Sáng 2-3-2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW “về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”. Các đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Trong 5 năm qua, Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) “về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” đã được triển khai kịp thời, nghiêm túc và phong phú dưới nhiều hình thức; tinh thần chủ động và sự tăng cường phối hợp giữa công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện Chỉ thị 15 đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương về công tác lịch sử Đảng, tạo ra những chuyển biến tích cực và thực chất hơn trong công tác lịch sử Đảng.

Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW và phương hướng, nhiệm vụ từ năm 2008 đến năm 2012 đã nêu rõ: sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, đã có nhiều công trình Lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của các ban ngành được tổ chức nghiên cứu, biên soạn công phu được xuất bản: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập I, tập II, tập III; bộ Văn kiện Đảng toàn tập; trên 420 công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của các ban, ngành, cấp tỉnh, thành phố; gần 530 công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của các ban, ngành, quận huyện, thị xã và trên 1.500 cuốn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của các xã, phường, thị trấn... Các công trình được nghiên cứu, xuất bản đã góp phần quan trọng vào việc tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng trong cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đổi mới đất nước; tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh khối lượng các công trình nghiên cứu được biên soạn, xuất bản, nhiều hoạt động khoa học dưới các hình thức hội thảo, tọa đàm đã được các cơ quan chuyên môn ở Trung ương, địa phương, ban, ngành, phối hợp tổ chức. Thông qua những cuộc tọa đàm, hội thảo đó, nhiều sự kiện, nhân vật, vấn đề lịch sử được soi rọi bằng những luận cứ khoa học, những tư liệu mới, trên nền nhận thức mới.

Cùng với những kết quả nghiên cứu đạt được, tổ chức bộ máy và số lượng đội ngũ cán bộ lịch sử Đảng được củng cố, tăng cường; hàng ngàn lượt cán bộ làm công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giảng dạy Lịch sử Đảng được đào tạo, bồi dưỡng.

Mặc dù còn một số hạn chế khi thực hiện Chỉ thị như: một số cấp ủy chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng; phương pháp nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền và phương pháp tổ chức chỉ đạo thực hiện còn lúng túng, thiếu thường xuyên; chất lượng nghiên cứu còn chưa tương xứng với số lượng, một số công trình còn mang tính liệt kê các sự kiện, hoặc còn nhiều nội dung vấn đề, sự kiện, nhân vật, tổ chức,…được phản ánh chưa thống nhất, thiếu chính xác..., nhưng có thể khẳng định, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục về lịch sử Đảng ở các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung và địa phương đã có những chuyển biến tích cực cả về chiều rộng và chiều sâu.

Việc tổng kết thực hiện Chỉ thị 15 không chỉ khẳng định, tôn vinh vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay, mà còn đúc kết những bài học kinh nghiệm bổ ích từ tổng kết thực tiễn, góp phần làm sáng tỏ những cơ sở quan trọng cho quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối của Đảng trong thời gian tới.