TCCSĐT - Ngày 01-7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập lực lượng Quản lý thị trường; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì họp Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ, tài chính quốc gia.

60 năm ngày thành lập lực lượng Quản lý thị trường

 
 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập lực lượng Quản lý thị trường.

Ngày 01-7, tại Hà Nội, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập lực lượng Quản lý thị trường do Bộ Công Thương tổ chức.

Trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình ghi nhận, biểu dương những thành tích đạt được của lực lượng Quản lý thị trường trong 60 năm qua. Nổi bật là đã kiểm tra, kiểm soát thị trường, góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng những kết quả đạt được vẫn chưa thực sự đáp ứng được mong muốn của Chính phủ và sự kỳ vọng của người dân. Do đó, các lực lượng quản lý thị trường cần nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện tốt hơn công tác quản lý thị trường, góp phần bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dung.

Trong điều kiện nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng, tham gia nhiều các hiệp định song phương và đa phương, dự báo nạn hàng lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, có yếu tố nước ngoài.

“Chúng ta phải hành động thiết thực, nói đi đôi với làm, duy trì liêm chính, không chấp nhận bất kỳ hành động nào tiếp tay, bảo kê cho các vi phạm. Vì vậy, trọng trách của những người làm công tác quản lý thị trường ngày càng nặng nề hơn”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Với vai trò chủ công trong công tác kiểm tra, kiểm soát việc tuân theo pháp luật trong thị trường nội địa, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu toàn lực lượng Quản lý thị trường cả nước cần làm tốt một số nhiệm vụ.

Cụ thể, phải xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; tham mưu và tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 41 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, các Chỉ thị của Thủ tướng đối với công tác này.

Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, lực lượng Quản lý thị trường cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác.

“Thực hiện việc kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của nông dân như nông sản, thực phẩm, vật tư nông nghiệp… để góp phần ổn định thị trường, bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dung. Thực hiện việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định có liên quan đến cơ cấu tổ chức, hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường, đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc, khó khăn, chồng chéo trong quản lý, không để bị lợi dụng, tạo điều kiện cho cán bộ công chức thực hiện tốt nhiệm vụ.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh cần đẩy mạnh tuyên truyền về công tác này để các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân đồng thuận với chủ trương pháp luật của Nhà nước, không tiếp tay, vận chuyển cho buôn lậu cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Lực lượng Quản lý thị trường cần chú trọng công tác xây dựng lực lượng, thường xuyên bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức lối sống, tác phong công tác, văn hoá ứng xử, tăng cường kiểm tra nội bộ, xử lý nghiêm khắc công chức vi phạm, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đề cao vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, xác định và gắn trách nhiệm cụ thể đối với từng công chức, lãnh đạo quản lý, phụ trách địa bàn và người đứng đầu đơn vị, địa phương nếu để xảy ra buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân.

Đặc biệt, lực lượng Quản lý thị trường cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với Hải quan, Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển và các lực lượng chức năng khác như Thanh tra chuyên ngành trong quá trình thực thi công vụ sao cho hiệu quả, tránh chồng chéo.

Cần đổi mới nội dung, biện pháp, hình thức phối hợp, tổ chức giao ban định kỳ, trao đổi, cung cấp và xử lý thông tin, hướng dẫn thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong công tác này.

Phiên họp Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ, tài chính quốc gia

Chiều 01-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chủ trì phiên họp quý II-2017 của Hội đồng nhằm xây dựng báo cáo phục vụ điều hành của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.

Các thành viên Hội đồng đánh giá các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định trong 6 tháng đầu năm. Lạm phát được kiểm soát, tiệm cận về mục tiêu của cả năm 2017 (4,15% so với chỉ tiêu 4% vào hết năm) đúng theo kế hoạch điều hành của Ban chỉ đạo điều hành giá.

Thu ngân sách đạt khá, nhập khẩu tăng cao, chủ yếu là hàng hóa, máy móc phục vụ cho sản xuất. Đặc biệt, tăng trưởng hai quý đầu năm tăng khá với mức 5,73% trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 5,65%. GDP của quý II cũng tăng mạnh so với quý I-2017 (6,13% so với 5,15%).

Vào đầu năm 2017, trước áp lực lạm phát tăng và cán cân xuất nhập khẩu chuyển sang nhập siêu đã dẫn đến sức ép tăng lãi suất và tăng tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng đồng bộ các chính sách tiền tệ thông qua thị trường mở, kết hợp điều hành lãi suất, tỷ giá giúp thị trường tiền tệ ổn định, phù hợp với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.

Tổng phương tiện thanh toán tăng 5,69%; thanh khoản của hệ thống ngân hàng bảo đảm, tín dụng tăng hơn so với các năm trước ở mức 7,98% đã hỗ trợ cho việc chậm giải ngân vốn đầu tư công. Nguồn vốn tín dụng tập trung vào sản xuất, kinh doanh nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng phục vụ người nghèo. Tín dụng phục vụ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản đã chậm lại so với năm 2016 và giữa các tháng trong nửa đầu năm 2017. Lãi suất tiếp tục được duy trì tương đối ổn định.

Các thành viên Hội đồng cũng dự báo các rủi ro, bất định của kinh tế thế giới, xu hướng thay đổi các dòng vốn thương mại sang hướng bảo hộ, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ, EU giảm cũng sẽ tác động tới kinh tế trong nước.

Còn ở trong nước, lạm phát có thể kiểm soát được ở mức bình quân 4% nên có thể tính toán tới việc giảm chi phí cho doanh nghiệp và nền kinh tế, hỗ trợ cho tăng trưởng. Tuy nhiên, Hội đồng lưu ý Chính phủ về giải ngân vốn FDI không bằng các năm trước là vấn đề cần khắc phục; xem xét lại cách tính lạm phát bình quân; tính toán điều chỉnh giá điện hợp lý, ở thời điểm phù hợp và thúc đẩy được đầu tư vào lĩnh vực điện năng.

Các thành viên Hội đồng cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu cơ chế huy động vàng và USD trong dân vào sản xuất, kinh doanh; xem xét giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay để giảm chi phí giá vốn cho doanh nghiệp,…

Ghi nhận các ý kiến của Hội đồng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ngân hàng Nhà nước (là cơ quan thường trực) tổng hợp đầy đủ, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2017.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến kinh tế vĩ mô, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư, đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa tại doanh nghiệp Nhà nước, đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập gắn với đẩy nhanh lộ trình chuyển từ phí sang giá dịch vụ công; ban hành văn bản hướng dẫn và củng cố công cụ triển khai Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu.

Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát triển logistics và tạo thuận lợi thương mại gắn với phòng chống gian lận thương mại; tiếp tục khai thác các tiềm năng tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dịch vụ… để bảo đảm tăng trưởng bền vững và lâu dài./.