TCCSĐT - Chiều 01-12-2017 (theo giờ địa phương), tại thành phố Perth, thủ phủ bang Tây Australia, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự và phát biểu tại cuộc Đối thoại doanh nghiệp Việt Nam-Australia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Perth và chính quyền bang Tây Australia phối hợp tổ chức. Ngay sau đối thoại, Chủ tịch Quốc hội đã có buổi tiếp đại diện các doanh nghiệp Australia.
Phát biểu khai mạc Đối thoại doanh nghiệp Việt Nam-Australia, Thư ký Quốc hội cho Thủ hiến bang Tây Australia - Bộ trưởng Bộ Quản lý khu vực công, phát triển nhà nước, việc làm và thương mại, quan hệ liên bang, ông John Carey MLA bày tỏ vui mừng chào đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu đến từ Việt Nam tới tham dự cuộc đối thoại doanh nghiệp lần này, coi đây là cơ hội để hai bên mở rộng hợp tác. Ông John Carey MLA cho rằng Việt Nam nằm trong số nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, là nền kinh tế mở. Mối liên hệ giữa Việt Nam và Australia tiếp tục phát triển mạnh mẽ, Thủ tướng hai nước gần đây đã nhất trí sớm nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược. Trong bối cảnh này, việc tổ chức đối thoại doanh nghiệp giữa hai nước được đánh giá là sáng kiến kịp thời, năng động để doanh nghiệp hai bên trao đổi quan điểm, tăng cường kết nối.

 
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự và phát biểu tại Đối thoại doanh nghiệp Australia-Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Việt Nam và Australia nói chung, bang Tây Australia nói riêng có những mối liên hệ mật thiết về văn hóa. Tại bang Tây Australia, văn hóa Việt Nam rất nổi bật. Theo ông John Carey MLA, trong khu vực châu Á, Việt Nam là quốc gia ưu tiên phát triển quan hệ của tiểu bang. Chính quyền bang Tây Australia rất hài lòng khi Việt Nam chọn thành phố Perth làm nơi thành lập Tổng lãnh sự thứ hai tại Australia. Vì sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quan hệ giữa Việt Nam và Tây Australia, chính quyền bang chính thức thành lập Hội đồng Tư vấn kinh doanh giữa Tây Australia và Việt Nam. Bang Tây Australia hy vọng sẽ phát triển quan hệ với Việt Nam dựa trên sự giao lưu nhân dân và chính quyền hai bên, chú trọng phát triển quan hệ trên các lĩnh vực giáo dục, buôn bán và đầu tư. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam là nước có lượng sinh viên nhiều thứ 6 tại bang Tây Australia. Trong lĩnh vực thương mại, trong hai năm (2015, 2016), trao đổi mậu dịch hai bên đạt gần 1,2 tỷ USD. Việt Nam là thị trường xuất khẩu nông sản lớn của bang Tây Australia. Nhấn mạnh Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư, là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định trong nhiều năm qua, ông John Carey MLAcho rằng hai bên cần thường xuyên tổ chức các cuộc sang thăm, làm việc để thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác, mang lại lợi ích cho người dân hai bên.

Về phần mình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu bật những lợi thế của Việt Nam, như có vị trí địa lý chiến lược có tính kết nối toàn cầu, chính trị-xã hội ổn định, dân số tiệm cận mức 100 triệu người vào năm 2020 với cơ cấu dân số vàng, môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện, chi phí đầu vào cạnh tranh, hạ tầng giao thông được nâng cấp, nền kinh tế có độ mở cao, quy mô thị trường khá lớn với sức mua tăng nhanh, có tốc độ tăng trưởng nhanh. Vì thế, Việt Nam đã thu hút được hơn 313 tỷ USD tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký từ 128 đối tác, vốn thực hiện đạt trên 160 tỷ USD. Việt Nam từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, may mặc, nông nghiệp và thủy sản... Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực môi trường kinh doanh của các nước OECD; tiếp tục xây dựng các yếu tố để tạo lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế (cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống tài chính, cải thiện chất lượng đào tạo nhân lực...); cải cách thể chế, pháp luật theo hướng cởi mở, thân thiện để tạo cơ hội cho mọi thành phần kinh tế tham gia và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Với những nỗ lực của mình, Việt Nam đã nhận được những đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế.

