Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 23-8 đến ngày 29-8-2010)
2. Tăng trưởng chậm đe dọa gánh nặng nợ công tại châu Âu
Ngày 23-8-2010, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's Investors Service (Moody) cảnh báo các chính phủ châu Âu đang phải đối mặt với những nguy cơ trong việc cắt giảm tỷ lệ nợ công khi cùng lúc phải nỗ lực kiểm soát các khoản chi tiêu quá mức. Trong một bản báo cáo, Moody nêu rõ cùng với những thách thức tài chính và sự cần thiết phải duy trì chính sách "thắt chặt hầu bao" trong nhiều năm, thì những nguy cơ đối với tăng trưởng kinh tế cũng ảnh hưởng đến việc giảm tỷ lệ nợ. Điều này là một thực tế ở các nước châu Âu, nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế được cho là thấp nhất thế giới do vừa phải thực hiện các biện pháp thúc đẩy kinh tế, vừa phải hạn chế kích thích tài chính trong toàn khu vực. Kiểm soát không để nổ ra cuộc khủng hoảng nợ đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), trong đó có các "mắt xích yếu" như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ai-len và Hung-ga-ri. Theo đánh giá của Moody, trong những tháng gần đây, tỷ lệ nợ công cao ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ai-len, Hung-ga-ri đã giảm đáng kể. Mặc dù không được đánh giá cao bằng trước đây, nhưng những nền kinh tế có tỷ trọng lớn trong EU như Pháp, Đức, Anh vẫn được Moody xếp hạng tín dụng cao nhất, mức AAA.
3. Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN (SOM)
Từ ngày 23 đến 24-8-2010, Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN (SOM) đã họp tại thành phố Vũng Tàu, Việt Nam.Tại cuộc họp, các nước đã thảo luận phương cách và biện pháp triển khai quyết định của Hội nghị AMM-43 và các Hội nghị liên quan tháng 7-2010 tại Hà Nội, cũng như chuẩn bị một bước cho các Hội nghị cấp cao ASEAN và giữa ASEAN với các bên Ðối tác, trong đó với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Nga, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Liên hợp quốc... được tổ chức từ ngày 28 đến 30-10 tới tại Việt Nam. Tại cuộc họp, các đại biểu đã bàn việc chuẩn bị về chương trình và nội dung Hội nghị không chính thức của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (IAMM) bên lề Ðại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 tớitại Niu Oóc; trao đổi về cấu trúc hợp tác khu vực, nhất là các thể thức có liên quan việc mời Nga và Mỹ tham gia làm thành viên Cấp cao Ðông Á (EAS). Các nước thống nhất các cấu trúc trong khu vực cần hỗ trợ cho mục tiêu xây dựng Cộng đồng của ASEAN; bảo đảm vai trò trung tâm của Hiệp hội; tôn trọng nguyên tắc đồng thuận và các mục tiêu, nguyên tắc, ưu tiên của EAS; đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Ðông Á nói chung và Ðông Nam Á nói riêng. Các quan chức cấp cao ASEAN cũng thảo luận một số vấn đề liên quan các lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC), tăng cường kết nối ASEAN, Kế hoạch hành động Hà Nội triển khai Tuyên bố Tầm nhìn Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), tiến độ hoàn tất các văn kiện pháp lý triển khai Hiến chương ASEAN.
4. Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 42
Sáng 25-8-2010, tại Đà Nẵng, đã diễn ra Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 42, Hội nghị Cộng đồng kinh tế ASEAN(AEC) lần thứ 4 và các Hội nghị liên quan với quyết tâm xây dựng ASEAN thành một cộng đồng thịnh vượng dựa trên những nền tảng vững chắc về kinh tế, xã hội và môi trường. Dự Lễ khai mạc có Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, các Bộ trưởng AEMs và AEC cùng các quan chức cao cấp của AEMs và AEC. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những tiến triển của Cộng đồng kinh tế ASEAN. Những cam kết hội nhập, các chương trình hợp tác cốt lõi của AEC đang từng bước đi vào cuộc sống. Một thị trường chung, một không gian kinh tế thống nhất đang hình thành dựa trên sự hài hòa cao độ về các quy tắc thương mại trong nước và khả năng điều phối chính sách vĩ mô giữa các thành viên ASEAN.
5. Bổ nhiệm cố vấn đặc biệt của Liên hợp quốc về các vấn đề pháp lý đối với nạn cướp biển
Ngày 25-8-2010, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp phiên đặc biệt thảo luận các biện pháp đối phó cướp biển đang hoành hành ở ngoài khơi bờ biển Xô-ma-li-a. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun đã kêu gọi Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế cần hành động mạnh mẽ để đối phó có hiệu quả với nạn cướp biển ngoài khơi Xô-ma-li-a. Ông Ban Ki Mun cũng quyết định bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp G.Lang làm cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề pháp lý đối với nạn cướp biển ở Xô-ma-li-a. Ông Lang, 70 tuổi, từng là giáo sư luật quốc tế. Tổng Thư ký Ban Ki Mun cho biết, cố vấn đặc biệt về cướp biển của Liên hợp quốc sẽ xem xét các cơ chế có thể thiết lập để trừng phạt bọn cướp biển.
6. Dân số 25 nước trên thế giới đang giảm nhanh
Ngày 25-8-2010, các nhà dân số học trên thế giới đã lên tiếng cảnh báo một cuộc khủng hoảng dân số ngược. Theo dự báo của Cơ quan nghiên cứu dân số toàn cầu (PRB), sự gia tăng dân số phân bố rất không đồng đều. Trong khi dân số các nước đang phát triển tăng quá nhanh, trong đó dân số châu Phi sẽ tăng gấp đôi mức hiện nay vào năm 2050, dân số 25 nước như các nước Đông Á, Đông Âu... lại có nguy cơ giảm tới 25%. Vào năm 2050, Đông Âu bị giảm đi 13,6% số dân so với hiện nay. Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc hiện đang trong tình trạng báo động về dân số giảm. Dân số 25 nước giảm đồng nghĩa với lực lượng lao động giảm, tác động đến thị trường lao động, lương hưu, nguồn thu từ thuế giảm. Theo dự báo toàn cầu của Liên hợp quốc, vào năm 2050, cộng đồng người già ở độ tuổi 80 trở lên sẽ tăng nhanh nhất. Số người già trên thế giới lần đầu tiên sẽ vượt quá số thanh niên, tạo ra sự mất cân bằng nghiêm trọng về hệ thống hưu trí, gây khó khăn cho việc hỗ trợ những người già. Các nước giảm dân số sẽ mất đi các lợi ích kinh tế trong tương lai vì số thanh niên giảm đi và sẽ bị chảy máu chất xám. Những thanh niên được đào tạo tốt và có kỹ năng lao động cao của những nước này sẽ di cư vì cơ hội tìm việc làm trong nước bị suy giảm. Nghiên cứu của Liên hợp quốc và PRB đều nhấn mạnh bất chấp những hậu quả kinh tế và xã hội cũng như những nỗ lực ở 25 nước bị giảm dân số, giải pháp đảo ngược xu thế giảm dân số dài hạn không dễ dàng vì sự biến đổi dân số là quá trình khó can thiệp bằng những nỗ lực chủ quan.
7. Diễn đàn Ðông Á lần thứ tám
Trong hai ngày 26 và 27-8-2010, tại thành phố Ðà Lạt (Việt Nam) đã diễn ra Diễn đàn Ðông Á lần thứ tám với chủ đề "Tăng cường kết nối vì liên kết khu vực và xây dựng cộng đồng tại Ðông Á". Đây là cơ chế đối thoại thường niên với sự tham gia của đại diện các chính phủ, học giả và doanh nghiệp của mười nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhằm trao đổi ý tưởng và thảo luận cách thức thúc đẩy hợp tác, liên kết khu vực và xây dựng cộng đồng Ðông Á. Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận cách thức hợp tác nhằm gia tăng kết nối, thảo luận vai trò của chính phủ và doanh nghiệp trong phát triển các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở... Các đại biểu Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đánh giá cao việc ASEAN đang hoàn tất Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN để trình Cấp cao ASEAN lần thứ 17 tới tại Hà Nội, cho rằng, kết nối ASEAN sẽ là cơ sở quan trọng cho cộng đồng ASEAN và phát triển kết nối với các bên đối tác. Các nước đối tác cũng khẳng định sẽ hỗ trợ ASEAN thực hiện thành công Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN và sẽ cùng ASEAN nghiên cứu các hình thức nhằm thu hút đầu tư của tư nhân cho phát triển hạ tầng cứng và mềm, hỗ trợ nâng cao năng lực, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác khoa học-công nghệ... Các đại biểu cho rằng, với sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước trong khu vực, trong 20 năm tới, Ðông Á sẽ có thể trở thành một khu vực có đầy đủ cơ sở hạ tầng được kết nối thông suốt, trong đó ASEAN là trung tâm của các mối liên kết.
