TCCSĐT - Từ ngày 21 đến 23-11-2017, Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh với chủ đề “Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên” lần thứ 2 sẽ được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội), với sự tham gia của đại diện 16 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng, nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh giá trị các di sản thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, độc đáo của Việt Nam.

Việt Nam có nhiều di sản được UNESCO công nhận

Việt Nam là đất nước có hệ thống di sản thiên nhiên và văn hóa phong phú, đa dạng, hiện diện ở khắp các vùng, miền trên cả nước. Hiện cả nước đã có hơn 3.000 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng di tích cấp Quốc gia và trên 70 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều di sản được UNESCO công nhận ở nhiều danh sách khác nhau, bao gồm: 8 di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới (Quần thể di tích Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Khu phố cổ Hội An, Khu di tích Chăm Mỹ Sơn, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Di tích Thành nhà Hồ và Quần thể danh thắng Tràng An); 9 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh, Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt, kéo co); 2 di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp (Ca trù và hát Xoan Phú Thọ); 6 di sản tư liệu (Châu bản triều Nguyễn, Mộc bản trường học Phúc Giang, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Mộc bản Triều Nguyễn, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Bia Đề danh tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám).

Trong những năm qua, hệ thống di sản Việt Nam luôn có vai trò tích cực trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa và giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Cùng với đó, sự phong phú, đa dạng của hệ thống di sản đã trở thành nguồn tài nguyên nhân văn vô cùng quý giá để phát triển du lịch bền vững. Năm 2016, Việt Nam đón mười triệu lượt khách du lịch quốc tế và hàng chục triệu lượt khách du lịch trong nước, trong đó lượng khách du lịch tham quan di tích và dự các lễ hội di sản chiếm tỷ lệ khá cao.

Tiềm năng của các di sản ngày càng được phát huy mạnh mẽ, thể hiện ở doanh thu du lịch tại các điểm du lịch có di sản thế giới ở Việt Nam ngày càng tăng, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân. Đơn cử như năm 2016, Quần thể di tích Cố đô Huế đón trên 2,5 triệu lượt khách, doanh thu từ vé tham quan đạt trên 260 tỷ đồng; Khu phố cổ Hội An đón khoảng 1,6 triệu lượt khách, thu từ vé tham quan khoảng 172 tỷ đồng…Nhiều địa phương đã dựa thế mạnh của các di sản văn hóa để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, một số tạo dựng được những thương hiệu nổi tiếng như: Khu vực miền Trung với “Con đường di sản”; các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam với “Tinh hoa Việt Nam”; Quảng Nam với “Điểm đến hai di sản thế giới”. Thành phố Hội An có thương hiệu gắn với làng nghề thông qua Lễ hội đèn lồng; Quảng Ninh có lễ hội đường phố Carnaval Hạ Long...

Khai thác phải đi đôi với bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Bên cạnh việc khai thác giá trị di sản, Việt Nam cũng chú trọng công tác bảo tồn. Tuy nhiên, công tác này hiện này đang gặp phải nhiều thách thức. Đối với các di sản vật thể, trải qua thời gian, trước những tác động của thiên nhiên, khí hậu, nhiều công trình kiến trúc bị xuống cấp, trong khi đó, công tác quản lý và đề xuất các phương án bảo tồn, tu bổ của cơ quan quản lý, giới chuyên môn chưa kịp thời; nhiều di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một; việc trùng tu, tôn tạo di tích chưa được thực hiện một cách bài bản, còn tự phát; hiện tượng khai thác quá mức di sản…

Để phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên Việt Nam, khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác bảo tồn, tôn tạo, khai thác di sản, để di sản trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng trong phát triển bền vững, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về vai trò, vị trí quan trọng, tiềm năng và thế mạnh của di sản trong đời sống cộng đồng.

Cùng với đó, thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa và những công ước quốc tế về di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Có cơ chế, chính sách đầu tư thích đáng trong việc tôn tạo, bảo tồn nâng cấp di sản; đặc biệt, đối với các di sản văn hóa phi vật thể, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong việc khôi phục, gìn giữ và làm lan tỏa những giá trị nhân văn đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, cần có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách, có chuyên môn về bảo tồn di sản. Có chính sách đãi ngộ đặc thù cho các chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ làm công tác văn hóa. Khai thác hợp lý giá trị của di sản trong phát triển du lịch, dịch vụ để không ngừng quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Đối với các địa phương có di sản cần phải có chiến lược, kế hoạch trong khai thác, bảo tồn, phát huy thế mạnh của di sản trong đời sống cộng đồng. Huy động nguồn lực xã hội hóa trong bảo tồn, tôn tạo di sản. Xây dựng cảnh quan, không gian di sản lành mạnh, thân thiện, nhân văn.

Tôn vinh các giá trị di sản

Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh 2017 là hoạt động chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các giá trị di sản thiên nhiên và văn hóa độc đáo của Việt Nam (đặc biệt Di sản thiên nhiên Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới) với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Thông qua đó, giới thiệu, quảng bá tiềm năng văn hóa, thương mại và sức hấp dẫn của du lịch sinh thái tại các Di sản; đồng thời, tạo cơ hội cho các địa phương gặp gỡ, giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên giữa các vùng, miền trong cả nước.

Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh 2017 sẽ diễn ra nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, bao gồm: Triển lãm “Ấn tượng Di sản thiên nhiên Việt Nam”; chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật học sinh, sinh viên với chủ đề “Tuổi trẻ với Di sản thiên nhiên”; chương trình lưu diễn tại sân khấu tượng đài Lý Thái Tổ và các khu vực ngoại thành Hà Nội; ngày hội vẽ tranh “Thiếu nhi với Di sản thiên nhiên Việt Nam”; không gian “Ẩm thực thuần Việt”…

Cùng với đó, Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh cũng giới thiệu những loại hình nghệ thuật, lễ hội đặc trưng mang đậm bản sắc vùng, miền của cư dân sinh sống tại các di sản thiên nhiên, khu dữ trữ sinh quyển… như: ca trù, chèo, dân ca, hát bài chòi, đờn ca tài tử, hò ví giặm, hát chầu văn, hát then, diễn xướng dân gian và các hoạt động giao lưu văn hóa cộng đồng./.