Tổng thống Moon Jae-in nêu rõ: " Điều quan trọng nhất là chúng ta cùng có mặt ở đây với nhau và việc này sẽ đánh dấu sự khởi đầu của bước đi đầu tiên hướng tới nền hòa bình toàn cầu”.
Ngoài ra, Tổng thống Moon Jae-in còn hoan nghênh thỏa thuận của hai miền Triều Tiên trong việc lập một đội tuyển nữ khúc côn cầu trên băng chung thi đấu tại sự kiện thể thao này, cho rằng việc các vận động viên của cả hai miền giúp nhau giành chiến thắng sẽ được ghi nhận trên khắp thế giới như là một tiếng vang của hòa bình. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng bày tỏ hy vọng rằng không khí hòa dịu giữa hai miền Triều Tiên sẽ đảm bảo đối thoại và hòa bình trong thời gian tới.
Cũng tại buổi tiếp khách tối 09-02, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chào đón Chủ tịch đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam, người dẫn đầu phái đoàn cấp cao của Triều Tiên tới Hàn Quốc để tham dự lễ khai mạc Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 sắp diễn ra. Ông Kim Yong-nam là quan chức cấp cao nhất của Triều Tiên tới thăm Hàn Quốc. Ông Kim Yong-nam dẫn đầu phái đoàn cấp cao của Triều Tiên gồm 22 người, trong đó bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, với tư cách như một đặc phái viên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Hai quan chức đã bắt tay nhau cùng chụp ảnh, theo nghi thức ngoại giao tại tiệc chiêu đãi tối do Tổng thống Moon Jae-in chủ trì. Tham dự tiệc chiêu đãi có sự góp mặt của 200 quan khách gồm nguyên thủ các quốc gia, các nhà lãnh đạo toàn cầu, trong đó có Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe...
Nhà lãnh đạo Triều Tiên mời Tổng thống Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiếp phái đoàn cấp cao Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chính thức mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới thăm Bình Nhưỡng “vào một thời điểm sớm nhất có thể” để tham dự hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3. Lời mời trên được bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un và là thành viên phái đoàn cấp cao Triều Tiên tới Hàn Quốc dự các hoạt động tại Olympic mùa Đông PyeongChang 2018, chuyển tới ông Moon Jae-in khi bà gặp Tổng thống Hàn Quốc ở Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) ngày 10-02. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng nhận được một lá thư của ông Kim Jong-un, trong đó nhà lãnh đạo Triều Tiên bày tỏ sẵn sàng cải thiện quan hệ song phương. Trong khi đó, Nhà Xanh thông báo, về phần mình, ông Moon Jae-in cho biết sẽ thăm Bình Nhưỡng sau khi thu xếp xong các công việc cần thiết. Ông cũng đề nghị Triều Tiên tiến hành đối thoại với Mỹ.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau đó, người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom nêu rõ nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẵn sàng cải thiện các mối quan hệ Hàn Quốc - Triều Tiên. Người phát ngôn này cho rằng bà Kim Yo-jong tham gia sự kiện thể thao ở Hàn Quốc với tư cách như một đặc phái viên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin cuộc gặp lịch sử bắt đầu vào khoảng 11h trưa theo giờ địa phương tại Phủ Tổng thống Hàn Quốc ở thủ đô Seoul. Tham dự cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc cùng với ông Kim Yong-nam còn có 3 nhân vật cấp cao khác trong phái đoàn của Triều Tiên, gồm bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un; ông Choe Hwi, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo thể thao quốc gia Triều Tiên và ông Ri Son-gwon - Chủ tịch Ủy ban thống nhất hòa bình Triều Tiên. Việc bà Kim Yo-jong thăm Hàn Quốc là một động thái đặc biệt, vì đây là lần đầu tiên một thành viên trong gia đình nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Hàn Quốc, ít nhất là kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-53.
Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định thế vận hội sẽ khởi động hòa bình
Tại cuộc gặp của Tổng thống Hàn Quốc và Tổng thư ký Liên hợp quốc ở thành phố Gangneung, cách thủ đô Seoul 230 km về phía Đông, trước thềm lễ khai mạc Olympic PiengChang diễn ra ngày 09-02, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định cam kết nỗ lực đảm bảo Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 diễn ra thành công, nhấn mạnh rằng sự kiện thể thao này sẽ đánh dấu sự "khởi động" xây dựng nền hòa bình toàn cầu.
Tổng thư ký Guterres đã đánh giá cao nỗ lực của Tổng thống Moon và Chính phủ Hàn Quốc trong việc giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Ông nhấn mạnh Olympic mùa Đông PyeongChang, với sự tham dự của phái đoàn Triều Tiên, có thể là sự khởi động tiến trình thúc đẩy hòa bình. Tổng thư ký Guterres đã tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ với chính phủ Hàn Quốc trong nỗ lực này, đồng thời Chính phủ Hàn Quốc đi tiên phong trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên, một trong những mục tiêu cốt lõi mà Liên hợp quốc đã đề ra trong năm 2018, hướng tới thiết lập nền hòa bình bền vững.
Về phía Tổng thống Moon Jae-in, nhà lãnh đạo Hàn Quốc bày tỏ hy vọng chuyến thăm của Tổng thư ký Guterres tới nước này sẽ giúp thúc đẩy đoàn kết, vốn là tinh thần và triết lý của Liên hợp quốc, cùng với thông điệp hòa bình phát đi từ Olympic mùa Đông PyeongChang. Ông Moon Jae-in đồng thời cam kết tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đối thoại liên Triều mới được nối lại gần đây để đảm bảo dẫn tới giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Nhật Bản kêu gọi Mỹ - Hàn thực hiện kế hoạch tập trận chung
Những cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn là điểm nhạy cảm nhất trong quan hệ liên Triều. Ý thức rõ điều đó, trước thềm Olympic mùa Đông PyeongChang, Tổng thống Moon Jae-in đã đề xuất với Tổng thống Mỹ hoãn tập trận chung. Seoul và Washington đã nhất trí hoãn kế hoạch tập trận chung thường niên tới sau khi kết thúc kỳ Olympic và Paralympic PyeongChang nhằm khuyến khích Triều Tiên tham gia sự kiện thể thao quốc tế này.
Động thái này góp phần thúc đẩy các cuộc tiếp xúc, đối thoại liên Triều trong thời gian qua.
Tuy nhiên, tại cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Moon Jae-in ngày 09-02 tại khu nghỉ dưỡng Yongpyeong trước khi dự lễ khai mạc Olympic PyeongChang 2018, Thủ tướng Nhật Bản Abe cho rằng Hàn Quốc không nên tiếp tục trì hoãn cuộc tập trận chung Hàn - Mỹ và cần tiến hành theo dự kiến cho tới khi nào "có tiến bộ trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên".
Đáp lại, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã từ chối lời kêu gọi của Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe sớm nối lại các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn. Ông Moon Jae-in khẳng định việc hoãn các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ là "công việc nội bộ và là vấn đề chủ quyền của Hàn Quốc".
Một quan chức Phủ Tổng thống Hàn Quốc còn cho biết Tổng thống Moon Jae-in khẳng định rằng "việc Thủ tướng Nhật Bản trực tiếp đề cập đến vấn đề trên là không phù hợp".
Còn từ phía Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bày tỏ ủng hộ việc Washington tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên đồng thời nhìn nhận sức ép đã giúp đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán liên Triều. Phát biểu với báo giới trong ngày thứ hai thăm Hàn Quốc, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết Tổng thống Hàn Quốc đã tái khẳng định ủng hộ mạnh mẽ chủ trương gây sức ép tối đa, tiếp tục áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên của Mỹ.
Như vậy, Olympic PyeongChang 2018 đã mở ra cơ hội để cải thiện quan hệ, thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước đầu tiên. Con đường đi đến hòa bình, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên như mục tiêu mà Liên hợp quốc đã đề ra còn nhiều gian nan và tùy thuộc vào nỗ lực cũng như thiện chí của các bên liên quan./.
Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới  (11/02/2018)
Đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang  (11/02/2018)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên