Những hệ lụy an ninh từ “hậu Brexit”
TCCSĐT - Sự lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit đã và đang gây ra những tác động to lớn về kinh tế và tài chính cho cả Anh, EU và thế giới. Nhưng hơn hết, Brexit được đánh giá là sẽ làm thay đổi cục diện địa - chính trị, làm lung lay nền tảng cán cân quyền lực tại châu Âu, tác động sâu rộng đến những vấn đề an ninh khu vực, buộc EU, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tính đến việc định hình lại hoạt động của mình trong tương lai.
Brexit làm suy yếu an ninh châu Âu?
Sau lựa chọn ra đi của Anh, châu Âu phải đối diện với thách thức vừa củng cố đoàn kết nội khối, vừa duy trì ảnh hưởng trên thế giới. Là thành viên hàng đầu của NATO, nước chi tiêu quân sự lớn nhất châu Âu, Anh chi trả 15% chi phí cho các chiến dịch quân sự do EU dẫn đầu (1). Anh cũng đi đầu trong chiến dịch phòng chống cướp biển dưới tên gọi “Chiến dịch Atalanta” ở vùng Sừng châu Phi, triển khai nhiều tàu tuần tra ở Địa Trung Hải và cam kết đóng góp bộ binh cho các lực lượng tham chiến của EU. Gần đây, EU dự định triển khai một lực lượng bảo vệ biên giới mới nhằm kiểm soát dòng người di cư, song điều này sẽ trở nên khó khăn hơn nếu không có Anh... Thiếu đi một thành viên có chân trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là một cường quốc về quân sự, năng lực đối phó với những thách thức của châu Âu sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Không chỉ có vậy, nhiều nguồn lực bị chia sẻ cũng gây áp lực lên khả năng quân sự của Anh. Brexit có thể tác động tiêu cực tới khả năng duy trì các cam kết của Anh đối với NATO và những nỗ lực do Mỹ khởi xướng nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố. Một nước Anh nghèo hơn sẽ không thể thực hiện cam kết chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng trong bối cảnh nhiều mối đe dọa gia tăng (2).
Hơn nữa, hiện nay, EU đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có khủng hoảng người di cư và bất ổn tại nhiều quốc gia ngay bên ngoài liên minh. Trong bối cảnh này, EU cần phải “hành động độc lập nếu cần thiết”. EU kêu gọi các chính phủ hợp tác, chia sẻ chi tiêu quốc phòng và đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Đức, Pháp. Tuy nhiên, giới ngoại giao vẫn tỏ ra quan ngại nếu không có Anh, nước đóng góp nhiều nhất cho ngân sách quân sự của EU. Thực tế, từ khi cuộc khủng hoảng di cư bùng phát, Đức đã phải đứng ra đảm nhận gánh nặng dẫn dắt cả khu vực về chính trị và kinh tế nhằm duy trì sự đoàn kết của EU. Nhưng nay, khi Anh rời EU, gánh nặng về một vai trò quân sự dường như là quá sức đối với quốc gia này. Về phía Pháp, Pháp chỉ chấp nhận một vai trò đi đầu về quốc phòng trong khuôn khổ của EU. Tổn thất với châu Âu sau Brexit là khá rõ ràng, cán cân quyền lực châu Âu sẽ định hình lại. Như vậy, càng sử dụng nhiều nguồn lực để giải quyết hậu quả của Brexit, châu Âu càng có ít thời gian, tiền bạc và sức mạnh chính trị để đối phó với các thách thức toàn cầu, trước mắt là những thách thức an ninh.
Vai trò của châu Âu trong hợp tác tình báo có ý nghĩa trực tiếp đối với an ninh quốc gia Anh. Anh là thành viên trong nhóm “Năm Con mắt” (Five Eyes) - gồm Anh, Mỹ, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân và tất cả các nước thuộc nhóm “Năm Con mắt” còn lại đều muốn Anh ở lại EU, bởi điều đó giúp củng cố quan hệ hợp tác tình báo ở khắp phương Tây. Anh rời EU không chỉ tác động nghiêm trọng đến việc khả năng phân tích và thu thập thông tin tình báo của châu Âu mà còn làm suy yếu mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo giữa Anh với các nước láng giềng, bản thân nước Anh cũng dễ bị tấn công hơn bởi những nhóm khủng bố và những băng nhóm tội phạm có tổ chức.
Nguy cơ chạy đua vũ trang khu vực
Với sức mạnh quân đội hàng đầu thế giới và đội ngũ ngoại giao dày dạn kinh nghiệm, Anh đã đóng góp rất lớn cho một loạt các sứ mệnh của EU trong những năm qua, trong đó có sứ mệnh trừng phạt, cô lập Nga sau xung đột quân sự ở U-crai-na, Xy-ri. Vì vậy, theo lời cựu Đại sứ Mỹ tại Nga M. Mác-Phâu, Brexit dường như đang có lợi cho Nga. Theo ông, quan hệ giữa Nga và châu Âu tiếp tục xấu đi dù Mát-xcơ-va không liên quan tới Brexit; và dường như xu hướng tăng cường chạy đua vũ trang trên quy mô lớn có thể xảy ra. Khủng hoảng ở EU là điều kiện thuận lợi cho Mát-xcơ-va bởi nếu không có Anh, một trong những nước lên tiếng mạnh mẽ nhất ủng hộ EU trừng phạt Nga, thì áp lực lên Crem-li sẽ giảm. Hơn nữa, một châu Âu yếu sẽ kéo theo một NATO - mối đe dọa chính trị, quân sự của Nga suy yếu. Các chính trị gia phương Tây bắt đầu nói về sự cần thiết phải đẩy mạnh quân sự hóa và kiểm soát quân sự Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Đ. Lia-en đã kêu gọi Mát-xcơ-va thường xuyên thông báo với Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tất cả các hoạt động chuyển quân. Tuy nhiên, do Nga đã rút khỏi Hiệp ước về lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu nên đề nghị trên không được phía Nga chấp thuận.
Lo ngại sau khi Anh rời EU, sức mạnh quân sự của châu Âu sẽ suy giảm, Mỹ và các quốc gia thành viên khác trong NATO tiếp tục xây dựng năng lực quân sự tại các quốc gia láng giềng của Nga. Sau hai ngày nhóm họp Hội nghị Thượng đỉnh NATO (ngày 08 và 09-7-2016 tại Vác-xa-va, Ba Lan), một loạt các “quyết sách mới” của NATO đã được đưa ra, trong đó phải kể đến quyết định mở rộng phạm vi hoạt động lẫn tầm ảnh hưởng ở sườn phía Đông của NATO với bốn tiểu đoàn luân phiên tại Ba Lan, Ê-xtô-ni-a, Lát-vi-a và Lít-va, hoạt động từ năm 2017, bất chấp những cảnh báo và phản ứng gay gắt trước đó của Nga. Quyết định đưa ra tại Hội nghị có thể coi là “lời tuyên chiến” với Nga, quốc gia luôn coi bất kỳ hành động “bành trướng” nào của NATO về khu vực phía Đông giáp biên giới Nga là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng và làm giảm lòng tin giữa hai bên. Nga cho rằng, điều này sẽ làm suy yếu ổn định ở châu Âu và buộc Nga phải thực hiện các biện pháp đáp trả. Trước đó, ngày 30-6-2016, Tổng thống Nga V. Pu-tin tuyên bố Mát-xcơ-va sẽ không bị lôi kéo vào cuộc chạy đua vũ trang “đắt đỏ” do NATO châm ngòi, nhưng Nga sẽ “biết cách phản ứng phù hợp” trước việc NATO tăng cường lực lượng quân sự ở các quốc gia Đông Âu.
