TCCSĐT - Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, bệnh viện đột quỵ - tim mạch đầu tiên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đã chính thức được khởi công xây dựng vào sáng 20-7-2017.

Phát biểu tại Lễ khởi công, Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Can thiệp thần kinh Á - Úc (AAFITN), chủ đầu tư và phụ trách chuyên môn của dự án Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, cho biết: Hằng năm, theo thống kê từ các bệnh viện, cả nước có hơn 200.000 trường hợp bị đột quỵ, trong đó riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long có hơn 10.000 trường hợp. Khoảng 97% bệnh nhân bị đột quỵ được đưa đến bệnh viện muộn sau 6 giờ và khả năng can thiệp nội mạch cấp cứu đột quỵ tại các bệnh viện còn hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị, dẫn đến tỷ lệ tử vong và tàn phế do đột quỵ còn cao. Cả nước hiện chỉ có 5 bệnh viện có khả năng can thiệp chuyên sâu để điều trị đột quỵ, tập trung ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ ra đời không chỉ góp phần giảm tải điều trị đột quỵ cho các bệnh viện ở đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh mà còn giúp nhiều bệnh nhân ở các tỉnh, thành trong vùng được cấp cứu, can thiệp điều trị đột quỵ kịp thời, giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế do không còn mất nhiều thời gian chuyển đến các bệnh viện tuyến cao ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài việc khám và cấp cứu, điều trị, Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ còn góp phần hỗ trợ, nâng cao năng lực của đội ngũ bác sĩ, y sĩ thành phố Cần Thơ và các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long trong cấp cứu can thiệp đột quỵ và tim mạch. Sau khi đi vào hoạt động, bệnh viện đồng thời cũng sẽ là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chuyên sâu, nghiên cứu khoa học, giảng dạy y khoa, đặc biệt là trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị bệnh đột quỵ, chấn thương sọ não, trên cơ sở tăng cường hợp tác với Hội Can thiệp thần kinh Á - Úc (AAFITN), Hội Can thiệp thần kinh thế giới (WFITN), Hội Đột quỵ- chấn thương sọ não thế giới (WSO) và nhiều bệnh viện, trường đại học y dược ở các nước.

Trong giai đoạn đầu, bệnh viện được xây dựng trên diện tích 4.000m2 tại đường Nguyễn Văn Cừ (nối dài), phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, với quy mô 60 giường, có khả năng khám và điều trị cho 500 người/ngày. Dự kiến bệnh viện sẽ đi vào hoạt động trong năm 2018 với các trang thiết bị hiện đại, theo mô hình bệnh viện chuyên khoa Đột quỵ Tim mạch và kết nối xử trí đột quỵ với tất cả các bệnh viện ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong giai đoạn 2, bệnh viện sẽ mở rộng quy mô lên 200 giường và phát triển hệ thống bệnh viện đột quỵ tim mạch vệ tinh ở các tỉnh để phục vụ nhu cầu chuyển bệnh, cung cấp dịch vụ y tế, truyền thông - tư vấn sức khỏe lưu động, khám chữa bệnh tại nhà, tại bệnh viện cho người dân đồng bằng sông Cửu Long và một số quốc gia lân cận.

Tại Lễ khởi công, Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Chí Cường cam kết, sau khi đi vào hoạt động, Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ không chỉ điều trị cho những bệnh nhân có khả năng tài chính mà sẽ điều trị cho tất cả các trường hợp bệnh nhân nghèo, không có tiền chi trả viện phí. Trong tương lai, nếu có điều kiện thuận lợi, bệnh viện sẽ phát triển thành Trung tâm Huấn luyện - đào tạo bác sĩ thần kinh cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Cùng ngày, tại Hội trường Thành ủy Cần Thơ, Hội Can thiệp thần kinh thế giới, Hội Can thiệp thần kinh thành phố Hồ Chí Minh, Hội Y học thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Y tế thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo quốc tế và đào tạo y khoa “Cập nhật chẩn đoán - điều trị đột quỵ: Ý nghĩa thời gian vàng và vai trò can thiệp nội mạch cấp cứu” cho các bác sĩ ở các bệnh viện trên địa bàn thành phố Cần Thơ và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong 2 ngày (20 và 21-7-2017) các học viên được các giáo sư, chuyên gia y khoa trong nước và các nước Pháp, Đức, Nhật Bản, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a trao đổi, hướng dẫn cập nhật những kiến thức mới, tiên tiến nhất hiện nay về chẩn đoán, điều trị đột quỵ và định hướng phối hợp xây dựng mạng lưới cấp cứu, can thiệp đột quỵ cho các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long./.