TCCSĐT - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp về Đề án Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ công chức cấp xã.

Thông báo kết luận nêu rõ, việc xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức là cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý về công tác cán bộ. Việc xây dựng Đề án cần bảo đảm các nguyên tắc, yêu cầu về cơ sở pháp lý, tính hiệu quả, ổn định lâu dài, hiện đại và tiết kiệm.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, triển khai khảo sát thực tế tại các bộ, ngành, địa phương để đánh giá đầy đủ thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức; lưu ý hệ thống trang thiết bị, phầm mềm, đề xuất phương án đầu tư cụ thể, hợp lý trên cơ sở kế thừa tối đa cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục những vướng mắc trong quá trình áp dụng thí điểm thời gian qua. Đối với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương đang vận hành hiệu quả, nên hướng tới giải pháp tích hợp và đồng bộ theo quy chuẩn chung.

Đồng thời xác định rõ phạm vi áp dụng của Cơ sở dữ liệu, các giải pháp kỹ thuật, phương án công nghệ bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, tính bảo mật và xác thực, trách nhiệm của các cơ quan tích hợp và chia sẻ thông tin, mối quan hệ giữa cơ sở dữ liệu dùng chung với các cơ sở dữ liệu đang triển khai, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tương thích, tránh chồng chéo, gây lãng phí.

Bên cạnh đó rà soát hệ thống thông tin cá nhân cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm thống nhất, phục vụ yêu cầu công tác quản lý, lưu ý không đưa vào cơ sở dữ liệu những thông tin thuộc bí mật đời tư cá nhân.

Bộ Nội vụ phân tích, thuyết minh tính khả thi khi vận hành Cơ sở dữ liệu, trong đó làm rõ sản phẩm, hiệu quả của Đề án và phương thức vận hành. Việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin thực hiện theo nguyên tắc phân cấp trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí; nên tính đến phương án thuê hạ tầng máy chủ, thiết bị mạng, vận hành cơ sở dữ liệu theo tinh thần Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Về lộ trình thực hiện, giai đoạn 1 cần tiến hành các hoạt động khảo sát, nghiên cứu, đánh giá khả năng thích ứng của hệ thống cơ sở dữ liệu. Giai đoạn tiếp theo, cần huy động các cán bộ có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin và kiến thức quản lý cán bộ, công chức, viên chức tham gia vào quá trình triển khai thực hiện Đề án, hướng dẫn, tiếp nhận và xử lý các vướng mắc phát sinh.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất phương án bổ sung Cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức vào Danh mục Cơ sở dữ liệu quốc gia. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan hoàn thiện đề án, thực hiện các thủ tục theo quy định. Không xây dựng Nghị định về Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức.

Quy định mới về kinh doanh rượu

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu. Nghị định quy định về hoạt động kinh doanh rượu, bao gồm: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ.

Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã.

Rượu đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực.

Thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác liên quan.

Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định, trừ trường hợp rượu được sản xuất thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại; rượu bán thành phẩm nhập khẩu không phải dán tem.

Nghị định quy định rõ các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu gồm: Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép theo quy định tại Nghị định này; sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu; cho thuê, cho mượn Giấy phép kinh doanh rượu; trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật. Nghị định có hiệu lực từ ngày 01-11-2017.

Việt Nam không xuất khẩu mọi loại cát ra nước ngoài


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Xây dựng nghiên cứu việc ngừng xuất khẩu cát vĩnh viễn của Campuchia và ảnh hưởng tới thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam.

Trước đó, báo Tuổi trẻ online ngày 13-7-2017 có đăng bài "Campuchia cấm xuất khẩu cát vĩnh viễn". Theo bài báo trên, lệnh cấm xuất khẩu cát vĩnh viễn của Campuchia là vì các vấn đề môi trường. Trước đó, cũng vì lo ngại về môi trường, Malaysia đã bắt đầu lệnh cấm xuất khẩu cát từ năm 1997.

Về thông tin này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Xét báo cáo của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu việc ngừng xuất khẩu cát vĩnh viễn của Campuchia và ảnh hưởng tới thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam và có giải pháp phù hợp để hướng dẫn các địa phương chủ động bảo đảm ổn định thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn. Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ trương không xuất khẩu mọi loại cát ra nước ngoài.

Cơ chế tài chính đối với Cục viễn thông

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 39/2017/QĐ-TTg về việc áp dụng cơ chế tài chính đối với Cục viễn thông. Theo đó, Cục viễn thông được áp dụng cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14-02-2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10-10-2016 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Cục viễn thông được sử dụng nguồn thu phí được để lại để chi cho các hoạt động của Cục, trong đó có: Chi đầu tư; chi mua sắm, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị; chi bổ sung thu nhập cho người lao động; chi các nhiệm vụ đặc thù theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục viễn thông.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15-11-2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017; thay thế Quyết định số 35/2011/QĐ-TTg ngày 27-6-2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục viễn thông trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông./.