Bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển
Sáng 24-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã triệu tập Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường nhằm đánh giá thực trạng và xác định những nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này.
Đáng chú ý, tại hội nghị, Thủ tướng đã đề nghị các Tỉnh ủy, Thành ủy xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ môi trường để bảo đảm công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ này được tập trung, thống nhất, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị.
Áp lực môi trường ngày càng nặng nề
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, áp lực môi trường đang ngày một lớn và ngày càng trở thành vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong tiến trình phát triển bền vững của đất nước. Mỗi năm Việt Nam có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; có 615 cụm công nghiệp, trong đó chỉ khoảng 5% số này có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong hơn 500.000 cơ sở sản xuất đang hoạt động thì có nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu. Ngoài ra, có 787 đô thị với 3 triệu m3 nước thải/ngày đêm, nhưng hầu hết chưa được xử lý. Bên cạnh đó, với 43 triệu môtô và trên 2 triệu ôtô đang lưu hành, cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.
Lo ngại hơn, mỗi năm cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp và hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại.
Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng chuyển đổi đất rừng, khai thác khoáng sản, xây dựng thủy điện, khai thác tài nguyên đa dạng sinh học, đã dẫn đến thu hẹp diện tích các hệ sinh thái tự nhiên, chia cắt các sinh cảnh, suy giảm đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, mặc dù các doanh nghiệp FDI đang đóng góp 70% tốc độ tăng trưởng của nước ta, nhưng các doanh nghiệp này đang có xu hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường, như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu... Một số dự án FDI vi phạm pháp luật ô nhiễm môi trường như Công ty Vedan, Miwon, Formosa, khói bụi ô nhiễm của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Công ty Lee&Men...
Vẫn còn tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế, coi nhẹ bảo vệ môi trường
Quan điểm của các bộ, ngành, địa phương đều bày tỏ lo ngại trước thực trạng môi trường đất nước và nhìn nhận những tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường là những nội dung cần được ưu tiên trong quản lý Nhà nước thời gian tới. Đặc biệt, sự cố môi trường biển miền Trung tháng Tư vừa qua diễn ra trên diện rộng, gây ra hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài; ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, làm muối, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch; làm xáo trộn, gây mất an ninh trật tự, tâm lý bức xúc, bất an trong nhân dân.
Phân tích về các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh đến những yếu tố chủ quan: “Nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của chủ đầu tư, một số ngành, cấp chính quyền, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư còn hạn chế; tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư. Cơ chế thu hút FDI bằng mọi giá, đánh đổi với chi phí cơ hội về môi trường”.
Một số ý kiến cũng đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương rà soát các nguồn thải, nguồn ô nhiễm trong cả nước, để hoàn chỉnh bộ cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực này.
Đánh giá thực trạng công tác bảo vệ môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn tiếp tục diễn ra đáng lo ngại. Thực trạng này xảy ra bởi quá trình tích tụ từ nhiều năm trước đó và đang diễn ra trên diện rộng với nhiều lĩnh vực. Ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất đai ngày càng nghiêm trọng, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông khu đô thị, thậm chí ngay cả khu vực nông thôn. Khiếu kiện đông người về môi trường diễn ra gay gắt ở nhiều nơi, xuất hiện nhiều điểm nóng môi trường, mà nếu không kịp thời xử lý, giải quyết sẽ gây mất an ninh trật tự.
Đồng tình với nhiều ý kiến phân tích về nguyên nhân những yếu kém trong công tác bảo vệ môi trường chủ yếu là yếu tố chủ quan, Thủ tướng nhận xét, ý thức tôn trọng pháp luật về môi trường chưa nghiêm. Nhiều doanh nghiệp thực hiện không nghiêm túc những quy định về môi trường.
