105 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước
TCCSĐT - Đã 105 năm trôi qua kể từ ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05-6-1911 - 05-6-2016). Với con đường giải phóng dân tộc mà Người đã lựa chọn sau bao năm bôn ba ở nước ngoài trên khắp các châu lục, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Lựa chọn hướng đi
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp và phong kiến tay sai, phong trào yêu nước ở Việt Nam đã nổ ra khắp nơi với nhiều xu hướng khác nhau. Đó là các cuộc khởi nghĩa chống Pháp dưới ngọn cờ Cần Vương; các cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế dưới sự lãnh đạo của Hoàng Hoa Thám kéo dài hơn 30 năm; phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục... do các sĩ phu yêu nước chịu ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh lãnh đạo. Mặc dù diễn ra mạnh mẽ ở khắp nơi nhưng tất cả các phong trào đó đều thất bại vì thiếu một con đường và phương pháp đấu tranh đúng đắn, phù hợp với tình hình trong nước và bối cảnh quốc tế lúc bấy giờ.
Như vậy, cho đến cuối thế kỷ XIX, phong trào đấu tranh cứu nước, giải phóng dân tộc ở Việt Nam đứng trước một cuộc khủng hoảng, bế tắc cả về lý luận, đường lối và phương thức đấu tranh. Làm thế nào để đánh đuổi được thực dân xâm lược, giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào? Câu hỏi đó tiếp tục được đặt ra và là trách nhiệm nặng nề của các thế hệ người Việt Nam yêu nước.
Sự thất bại của các con đường giải phóng đó còn đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết như: đi theo con đường nào, do lực lượng nào lãnh đạo để đưa công cuộc giải phóng đi đến thắng lợi? Trên tinh thần đó, từ những bài học lịch sử của các bậc tiền bối và qua khảo nghiệm trong thực tiễn, Nguyễn Tất Thành thấy rằng phải tìm con đường khác, con đường mới; phải đi ra nước ngoài nhưng theo một hướng khác. Đó là kết luận rất quan trọng của người thanh niên Nguyễn Tất Thành trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ. Xuất phát từ lòng yêu nước mãnh liệt, với một cách suy nghĩ táo bạo, một trí tuệ sắc sảo, Người đã quyết định đi tìm con đường giải phóng dân tộc theo hướng hoàn toàn mới.
Với hai bàn tay trắng, ngày 05-6-1911, trên con tàu “Đô đốc Latouche Tréville”, từ bến cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã lên đường sang Pháp. Đó là một sự lựa chọn lịch sử, mở đầu cho quá trình đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành.
Vì sao lại là Pháp?
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học, một địa phương có truyền thống yêu nước, từ lúc tuổi còn nhỏ, Người sớm được tiếp cận với các tư tưởng lớn của phương Đông, hấp thụ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, Hán học và bước đầu tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Chứng kiến cảnh khổ cực của người dân mất nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của cha anh, Người càng yêu nước, thương dân sâu sắc và hun đúc những hoài bão lớn lao. Vốn có tư chất thông minh, tinh thần ham học hỏi, khả năng tư duy độc lập, tính ham hiểu biết và nhạy bén với cái mới, Người bị lôi cuốn bởi khẩu hiệu “Tự do”, “Bình đẳng”, “Bác ái” và mong muốn tìm hiểu “cái gì ẩn giấu sau” những từ đẹp đẽ đó ở chính quốc. Những tư tưởng tiến bộ của cuộc cách mạng Pháp năm 1789, thành tựu văn minh, tiến bộ của nhân loại ở Pháp và các nước châu Âu khác đã thúc đẩy Người muốn đến tận nơi tìm hiểu. Đó chính là những lý do để Nguyễn Tất Thành quyết định chọn nước Pháp, chọn châu Âu làm điểm đến đầu tiên trong cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước của mình. Năm 1923, tại Mát-xcơ-va, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Tạp chí “Ngọn lửa nhỏ”, Người nói: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy” (1). Một lần khác trả lời một nhà văn Mỹ, Người nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi” (2).
