Nước Mỹ trước “giờ G”

Phương Trà (tổng hợp)
23:45, ngày 07-11-2016

TCCSĐT - Nước Mỹ đang đứng trước một thời khắc quan trọng, hứa hẹn mở ra một chương mới. Sau ngày bầu cử 08-11 (theo giờ Mỹ, tức 09-11 theo giờ Việt Nam), “xứ cờ hoa” sẽ có một vị tổng thống mới - chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng.

 
 Bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Ảnh: worldeventsinfo.com

Nhìn lại di sản của Tổng thống Barack Obama

Cách đây 8 năm, nước Mỹ đã chào đón vị tổng thống da màu đầu tiên Barack Obama với khẩu hiệu “Change, Yes We Can” (Thay đổi. Vâng, chúng ta có thể). Và hai nhiệm kỳ vừa qua của ông đã thực sự tạo ra nhiều thay đổi trong đời sống chính trị của nước Mỹ, cả trong đối nội cũng như đối ngoại. Đây là những di sản, đồng thời là những thách thức mà vị tổng thống thứ 45 của “xứ cờ hoa” để lại cho người kế nhiệm - dù người đó là bà Hillary Clinton hay tỷ phú Donald Trump.

Một thế giới nhiều biến động với hai cuộc chiến dang dở tại Afghanistan và Iraq, một Iran đầy thách thức, quan hệ không “xuôi chèo mát mái” với Trung Quốc và Nga, một nền kinh tế Mỹ bị chao đảo do khủng hoảng tài chính với tỷ lệ thất nghiệp lên tới hơn 10% và nợ công hàng nghìn tỷ USD,.. chỉ là một phần những khó khăn khi ông B. Obama phải đối mặt khi bước chân vào Nhà Trắng năm 2008. Hơn thế nữa là hình ảnh một nước Mỹ siêu cường bị mai một trong con mắt cộng đồng thế giới, một nước Mỹ đang vật lộn với những khó khăn của chính mình. Đó là những căn cứ để đánh giá về những gì mà chính quyền của Tổng thống B. Obama đã làm được và chưa được trong hai nhiệm kỳ vừa qua.

Trên lĩnh vực đối nội, Tổng thống B. Obama đã tập trung vực dậy nền kinh tế phát triển bền vững hơn. Mỹ hiện là nước có nền kinh tế phục hồi tích cực nhất trong nhóm các nước phát triển với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong vòng 5 năm qua ổn định ở mức trung bình 2%/năm, tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 5%, tiêu dùng và thị trường bất động sản bắt đầu phục hồi, thâm hụt ngân sách liên bang được cải thiện. Mỹ vẫn là đầu tàu trong các ngành mũi nhọn như công nghệ cao về thông tin, y dược, giải trí, dầu khí, tài chính, vũ khí, khoa học vũ trụ và công nghiệp năng lượng sạch.

Kết quả trên bắt nguồn từ những chính sách bảo đảm lợi ích cho đa số tầng lớp trung lưu và dưới trung lưu của chính quyền Obama. Nổi bật nhất trong những cải tổ sâu rộng là Luật Chăm sóc sức khỏe (Obamacare), được coi là cuộc cải cách lớn nhất trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ kể từ năm 1965, đem lại cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân thuộc tầng lớp thu nhập thấp trong xã hội. Tổng thống B. Obama cũng ban hành một số sắc lệnh, biện pháp quản lý hành chính để thúc đẩy cơ hội có việc làm cho tầng lớp trung lưu, bảo đảm các chương trình phúc lợi về giáo dục, giảm đói nghèo, bảo vệ quyền lợi cho người đồng giới, thúc đẩy việc kiểm soát sở hữu súng đạn, hạn chế tình trạng phân biệt đối xử với người da màu trong xã hội, trì hoãn việc trục xuất người nhập cư có công việc và cuộc sống ổn định nhưng chưa có giấy tờ hợp lệ,… Trong hai nhiệm kỳ, Tổng thống B. Obama đã hoàn thành cam kết với các cử tri khi chính thức khép lại hai cuộc chiến “hao người tốn của” tại Iraq và Afghanistan, rút gần như toàn bộ binh sĩ Mỹ về nước.

