Tối 15-10 (theo giờ địa phương), tại bang Goa của Ấn Độ, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đã bắt đầu bằng bữa tiệc xã giao với sự tham gia của lãnh đạo 5 quốc gia thành viên là Tổng thống Brazil Michel Temer, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma.


Với vai trò Chủ tịch BRICS trong năm nay, Ấn Độ đã đề ra chủ đề “Xây dựng các giải pháp phản ứng nhanh, nhiều thành phần tham gia và mang tính tập thể.”

Theo dự kiến trong hai ngày hội nghị, các nhà lãnh đạo BRICS sẽ thảo luận về những triển vọng và thách thức đối với tăng trưởng toàn cầu, vai trò của BRICS trong việc dẫn dắt sự tăng trưởng toàn cầu, hợp tác trong BRICS, cũng như các vấn đề toàn cầu và khu vực khác.

Hội nghị lần này của BRICS diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong đó có BRICS, tăng trưởng yếu, do vậy đẩy mạnh hợp tác kinh tế nội khối là nội dung quan trọng hàng đầu mà các nhà lãnh đạo 5 nền kinh tế mới nổi này sẽ thảo luận.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo BRICS cũng trao đổi ý kiến về các vấn đề "nóng" trên toàn cầu, trong đó có cuộc khủng hoảng tại Syria, vấn đề chống khủng bố...

Đây cũng là dịp để lãnh đạo các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi nêu ra những quan điểm riêng cũng như đề xuất các giải pháp cho nhiều vấn đề mà thế giới và khối này đang đối mặt.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay có ý nghĩa quan trọng khi đánh dấu mốc tròn 15 năm ra đời và phát triển.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), BRICS hiện chiếm 15% sản lượng kinh tế toàn cầu, tương đương 16.600 tỷ USD.

Tổng dự trữ ngoại tệ của các nước BRICS lên tới 4.400 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 3/4.

Cũng theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của năm nước thành viên BRICS đã tăng từ 3.200 tỷ USD năm 2012, lên 3.470 tỷ USD năm 2014.

Trong khi đó, thương mại nội khối của BRICS tăng từ 281,4 tỷ USD năm 2012 lên 297 tỷ USD năm 2014.

Nhóm BRICS đã trở thành đầu tàu, đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế thế giới sau khủng hoảng tài chính.

Từ khi ra đời tới nay, BRICS luôn giữ một vai trò quan trọng trong việc vượt qua những thách thức toàn cầu cấp bách nhất.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, khối đang phải trải qua một thời kỳ khó khăn.

Do giá dầu mỏ trên thế giới giảm mạnh, kinh tế của Brazil và Nga đang gặp nhiều khó khăn, trong khi đó sản xuất công nghiệp của Trung Quốc cũng giảm sút mạnh, ngoài ra BRICS cũng đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản đối với tăng trưởng và phát triển, trong đó có cả các mối đe dọa về y tế hay còn thiếu thế mạnh về giáo dục đào tạo, khoảng cách thu nhập lớn, tài chính thiếu minh bạch và cơ sở hạ tầng không đồng đều./.