Đầu thế kỷ XX, Sài Gòn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của cả Nam Kỳ. Đây cũng là nơi thể hiện rõ nét sự đối lập giữa thân phận của người dân mất nước với chính quyền thực dân, giữa khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” với chính sách bóc lột và thống trị tàn bạo mà chính quyền thực dân đang tiến hành. Trong hành trình từ Bắc đến Nam, Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến thực tế đó và càng nung nấu quyết tâm tìm hiểu rõ sự thực ở nơi đã đề cao các giá trị cao đẹp “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Sài Gòn là điểm dừng chân cuối cùng và cũng là điểm khởi đầu cho một hành trình mới của người thanh niên Nguyễn Tất Thành - hành trình tìm đường giải phóng dân tộc của Người.
Sau bao năm bôn ba ở nước ngoài, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc, Người đã trở về lãnh đạo nhân dân Việt Nam đứng lên tiến hành thành công Cách mạng Tháng Tám, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới.
Đi theo con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ Sài Gòn, Người đã ra đi “tìm hình của nước” và để 64 năm sau, chính nơi đây chứng kiến thắng lợi lịch sử của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bằng Đại thắng Mùa xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối.
Chiến công đó “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc” (3).
Tròn 105 năm trôi qua kể từ ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, nhưng ý nghĩa to lớn của sự kiện ấy vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự sâu sắc.
Thứ nhất, ngày 05-6-1911 không chỉ là thời điểm đánh dấu sự khởi đầu của quá trình tìm đường cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành mà còn là sự kiện quan trọng trong tiến trình cách mạng nước ta. Trong quá trình đó, trên cơ sở tiếp nhận những giá trị văn hóa, văn minh nhân loại và nắm bắt được xu thế phát triển trong thời đại mới, thông qua con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn, Việt Nam đã kết hợp thành công sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đem đến những thắng lợi vĩ đại cho cách mạng Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua.
Thứ hai, với thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhân dân Việt Nam còn góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại, vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới, làm cho thế kỷ XX trở thành thế kỷ phi thực dân hóa, thúc đẩy lịch sử loài người tiến lên theo hướng tiến bộ. Bởi vậy, kiên trì con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn không chỉ giữ vững mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc và cho mỗi người dân Việt Nam, mà còn là giữ vững các nhân tố bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng nước ta để đất nước tiếp tục tiến bước mạnh mẽ, nhằm hoàn thiện những mục tiêu vì dân tộc, vì con người Việt Nam.
Thứ ba, trên thực tế, sự hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng là tiếp tục quá trình dân tộc đi ra thế giới trong điều kiện lịch sử mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh để thâu nhận các giá trị văn hóa, văn minh nhân loại, nắm bắt xu thế phát triển của loài người để vận dụng vào điều kiện cụ thể hiện nay ở nước ta trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra các điều kiện để thực hiện ngày một hoàn chỉnh hơn các nội dung của tiêu chí độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc và con người Việt Nam.
Với những ý nghĩa đó, với các thế hệ người Việt Nam, dù thời gian đã lùi xa hơn một thế kỷ, nhưng sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước 105 năm trước đây vẫn mãi là tấm gương sáng ngời tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng, sẵn sàng hiến dâng cuộc đời mình cho đất nước, cho nhân dân. Đó còn là bài học về nghĩa vụ, trách nhiệm với quê hương đất nước, tinh thần học tập sáng tạo, độc lập tự chủ, tận trung với nước, tận hiếu với dân đối với các thế hệ thanh niên Việt Nam, đối với mỗi người dân Việt Nam./.
---------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 1, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 461
(2) Báo Nhân dân, số 4062, ngày 18-5-1965
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t. 37, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 471
Sự kiện trong nước nổi bật trong tuần (từ ngày 20-6 đến ngày 26-6-2016)  (29/06/2016)
Vĩnh Phúc bầu chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh  (28/06/2016)
Vĩnh Phúc bầu chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh  (28/06/2016)
Ủy ban Quốc gia APEC 2017 họp Phiên toàn thể lần thứ năm  (28/06/2016)
Thủ tướng yêu cầu lực lượng công an thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm  (28/06/2016)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay