Các nền kinh tế thành viên chung tay xây dựng một khu vực APEC phát triển thịnh vượng
TCCSĐT - Ngày 25-8-2017, ngày kết thúc Tuần lễ An ninh lương thực APEC 2017 tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra “Đối thoại chính sách cấp cao về Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu”. Tham dự Đối thoại có Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trịnh Đình Dũng; ông Alan Bollard, Tổng Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC Quốc tế và khoảng 150 đại biểu là Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nền kinh tế thành viên APEC.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Những năm qua, các nền kinh tế của APEC đã có những bước chuyển lớn về nông nghiệp và an ninh lương thực xuất phát từ những thay đổi về thu nhập của hộ gia đình, thị hiếu của người tiêu dùng, sự chuyển đổi trong hệ thống phân phối thực phẩm, tác động của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, biến đổi khí hậu. Điều này đã đặt ra những cơ hội và thách thức cho các nền kinh tế APEC trong việc bảo đảm an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, phát triển nông thôn, xóa đói, giảm nghèo gắn với phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện nay, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với các thách thức về mất an ninh lương thực, cạnh tranh gay gắt trong sản xuất và thương mại nông nghiệp, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Những trở ngại trên đặt ra yêu cầu APEC phải đổi mới, nâng cao hiệu quả hợp tác.
Trong bối cảnh đó, Diễn đàn đối thoại cấp cao APEC về chính sách An ninh lương thực và Nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu là một nỗ lực nhằm góp phần vào nỗ lực toàn cầu thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030 và Thỏa thuận Pa-ri về ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như các biện pháp về an ninh lương thực đã được Bộ trưởng các nền kinh tế APEC thông qua. Bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu không phải là những ưu tiên hay kỳ vọng mà đó là nhiệm vụ và lộ trình mà APEC cần thực hiện; đồng thời là trách nhiệm của mỗi nền kinh tế thành viên cần gánh vác. Chính phủ Việt Nam rất coi trọng hợp tác trong khuôn khổ APEC và cam kết sẵn sàng phối hợp với các nền kinh tế thành viên và các đối tác phát triển vì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng chung trong khu vực.
Tại phiên thảo luận kỹ thuật toàn thể, các đại biểu đã nghe đại diện của Pê-ru, Chủ tịch APEC 2016, cập nhật các hoạt động hợp tác trong khu vực APEC được thực hiện từ Diễn đàn Bộ trưởng Lương thực APEC 2016 tới nay; ông Trần Kim Long, Chủ tịch Đối tác chính sách về An ninh lương thực của APEC (PPFS) báo cáo các kết quả chính cuộc họp của PPFS”; bà Kundhavi Kadiresan, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trình bày về Tổng quan tình hình an ninh lương thực và thương mại nông sản toàn cầu trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu. Sau đó, các đại biểu tham gia 03 phiên đối thoại.
Tại Phiên đối thoại 1: “An ninh lương thực trong điều kiện biến đổi khí hậu”, các đại biểu đã nghe đại diện Tổng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam lên trình bày đề dẫn về “Bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu”. Sau đó, đại diện của 7 nền kinh tế APEC trao đổi hiện trạng, những khó khăn, thách thức trong sản xuất nông nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu; chia sẻ các cơ hội hợp tác trong khu vực để biến các khó khăn, thách thức thành cơ hội đầu tư, phát triển nền nông nghiệp thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiếp tục tạo việc làm và thu nhập cho nông dân.
Tại Phiên đối thoại 2: “Đổi mới, công nghệ và nghiên cứu ứng dụng”, ông Ben Dalton, Bộ Công nghiệp cơ bản Niu Di-lân trình bày đề dẫn về “Đổi mới công nghệ và nghiên cứu ứng dụng”. Tiếp đến, đại diện các nền kinh tế trao đổi về thực trạng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất lương thực và nông nghiệp tại mỗi nền kinh tế và khu vực APEC. Các ý kiến trình bày, trao đổi có chung quan điểm: Những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu cũng là một cơ hội tốt để thay thế những công nghệ cũ, thiếu hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời, qua đó tham gia vào công cuộc đổi mới chung trên toàn cầu. Tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa các nền kinh tế APEC trong đổi mới, ứng dụng khoa học và công nghệ trong nông nghiệp là rất lớn. Đối thoại này là một cơ hội để các nền kinh tế tăng cường xây dựng các dự án hợp tác đầu tư mới song phương và khu vực, hướng tới phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực và thịnh vượng chung trong khu vực.
Phiên đối thoại 3: “Vai trò của đối tác công - tư (PPP) trong tăng cường đầu tư để phát triển nông nghiệp bền vững”, đại diện Tập đoàn Tài chính thế giới đã chia sẻ các chính sách và thực tế thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, đặc biệt là hình thức đối tác công - tư. Hình thức này tuy còn khá mới với nhiều nền kinh tế nhưng tỏ ra rất hiệu quả trong huy động nguồn lực đầu tư tư nhân vào phát triển kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Đại diện các nền kinh tế cũng đã cùng nhau thảo luận về các chính sách và tình hình thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp để phát triển các chuỗi giá trị và gia tăng giá trị sản phẩm, góp phần tăng lợi nhuận thu được cho mọi đối tượng trên toàn chuỗi. Nhiều đại biểu thống nhất cho rằng tăng cường đầu tư cũng là giải pháp quan trọng thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới để xây dựng một nền nông nghiệp thông minh và thân thiện với môi trường.
Trong phiên bế mạc, các đại biểu đã thảo luận các hoạt động hợp tác cụ thể và toàn diện giữa các nền kinh tế cũng như cả khu vực APEC và thông qua 03 tài liệu là: 1. Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình khung nhiều năm của APEC về An ninh lương thực và biến đổi khí hậu; 2. Kế hoạch hành động thực hiện Khung Chiến lược APEC về Phát triển nông thôn - đô thị bền vững để tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng; 3. Tuyên bố Cần Thơ về Tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là những tài liệu quan trọng, định hướng các hoạt động hợp tác khu vực và thể hiện nỗ lực của các nền kinh tế thành viên chung tay xây dựng một khu vực APEC phát triển thịnh vượng, người dân được bảo đảm sinh kế, an ninh lương thực và dinh dưỡng, tự cường và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu./.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng làm việc tại Trà Vinh  (25/08/2017)
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp và trao tặng Huân chương Hữu nghị cho Giáo sư Odon Vallet  (25/08/2017)
Tăng cường quan hệ hợp tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc  (25/08/2017)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Tổng Giám đốc UNESCO  (25/08/2017)
Đoàn công tác liên ngành Việt Nam làm việc tại Tòa Thánh Vatican  (25/08/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm xã Đức Trạch của tỉnh Quảng Bình  (25/08/2017)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên