Chiều 04-6, tại Tokyo, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Đại diện trí thức, sinh viên, học sinh bày tỏ, bà con người Việt tại Nhật Bản cho biết, cộng đồng người Việt ở Nhật Bản ngày càng phát triển. Đến nay, có 200.000 người Việt hiện đang sinh sống, làm việc tại Nhật Bản. Tất cả người Việt đều chung một lòng làm điều gì đó cụ thể, góp ích cho cuộc sống bà con người Việt ở Nhật và cho đất nước Việt Nam. Bà con kỳ vọng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đất nước ta sẽ tiếp tục có bước phát triển vượt bậc.

Nói chuyện, thăm hỏi đời sống của cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản không ngừng phát triển. Hai bên có nhiều đoàn cấp cao thăm lẫn nhau.

Nhật Bản là nước đứng đầu về hỗ trợ ODA vào Việt Nam, FDI đứng thứ hai, du lịch đứng thứ ba và thương mại đứng thứ tư. Một làn sóng đầu tư từ Nhật Bản đang vào Việt Nam. Về hợp tác giáo dục, hiện có 70.000 du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản.

Cho rằng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản rất sâu sắc, Thủ tướng mong muốn Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản “tiếp tục giữ gìn, thúc đẩy, đi vào chiều sâu hơn nữa”.

Thủ tướng cho biết, chuyến thăm lần này là “3 trong 1”: thăm chính thức Nhật Bản, dự và phát biểu mở đầu cho Hội nghị Tương lai châu Á và dự hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản quy mô lớn nhất từ trước đến nay với khoảng 1.500 doanh nghiệp đăng ký tham dự.

Với ý nghĩa quan trọng đó, Thủ tướng ghi nhận “cán bộ, nhân viên Đại sứ quán rất vất vả”, đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong công tác chuẩn bị cho chuyến thăm.

Thông báo về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Thủ tướng bày tỏ: “Hướng của chúng ta là phải lo cho dân, phải lo phát triển doanh nghiệp để giải quyết việc làm”. Nếu không giải quyết được việc làm thì không có tăng trưởng. Bên cạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Chính phủ tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động vì lao động trong nông thôn, miền núi còn khá lớn. Muốn như vậy, tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải nhanh hơn, tốt hơn.

“Muốn làm được như thế chúng ta cần học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến, trong đó có Nhật Bản”, Thủ tướng chia sẻ và cho rằng, cần tập hợp được nhân tài bốn phương, cả trong nước, quốc tế và bà con kiều bào.

“Cho nên xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp là hướng đi mà chúng ta kiên trì thực hiện trong thời gian qua và bước đầu đạt kết quả đáng mừng”, Thủ tướng nói và cho biết chất lượng tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Chúng ta giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, coi trọng bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập người lao động.

“Có nhiều vị nói là không chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng mà chính là chất lượng tăng trưởng nhưng ngược lại nếu không tăng trưởng thì rất khó khăn cho các chỉ tiêu khác, nhất là nợ công, giải quyết việc làm. Tuy nhiên tăng trưởng tốt mà chất lượng nền kinh tế không tốt thì rất khó khăn. Cho nên, chúng ta phải bảo đảm cả hai mục tiêu này”, Thủ tướng chia sẻ. “Chính phủ mới họp hôm qua, ngày 03-6, có điểm kiểm lại tất cả, rà soát lại các chỉ tiêu, nhất là 31 mặt hàng quan trọng, sản phẩm quan trọng của đất nước. Chính phủ quyết tâm năm 2017 này, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng cố gắng đạt toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra”.

Nhấn mạnh tinh thần phát huy nội lực của đất nước, Thủ tướng bày tỏ: Không có ý chí tự lực, tự cường, vươn lên trong từng con người, gia đình, trong cả dân tộc thì khó có thể thành công và mong muốn bà con, nhất là các em học sinh, sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản nêu cao ý chí này.

Thủ tướng cũng cho rằng, Nhật Bản là đất nước gặp nhiều thiên tai nhưng người dân có ý chí vươn lên mạnh mẽ, nhất là trước những thảm họa. Đây là điểm đáng học hỏi.

“Chúng ta nhớ thảm họa động đất, sóng thần năm 2011 (ở Nhật Bản). Chúng ta thấy hình ảnh gì của dân tộc Nhật Bản mà có thể là bài học cho lớp trẻ chúng ta hay không? Chúng ta thấy họ mất mát như thế nhưng trật tự xếp hàng lấy bánh mì, đồ ăn, không hề có sự lộn xộn. Hay ví dụ có một em bé 9 tuổi đã nhường phần ăn của mình cho người già trong lúc khó khăn như vậy”, Thủ tướng nói.

Nhân dịp này, Thủ tướng mong muốn các em học sinh, sinh viên cố gắng học hỏi, rèn luyện, có ý chí, có kinh nghiệm, có học thức để tiếp tục xây dựng đất nước.

Thủ tướng cũng đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phát huy kết quả đạt được, làm tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là quan tâm, chăm lo cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản. Mỗi người Việt Nam khi gặp khó khăn thì đều có sự hiện diện của Đại sứ quán để giúp đỡ.

Cũng nhân dịp này, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trân trọng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Đại sứ Nguyễn Quốc Cường vì đã có nhiều thành tích trong công tác, góp phần vào sự phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong giai đoạn 2014 đến nay./.