8. Triều Tiên sẵn sàng nối lại đàm phán 6 bên
Ngày 27-8-2010, ông Kim Yâng Nam (Kim Yong Nam), Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao CHDCND Triều Tiên cho biết nước này sẵn sàng nối lại đàm phán sáu bên về giải trừ hạt nhân. Tuyên bố trên được ông Kim Yâng Nam đưa ra trong cuộc gặp cựu Tổng thống Mỹ Gim-mi Ca-tơ (Jimmy Carter), trước khi ông Ca-tơ rời thủ đô Bình Nhưỡng về nước cùng công dân Mỹ Ai-gia-lon Ma-li Gô-mét (Aijalon Mahli Gomes) được phía Triều Tiên phóng thích. Trong khi đó, phía Mỹ cũng không loại trừ khả năng tái khởi động đàm phán sáu bên sau khi kết thúc phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 tới. Trong nỗ lực khởi động đàm phán sáu bên về giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Trung Quốc Vũ Đại Vĩ ngày 26-8 đã có cuộc thảo luận với người đồng cấp Hàn Quốc Uy Xâng Nác (Wi Sung-Lac) nhân chuyến thăm Xơ-un 3 ngày (từ 26 đến ngày 29-8-2010). Tại cuộc hội đàm, hai bên khẳng định đàm phán sáu bên về giải trừ vũ khí hạt nhân vẫn là công cụ hiệu quả nhằm thiết lập hòa bình ở khu vực Đông Bắc Á. Hai bên cùng chia sẻ quan điểm đàm phán sáu bên là giải pháp hữu hiệu cho việc phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên cũng như thiết lập hòa bình ở khu vực Đông Bắc Á.
9. Đối thoại kinh tế cấp cao Trung-Nhật lần thứ 3
Ngày 28-8-2010, Đối thoại kinh tế cấp cao Trung Nhật lần thứ 3 được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Cát-xu-i-a Ô-ca-đa (Katsuya Okada) cùng chủ trì đối thoại. Kết thúc đối thoại, hai bên đã ký 7 văn kiện hợp tác liên quan đến các lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm…Theo đại diện cả hai phía Trung Quốc và Nhật Bản, đối thoại đã diễn ra trên tinh thần thẳng thắn, thiết thực và đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng. Phát biểu trong buổi họp báo sau khi kết thúc đối thoại, Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cho biết: Trung Quốc và Nhật Bản đang ở trong giai đoạn phát triển khác nhau, kinh tế phụ thuộc vào nhau, có thể bổ sung hỗ trợ cho nhau. Vì vậy, tiềm năng hợp tác hai bên là rất to lớn. Hai bên đã trao đổi sâu rộng về khả năng hợp tác trong các lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, chế tạo công nghệ cao, an toàn thực phẩm và công nghệ - thông tin. Hai bên cũng nhất trí sẽ có những hành động thiết thực nhằm tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ và trao đổi thương mại hàng nông sản, phản đối chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch dưới mọi hình thức, tăng cường điều phối trong các vấn đề lớn như cải cách thể chế tài chính quốc tế, biến đổi khí hậu… Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Ô-ca-đa đã khẳng định tầm quan trọng của cuộc đối thoại lần này, cho rằng đây là bước khởi điểm xây dựng quan hệ kinh tế Nhật – Trung trong thời đại mới. Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật. Còn Nhật bản là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc.
10. Ngày quốc tế chống thử hạt nhân
Ngày 29-8 hằng năm đã được Ðại hội đồng Liên hợp quốc khóa 64 nhất trí lấy làm Ngày quốc tế chống thử hạt nhân, nhằm huy động các nỗ lực của toàn hệ thống Liên hợp quốc, các nước thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học, các tổ chức thanh niên và phương tiện thông tin đại chúng toàn cầu để thông tin, giáo dục và nêu bật sự cần thiết phải cấm thử hạt nhân trên toàn cầu để tiến tới một thế giới an toàn hơn. Nghị quyết của Ðại hội đồng Liên hợp quốc khẳng định chấm dứt các vụ thử hạt nhân là một trong các biện pháp chủ chốt để đạt được mục tiêu thế giới không có vũ khí hạt nhân. Quyết định nói trên dựa theo sáng kiến của Chính phủ Ca-dắc-xtan, lấy ngày Ca-dắc-xtan đóng cửa khu thử hạt nhân Se-mi-pa-la-tin-xcơ của Liên Xô (trước đây) trên lãnh thổ nước mình, nơi từng diễn ra 456 vụ thử hạt nhân trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Ngày quốc tế chống thử hạt nhân lần đầu tiên sẽ diễn ra với các cuộc hội thảo, hội nghị, triển lãm, các cuộc thi tìm hiểu, nhiều xuất bản phẩm và chiến dịch truyền thông cùng với những sự kiện mang tính giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về nguy cơ hạt nhân tại các trụ sở Liên hợp quốc ở Niu Oóc (Mỹ), Viên (Áo), A-xta-na (Ca-dắc-xtan), các viện nghiên cứu, các tổ chức thanh niên và nhiều nước trên khắp thế giới.