Bên cạnh đó, ý tưởng thành lập đội quân chung của châu Âu ngày càng thúc đẩy Nga tăng cường khả năng phòng thủ. Giới chức quân sự Nga đã thông báo với truyền thông về sự sẵn sàng của Nga trước các hình thức chiến tranh mới trong một cuộc chiến tiềm tàng. Theo đó, Nga sẽ thử nghiệm các tên lửa có tầm bắn xa hơn trong thành phần hệ thống tên lửa phòng không S-400 và tiếp tục chế tạo hệ thống tên lửa phòng không mới nhất S-500. Việc Nga gia tăng quân sự về phía biên giới EU và những tín hiệu mới trong cuộc họp Hội đồng Nga - NATO cấp Đại sứ tổ chức ngày 13-7-2016, tại Bruých-xen (Bỉ) cho thấy quyết tâm của Mát-xcơ-va trong vấn đề bảo vệ biên giới phía Tây của mình.
Sự nồng đượm trong “quan hệ đặc biệt” Mỹ - Anh
Trước “cơn địa chấn” người dân Anh chọn rời EU, các nhà phân tích chính trị chiến lược quốc tế cho rằng, sự kiện này sẽ khiến “quan hệ đặc biệt” giữa Anh và Mỹ bị suy yếu, làm dấy lên mối lo ngại về việc Anh mất khả năng hỗ trợ cho những nỗ lực do Mỹ dẫn dắt nhằm giải quyết các khủng hoảng toàn cầu.
Mối “quan hệ đặc biệt” giữa Anh - Mỹ được thiết lập bởi cựu Thủ tướng Anh U. Chớt-chin dùng chỉ mối quan hệ đồng minh sau khi hai nước chia sẻ nhiều điểm chung liên quan đến cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai và vẫn được duy trì trong suốt nhiều thập niên qua với sự hợp tác chặt chẽ giữa lãnh đạo hai nước. Dù quan hệ Anh - Mỹ những năm gần đây có dấu hiệu rạn nứt, tầm ảnh hưởng của Mỹ với Anh ngày nay đã mai một, Anh vẫn là đồng minh hữu ích đối với Mỹ. Nhiều lĩnh vực trong đó Mỹ và Anh vẫn sát cánh bên nhau, như vấn đề thay đổi khí hậu, ổn định tài chính toàn cầu và nhiều lĩnh vực về an ninh, nhân quyền... Mối quan hệ tình báo và quốc phòng của Anh với Mỹ lại càng gắn kết. Bất cứ khi nào Oa-sinh-tơn cần một lực lượng ủy nhiệm, quân đội Anh luôn có mặt đầu tiên. Anh đã ủng hộ cuộc chiến tranh ở I-rắc do Mỹ đứng đầu năm 2003 mạnh mẽ nhất, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Pháp và Đức. Anh rời EU, khả năng bảo vệ quan điểm và chính sách của Anh trước các đồng minh châu Âu và trong NATO sẽ không còn như trước. Do đó, Mỹ nhiều khả năng sẽ phải hành động vất vả hơn nhằm duy trì sự đoàn kết của châu Âu và mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Trước khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh, Mỹ vẫn luôn muốn Anh, đồng minh chính của Mỹ ở châu Âu, đóng vai trò như là cầu nối giữa NATO và EU. Điều này cho phép Oa-sinh-tơn có thể tập trung vào các mối lo ngại khác, trong đó có cả sự trỗi dậy của lực lượng Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan và hoạt động quân sự hóa nhiều hòn đảo ở Biển Đông của Trung Quốc. Giới phân tích Mỹ cho rằng, Brexit gây ảnh hưởng xấu đối với lợi ích của quân đội Mỹ. Nền an ninh quốc phòng của Anh, NATO và Mỹ có thể sẽ phải hứng chịu hậu quả khôn lường do Brexit. Chia sẻ thông tin tình báo Anh - Mỹ, một trong những mối quan hệ an ninh tin cậy, chặt chẽ nhất thế giới, được trông đợi không chịu tác động bởi sự kiện Brexit. Tuy nhiên, một số chuyên gia an ninh cho rằng, hợp tác chống khủng bố của Anh, Mỹ với các đối tác châu Âu có thể gặp nhiều khó khăn hơn khi châu Âu luôn là đích ngắm của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Hơn 80 người thiệt mạng trong vụ tấn công kinh hoàng và đẫm máu ở thành phố Nai-xơ, miền Nam nước Pháp đêm 14-7-2016 cho thấy, những lỗ hổng an ninh mà nước Pháp nói riêng, châu Âu nói chung đang phải đối mặt. Brexit sẽ khiến lỗ hổng an ninh này ngày càng khó lấp đầy.