Đánh giá tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Australia, trên cơ sở nhu cầu và thế mạnh của mình, sẽ mở rộng hơn nữa các hoạt động đầu tư, kinh doanh với Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo; năng lượng; cơ sở hạ tầng (theo hình thức PPP); nông nghiệp, chế biến thực phẩm; khoáng sản, viễn thông; dịch vụ, giáo dục, du lịch.... Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ mong muốn Australia và bang Tây Australia tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam như hàng nông-thủy sản, dệt may, sản phẩm gỗ, cao su, điện tử, linh kiện máy tính... của Việt Nam được tiếp cận và làm phong phú hơn sự lựa chọn của khách hàng Australia. Đồng thời, Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận thêm các sản phẩm lúa mì, khoáng sản, bông các loại, dược phẩm, thiết bị công nghiệp hiện đại, có chất lượng từ Australia. Chủ tịch Quốc hội khẳng định Quốc hội Việt Nam cam kết ban hành các chính sách, pháp luật và luôn đồng hành cùng Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, trong đó có các nhà đầu tư Australia triển khai các hoạt động đầu tư, kinh doanh lâu dài và ổn định tại Việt Nam.

** Cũng trong chiều 01-12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp lãnh đạo Tập đoàn Alcoa và lãnh đạo Công ty Austral tới chào nhân dịp Chủ tịch Quốc hội tới bang Tây Australia trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia. Đây là tập đoàn sản xuất nhôm, sản xuất nguyên liệu làm nhôm và khai thác bauxite lớn trên thế giới, đang hoạt động trên toàn thế giới. Hiện Alcoa đang có nhu cầu đầu tư tại Việt Nam trong cả 3 lĩnh vực nêu trên.

 
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp ông Garret Dixon, Chủ tịch Tập đoàn Alcoa. Ảnh: TTXVN

Tại buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh và đánh giá cao Tập đoàn Alcoa về ý tưởng đầu tư tại Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội cho biết Việt Nam có trữ lượng bauxite lớn và đang có một số dự án khai thác bauxite. Tuy nhiên, Việt Nam đang đặt ra những yêu cầu cao đối với các dự án đầu tư khai thác khoáng sản, đặc biệt là yêu cầu về bảo vệ môi trường, có phương án vận tải từ mỏ ra cảng một cách phù hợp, có công nghệ khai thác tiên tiến để bảo đảm an toàn khi vận hành, đồng thời đáp ứng được lợi ích của cả nhà đầu tư với nhà nước và nhân dân. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận mong muốn của Tập đoàn Alcoa về việc đầu tư tinh luyện khoáng sản tại Việt Nam, khẳng định sẽ chuyển đề nghị của Alcoa tới Chính phủ.

Chủ tịch khẳng định Quốc hội Việt Nam cam kết ban hành các chính sách, pháp luật và luôn đồng hành cùng chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, trong đó có các nhà đầu tư Australia triển khai các hoạt động đầu tư, kinh doanh thành công, lâu dài và ổn định tại Việt Nam.

Chia sẻ với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về nhu cầu tìm kiếm cơ hội đầu tư xây dựng cơ sở đóng tàu mới tại nước ngoài, lãnh đạo Công ty Austral bày tỏ mong muốn Chủ tịch Quốc hội và các cơ quan chức năng tạo điều kiện để công ty tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam, bởi công ty sẽ sớm ra quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư. Lãnh đạo công ty Austral nêu ra nhiều lợi ích mà các dự án của doanh nghiệp này mang lại. Theo đó, mỗi xưởng đóng tàu của doanh nghiệp không chỉ tạo ra khoảng 500-600 việc làm trực tiếp trong xưởng, mà còn tạo thêm hàng trăm việc làm khác cho khu vực xung quanh. Nếu công ty lựa chọn Việt Nam làm nơi đầu tư, Australia sẽ triển khai dự án trong khoảng tháng 3 hoặc tháng 4-2018.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn lãnh đạo doanh nghiệp Austral vì đã trình bày ý tưởng kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia có biển, có nghề đóng tàu phát triển và có lực lượng công nhân lành nghề. Chủ tịch Quốc hội gợi ý nếu Austral lựa chọn đầu tư tại Việt Nam thì có thể xây dựng cơ sở đóng tàu mới, hoặc mua lại các cơ sở đóng tàu đang hoạt động khó khăn tại Việt Nam. Việt Nam đang cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, trong đó có các doanh nghiệp đóng tàu để khôi phục lại ngành công nghiệp đóng tàu - ngành công nghiệp rất cần thiết với một quốc gia có biển như Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích, nếu đầu tư xây dựng cơ sở đóng tàu mới, Austral sẽ mất nhiều thời gian hơn với các thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng nhà xưởng… Nếu mua lại các cơ sở đóng tàu hiện có, Austral sẽ có sẵn nhà xưởng và lực lượng công nhân lành nghề.

Lãnh đạo doanh nghiệp Austral cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có những gợi ý cho Austral những lựa chọn để đầu tư vào Việt Nam, đồng thời nêu rõ Austral đang cần ra quyết định sớm, vì vậy việc mua lại cơ sở đóng tàu có sẵn là một lựa chọn khá phù hợp.

** Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đi thăm cơ sở kinh tế của bang Tây Australia./.