Bộ máy quản lý Nhà nước về môi trường chưa đồng bộ, thiếu thống nhất từ Trung ương đến địa phương, chưa theo kịp các diễn biến phức tạp của các vấn đề về môi trường. Cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực này thì yếu và thiếu chuyên môn nghiệp vụ, nhất là các địa phương; một bộ phận cán bộ còn vô trách nhiệm, có biểu hiện tiêu cực. Quản lý Nhà nước còn chồng chéo, thiếu thống nhất, chưa có sự phối hợp tốt giữa Trung ương và địa phương. Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường còn hạn hẹp, phân bổ dàn trải, nhất là xã hội hóa nguồn lực còn chậm, thiếu cơ chế chính sách đột phá.
Thủ tướng lo lắng trước việc cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương chưa phát huy đúng vai trò bảo vệ môi trường, chưa phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội, nhất là chưa vận động nhân dân tích cực tham gia vào việc bảo vệ môi trường; việc phát hiện và xử lý còn chậm, chủ yếu qua báo chí và nhân dân mà sự cố Formosa là một điển hình. Trước thực trạng đó, Thủ tướng cho rằng đã đến lúc phải thay đổi tư duy phát triển bám sát định hướng tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; kiên quyết không vì lợi ích trước mắt mà làm tổn hại môi trường; bảo vệ lợi ích và cuộc sống bình yên của người dân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn
Thủ tướng kết luận ngay sau hội nghị, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một Chỉ thị về công tác bảo vệ môi trường. Lãnh đạo các địa phương phải khẩn trương ban hành Nghị quyết chuyên đề ở địa phương và ngay sau đó là xây dựng đề án, chủ động rà soát giải quyết vấn đề môi trường tại địa bàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tinh thần chỉ đạo trong bảo vệ môi trường là huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân; tập trung xử lý các khó khăn, yếu kém, thực hiện nghiêm túc đồng bộ các giải pháp, tạo chuyển biến căn bản trong ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi ô nhiễm môi trường.
Bảo vệ môi trường không còn là vấn đề của tương lai mà là vấn đề hiện hữu. Chúng ta cần ngay những giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn. Môi trường bền vững đồng nghĩa với chỗ đứng lâu dài và giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, Thủ tướng nói.
Thủ tướng chỉ đạo, bảo vệ môi trường phải được xác định là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển. Trên tinh thần đó, không thu hút đầu tư bằng mọi giá, chú trọng tiêu chí môi trường trong lựa chọn dự án đầu tư. Không cho phép đầu tư các dự án, các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu, nhất là dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường ở các vùng nhạy cảm.
Thủ tướng nêu rõ Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn. Chính phủ coi đây là nhiệm vụ cần tập trung, ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Ở đâu xảy ra môi trường ô nhiễm nặng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở đó phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường từ việc xét duyệt, triển khai dự án và kiểm soát khi sự cố môi trường xảy ra.
Hoan nghênh một số địa phương đã từ chối một số dự án gây ô nhiễm môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tổng thể về kiểm tra giám sát thực thi luật pháp về bảo vệ môi trường ; phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường.
Đáng chú ý, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá, xếp hạng công tác bảo vệ môi trường các địa phương từ năm 2017. Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng hệ thống quan trắc bảo vệ môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nguồn thải, khu vực nhạy cảm về môi trường. Tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi hệ thống pháp luật về môi trường; sắp xếp tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường các cấp.
Thủ tướng giao các bộ, ngành nghiên cứu thành lập mô hình Ủy ban ứng phó tình trạng khẩn cấp trên cơ sở tổ chức lại các cơ quan liên quan hiện có. Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hệ thống chính quyền các cấp; góp phần tạo đồng thuận xã hội để công tác bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao hơn./.
Kiểm tra, làm rõ phản ánh bán đất trái thẩm quyền tại Nam Định  (24/08/2016)
Bắc Kạn thiết thực học tập và làm theo Bác với việc giúp đỡ các xã khó khăn xây dựng nông thôn mới  (24/08/2016)
Bắc Kạn thiết thực học tập và làm theo Bác với việc giúp đỡ các xã khó khăn xây dựng nông thôn mới  (24/08/2016)
Bắc Kạn thiết thực học tập và làm theo Bác với việc giúp đỡ các xã khó khăn xây dựng nông thôn mới  (24/08/2016)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay