TCCSĐT - Sáng 14-11-2016, tại Hà Nội, Học viện Ngân hàng phối hợp với Tạp chí Ngân hàng tổ chức Tọa đàm “Tổng Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Lê Viết Lượng với sự phát triển và sự nghiệp đào tạo của ngành ngân hàng” nhân kỷ niệm 65 năm ngành ngân hàng Việt Nam thành lập (1951 - 2016) và 55 năm thành lập Học viện Ngân hàng (1961 - 2016).

Các đồng chí: Đào Minh Tú, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; TS. Bùi Tín Nghị, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Ngân hàng; PGS, TS. Đào Minh Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Ngân hàng chủ trì Tọa đàm.

Tọa đàm là cơ hội để cho các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, những hoạt động và những cống hiến mà nguyên Tổng Giám đốc Lê Viết Lượng đã vun đắp cho ngành, từ đó, khơi dậy niềm tự hào, giáo dục tư tưởng, đạo đức cho các cán bộ, công chức, viên chức ngành trong thời kỳ mới.

Nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Viết Lượng (1900 - 1985) là một nhà cách mạng kiên cường, một chính khách lỗi lạc, một nhà lãnh đạo tài năng trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Ngay từ những thập niên đầu của thế kỷ XX, đồng chí Lê Viết Lượng - khi đó là một thầy giáo trẻ - với tinh thần yêu nước, đã tích cực tham gia hoạt động cách mạng, được cử giữ chức Bí thư Huyện ủy huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), rồi Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên.

Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Lê Viết Lượng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Nghệ An, đại biểu quốc hội khóa I, II. Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí làm Ủy viên, rồi Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến liên khu IV gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên.

Năm 1951, khi Ngân hàng Quốc gia được thành lập, đồng chí được cử làm Phó Tổng Giám đốc và đến năm 1952, đồng chí được đề bạt làm Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia thay đồng chí Nguyễn Lương Bằng và giữ cương vị này trong suốt 12 năm đến năm 1963.

Đối với ngành ngân hàng, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Lê Viết Lượng là người đã kiến tạo, tổ chức, và đặt nền móng vững chắc cho ngành ngân hàng từ những ngày đầu thành lập, là nền tảng cho sự phát triển của ngành ngân hàng hiện nay. Nhắc đến tầm nhìn chiến lược của nguyên Tổng Giám đốc Lê Viết Lượng phải kể đến chủ trương “Cải tiến công tác ngân hàng” thông qua việc tách tổ chức ngân hàng ở các tỉnh và thành phố lớn, hình thành “chi nhánh trung tâm” với nhiệm vụ quản lý, đề ra các chủ trương biện pháp và “chi nhánh nghiệp vụ” trực tiếp thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng với khách hàng, là tiền thân của mô hình ngân hàng hai cấp sau này. Bên cạnh đó, đồng chí đã hoạch định chương trình hành động ở tầm vĩ mô cho ngành ngân hàng trước hết phải chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ ngân hàng các cấp, coi đây là yếu tố hàng đầu để vận hành có hiệu quả hệ thống bộ máy ngân hàng đang còn rất mới mẻ thời đó. Nhờ đó, các cơ sở đào tạo, các khóa đào tạo cán bộ cho ngành ngân hàng, trong đó có Trường Cao cấp nghiệp vụ ngân hàng, nay là Học viện Ngân hàng, được thành lập và triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước. Nhiều lứa cán bộ ngành ngân hàng đã được đào tạo, phát triển về phẩm chất chuyên môn lẫn đạo đức, đóp góp vào công cuộc phát triển của ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Đối với ngành báo chí, chỉ một năm sau ngày thành lập ngành ngân hàng, đồng chí Lê Viết Lượng đã chỉ đạo thành lập tờ báo chuyên ngành Tập san Ngân hàng, nay là Tạp chí Ngân hàng...

Tại Tọa đàm, các đại biểu đều khẳng định công lao và những đóng góp quý báu của nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Lê Viết Lượng với sự phát triển và sự nghiệp đào tạo của ngành ngân hàng. Đồng thời, các đại biểu cũng có những ý kiến đóng góp, đề xuất để các thế hệ đi sau hiểu, nỗ lực cố gắng và có những việc làm tri ân công lao của đồng chí Lê Viết Lượng với sự nghiệp phát triển của ngành ngân hàng./.