TCCSĐT - Ngày 24-11-2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội Hội thảo khởi động Dự án GCF (Green Climate Fund): “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ tổn thương ven biển Việt Nam”.
Tham dự hội thảo có đại diện nhiều bộ, ngành và lãnh đạo các ban, ngành của 07 tỉnh thuộc dự án, các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, Việt Nam là quốc gia thường xuyên chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến nước. Hằng năm, thiên tai đã gây thiệt hại về người và tài sản tới 1,5% GDP. Chỉ tính riêng trong năm 2017, các đợt thiên tai do bão và mưa lớn đã làm gần 400 người chết và mất tích, hàng nghìn ngôi nhà bị đổ sập, ước tính thiệt hại lên đến 51,6 nghìn tỷ đồng. Chính vì vậy, Dự án tập trung vào tăng khả năng chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương vùng ven biển, thông qua nhà ở an toàn cho các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương do bão lụt; tăng mạnh tỷ lệ che phủ rừng ngập mặn cung cấp khu đệm tự nhiên giữa biển và các cộng đồng ven biển; thông tin rủi ro khí hậu đáng tin cậy giúp hướng dẫn lập kế hoạch được thông tin rủi ro và chống chịu với biến đổi khí hậu.

Bà Caitlin Weiesen, Giám đốc quốc gia Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) nhận định: “Dự án này rất phù hợp và kịp thời, dựa trên đà tích cực từ Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu của các bên gần đây (COP 23) và phong trào toàn cầu nhằm đưa hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trở thành hoạt động trung tâm để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030”.

Dự án mong muốn sẽ mang lại một số kết quả như:

1- Những tính năng thiết kế chống chịu bão lụt được đưa vào 4.000 nhà xây mới tại các địa điểm an toàn với 20.000 người nghèo và chịu ảnh hưởng nhiều từ thiên tai ở 100 xã được hưởng lợi.

2- Tái sinh 4.000 ha rừng ngập mặn ven biển làm các vùng đệm chắn triều cường và sóng biển dâng thông qua việc sử dụng các phương pháp tiếp cận dựa trên bằng chứng đã thành công.

3- Tăng cường khả năng của các khu vực tư nhân và cộng đồng tiếp cận tới những dữ liệu về mất mát, thiệt hại, khí hậu tại 28 tỉnh duyên hải Việt Nam.

Bên cạnh đó, Dự án cũng hy vọng sẽ mang lại lợi ích cho 28 tỉnh ven biển của Việt Nam, với kế hoạch tập trung hỗ trợ cho các tỉnh Huế, Thanh Hóa, Quảng Nam, Cà Mau, Quảng Bình, Quảng Ngãi và Nam Định. Tất cả các tỉnh ven biển sẽ được tiếp cận các dữ liệu và bản đồ rủi ro thiên tai, khí hậu và hỗ trợ nâng cao năng lực, từ đó giúp các địa phương ra quyết định thích ứng hiệu quả hơn.

Các huyện ven biển được lựa chọn sẽ được hưởng lợi ích từ việc lập kế hoạch phòng, chống thiên tai thông qua việc đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, bao gồm đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương, năng lực phòng, chống thiên tai và nhận thức của người dân từ việc tăng cường tiếp cận dữ liệu rủi ro có chất lượng. Phương pháp tiếp cận có sự tham gia của người dân để tái sinh, trồng lại và duy trì rừng ngập mặn sẽ hỗ trợ các hoạt động sinh kế bền vững tại các xã mục tiêu.

Hỗ trợ về nhà ở sẽ mang lại lợi ích cho các hộ gia đình cực nghèo và nghèo theo tiêu chí của Chính phủ và sẽ ưu tiên: Các hộ gia đình dân tộc thiểu số; Các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (hộ gia gia đình có chủ hộ là người cao tuổi, hộ độc thân, hộ gia đình có người khuyết tật…); Hộ gia đình ở địa phương đặc biệt khó khăn (vùng sâu, vùng xa) của các khu, thôn bản của tỉnh rất khó khăn; Các hộ gia đình nằm ở các huyện nghèo nhất thuộc chương trình mục tiêu giảm nghèo của Chính phủ; Các nhóm xã hội dễ bị tổn thương khác./.