TCCSĐT - Ngày 21-8-2010, các chuyên gia kỹ thuật của Nga và I-ran lắp đặt thành công các thanh nhiên liệu, hay còn gọi là quá trình khởi động vật lý, cho tổ máy năng lượng đầu tiên của nhà máy điện nguyên tử của I-ran tại thành phố Bu-se-ra trên bờ Vùng Vịnh. Ngay ngày hôm sau, nhân kỷ niệm Ngày công nghiệp quốc phòng (22-8 hàng năm), I-ran trình diễn nhiều thành tựu khoa học-công nghệ quân sự mới nhất. Những sự kiện đó mở ra một chương mới trong “hồ sơ hạt nhân” gây nhiều tranh cãi của I-ran.

Khởi động nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của I-ran

Ngày 21-8-2010, các kỹ sư Nga và I-ran chính thức nạp nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân Bu-se-ra, chấm dứt quá trình xây dựng kéo dài tới 36 năm với rất nhiều lần trì hoãn.

Nhân sự kiện này, Giám đốc Tổng công ty nhà nước Nga “Rosatom”, ông Xec-gây Ki-ri-en-cô, nhận xét: “Đây là một ngày đặc biệt đối với các chuyên gia Nga cũng như các chuyên gia I-ran. Như vậy, nhà máy điện nguyên tử này sẽ cung cấp điện vào cuối năm 2010. Công trình xây dựng nhà máy điện nguyên tử Bu-se-ra là một dự án đặc biệt, chưa có tiền lệ trên thế giới. Nhà máy này được xây dựng từ năm 1974 và tính đặc biệt của dự án này là ở chỗ các chuyên gia đã lắp đặt các thiết bị công nghệ mới trên nền tảng cũ là một nhà máy điện nguyên tử được một công ty của CHLB Đức xây dựng cách đây hơn ba thập kỷ. Với 36 năm chờ đợi và hy vọng, việc khởi động vật lý máy điện nguyên tử này có ý nghĩa tượng trưng rất lớn đối với nhân dân I-ran”.

Phó Tổng thống I-ran và là nhà lãnh đạo tổ chức năng lượng nguyên tử của I-ran, ông A-li Ac-ba Xa-le-khi, gọi ngày 21-8-2010 là “một ngày đáng nhớ và có ý nghĩa lịch sử”. Ông bày tỏ lời cảm ơn nước Nga và nhân dân Nga đã hỗ trợ giúp đỡ I-ran xây dựng nhà máy điện nguyên tử và khai thác sử dụng những công nghệ hiện đại.

Nhà máy điện nguyên tử Bu-se-ra được công ty Kraftwerk Union A.G của CHLB Đức khởi công xây dựng từ năm 1974. Nhưng đến năm 1980, công ty này đã buộc phải phá hủy hợp đồng do Chính phủ CHLB Đức thực hiện lệnh cấm vận của Mỹ đối với việc cung cấp các thiết bị cho I-ran sau khi cuộc cách mạng Hồi giáo nổ ra ở quốc gia này vào năm 1979.

Cho mãi tới năm 1992, I-ran và Nga mới ký kết hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình, theo đó Nga sẽ xây dựng nhà máy điện nguyên tử cho I-ran. Năm 1995, hai bên đã ký hợp đồng hoàn thiện xây dựng tổ máy năng lượng đầu tiên của nhà máy này. Sau đó 3 năm, hai bên đã ký kết hiệp định bổ sung, theo đó, “Công ty xuất khẩu thiết bị xây dựng nguyên tử” của Nga thuộc Tổng công ty nhà nước Nga “Rosatom” xây dựng một nhà máy điện nguyên tử theo phương thức “chìa khóa trao tay” và bắt tay vào xây dựng tổ máy phát điện số 1 với công suất 1 megaoat cho nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của I-ran ở Bu-se-ra.

Theo kế hoạch, trong vòng 2-3 năm tới, Nga sẽ chuyển giao toàn bộ công nghệ, quyền quản lý và điều khiển nhà máy điện nguyên tử Bu-se-ra cho phía I-ran. Trong giai đoạn đầu, tỷ lệ số nhân viên tham gia điều khiển của I-ran và Nga sẽ là 50:50. Sau đó, số nhân viên của Nga sẽ giảm dần để trong vòng 2-3 năm Nga sẽ chuyển toàn bộ hoạt động kiểm soát và điều khiển nhà máy này cho các chuyên gia I-ran.

Những nhận định trái chiều

Theo tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xec-gây Láp-rôp với giới báo chí, thì dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử ở Bu-se-ra sẽ góp phần thực hiện chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân và đây là một “cột neo” để buộc I-ran phải thực hiện chế độ này với vai trò là một quốc gia đã từng ký kết Hiệp ước không phổ viên vũ khí hạt nhân. Hãng thông tấn Nga “Ria Novosti” nhận xét, dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử Bu-se-ra được thực hiện dưới sự kiểm soát toàn bộ của tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA. Tất cả các công đoạn xây dựng được thực hiện phù hợp với các chuẩn mực quốc tế hiện hành và tuân thủ nghiêm ngặt chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước NPT. Ông Xec-gây Ki-ri-en-cô, Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử của Nga “Rusatom” khẳng định: “Không ai phản đối sự phát triển chương trình hạt nhân dân sự của I-ran. Việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử ở Bu-se-ra được tiến hành dựa trên sự kiểm soát của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA.”

Tuy nhiên, Mỹ và I-xra-en lại không suy nghĩ như vậy. Đại diện của Nhà Trắng, ông Rô-bớc Gip-xơ, tuyên bố việc nạp nhiên liệu cho lò phản ứng của nhà máy điện nguyên tử Bu-se-ra chứng tỏ I-ran không nhất thiết phải tự làm giàu u-ra-ni và một lần nữa ông lại tỏ ra nghi ngờ sự minh bạch trong chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran. Tuy nhiên, phía I-ran khẳng định, trước mắt họ phải nhập các thanh nhiên liệu của Nga, còn sau 8-10 năm nữa, họ sẽ hoàn toàn tự lực tạo ra các thanh nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân hiện có và sẽ được xây dựng trong tương lai.

Còn phía I-xra-en cho rằng, chương trình hạt nhân của I-ran là “mối đe dọa đối với sự tồn tại của nhà nước Do Thái”. Ông Đa-ni-en Hec-cô-vich (Daniel Hershkowitz), Bộ trưởng Khoa học và công nghệ I-xra-en nhận xét: “Tôi nghĩ rằng I-ran là một mối đe dọa không chỉ cho nhà nước I-xra-en, mà cho cả thế giới nói chung.”

Liệu có khả năng xảy ra một cuộc tiến công quân sự nhằm vào I-ran?

Với những phản ứng của Mỹ và I-xra-en trước sự kiện khởi động nhà máy điện nguyên tử ở Bu-se-ra, giới phân tích bình luận rằng, nguy cơ tấn công quân sự đối với quốc gia này vốn chưa bao giờ bị loại trừ, nay trở nên cận kề hơn bao giờ hết. Đô đốc Mai-cơ Mu-len, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đầu tháng 8-2010, tuyên bố, Mỹ có kế hoạch tiến công I-ran trong trường hợp cần thiết để ngăn chặn quốc gia Hồi giáo này sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông cho biết, đây là một trong những lựa chọn đã được đặt lên bàn Tổng thống Mỹ.

Tại cuộc Đối thoại chiến lược Mỹ-Nga vừa được tổ chức vừa qua ở Oa-sinh-tơn, khi bàn về vấn đề phê chuẩn Hiệp ước START-3, các đại diện của phía Mỹ còn có ý kiến khác nhau, nhưng khi bàn về khả năng Mỹ tiến công I-ran thì tất cả họ đều không ai phản đối.

Theo các chuyên gia phân tích chiến lược, sự kiện khởi động nhà máy điện nguyên tử ở Bu-se-ra chỉ là nguyên nhân bề nổi, khả năng Mỹ tiến công quân sự nhằm I-ran xuất phát từ động cơ sâu xa hơn, đó là mục tiêu chiến lược toàn cầu của Mỹ ở Trung Đông.

