TCCSĐT - Ngày 12-9-2017, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hi-rô-si-ma (Nhật Bản) đồng phối hợp tổ chức Hội thảo “Kết nối các doanh nghiệp xử lý môi trường vùng đồng bằng sông Cửu Long với tỉnh Hi-rô-si-ma”.

Tham dự Hội thảo có hơn 200 đại biểu là đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, lãnh đạo các Sở Tài nguyên và môi trường, các nhà khoa học, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xử lý môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Hi-rô-si-ma và các doanh nghiệp chuyên về xử lý môi trường tỉnh Hi-rô-si-ma.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết: Những năm gần đây, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tình trạng ô nhiễm môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường đã và đang là vấn đề được chính quyền các tỉnh, thành đặc biệt quan tâm, nhất là xử lý ô nhiễm môi trường trong các lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng - chế biến thủy sản, xử lý rác thải, nước thải, khí thải, bùn thải tại các khu công nghiệp. Do đó, việc ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới trong xử lý môi trường có vai trò rất quan trọng nhằm xử lý có hiệu quả các vấn đề môi trường, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long.Với mục tiêu tăng trưởng xanh, thành phố Cần Thơ nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung mong muốn tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa với tỉnh Hi-rô-si-ma trong vấn đề xử lý môi trường, cũng như mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác trong thời gian tới.

Thời gian qua, tỉnh Hi-rô-si-ma đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác với thành phố Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cụ thể là những cam kết về hợp tác tái lọc nước tẩy rửa và nguyên liệu nhựa tái chế, tiến hành có hiệu quả bước đầu các thí nghiệm về xử lý chất tẩy rửa tại các ao nuôi tôm, tái xử lý bùn thải,… Hội thảo này nhằm tạo thêm điều kiện để các nhà quản lý môi trường, các nhà khoa học, các doanh nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Hi-rô-si-ma gặp gỡ, trao đổi những kinh nghiệm trong hoạt động bảo vệ môi trường; giới thiệu những thành tựu khoa học - công nghệ mới liên quan đến xử lý môi trường từ các doanh nghiệp Nhật Bản; tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp tỉnh Hi-rô-si-ma nói riêng và các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung. Qua đó, các địa phương, doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long có thể lựa chọn những giải pháp tối ưu và phù hợp với điều điện thực tế của địa phương, của vùng để thực hiện công tác xử lý và bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao.

Tại Hội thảo, các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc cung cấp thông tin, việc tiếp nhận, ứng dụng những công nghệ tiên tiến để xử lý rác thải, chất thải, phụ phẩm nông nghiệp, bùn thải,… trong các lĩnh vực nuôi trồng - chế biến nông thủy sản, lương thực - thực phẩm, đồ uống, sản xuất phân bón, hóa chất, điện lực, chế biến nhựa,… Các doanh nghiệp đến từ Hi-rô-si-ma đã trình bày, giới thiệu, trao đổi và chia sẻ các công nghệ, thành tựu mới trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn; quan trắc khí thải trong các nhà máy nhiệt điện; công nghệ tái chế nhựa; công nghệ xử lý nước thải, chất thải hữu cơ trong nuôi tôm, nuôi bò; sản xuất trấu thành củi đốt thay thế cho than củi, than đá;…

Các doanh nghiệp cũng đã nêu và trao đổi với lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long về những những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác xử lý, bảo vệ môi trường thời gian qua; đồng thời đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm tăng cường kết nối với các doanh nghiệp Nhật Bản và kết nối các doanh nghiệp trong vùng đồng bằng sông Cửu Long với nhau để xử lý có hiệu quả các vấn đề về môi trường.

Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo các Sở Tài nguyên và môi trường thành phố Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng đã ký kết với lãnh đạo Sở Lao động, Công thương Hi - rô - si - ma các Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác xử lý và bảo vệ môi trường trong thời gian tới./.