TCCSĐT - Chiều 30-6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thảo quốc gia “Đánh giá mức độ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” (giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng). Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn chủ trì Hội thảo.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Chánh Văn phòng Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” cho biết, mục tiêu của Hội thảo là góp ý cho Báo cáo đánh giá mức độ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam (Báo cáo R-Package). Báo cáo là một bản đánh giá toàn diện về mức độ sẵn sàng cho việc thực hiện REDD+ ở Việt Nam, bao gồm 4 hợp phần: tổ chức và tham vấn chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+; chuẩn bị xây dựng chiến lược REDD+; mức phát thải tham chiếu; hệ thống theo dõi rừng và an toàn.

Báo cáo R-Package được trình bày trên cơ sở làm rõ 34 tiêu chí và 58 câu hỏi theo khung do Quỹ Đối tác Các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) đưa ra. Báo cáo R-Package cũng chỉ ra những bài học kinh nghiệm, đánh giá những thiếu sót còn tồn tại, xác định các hoạt động cần thực hiện để chuyển sang giai đoạn thực thi REDD+.

Là một trong những nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã quan tâm đến sáng kiến REED+ từ rất sớm. Để chuẩn bị cho việc thực hiện REED+, từ tháng 9-2009, Việt Nam đã thành lập mạng lưới REED+ quốc gia, tháng 01-2011 thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về REED+ và Văn phòng REED+ Việt Nam. Tại Quyết định số 799/QĐ-TTg, ngày 27-6-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình Hành động quốc gia về REED+. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng hệ thống tổ chức, quản lý REDD+ quốc gia với các quy định quản lý đồng bộ từ luật pháp, chính sách, hướng dẫn thực hiện từ cấp trung ương đến địa phương. Các nội dung và yêu cầu về thể chế hóa hệ thống giám sát rừng quốc gia đang trong quá trình hoàn thiện… Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, hiện nay, cả nước đã có 7 tỉnh ban hành Kế hoạch hành động REED+ cấp tỉnh là Điện Biên, Lâm Đồng, Quảng Bình, Cà Mau, Thanh Hóa, Lào Cai và Hà Tĩnh. Dự kiến đến hết năm nay, số tỉnh công bố kế hoạch hành động REED+ sẽ lên đến 16 tỉnh.


Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, để xây dựng Báo cáo R-Package, các chuyên gia của Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” đã phối hợp với Văn phòng REDD+ Việt Nam, các cơ quan, đơn vị liên quan ở trung ương và địa phương thu thập tài liệu để tổng hợp và phân tích thông tin. Từ cuối tháng 12-2015 đến nay, Dự án đã lựa chọn một số tỉnh thực hiện REDD+ theo từng vùng trên cả nước thực hiện tham vấn cộng đồng người dân địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số để đánh giá mức độ sẵn sàng thực hiện REDD+, như Bắc Kạn (đại diện cho khu vực Đông Bắc Bộ), Lâm Đồng (khu vực Tây Nguyên), Quảng Bình (khu vực Bắc Trung Bộ), Cà Mau (khu vực Tây Nam Bộ). Bên cạnh đó, dự án cũng tổ chức tham vấn các chuyên gia kỹ thuật về REDD+ thuộc mạng lưới REDD+ Việt Nam, các tiểu nhóm kỹ thuật, các chương trình về REDD+, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế; các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về REDD+, các cơ quan, ban, ngành liên quan…

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh, việc xây dựng Báo cáo R-Package có ý nghĩa quan trọng, bởi báo cáo này đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn sẵn sàng, để chuyển sang giai đoạn thực hiện REDD+. Báo cáo R-Package là một trong những điều kiện để các nước thành viên của FCPF xem xét, lựa chọn các nước được hay không được tham gia vào Quỹ Các-bon, tiến tới thực hiện REDD+ và chi trả dựa vào kết quả. Việc xây dựng Báo cáo R-Package là cơ hội để các nước thể hiện cam kết thực hiện REDD+, thể hiện sự minh bạch trong quá trình chuẩn bị sẵn sàng cho REDD+, bảo đảm với các bên liên quan trong nước và quốc tế là những rủi ro về mặt môi trường và xã hội đã và đang được giải quyết. Báo cáo R-Package cũng là cơ hội để các nước có được sự thừa nhận của quốc tế đối với những hoạt động REDD+ ban đầu, qua đó nhận được phản hồi và hướng dẫn kỹ thuật, thu hút thêm những nguồn tài chính quốc tế mới trong các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn trong quá trình Việt Nam sẵn sàng thực hiện REED+ ở Việt Nam khi hệ thống tổ chức REED+ ở địa phương chưa được hoàn thiện; chưa xây dựng được khung pháp lý liên quan đến quản lý kỹ thuật của REED+; chưa xây dựng được cơ chế điều phối và giám sát kỹ thuật cho cấp tỉnh, huyện và cộng đồng; chưa đề xuất được chương trình nâng cao năng lực giám sát các khía cạnh phi các-bon của REED+…

Mặc dù vậy, theo các đại biểu, về cơ bản Việt Nam đã đạt được những yêu cầu cần thiết trong giai đoạn chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+. Dự kiến, Việt Nam sẽ gửi báo cáo R-Package tới Quỹ đối tác Các-bon trong lâm nghiệp vào tháng 7-2016 và thuyết trình bảo vệ báo cáo tại cuộc họp các nước thành viên lần thứ 22 của FCPF vào tháng 9-2016.

Để thực hiện REDD+ thành công, Việt Nam cần tiếp cận REDD+ theo từng giai đoạn gồm giai đoạn sẵn sàng; giai đoạn thí điểm/thực thi; giai đoạn chi trả dựa trên kết quả. Hiện nay, Việt Nam đang ở cuối giai đoạn thí điểm/thực thi. Tính đến hết năm 2015, Việt Nam đã có 44 dự án liên quan đến REDD+ đã và đang được triển khai, với tổng số vốn cam kết hơn 84 triệu USD. Hầu hết các dự án đều có mục tiêu hỗ trợ việc chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam.

Hội thảo có sự tham dự của các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về REDD+, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Thế giới, đại sứ quán Na Uy, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các tỉnh tham gia thực hiện REDD+ và các chương trình, dự án về REDD+ ở Việt Nam./.