Về phía I-ran, đất nước này từ lâu đã có kế hoạch tăng cường sức mạnh quốc phòng không chỉ để chuẩn bị đối phó với nguy cơ chiến tranh đang cận kề liên quan tới các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm buộc họ phải ngừng chương trình hạt nhân của mình, mà còn xuất phát từ vị thế địa-chiến lược của đất nước này. Sâu xa hơn nữa, việc tăng cường sức mạnh quốc phòng được xuất phát từ học thuyết quân sự quốc gia là xây dựng I-ran thành trung tâm sức mạnh của thế giới Hồi giáo, trước hết là khẳng định vị thế một cường quốc ở khu vực Trung và Cận Đông.

Cũng xuất phát từ Học thuyết quân sự đó, quốc gia này đã có chiến lược phát triển ngành công nghiệp quốc phòng kể từ sau khi tiến hành thành công Cuộc cách mạng Hồi giáo vào năm 1979, đặc biệt, rút kinh nghiệm sau sự kiện xảy ra vào năm 1980, dẫn tới cuộc chiến tranh kéo dài tới năm 1988, I-ran đã xúc tiến xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng độc lập tự chủ. Và, với việc làm chủ được “công nghệ tàng hình”, I-ran đã lọt vào nhóm các quốc gia có ngành công nghiệp quốc phòng phát triển.

Ngay sau khi khởi động nhà máy điện nguyên tử Bu-se-ra, nhân kỷ niệm Ngày công nghiệp quốc phòng (22-8-2010), I-ran đã trình diễn các thành tựu khoa học - công nghệ quân sự mới nhất, khá ấn tượng về chiếc máy bay ném bom không người lái mang tên “Kazar” được chế tạo theo công nghệ “tàng hình”, được Tổng thống A-ma-đi-nê-dat gọi là “sứ giả thần chết đối với những kẻ thù của I-ran, nhưng lại mang thông điệp hòa bình tới các quốc gia khác”. Ngoài ra, I-ran còn phóng thử thành công hai loại tên lửa do I-ran tự chế tạo có khả năng tiến công các các mục tiêu di động và cố định xung quanh vùng vịnh Pêch-xich. Cả hai tên lửa này được điều khiển bằng hệ thống ra-đa và có khả năng cơ động rất cao. Cũng trong dịp kỷ niệm Ngày công nghiệp quốc phòng, Tổng thống A-ma-đi-nê-dat tuyên bố, I-ran đã có chương trình phóng tàu vũ trụ có người điều khiển vào năm 2020.

Trang tin “Mardom Salari” của I-ran cho biết, một chiến dịch quân sự lớn được triển khai xung quanh nhà máy hạt nhân Bu-se-ra nhằm bảo vệ không phận xung quanh nhà máy. Các thành viên của Lực lượng cận vệ cách mạng I-ran đã được điều động đến đây và 3 máy bay không người lái đã được bắn hạ trên bầu trời Bu-se-ra trong một cuộc kiểm tra khả năng sẵn sàng đối phó của I-ran trước một cuộc tấn công từ trên không.

Bằng hành động biểu dương sức mạnh quân sự, I-ran muốn cảnh báo những ai có ý định mở cuộc tiến công xâm lược cần cân nhắc những hậu quả có thể có đối với họ, cũng như đối với hoà bình và an ninh trong khu vực. Đề cập tới khả năng các cơ sở hạt nhân của I-ran bị tiến công, Tổng thống I-ran A-ma-đi-nê-dat nhận định: “Mặc dù khả năng xảy ra một cuộc tấn công thật sự là chưa rõ ràng, nhưng nếu I-xra-en và phương Tây làm điều đó, phản ứng của I-ran sẽ rất mạnh mẽ. Chúng tôi muốn nói với các nước phương Tây rằng, tất cả mọi lựa chọn đều đang ở phía phương Tây. Nhưng phản ứng của I-ran sẽ tác động tới toàn thế giới, và chúng tôi không hề nói chơi”.

Thế giới bình luận gì về khả năng I-ran bị tấn công?

Ngày 7-8-2008 vừa qua, lãnh tụ Cu-ba Phi-đen Ca-xtrô cảnh báo Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma về nguy cơ nổ ra chiến tranh lớn liên quan tới chương trình hạt nhân của I-ran.

Trên tờ “Atlantic”, nhà phân tích Mác Lin (Marc Lynch) nhận xét: “Một cuộc tấn công quân sự của Mỹ hay I-xra-en sẽ làm bùng lên một làn sóng bất ổn mới ở khu vực, làm ảnh hưởng tới kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi I-rắc và sẽ là hồi chuông cáo chung những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma trong việc xây dựng mối quan hệ mới với cộng đồng Hồi giáo, làm dấy lên tâm lý chống Mỹ trong thế giới A-rập. Đối với chính quyền hiện nay ở Mỹ, việc tấn công I-ran hay “bật đèn xanh” cho I-xra-en thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào I-ran sẽ đi ngược lại đường lối ngoại giao mà Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma cam kết khi bước vào Nhà Trắng là nước Mỹ sẽ làm bạn với thế giới.”

Cũng trên tờ “Atlantic”, nhà phân tích Giơ-phrâu Gôn-bec (Jeffrey-Goldberg) viết: “Khi I-xra-en bắt đầu tấn công một cơ sở làm giàu u-ra-ni của I-ran, bất luận là cơ sở hạt nhân bí mật ở Na-than hay nhà máy Bu-se-ra, dù họ có thành công hay không trong việc phá hủy các máy ly tâm, hay nhà máy sản xuất tên lửa của I-ran, thì họ sẽ phải đứng trước nguy cơ thay đổi khu vực Trung Đông mãi mãi. Sự tấn công này sẽ làm dấy lên những hành động trả thù chết người, làm nảy sinh một cuộc chiến tranh khu vực, dẫn đến cái chết của hàng ngàn người I-xra-en và và I-ran, rồi cả người A-rập và người Mỹ nữa. Nó cũng sẽ làm giá dầu tăng cao tới mức thảm họa, đẩy nền kinh tế thế giới vào một giai đoạn bất ổn một lần nữa kể từ năm 2008, biến cộng đồng người Do Thái trở thành mục tiêu tấn công của các nhóm khủng bố Hồi giáo”.

Trên tờ “Huffingtonpost”, chuyên gia phân tích Ga-ri Hat (Gary-Hart) nhận xét: “Trước khi tấn công I-ran, có 5 điều cần đem ra công luận rộng rãi để tham khảo ý kiến và cân nhắc. Đó là việc tấn công một quốc gia có chủ quyền cần phải được Quốc hội và người dân Mỹ thông qua. Mặc dù Mỹ đã từng tiến hành một số cuộc chiến tranh không được Quốc hội cho phép, nhưng điều đó không có nghĩa là phớt lờ Quốc hội. Cần phải tính cả những yếu tố kinh tế, quân sự khi xảy ra cuộc chiến nhằm vào I-ran. Nếu muốn đối phó với I-ran, cần có sự ủng hộ khu vực và quốc tế”.

Còn theo báo cáo của Nhóm nghiên cứu Oxford của Anh, chuyên thúc đẩy các giải pháp phi bạo lực cho các cuộc xung đột, thì một cuộc tấn công của I-xra-en vào các cơ sở hạt nhân của I-ran có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh kéo dài nhưng vẫn không ngăn được I-ran sở hữu vũ khí hạt nhân nếu họ muốn làm điều đó, thậm chí còn kích động I-ran. Hành động đáp trả của I-ran có thể sẽ kéo dài, mở ra một cuộc chiến tranh lớn ảnh hưởng tới khu vực và toàn cầu. Những lựa chọn khác của phương Tây là nỗ lực hơn nữa để đạt được một giải pháp ngoại giao hoặc chấp nhận cho I-ran phát triển khả năng hạt nhân và lấy đó làm bước khởi đầu cho tiến trình phi hạt nhân hóa cân bằng trong khu vực.

Những thực tế và động thái trên cho thấy, khu vực Trung Đông lại đang đứng trước nguy cơ chiến tranh ngày một gia tăng. Hòa bình và ổn định - xu thế được coi là chủ đạo của thế giới đương đại dường như vẫn chưa đặt chân đến vùng đất giàu tài nguyên “vàng đen” này./.