Trên phương diện đối ngoại, Tổng thống B. Obama đã theo đuổi khá thành công chính sách đối ngoại linh hoạt, mềm dẻo dựa trên nền tảng là “quyền lực mềm”, chú trọng hơn giải pháp đa phương để tiếp tục duy trì vị thế siêu cường của Mỹ. Điều này thể hiện qua việc hàn gắn quan hệ với Cuba sau hơn 50 năm đối đầu. Ông trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm đảo quốc này kể từ chuyến công du của Tổng thống Calvin Coolidge vào năm 1928. Cũng lần đầu tiên trong vòng 25 năm qua, chính quyền Washington đã bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết lên án lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Không thể bỏ một thành tích đối ngoại khác là thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa các cường quốc thế giới và Iran, mà trong đó Washington góp phần không nhỏ. Thỏa thuận này được coi là chiến thắng lớn về chính sách đối với cả Tổng thống Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani sau nhiều thập niên đối đầu, tạo môi trường tiếp xúc thuận lợi cho giới chức và doanh nghiệp hai nước.

Cũng dưới thời chính quyền Obama, chính sách “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương” được thúc đẩy mạnh mẽ với trọng tâm là củng cố các mối quan hệ với các đồng minh truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản và cả những “người chơi mới” đang nổi lên đầy ấn tượng tại Đông Nam Á nhằm mở rộng ảnh hưởng trong khu vực đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề quốc tế. Trong chính sách tái cân bằng này, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Mỹ với 11 quốc gia Thái Bình Dương là một điểm nhấn quan trọng, được Washington kỳ vọng không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế to lớn mà còn thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á, thể hiện sức mạnh của Mỹ trong thế kỷ mới.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều mà Tổng thống B. Obama chưa làm được trong 8 năm cầm quyền. Sự mâu thuẫn mang tính “thâm căn cố đế” giữa hai chính đảng Dân chủ và Cộng hòa vốn thống trị nền chính trị Mỹ đã cản trở nhiều chương trình nghị sự. Việc phe Cộng hòa giành quyền kiểm soát hai viện Quốc hội ảnh hưởng không nhỏ tới các quyết định chính sách quan trọng của chính quyền Dân chủ do mục tiêu và đối tượng bảo vệ lợi ích của hai bên khác nhau. Trong khi chính quyền của Tổng thống B. Obama ưu tiên các chính sách có lợi cho tầng lớp trung lưu và người nghèo, thì Cộng hòa thiên về bảo vệ các tập đoàn và giới tài phiệt Mỹ. Kết quả của tình trạng đối đầu này là nhiều dự luật bị ách tắc tại Quốc hội, được thông qua với tỷ lệ sát sao hoặc thậm chí buộc ông B. Obama phải dùng tới quyền phủ quyết của tổng thống. Chính sách kiểm soát súng đạn hay các dự thảo ngân sách bị trì hoãn dẫn tới tình trạng chính phủ tạm ngừng một phần hoạt động không dưới một lần trong hai nhiệm kỳ vừa qua của Tổng thống B. Obama là một ví dụ điển hình. Trong khi đó, tình trạng phân biệt sắc tộc có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây bức xúc trong dư luận, nhất là cộng đồng da màu và thiểu số. Mâu thuẫn giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cũng tác động trực tiếp đến việc triển khai một chính sách hiệu quả nhằm ngăn chặn Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq. Trong Thông điệp lên bang cuối cùng vào tháng 01-2016, Tổng thống B. Obama đã phải thừa nhận rằng, sau 8 năm kể từ khi lên cầm quyền với nhiều hứa hẹn về sự thay đổi, ông vẫn không thể thúc đẩy được sự hợp tác giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Trong khi đó, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu vẫn chưa mang lại hiệu quả, Trung Đông vẫn là điểm “nóng” với cuộc khủng hoảng Syria kéo dài hơn 5 năm qua chưa tìm được lối thoát, tình hình Yemen và tiến trình hòa bình Israel - Palestine vẫn dậm chân tại chỗ,…; Triều Tiên tiếp tục thách thức phương Tây bằng các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân; quan hệ giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc có chiều hướng ngày càng xấu đi do những cạnh tranh ảnh hưởng, lợi ích tại các khu vực chiến lược; chính sách “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương vẫn chưa mang lại kết quả rõ rệt khi Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động quyết đoán ở Biển Đông, quan hệ giữa Mỹ với đồng minh lâu năm Philippines có dấu hiệu rạn nứt sau khi Tổng thống R. Duterte lên nắm quyền và số phận TPP vốn được kỳ vọng vẫn chưa rõ ràng,…