Hiện nay, tại Xcốt-len, Đảng Quốc gia Xcốt-len, với tư tưởng ủng hộ gia nhập EU và phản đối tham gia NATO dự kiến sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trước khi Anh hoàn tất đàm phán với EU. Nếu cuộc trưng cầu dân ý Xcốt-len được tổ chức và nếu người dân nơi đây bỏ phiếu ủng hộ Xcốt-len tách ra khỏi Liên hiệp Anh, căn cứ tàu ngầm Cly-đơ ở vịnh Pha-xlen sẽ không còn thuộc sự kiểm soát của Anh, Hải quân Mỹ cũng sẽ không thể tiếp cận căn cứ này trong trường hợp khẩn cấp. Trong trường hợp này, Anh sẽ phải xây dựng một căn cứ tàu ngầm mới. Đây có thể là một lựa chọn rất tốn kém, có thể ảnh hưởng đến các chương trình phát triển vũ khí quốc phòng của Anh. Đặc biệt trong bối cảnh Nga tăng cường sức mạnh quân sự, tầm quan trọng của khu vực GIUK (vùng biển giáp ranh đảo Grin-len, Ai-xơ-len và Anh ở phía Bắc Đại Tây Dương), nơi tiếp giáp với Xcốt-len, và như vậy việc Mỹ không thể sử dụng căn cứ hải quân ở vịnh Pha-xlen sẽ là mối lo ngại lớn cho Mỹ, Anh và NATO.
Tìm hướng đi mới cho EU, NATO
Ngày 26-6-2016, Chủ tịch Ủy ban chính sách quốc tế của Nghị viện châu Âu (EP) E. Brốc-cơ đã kêu gọi thành lập Bộ chỉ huy quân sự chung của EU và về lâu dài là quân đội chung châu Âu. Nguyên nhân là do sau cuộc trưng cầu dân ý ở Anh, châu Âu trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các thách thức an ninh. Việc thành lập quân đội chung châu Âu giúp tăng cường vai trò của EU trong chính sách an ninh và quốc phòng, EU buộc phải hành động có trách nhiệm hơn.
Trên thực tế, ý tưởng thành lập quân đội chung của châu Âu đã xuất hiện từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, giai đoạn có nhiều biến động địa - chính trị. Ngày 14-10-1991, Tổng thống Pháp Ph. Mi-tơ-răng và Thủ tướng Đức Hen-mút Côn đã viết một lá thư chung cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu bày tỏ mong muốn rõ ràng và cụ thể về việc thực hiện một chính sách đối ngoại và an ninh chung trong dự thảo Hiệp ước Ma-xtrích. Ngày 22-5-1992, tại La Rô-sen (Pháp) đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Pháp - Đức lần thứ 59, Tổng thống Pháp Ph. Mít-tơ-răng và Thủ tướng Đức Hen-mút Côn công bố quyết định chính thức thành lập lực lượng quân đội châu Âu (Eurocorps). Sáng kiến Pháp - Đức này sớm làm dấy lên sự quan tâm của nhiều quốc gia châu Âu khác. Những năm sau đó, Pháp, Đức, Bỉ, Lúc-xăm-bua và Tây Ban Nha đã thành lập các lữ đoàn thống nhất đặt dưới sự chỉ huy duy nhất gọi tắt là “Eurocorps”. Năm 1999, khi NATO can thiệp quân sự vào Liên bang Nam Tư cũ và ủng hộ Cô-xô-vô ly khai, lời kêu gọi thành lập đội quân chung EU một lần nữa được đề cập đến. Năm 2003, khi máy bay Mỹ (nhân danh NATO) ném bom I-rắc bất chấp sự phản đối của các nhà lãnh đạo Đức và Pháp, các nước EU lại nhận thấy sự cấp thiết phải thành lập ở châu Âu một đội quân độc lập với Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay, việc thành lập đội quân thống nhất của châu Âu vẫn chưa diễn ra. Ông E. Brốc-cơ hy vọng rằng, chính việc Anh rời EU vào thời điểm hiện nay sẽ thúc đẩy tiến trình đó.
Anh rời EU, Đức và Pháp kêu gọi EU làm sâu sắc hơn quan hệ quân sự và an ninh. Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU được tổ chức ở Bỉ, ngày 28-6-2016, Tổng Thư ký NATO G. Xtôn-ten-bớt nhấn mạnh, hợp tác giữa EU và NATO vốn đã rất quan trọng trước khi Anh trưng cầu dân ý Brexit, giờ thì càng quan trọng hơn. Lãnh đạo NATO và EU cam kết thắt chặt quan hệ quốc phòng nhằm đối phó quan ngại từ Nga và chống lại các tổ chức Hồi giáo cực đoan.
Vấn đề Anh rời khỏi EU đứng đầu chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh NATO vừa qua, do lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến an ninh châu Âu. Mong muốn của Hội nghị là Anh và EU sẽ làm việc với nhau một cách thực tế để bảo đảm một sự chuyển tiếp suôn sẻ và có trật tự. Hội nghị cũng có những ưu tiên và yêu cầu mới cho chiến lược quân sự của Anh tại châu Âu, đặc biệt là khi Mỹ đang muốn các nước châu Âu gánh vác nhiều trách nhiệm hơn, thay vì dựa vào sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây. NATO cho rằng, tuy Anh đã rút khỏi EU nhưng các quyền lợi và trách nhiệm của Anh ở khối NATO vẫn nguyên vẹn, và thậm chí trong bối cảnh hỗn loạn này, Anh nên đẩy mạnh các hoạt động trong NATO để giảm thiểu sự ảnh hưởng về chính trị thời “hậu Brexit”. Anh vẫn có thể tham gia các nhiệm vụ của EU, ngay cả khi nước này nằm ngoài khối, tương tự những gì mà Ca-na-đa và Na Uy - những quốc gia không phải thành viên của EU - đã làm. Anh vẫn là thành viên NATO nên vẫn phải tuân thủ các quy định theo Thỏa thuận Berlin Plus ký kết năm 2002 giữa EU và NATO, theo đó, hai bên có trách nhiệm trao đổi thông tin và phân loại theo các quy định về bảo vệ an ninh đối ứng.
Cuối cùng, các nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục tìm cách duy trì một mối quan hệ gần gũi với Anh trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Hợp tác chặt chẽ về tình báo, vấn đề hạt nhân, lực lượng đặc biệt và các hoạt động chống khủng bố ở nước ngoài và các vấn đề khác tiếp tục được thúc đẩy. Anh có thể đóng góp một vai trò lớn hơn trong NATO, tránh bị cô lập, đồng thời coi việc cải thiện mối quan hệ với liên minh quân sự này là cách quan trọng để chứng minh vị trí và vai trò của mình trên trường quốc tế khi Anh không còn là thành viên EU./.
-------------------------------
(1) Things are going to be a lot harder': Brexit casts doubt over new EU and NATO defense strategy, http://uk.businessinsider.com, ngày 28-6-2016
(2) NATO Wales Summit 2014, Allied leaders pledge to reverse defence cuts, reaffirm transatlantic bond, http://www.nato.int, ngày 05-9-2014
Bế mạc Phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV  (17/08/2016)
Nợ các loại bảo hiểm trong 7 tháng lên đến hơn 13.900 tỷ đồng  (16/08/2016)
Thủ tướng trao Huân chương Lao động cho xạ thủ Hoàng Xuân Vinh  (16/08/2016)
Chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ  (16/08/2016)
Phó Thủ tướng: Đẩy nhanh tiến độ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư  (16/08/2016)
Thủ tướng ký quyết định bổ nhiệm hai Thứ trưởng Bộ Ngoại giao  (16/08/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên