Ngày 28-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên, địa phương có mũi Đại Lãnh, nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam.

Báo động nguy cơ tụt hậu

Ví Phú Yên với hình ảnh “cô gái đẹp đang ngủ quên”, Thủ tướng cho rằng, Phú Yên phải khơi dậy, đánh thức tiềm năng, để phát triển mạnh mẽ. Nếu không có cách làm tốt, khát vọng vươn lên mạnh mẽ thì tỉnh sẽ tụt hậu, Thủ tướng cảnh báo.

Ghi nhận nỗ lực của tỉnh trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, Thủ tướng chỉ ra một số điểm tồn tại, bất cập như tốc độ tăng trưởng còn thấp, thiếu bền vững. Thu ngân sách và tỷ lệ giải ngân còn thấp. Cải cách hành chính có bước chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng như chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) nằm ở tốp dưới của bảng xếp hạng.

Thủ tướng cho rằng, tỉnh Phú Yên phải phấn đấu đạt chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra, góp phần cùng cả nước hoàn thành mục tiêu năm 2016, trong đó, lưu ý rà soát lại các chỉ tiêu, nếu thấy điểm nào bất cập thì tập trung chỉ đạo, khắc phục như về tăng trưởng, thu ngân sách, giải ngân, giảm nghèo…

Phải quy hoạch lại một số ngành, lĩnh vực quan trọng để đầu tư phát triển, có chính sách phát triển, phấn đấu đưa Tuy Hòa trở thành đô thị loại I.

“Bên cạnh phát triển kinh tế, phải làm tốt đánh giá tác động môi trường, xây dựng phương án bảo vệ môi trường đối với các dự án liên quan, đặc biệt là dự án nhạy cảm, ven biển, các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu phải có giải pháp bảo vệ môi trường theo hướng xã hội hóa.

Cái gì người dân, xã hội, doanh nghiệp làm được thì để người dân, xã hội, doanh nghiệp làm.

Phú Yên phải thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp, đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh. “Ở Ninh Thuận, trên vùng cát nóng như thế mà có hộ nông dân trồng măng tây cho thu nhập 1 tỷ đồng/ha”, Thủ tướng dẫn chứng một mô hình nông nghiệp mà Thủ tướng đã đến thăm trong chuyến công tác tại Ninh Thuận ngày 26-8.

“Hay là về hải sản, chúng ta có 34.000 km2 ngư trường, là vùng đánh bắt truyền thống nổi tiếng thì xây dựng thương hiệu, chế biến làm sao? Các đồng chí phải tính để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, dựa trên thế mạnh mà nơi khác không có”.

Kéo "đại bàng về làm tổ" ở Phú Yên

Theo Thủ tướng, một thế mạnh quan trọng, có thể coi là mũi nhọn của Phú Yên là du lịch. Tỉnh phải nghiên cứu phát huy tiềm năng này, để ngành kinh tế này có thể đóng góp 10% GDP chứ không chỉ 1-2% như hiện nay. Theo đó, tỉnh phải có quy hoạch tốt, có sự liên kết tốt với các địa phương trong khu vực.

Thủ tướng yêu cầu tập trung cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền liêm chính, năng động, sáng tạo, quyết liệt để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tỉnh phải tập trung tháo gỡ rào cản gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.

“Tôi mong muốn trong thời gian tới, chỉ số PCI của chúng ta tăng cao hơn chứ không phải ở tốp dưới”, Thủ tướng bày tỏ và hoan nghênh phương châm mà Phú Yên đưa ra là “Thân thiện, nghĩa tình; tận tụy, trách nhiệm; kỷ cương, kỷ luật” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Đi liền với đó là xúc tiến tìm dự án, chú trọng những dự án lớn mà Thủ tướng ví như những con chim đại bàng, để làm sao nhiều “đại bàng làm tổ ở Phú Yên”.

Thủ tướng cho rằng, một thách thức lớn đối với Phú Yên là yêu cầu về nguồn nhân lực, cả số lượng và chất lượng. Tỉnh cần tập trung công tác đào tạo lao động có kỹ năng cao, thu hút người giỏi đến đây làm việc.

“Chúng ta phải xốc lại đội ngũ, cùng nhau hành động, chứ không thể chậm trễ hơn. Nếu chậm trễ hơn là tụt hậu. Đây là nguy cơ hiện hữu chứ không phải trên giấy tờ”, Thủ tướng lưu ý.

Phát biểu tại cuộc làm việc, ý kiến các bộ, ngành đã thảo luận, phân tích làm rõ các thế mạnh, thách thức, khó khăn cũng như các giải pháp phát triển. Các ý kiến cho rằng Phú Yên chưa có sản phẩm thương mại, công nghiệp đặc thù, chưa xác định được trụ cột phát triển thời gian tới trong khi các tỉnh trong vùng như Khánh Hòa, Ninh Thuận đều tập trung vào 3 lĩnh vực là năng lượng, du lịch và công nghiệp nặng.

Phú Yên cũng gặp khó khăn khi nằm kẹt giữa Đèo Cả và Đèo Cù Mông thì nay, khi các hầm đường bộ xuyên qua 2 đèo này sắp đi vào sử dụng, sẽ là cơ hội mới cho Phú Yên, nhất là về du lịch.

Nhận định tình hình thu hút đầu tư của Phú Yên còn yếu, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, có nguyên nhân chủ quan. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 đứng thứ 55/63, tụt 8 bậc so với năm 2014. Tỉnh cần tìm hướng đi mới, chứ không chỉ dựa vào Khu kinh tế Nam Phú Yên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.

Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà nêu khái quát một số nét về tình hình kinh tế-xã hội cũng như có các kiến nghị, đề xuất cụ thể.

Phú Yên là tỉnh chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu nên đã chủ động triển khai một số dự án cấp bách như Kè chống xói lở Đầm Cù Mông, đê ngăn mặn và chống xâm thực hạ lưu sông Đà Rằng, hồ chứa nước Suối Cái, kè chống sạt lở, bồi lấp cửa biển Đà Diễn nhưng đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Tỉnh kiến nghị Chính phủ quan tâm, xem xét bố trí vốn để triển khai. Lãnh đạo tỉnh cũng nêu đề xuất đối với một số dự án hạ tầng giao thông.

Trước các đề xuất của Phú Yên, Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo, giao các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong khuôn khổ chương trình làm việc với tỉnh Phú Yên, đầu giờ sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khảo sát Công trình Kè chống xói lở ven biển khu vực xóm Rớ, Phường Phú Đông, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Giai đoạn 1 của dự án có tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng, từ nguồn vốn ODA, vốn ngân sách Trung ương và một phần ngân sách tỉnh, được xây dựng theo hình thức kè áp mái kết hợp với hệ thống mỏ hàn, đỉnh kè kết hợp làm đường giao thông. Trước đây, đây là nơi chịu ảnh hưởng của thời tiết, triều cường gây ngập lún, sạt lở nghiêm trọng, nhà cửa, cuộc sống người dân xóm Rớ luôn bị nguy hiểm rình rập. Nhưng từ khi được san lấp và sửa chữa lại, bờ kè mang một bộ mặt mới cho đời sống người dân nơi đây.

Cùng ngày, Thủ tướng đã đến dâng hương, viếng các liệt sĩ tại Đài tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Phú Yên; thăm di tích kiến trúc-nghệ thuật cấp quốc gia Tháp Nhạn./.