Có thể nói rằng, Tổng thống Obama đã để lại những dấu ấn khá đậm nét sau 8 năm trên cương vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, đặc biệt là những thành tựu đối ngoại trong những năm cuối của nhiệm kỳ hai. Tuy nhiên, thế giới luôn biến động và nước Mỹ đang đứng trước những thách thức mới. Còn nhiều điều Tổng thống B. Obama chưa làm được và đó sẽ là những thử thách khốc liệt đối với người kế nhiệm ông với tư cách chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng.

Vận động đến giờ chót

Nước Mỹ sẽ chào đón hoặc một nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử - ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton - hoặc ông chủ Nhà Trắng đầu tiên xuất thân từ giới doanh nhân- tỷ phú Donald Trump của đảng Cộng hòa.

Có thể nói, hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump - được đánh giá là hai mảng màu đối lập về những quan điểm và chính sách đối nội, đối ngoại - đã trải qua cuộc đua “song mã” được đánh giá là kịch tính nhất trong lịch sử nền chính trị Mỹ với nhiều vụ bê bối cá nhân. Càng gần đến ngày bầu cử, thế trận càng trở nên gay cấn với khoảng cách về tỷ lệ ủng hộ dành cho hai ứng cử viên ngày càng được thu hẹp. Điều đó cho thấy, không có ứng cử viên nào tỏ rõ ưu thế vượt trội.

Là một chính trị gia truyền thống, trong suốt quá trình tranh cử, bà Hillary Clinton thể hiện khá nhất quán chủ trương tiếp tục theo đuổi các chương trình nghị sự “nóng” của chính quyền Tổng thống B. Obama, như tăng cường kiểm soát súng đạn, mở rộng chương trình chăm sóc y tế toàn dân (Obamacare), bảo vệ cộng đồng người Hồi giáo nhập cư thông qua kêu gọi một cuộc “đại tu” toàn diện luật nhập cư, trong đó có lộ trình cấp quyền công dân cho những người đang ở Mỹ bất hợp pháp, đồng thời ủng hộ việc không trục xuất hàng triệu người nhập cư trái phép,….

Trên lĩnh vực đối ngoại, là một nhà ngoại giao kỳ cựu, bà Hillary Clinton chủ trương tăng cường quan hệ với các nước đồng minh lâu đời và xây dựng những mối quan hệ mới. Theo bà, việc mở rộng và làm sâu sắc các cam kết quốc tế là cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích lâu dài cũng như nâng cao vị thế của Mỹ trên trường quốc tế. Giới phân tích tại Mỹ đánh giá rằng, trong chính sách đối ngoại, những chủ trương của bà Hillary Clinton thể hiện sự khôn ngoan và mạnh mẽ hơn chính sách của tổng thống đương nhiệm B. Obama trong việc giải quyết các thách thức an ninh và giúp Mỹ bảo đảm có kết thúc tốt hơn trong chuỗi các xung đột toàn cầu.

Trong khi đó, ở bên kia chiến tuyến, tỷ phú D. Trump với những tuyên bố gây “sốc” khi khẳng định các biện pháp, như tăng thuế đánh vào tầng lớp người giàu để bảo đảm an sinh xã hội, đầu tư cho giáo dục, y tế vì các lợi ích lâu dài …. là những giải pháp không thỏa đáng, thay vào đó, ông yêu cầu các nước đồng minh phải trả tiền để Mỹ bảo đảm an ninh.

Trong vấn đề di cư, ông D. Trump vẫn bảo lưu quan điểm hồi hương người di cư bất hợp pháp, xây dựng tường rào an ninh dọc biên giới với Mexico… Là một tỷ phú, ông khẳng định ưu tiên hàng đầu là phát triển kinh tế, đưa nước Mỹ hùng mạnh trở lại với các chính sách như bảo hộ thương mại, phản đối thương mại tự do cùng các hiệp định thương mại hiện có (tuyên bố sẽ đàm phán lại các điều khoản của Hiệp định Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), xóa bỏ 70% quy định liên bang, cắt giảm thuế doanh nghiệp xuống còn 15%,…

Chính sự khác biệt giữa hai ứng cử viên khiến chiến dịch tranh cử năm nay diễn ra gay cấn và khó dự đoán. Dù bị tác động ít nhiều bởi việc trước cuộc bầu cử vài ngày, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) tiến hành điều tra lại vụ bê bối sử dụng hòm thư điện tử cá nhân trong thời gian giữ cương vị Ngoại trưởng, bà Hillary Clinton vẫn đang dẫn trước tỷ phú Trump với khoảng cách từ 1% - 5% số phiếu ủng hộ. Kết quả thăm dò chung của NBC News/The Wall Street Journal ngày 06-11 cho thấy bà Hillary Clinton đang nhận được 44% số phiếu ủng hộ, so với tỷ lệ 40% của ông D. Trump. Theo kết quả thăm dò của Politico/Morning Consul cùng ngày, bà Hillary Clinton dẫn trước ông D. Trump 3% số phiếu của cử tri toàn quốc (tỷ lệ 45% - 42%). Theo phân tích của trang mạng fivethirtyeight.com, ứng cử viên Clinton đang có trong tay ít nhất 252 phiếu đại cử tri từ các bang có truyền thống bỏ phiếu cho đảng Con lừa (biệt danh của đảng Dân chủ) và chỉ cần giành thêm tối thiểu 18 phiếu đại cử tri nữa là bà có đủ 270/538 phiếu đại cử tri để giành chiến thắng. Trong khi đó, ứng cử viên Trump mới chỉ thu được có 163 phiếu đại cử tri từ các bang vốn ủng hộ đảng Con voi (biệt danh của đảng Cộng hòa).

Mặc dù ngày 08-11 bầu cử chính thức mới diễn ra, song tính tới hết ngày 06-11, đã có hơn 35 triệu cử tri Mỹ tham gia các cuộc bỏ phiếu sớm. Kết quả các cuộc thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu cho thấy tỷ lệ cử tri đi bầu năm nay cao hơn các cuộc bầu cử năm 2008 và năm 2012. Việc gần 30% số cử tri Mỹ đã bỏ phiếu được coi là một lợi thế dành cho bà Hillary Clinton vì bầu cử sớm diễn ra vào thời điểm trước khi FBI tuyên bố mở lại vụ điều tra và tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ còn rất cao. Giới phân tích nhận định với tương quan lực lượng hiện nay, mọi chú ý sẽ đổ dồn vào hoạt động bầu cử tại các bang còn dao động như Florida, Maine, Nebraska, New Hampshire, North Carolina, Ohio, Utah… với tổng cộng 94 phiếu đại cử tri.

Trước khi bước vào “trận đánh lớn”, ứng cử viên đảng Cộng hòa đối mặt với nhiều áp lực hơn. Nhiệm vụ của tỷ phú D. Trump là vừa phải giữ bằng được chiến thắng tại các bang ủng hộ truyền thống, vừa phải đánh bại bà Hillary Clinton tại các bang “chiến địa” có số phiếu đại cử tri cao như Florida (29 phiếu), Pennsylvania (20 phiếu) và Ohio (18 phiếu). Chỉ cần “sẩy chân” tại 1 trong số 3 “tử địa” này, cánh cửa bước vào Nhà Trắng có thể khép lại đối với ông.

Cũng chính vì tầm quan trọng của các bang “chiến địa”, cả hai ứng cử viên đều nỗ lực tiến hành vận động tới tận những phút cuối cùng tại Pennsylvania và Florida với hy vọng thuyết phục các cử tri còn do dự. Với những ưu thế hiện nay, bà Hillary Clinton tràn đầy hy vọng trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, dù với chiến thắng sít sao. Tuy nhiên, ông D. Trump đang cũng chứng minh với cử tri Mỹ rằng không phải ngẫu nhiên ông lại đánh bại hàng loạt chính khách tên tuổi của đảng Cộng hòa và vượt qua mọi trở ngại để có thể cùng bà Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Cử tri - những nhân tố quan trọng

Theo Đài TNHK, những số liệu bầu cử mới công bố cho thấy, 33 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu bầu chọn tổng thống kế tiếp, và con số này giúp những nhà phân tích dự đoán được ứng cử viên nào có thể đang có lợi thế trong cuộc đua ngày càng sít sao. Con số này có nghĩa là khoảng 1/4 tổng số phiếu bầu đã được cử tri đi bỏ, ngay cả khi hai ứng cử viên và những người ủng hộ có tiếng của họ tỏa ra khắp nước để tranh thủ vận động trong những giờ phút cuối cùng.

Những nhà phân tích chính trị nhận định rằng, sự gia tăng số cử tri đi bỏ phiếu sớm ở các bang Colorado, Nevada và Virginia có lợi cho ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. Tại những nơi này, đảng Dân chủ có nhiều nhân viên vận động tranh cử trên thực địa hơn để thúc giục cử tri tiềm năng đi tới phòng phiếu. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy bà Hillay Clinton gặp trở ngại ở những nơi khác thuộc vùng trung tâm của Mỹ, bao gồm bang Ohio, nơi mà số người đi bỏ phiếu sớm ít hơn so với cuộc bầu cử tổng thống 4 năm trước. Mỗi bang trong số 50 bang của Mỹ đặt ra quy định của riêng mình cho việc bỏ phiếu sớm và khi nào thì có thể bắt đầu bỏ phiếu sớm.

Trước đó, số lượng các cử tri da màu và nói tiếng Tây Ban Nha đi bỏ phiếu đã ngày càng tăng cao, đặt ra thách thức đối với tham vọng giành chiến thắng của ứng cử viên đảng Cộng hòa D. Trump.

Trong ngày 06-11 - ngày cuối cùng của cuộc bỏ phiếu sớm trước khi diễn ra cuộc bầu cử, hàng trăm cử tri đã tham dự các sự kiện mang tên “Souls to the Polls” nhằm mục đích kêu gọi những người đi lễ nhà thờ đi bỏ phiếu tại bang Florida - bang “trung dung” được coi là mang tính quyết định đối với kết quả cuộc bầu cử. Cũng tại bang miền Đông Nam nước Mỹ này, cộng đồng người dân nói tiếng Tây Ban Nha đã hình thành một khối cử tri quyền lực và hầu hết đang nghiêng về ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, đặc biệt sau khi ông D. Trump có những phát ngôn “động chạm” đến người nhập cư. Giới quan sát nhận định việc ngày càng nhiều cử tri nói tiếng Tây Ban Nha và da màu trên khắp cả nước, đặc biệt tại bang “chiến địa” Florida, đi bầu có thể phủ bóng đen lên hy vọng đắc cử của ứng cử viên Trump. Bang Florida được xem là bang buộc phải thắng của “ông trùm” bất động sản nếu muốn bước chân vào Nhà Trắng.

Theo GS. Daniel Smith đến từ Đại học Florida, chỉ tính riêng ngày 05-11, đã có 565.000 cử tri nói tiếng Tây Ban Nha đi bỏ phiếu trực tiếp tại bang Florida, tăng 100% so với thời điểm kết thúc cuộc bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử năm 2012. Trong một dấu hiệu khác cho thấy sự nhiệt tình của cử tri, trong số 911.000 cử tri nói tiếng Tây ban Nha đã đi bỏ phiếu sớm trong năm nay - dù trực tiếp hay qua gửi thư - có 36% đã không đi bỏ phiếu trong kỳ bầu cử trước đó. Trong khi đó, thống kê của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy tính trên cả nước, khoảng 12% cử tri đến từ cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha, tương đương 27,3 triệu người.

Nước Mỹ đang bước vào giờ G và có lẽ kết quả cuộc bâu cử tổng thống Mỹ lần này không chỉ thu hút sự mong đợi của người dân nước Mỹ mà còn là sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh ngày càng gia tăng sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cường quốc và giữa các khu vực./.