Các chỉ đạo, quyết định mới của Chính phủ

BTV (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)
22:33, ngày 16-05-2017

TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập.

Theo đó, từ ngày 01-7-2017 các hàng hóa sau nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập gồm: Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm (mã hàng 2401, 2402, 2403); rượu (mã hàng 2204, 2205, 2206, 2207, 2208); bia; xe ôtô chở người dưới 16 chỗ ngồi; tàu bay, du thuyền; xăng các loại; điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; hàng hóa phải kiểm dịch động vật, hàng hóa phải kiểm dịch thủy sản theo Danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định; phế liệu theo Danh mục do Thủ tướng Chính phủ quy định...

Quyết định nêu rõ, hàng hóa không thuộc Danh mục trên được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập hoặc các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu nhập theo quy định của Luật hải quan, Nghị định số 8/2015/NĐ-CP ngày 21-01-2015 của Chính phủ.

Trường hợp hàng hóa có nhiều chủng loại (thuộc Danh mục và không thuộc Danh mục), chung vận đơn thì phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập.

Hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập hoặc tại các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu nhập trong các trường hợp sau:

1- Thiết bị, máy móc, vật tư nhập khẩu để xây dựng nhà máy, công trình được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan nơi có nhà máy, công trình hoặc kho của nhà máy, công trình.

2- Nguyên liệu, vật tư, thiết bị, máy móc, linh kiện, phụ tùng để phục vụ gia công, sản xuất được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất.

3- Hàng hóa tạm nhập để dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan nơi có hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm.

4- Hàng hóa nhập khẩu vào cửa hàng miễn thuế được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế.

5- Hàng hóa nhập khẩu vào khu phi thuế quan được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý khu phi thuế quan.

6- Hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu cứu trợ khẩn cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Hải quan được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan nơi xảy ra thiên tai, dịch bệnh hoặc yêu cầu cứu trợ khẩn cấp.

7- Hàng hóa chuyên dùng nhập khẩu phục vụ an ninh, quốc phòng theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Hải quan được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan theo đề nghị của người khai hải quan.

8- Xăng được đưa từ kho ngoại quan đến các địa điểm làm thủ tục hải quan nơi thương nhân có hệ thống kho xăng dầu.

9- Hàng hóa nhập khẩu đóng chung container đưa về địa điểm thu gom hàng lẻ được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý địa điểm thu gom hàng lẻ.

10- Các trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cá Tra thương phẩm phải đáp ứng 4 điều kiện

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 55/2017/NĐ-CP quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra. Theo đó, nuôi cá Tra thương phẩm phải đáp ứng 4 điều kiện:

1- Có địa điểm, diện tích nuôi cá Tra phù hợp với quy hoạch về sử dụng đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2- Có kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về nuôi cá Tra thương phẩm; có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt; có nơi xử lý chất thải, bùn thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và vệ sinh thú y.

3- Đáp ứng các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

4- Có Giấy chứng nhận mã số nhận diện ao nuôi cá Tra theo quy định. Về mã số nhận diện ao nuôi, mã số gồm 11 số và có cấu trúc AA-BB-CCCC-DDD, trong đó: AA là mã số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương áp dụng trong quản lý nuôi trồng thủy sản; BB là mã số đối tượng nuôi (đối với cá Tra là 01); CCCC là số thứ tự cơ sở nuôi được cấp từ 0001 đến 9999; DDD là số thứ tự ao nuôi của cơ sở nuôi cá Tra, được cấp theo thứ tự từ 001 đến 999.

Cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh thực hiện cấp mã số nhận diện ao nuôi. Mỗi ao nuôi được cấp duy nhất một mã số nhận diện. Chủ cơ sở nuôi phải thực hiện đăng ký mã số nhận diện ao nuôi lần đầu hoặc đăng ký lại khi thay đổi chủ cơ sở nuôi hoặc thay đổi diện tích ao nuôi.

Nghị định cũng quy định rõ điều kiện chế biến cá Tra, cụ thể phải đáp ứng 4 điều kiện:

1- Đáp ứng các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh tại Điều 21 của Nghị định 66/2016/NĐ-CP ngày 01-7-2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm.

2- Đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong chế biến thủy sản.

3- Có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.

4- Có hệ thống truy xuất nguồn gốc đáp ứng các quy định của pháp luật và bảo đảm khả năng truy xuất đến cơ sở nuôi.

Sản phẩm cá Tra xuất khẩu phải được chế biến từ cơ sở chế biến cá Tra đáp ứng các điều kiện chế biến cá Tra nêu trên. Trường hợp tổ chức, cá nhân xuất khẩu sản phẩm cá Tra không có cơ sở chế biến đáp ứng các điều kiện chế biến cá Tra, phải đáp ứng một trong hai điều kiện: Có hợp đồng mua sản phẩm cá Tra được chế biến tại cơ sở chế biến cá Tra đáp ứng điều kiện chế biến cá Tra nêu trên; có hợp đồng gia công, chế biến với chủ sở hữu cơ sở chế biến đáp ứng điều kiện chế biến cá Tra.

Chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và giải quyết trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; giải quyết việc chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về việc vẫn còn có quá nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra trong cùng một năm; tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp; báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 17-5-2017.

Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước rà soát để sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm toán; không để xảy ra sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán gây phiền hà, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý II-2017.

Kiểm tra thực trạng tem truy xuất nguồn gốc

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra thực trạng tem truy xuất nguồn gốc.

Trước đó, báo Tiền phong ngày 13-4-2017 phản ánh việc các hợp tác xã, đơn vị kinh doanh rau củ quả tại Thành phố Hồ Chí Minh nêu thực trạng tem truy xuất nguồn gốc là do các Hợp tác xã và siêu thị tự in ấn, dán nhãn, kiểm tra...; có nơi phải in nhiều loại tem theo yêu cầu của doanh nghiệp, siêu thị; dẫn đến người tiêu dùng lo lắng trước nhiều loại tem truy xuất nguồn gốc.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra vấn đề này, gửi báo cáo về Văn phòng Chính phủ trong tháng 5-2017 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.