Gắn kết văn hóa với du lịch và thể thao

NĐ tổng hợp
16:28, ngày 25-09-2016
TCCSĐT - Hội nghị quốc tế về Du lịch và Thể thao, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới tại Hà Nội, công nhận “Mộc bản Trường học Phúc Giang” là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới ở Hà Tĩnh hay Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông ở Hà Giang là các hoạt động gắn kết văn hóa với du lịch và thể thao để phát triển.

Hội nghị quốc tế về Du lịch và Thể thao

Ngày 24-9, Hội nghị quốc tế về Du lịch và Thể thao do Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức đã diễn ra tại thành phố Đà Nẵng. Đây là sự kiện quan trọng trong Chương trình hoạt động năm 2016 của Tổ chức Du lịch Thế giới do Việt Nam đăng cai tổ chức nhân dịp Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á lần thứ 5. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có ông Taleb Rifai, Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới; lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; trên 200 đại biểu là lãnh đạo cơ quan du lịch quốc gia, quan chức thể thao các nước, các hiệp hội du lịch và thể thao, doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không, cơ sở đào tạo, các nhà đầu tư trong và ngoài khu vực, các diễn giả từ Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaisia và Việt Nam.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng sự gắn kết giữa thể thao và du lịch chính là một sự gắn kết của hai lĩnh vực khoa học; thông qua sự gắn kết giữa thể thao và du lịch sẽ tạo điều kiện để vượt qua chính mình cùng nhau phát triển, cùng nhau chinh phục những đỉnh cao mới và góp phần cho cuộc sống nhiều ý nghĩa hơn. Với việc Việt Nam xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, Phó Thủ tướng tin tưởng và kỳ vọng Hội nghị lần này với sự có mặt của nhiều người tâm huyết, nhiều kinh nghiệm trên lĩnh vực du lịch và thể thao sẽ giúp thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng có thêm nguồn lực mới để phát triển mạnh mẽ hơn. Du lịch và thể thao khi gắn liền nhau sẽ tạo nên sự giao lưu tuyệt vời giữa con người với con người, giữa các dân tộc với nhau và không những chỉ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các dân tộc đến với nhau nhanh hơn mà còn góp phần quan trọng để thế giới chúng ta luôn luôn hòa bình, thịnh vượng.

Cũng tại phiên khai mạc, ông Taleb Rifai, Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới đã đánh giá cao những kết quả Việt Nam đạt được trên nhiều lĩnh vực trong thời gian qua, đặc biệt trên lĩnh vực du lịch và thể thao. Việt Nam đã thành công trong du lịch và là quốc gia mới nổi lên và phát triển mạnh trong khu vực. Đà Nẵng đang là điểm đến tuyệt vời của Việt Nam, thế giới và khu vực... Ông nhấn mạnh loại hình du lịch thể thao đang mang lại những cơ hội to lớn; thể thao và du lịch là sự kết hợp giữa văn hóa dân tộc, qua đó góp phần nâng tầm sức mạnh của mỗi quốc gia và sự kết hợp này sẽ đem lại một kết quả cao nhất. Để sự kết hợp này ngày một đạt hiệu qủa cao hơn nữa cần phải đảm bảo và bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư, phải bảo tồn di sản thiên nhiên, văn hóa và phải có sự tham gia của cư dân địa phương và tất cả sẽ tạo dựng một ấn tượng, một sự phát triển bền vững khi gắn liên du lịch và thể thao.

Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận 3 nội dung lớn là xu hướng phát triển của du lịch gắn với các hoạt động thể thao, mối quan hệ tương hỗ giữa du lịch và thể thao cũng như đóng góp của du lịch và thể thao cho sự phát triển bền vững. Quan điểm, cách tiếp cận và kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch thể thao. Quảng bá sản phẩm du lịch thể thao thời gian qua bao gồm sản phẩm du lịch golf, du lịch mạo hiểm, leo núi, du lịch biển...kinh nghiệm từ Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam...

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, vai trò, vị trí và mối quan hệ tương hỗ giữa lĩnh vực du lịch và thể thao có ý nghĩa quan trọng, thiết thực đối với nhiều quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Du lịch, ngành kinh tế đã và đang không ngừng lớn mạnh, trở thành lĩnh vực dẫn đầu thế giới với dấu mốc tăng trưởng liên tục 6 năm trong đó 4 năm liền đạt hơn 1 tỷ lượt khách đi du lịch quốc tế và con số này không ngừng tăng lên; đóng góp khoảng 10% vào GDP thế giới, 6% tổng xuất khẩu toàn cầu. Nếu du lịch là ngành công nghiệp không khói dẫn đầu thì thể thao lại được nhìn nhận là ngành giải trí số 1 thế giới. Ngành công nghiệp thể thao toàn cầu đang có sự phát triển nhanh hơn so với các ngành khác.

Hội nghị kết thúc vào chiều cùng ngày và thông qua Tuyên bố Đà Nẵng về Du lịch và Thể thao vì sự phát triển bền vững, là một văn kiện chính thức của Tổ chức Du lịch Thế giới hướng tới thu hút sự quan tâm của các chính phủ, các điểm đến và cộng đồng doanh nghiệp trong việc tạo chính sách, thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển du lịch và thể thao vì lợi ích của người dân, cộng đồng và sự phát triển bền vững.

Hà Nội bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới

Với 5 di sản thế giới, trong đó 3 di sản riêng (Hoàng thành Thăng Long, hội Gióng, 82 bia đá tiến sĩ thời Lê - Mạc), 1 di sản đa quốc gia (kéo co) và 1 di sản liên địa phương (ca trù), Hà Nội được coi là một trong những địa phương quản lý di sản thế giới nhiều nhất cả nước. Đi cùng với niềm tự hào, trách nhiệm đặt ra đối với Hà Nội cũng rất lớn. Những năm qua, Hà Nội đã làm “tròn vai” trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản thế giới nhưng khó khăn còn lại cũng không ít.

Bắt đầu từ năm 2009, nghệ thuật ca trù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Hà Nội cùng với 14 tỉnh, thành phố khác là những địa phương đang nắm giữ di sản này, nhưng thực tế Hà Nội vẫn được coi là nơi ca trù phát triển mạnh mẽ nhất. Với vị thế đó, thành phố đã thực hiện nhiều chương trình hành động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị ca trù như: Tổ chức liên hoan ca trù, xuất bản sách nghiên cứu về ca trù, kiểm kê di sản văn hóa hát ca trù tại một số huyện, hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị cho hoạt động của các câu lạc bộ ca trù, dựng lại một số bài hát cổ bị mai một…

Năm 2010, một loạt di sản của Hà Nội được UNESCO công nhận di sản thế giới như: 82 bia đá tiến sĩ thời Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc Sơn. Năm 2015, nghi lễ và trò chơi kéo co của Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong đó, trò diễn kéo co ngồi hội đền Trấn Vũ (quận Long Biên) và kéo mỏ hội đền Vua Bà (huyện Sóc Sơn) của Hà Nội được lựa chọn trong hồ sơ trình UNESCO công nhận. Trước những vinh dự đó, Hà Nội luôn dành sự quan tâm trong công tác bảo tồn, phát huy những di sản được UNESCO công nhận, vừa để các di sản “sống” lâu bền, vừa để lan tỏa các giá trị quý.

Ông Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, để bảo vệ hệ thống 82 bia đá tiến sĩ, trung tâm đã tạo hàng rào mềm ngăn không cho khách xoa đầu rùa và bia đá, hoàn thành tu bổ nhà che bia, hiện đang hệ thống hóa tư liệu về các bài văn bia, sắp tới sẽ làm sạch bụi, nấm mốc trên các bia đá… Hàng năm, lượng khách đến tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám rất lớn, khoảng 1,5 triệu lượt người và đều quan tâm tìm hiểu hệ thống bia đá tiến sĩ.

Đánh giá về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản được UNESCO công nhận tại Hà Nội, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc các cam kết của Chính phủ Việt Nam về bảo vệ các di sản được UNESCO công nhận. Dù di sản đó nằm trên địa bàn Hà Nội hay di sản liên địa phương, di sản đa quốc gia thì Hà Nội vẫn bảo tồn và phát huy giá trị theo tinh thần trách nhiệm cao.

Tuy nhiên, dù các cơ quan quản lý đã có những cố gắng trong công tác bảo tồn song việc phát huy giá trị các di sản cũng còn không ít khó khăn. Ngoài nguồn kinh phí hạn chế thì phương pháp phát huy giá trị di sản cũng đang cần sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan.

Hà Tĩnh: Đón Bằng công nhận “Mộc bản Trường học Phúc Giang” là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới

Sáng 25-9, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Lễ đón Bằng công nhận “Mộc bản Trường học Phúc Giang” là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới, Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO. Đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, Tổ chức UNESCO tại Việt Nam, nhân dân xã Trường Lộc, dòng họ Nguyễn Huy đã tham dự.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Suzan Vize, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam bày tỏ ngưỡng mộ đối với những sáng tạo được lưu giữ trên Mộc bản Trường học Phúc Giang và khẳng định sự độc đáo của di sản thuộc sở hữu của một dòng họ duy nhất ở Việt Nam còn được lưu giữ đến ngày nay.

Đại sứ Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO tại Việt Nam cho rằng, việc ghi danh “Mộc bản Trường học Phúc Giang” đã khẳng định thêm truyền thống hiếu học của con người Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung. Đại sứ cũng đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Hà Tĩnh, các ban, ngành liên quan và dòng họ Nguyễn Huy trong việc bảo tồn và lập hồ sơ di sản. Tỉnh Hà Tĩnh cần chú trọng hơn nữa việc bảo tồn và quảng bá Mộc bản tại Việt Nam, khu vực và trên thế giới. Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO tại Việt Nam cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân hiện đang giữ các di sản phối hợp với UNESCO để được bảo tồn và vinh danh.

Tại buổi lễ, thay mặt Tổ chức UNESCO, Bà Suzan Vize, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam và Đại sứ Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO tại Việt Nam đã trao Bằng công nhận “Mộc bản Trường học Phúc Giang” là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới, Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh và dòng họ Nguyễn Huy.

Ngay sau buổi lễ, dòng họ Nguyễn Huy và xã Trường Lộc đã long trọng tổ chức Lễ rước Bằng công nhận về tại dòng họ Nguyễn Huy.

Mộc bản Trường học Phúc Giang có hơn 2.000 bản gỗ thị được khắc chữ Hán và Nôm ngược để in sách phục vụ việc giáo dục, khoa cử, chọn nhân tài cho quốc gia cuối thời Hậu Lê do dòng họ Nguyễn Huy (Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh) chế tác và gìn giữ. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, hiện nay toàn bộ mộc bản chỉ còn 394 bộ được lưu giữ và bảo quản tại Nhà thờ Nguyễn Huy Tự (xã Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh). Toàn bộ mộc bản được 5 danh nhân văn hóa dòng họ Nguyễn Huy biên soạn gồm Nguyễn Huy Tửu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh và Nguyễn Huy Tự. Hầu hết những người này đều tham gia giảng dạy tại Quốc Tử Giám.

Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO, cùng với “Thơ văn, kiến trúc Cung đình Huế”, “Mộc bản Trường học Phúc Giang” được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông - Điểm nhấn du lịch Hà Giang

Nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông và tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, UBND tỉnh Hà Giang vừa phê duyệt Đề án “Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông” tại thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc. Đề án được người dân và chính quyền địa phương đón nhận với nhiều kỳ vọng.

Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông được quy hoạch tại khu đất rộng 4,6 ha dưới chân đèo Mã Pì Lèng, thuộc tuyến đường cửa ngõ kết nối Đồng Văn và Mèo Vạc. Làng này sẽ được tổ chức hoạt động theo mô hình hợp tác xã dịch vụ du lịch cộng đồng với sự tham gia của 30 hộ dân, được tuyển chọn từ những hộ gia đình người Mông có nhu cầu tham gia và đủ điều kiện tại địa bàn hai xã Pả Vi, Giàng Chu Phìn và thị trấn Mèo Vạc.

Ở tuổi 63, nhưng nghệ nhân Ly Mí Ná tại thôn Pả Vi Hạ rất muốn tham gia làng văn hóa. Khi lần đầu tiên nhìn thấy phối cảnh công trình, ông đặc biệt ấn tượng với cách bài trí không gian của làng theo kiến trúc 3 bông hoa đào. Mỗi bông được xếp bởi 10 ngôi nhà trình tường đất sét theo phong cách người Mông. Khuôn viên công trình thoáng đãng và bao gồm bãi đỗ xe rộng rãi. Ông Ná cho hay, ông rất tự hào khi người Mông có một làng văn hóa như vậy, đặc biệt sẽ vui hơn nếu được sống và tham gia làm du lịch tại đó. Hy vọng làng văn hóa đi vào hoạt động sẽ giúp phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mông, tạo không gian để bà con người Mông thường xuyên biểu diễn văn nghệ, múa khèn, hát các bài hát truyền thống, chơi các trò chơi dân gian. Tham gia làng văn hóa là cơ hội tốt để gia đình ông Ná cùng các hộ khác gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống của người Mông cho con cháu đời sau, đồng thời tập trung phát triển các nghề truyền thống như dệt vải, đan quẩy tấu (gùi)… từ đó cải thiện đời sống.

Mong muốn bản sắc văn hóa truyền thống của người Mông không bị mai một, bà Giàng Thị Hoa tại thôn Pả Vi Hạ chia sẻ: Bà và đa số người dân trong thôn rất ủng hộ việc xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông tại thôn. Người dân nơi đây chưa biết cách tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ mà chỉ đơn thuần biểu diễn khi được yêu cầu. Do vậy, khi tham gia làng văn hóa, các hộ dân hy vọng chính quyền địa phương sẽ hướng dẫn tổ chức các hoạt động đó một cách bài bản và nhất thiết phải thành lập các đội văn nghệ.

Mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng không phải là mới mẻ ở tỉnh Hà Giang, nhưng làng văn hóa du lịch cộng đồng của người Mông như ở Mèo Vạc thì rất ít. Nói về lý do chọn thôn Pả Vi Hạ làm nơi xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, ông Ma Quốc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Ngoài mặt bằng và đường giao thông thuận tiện, toàn bộ người dân trong thôn là đồng bào người Mông, hiện nay thôn còn một số nghệ nhân nòng cốt có thể khuyến khích bảo tồn văn hóa truyền thống của người Mông. Việc xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông tại thôn Pả Vi Hạ vừa làm du lịch vừa bảo tồn, quảng bá văn hóa dân tộc Mông. Công trình không chỉ mang nét văn hóa của người Mông ở thôn Pả Vi Hạ mà còn đại diện cho toàn bộ người Mông tại Mèo Vạc, bởi ngoài phục vụ khách du lịch, nơi đây sẽ là điểm đến của chính bà con người Mông tại Mèo Vạc để thưởng thức và hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Việc xây dựng làng văn hóa còn đặt ra mục tiêu tổ chức lại sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Đặc biệt, để đảm bảo vệ sinh khu vực đón khách du lịch, công trình có quy hoạch riêng cho khu vực chăn nuôi và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường.

Huyện Mèo Vạc đang tổ chức khoanh vùng và cắm mốc khu vực làng văn hóa, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành từ 3 - 5 nhà trình tường ngay trong năm 2016. Từ năm 2017, hoàn thiện khoảng 25 - 27 nhà còn lại cùng các công trình phụ. Dự kiến, Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông sẽ mở cửa đón khách từ quý I năm 2018. Công trình hứa hẹn tạo ra nét mới trong không gian văn hóa du lịch tại Mèo Vạc, thu hút khoảng 1.500 khách du lịch trong nước và quốc tế mỗi năm./.