Sáng 2-4, tại Hội nghị bàn về các giải pháp kiềm chế lạm phát, tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh với lãnh đạo 32 tỉnh thành phía Bắc một tinh thần nhất quán về chủ trương, thống nhất biện pháp hành động trong điều hành kinh tế - xã hội, tham mưu, đề xuất với Chính phủ những ý kiến thực tế, hiệu quả từ địa phương để thực hiện tốt nhóm 8 giải pháp đồng bộ, khắc phục những khó khăn của nền kinh tế hiện nay.
 
 

Tham dự Hội nghị còn có các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trương Vĩnh Trọng, Hoàng Trung Hải, lãnh đạo các Bộ, ngành Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội.

Địa phương sát cánh cùng Trung ương giải 7 bài toán lớn

Tại cuộc họp, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những báo cáo phản ánh toàn diện tình hình cũng như các dự báo và các giải pháp cụ thể điều hành kinh tế - xã hội. Qua đó, các thành viên Chính phủ một lần nữa khẳng định với các địa phương tinh thần chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của Trung ương đối với nền kinh tế, xác định mục tiêu bao trùm trong bài toán tăng trưởng, ổn định đời sống nhân dân, khắc phục và giảm thiểu những khó khăn khách quan và chủ quan trong tình thế hiện tại.

Điều hành cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ đối với các ý kiến đóng góp của các địa phương. Đó là cùng tập trung tìm đáp án giải 7 "bài toán" lớn: Thứ nhất, làm thế nào để ổn định sản xuất, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa? Hai, xác định các định hướng thúc đẩy sản xuất các mặt hàng có lợi thế xuất khẩu, giải quyết vấn đề nhập siêu? Ba, các giải pháp quản lý, thắt chặt chi tiêu ngân sách, tìm được các "điểm đến" hiệu quả cho những dự án đầu tư? Bốn, các chương trình tiết kiệm trong sản xuất và đời sống tiêu dùng? Năm, biện pháp kiểm soát giá cả, chống đầu cơ, buôn lậu? Sáu, triển khai hỗ trợ đời sống đối với nhân dân vùng thiên tai, dịch bệnh, khó khăn, duy trì các thành tựu xóa đói giảm nghèo? bảy, tạo sự đồng thuận cao nhất giữa Chính phủ - cộng đồng doanh nghiệp - người dân về những vấn đề quốc kế dân sinh.

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh có 5 yêu cầu đối với địa phương, đó là tổ chức triển khai việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả các ngành, các cấp và toàn dân; Rà soát lại các danh mục dự án đầu tư bằng vốn Nhà nước do địa phương quản lý theo hướng loại bỏ các dự án chưa đủ thủ tục và dự án kém hiệu quả, không có hiệu quả, giãn tiến độ các dự án chưa thật cần thiết để tập trung vốn cho các dự án hiệu quả sớm đi vào hoạt động; Tạo mọi điều kiện để khuyến khích phát triển sản xuất hàng xuất khẩu ở địa phương; Tăng cường công tác chỉ đạo bảo đảm nguồn cung cầu hàng hóa và tăng cường quản lý thị trường, giá cả; Nắm sát tình hình đời sống nhân dân, nhất là trong tình hình tác động của việc tăng giá vừa qua để thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đã ban hành.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy nội lực mỗi địa phương

Quán triệt tinh thần đó, đại biểu đến từ các địa phương đưa ra nhiều ý kiến rất thiết thực đối với sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây Nguyễn Xuân Cường nhất trí cao với 8 nhóm giải pháp lớn của Chính phủ nhằm ổn định các cán cân kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng GDP, đảm bảo an sinh xã hội. "Lãnh đạo Tỉnh Hà Tây nhận thức rằng, trong bối cảnh tình hình khó khăn chung hiện nay, mỗi địa phương bên cạnh việc đồng thuận, sát cánh cùng Trung ương cần cố gắng nêu cao tinh thần phát huy nội lực. Nhất là khi Chính phủ đã tạo nhiều điều kiện tự chủ, phân cấp mạnh trách nhiệm và quyền hạn cho các địa phương", ông Cườngcho biết.

Bà Lê Thị Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cho rằng, các giải pháp mà Chính phủ đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát sẽ phát huy hiệu quả nếu như mỗi địa phương đều triển khai quyết liệt và nghiêm túc trên địa bàn mình. Tuy nhiên, bà cũng đề nghị Chính phủ cần có sự chỉ đạo đồng bộ, xuyên suốt, tránh tình trạng có địa phương làm tốt, có địa phương làm chưa tốt thì khó có thể hoàn thành được mục tiêu. "Thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang thực hiện nhiều biện pháp giữ được giá gạch xây dựng gần như không tăng, nhưng việc kiềm chế giá này đang rất khó khăn vì chủ thầu xây dựng các địa phương bên cạnh đổ xô vào mua do giá bên ấy quá cao", bà Quang ví dụ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Trịnh Quang Sử bày tỏ sự nhất trí cao với 5 nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao cho các địa phương, đặc biệt là nhiệm vụ thắt chặt chi tiêu hành chính và kiểm soát đầu cơ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cũng thừa nhận, thời gian qua có tình trạng địa phương còn chưa quan tâm đúng mức, coi lạm phát là vấn đề vĩ mô thuộc trách nhiệm của Trung ương. Đây là quan điểm cần thay đổi, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn như hiện nay.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Phí Thái Bình cho rằng các giải pháp kiềm chế tăng giá sẽ khó đạt hiệu quả cao nếu không có chế tài mạnh, kiên quyết xử lý để làm gương những trường hợp vi phạm đạo đức kinh doanh, nhân cơ hội cả nước khó khăn để găm hàng trục lợi. Ông Bình cũng cho rằng, bài toán cắt giảm chi phí thường xuyên, thực hành tiết kiệm chống lãng phí mà Chính phủ nêu ra là hết sức đúng đắn. "Đặc biệt là những lãng phí tuy không thể tính toán nhưng rất lớn như vấn đề quy hoạch chậm làm mất nhiều cơ hội đầu tư, hay như dự án cầu Thanh Trì, đường Láng - Hòa Lạc mở rộng chậm trễ,...", ông Bình nhìn nhận.

Trong cuộc họp, nhiều đại biểu đã sôi nổi đề xuất với Chính phủ những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân như về thủ tục đấu thầu, chỉ định thầu dự án, tuyên truyền, định hướng tiêu dùng trong dân, công tác tuyên truyền, thông tin đại chúng về giá cả, thị trường,...