11. Thiên tai, lũ lụt, cháy rừng tại nhiều nơi trên thế giới
Ngày23-8-2010, hơn 1500 người đã phải sơ tán trong cuối tuấn qua khỏi hòn đảo du lịch nổi tiếng Tây Ban Nha là I-bi-da do cháy rừng lan rộng tại khu vực này. Ngày 25-8, theo thống kê của Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố, tính từ cuối tháng 5 đến ngày 22-8, cả nước Nhật có hơn 40.000 người phải vào viện điều trị do nắng nóng, trong đó đã có 145 người chết. Tại Trung Quốc, tính đến ngày 23-8 mưa lớn vẫn liên tục trút dữ dội xuống 14 khu vực và làng mạc của tỉnh này làm ảnh hưởng của sống của hơn 1 triệu người, đã có hơn 250.000 người ở khu vực Đông Bắc Trung Quốc phải sơ tán do lũ lụt nghiêm trọng ở khu vực sông Áp Lục (Yalu) của Triều Tiên, giáp giới Trung Quốc. Chỉ riêng tại thành phố Đan Đông thuộc tỉnh Liêu Ninh, hơn 94.000 người dân đã được đưa đến nơi an toàn. Ngày 24-8, CHDCND Triều Tiên thông báo, khoảng 2.400 ha đất sản xuất nông nghiệp đã bị ngập chìm trong nước lũ do mưa lớn tại các khu vực giáp danh với Trung Quốc. 5.000 người phải đi sơ tán từ tuần trước vẫn chưa thể trở về nhà. Tại Thái Lan, theo thống kê chưa chính thức, chỉ riêng trong ngày 25-8, năm huyện ngập trong biển nước, trên 100 ngôi nhà bị ngập chìm, trên 6.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng của cơn bão số 3, khoảng 4.800 ha diện tích đất nông nghiệp bị thiệt hại. Trong đó bị ảnh hưởng nặng nề nhất là tỉnh Ụt-tra-dít, nước từ con núi lớn chảy xiết đổ vào huyện Thong-sen-khăn làm 32 làng ngập trong nước, mực nước tăng cao tới 2 m, khoảng 21.000 dân phải màn trời chiếu đất, chính quyền huyện sơ tán người dân đến nơi an toàn .
Tuần qua, ít nhất 20 người chết và gần 2.000 người phải sơ tán tới nơi trú ẩn an toàn tại Goa-tê-ma-la, Ôn-đu-rát và Ni-ca-ra-goa do mưa lớn kéo dài cộng với ảnh hưởng của cơn bão nhiệt đới Phơ-ranh (Frank), ngoài khơi Thái Bình Dương. Tại Mê-hi-cô, Ni-ca-ra-goa là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa bão kéo dài trong nhiều tuần qua. Cơ quan Dân phòng nước này cho biết đã có 12 người thiệt mạng, gần 1.200 người phải sơ tán và 300 căn nhà bị hư hại. Trong khi đó, tại Goa-tê-ma-la đã có ít nhất 3 người thiệt mạng và 700 người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán. .
Hơn 3 tuần sau khi lũ lụt, tại Pa-ki-xtan, đến nay phần lớn nước lũ vẫn chưa rút, 800.000 người vẫn bị cô lập và hiện chỉ có thể tiếp cận họ bằng đường hàng không. Nhiều người dân ở vùng đồi núi phía Tây bắc vẫn đang bị mắc kẹt giữa dòng nước lũ vì cầu cống, đường xá đã bị cuốn trôi. Dự báo phải 2 tuần nữa nước sông Ấn, nơi khởi nguồn của trận lũ mới trở lại mức độ bình thường.
*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 16-8 đến ngày 22-8-2010)
Giới thiệu chính sách mới số 208  (31/08/2010)
Đại hội thi đua yêu nước lần thứ II của tỉnh Đắk Nông và lần thứ IV của tỉnh Cà Mau  (31/08/2010)
Hội thảo khoa học “Tuyên ngôn Ðộc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh - giá trị lý luận và ý nghĩa thời đại”  (31/08/2010)
Ông Lê Đình Thọ được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa  (31/08/2010)
"Cần nghiên cứu hình thức đầu tư mới gọi vốn ODA"  (31/08/2010)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay